Trong phiếu lý lịch có ghi án tích không?

1

 Sở Tư pháp trả lời như sau:

a. Về nội dung hỏi thời gian bao lâu thì được xóa án tích? Tại Điều 70, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

Người bị kết án (trừ về các tội quy định tại tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này) đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

– 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

– 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

– 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

– 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

b. Về nội dung hỏi trong phiếu lý lịch tư pháp có ghi án tích hay không và muốn xin phiếu lý lịch tư pháp không ghi án tích thì có được không?

Theo quy định của Điều 41, Điều 42, Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì Phiếu Lý lịch tư pháp có 02 loại phiếu: Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu Lý lịch tư pháp số 2. Cụ thể:

– Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 gồm các nội dung:

+ Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

 + Tình trạng án tích: Chỉ ghi “không có án tích” (đối với những người không bị kết án hoặc đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích, được đặc xá) hoặc ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung (đối với những người đã bị kết án và chưa đủ điều kiện xóa án tích).

+ Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã: thường không yêu cầu xác nhận.

– Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 gồm các nội dung:

+ Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

+ Tình trạng án tích: Ghi “không có án tích” đối với những người không bị kết án; đối với những người đã bị kết án mà đã đủ điều kiện xóa án tích thì phải ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích.

Ghi “có án tích” đối với những người đã bị kết án mà chưa đủ điều kiện xóa án tích và ghi đầy đủ án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.

+ Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, ông có thể đối chiếu với các quy định trên để xem mình có đầy đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích hay chưa? Nếu ông có đầy đủ các điều kiện để được xóa án tích, ông có thể nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1, nội dung của phiếu lý lịch này sẽ chỉ ghi “Không có án tích” (không ghi án tích đã được xóa).