Trồng loài cây bổ thận tráng dương ba kích tím

Ba kích là loại cây dây leo thường mọc ở ven rừng, các bãi hoang có cây bụi. Tuy là loại cây ưa bóng mát và những nơi ẩm thấp nhưng cành lá lại luôn leo lên cao, vươn tới chỗ nhiều sáng nên thường được trồng xen canh dưới tán cây rừng.

Trồng loài cây bổ thận tráng dương ba kích tím, bán giá 200.000 đồng/kg, càng để lâu càng đắt giá - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng ba kích tím của gia đình ông Nguyễn Văn Chỉnh, ở tổ dân phố Vinh Quang 2, phường Châu Sơn (T.P Sông Công).

Thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc, giai đoạn 2018-2020”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện trồng cây ba kích tím dưới tán rừng keo trên địa bàn xã Nghinh Tường (Võ Nhai) và phường Châu Sơn (T.P Sông Công) với tổng diện tích 10ha. 

Đối với T.P Sông Công, có 18 hộ dân ở xóm Vinh Quang 2, phường Châu Sơn tham gia, diện tích là 5ha. 

Các hộ dân được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ba kích tím… Qua đánh giá, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ sống của cây đạt trên 90%; cây sinh trưởng và phát triển tốt…

Trung bình 1ha ba kích (khoảng 4.000 cây), người trồng sẽ thu được 6 tấn củ ba kích tươi. Với giá bán ba kích hiện nay dao động từ 100.000-200.000 đồng/kg, bà con sẽ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha.

Theo Trung tâm Khuyến nông, ba kích tím là loại cây dược liệu dễ trồng trên các chất đất, chịu hạn tốt… Để càng lâu thì chất lượng sản phẩm dược liệu của củ ba kích tím càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán cũng cao hơn. Vì vậy, người dân mong muốn mô hình được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Trồng loài cây bổ thận tráng dương ba kích tím, bán giá 200.000 đồng/kg, càng để lâu càng đắt giá - Ảnh 3.

Ba kích là loại cây ưa bóng mát và những nơi ẩm thấp nhưng cành lá lại luôn leo lên cao, vươn tới chỗ nhiều sáng nên thường được trồng xen canh dưới tán cây rừng. Ảnh: Hà Thanh

Anh Nguyễn Văn Chỉnh, ở xóm Vinh Quang 2, phường Châu Sơn cho biết, trước đây trên diện tích đất rừng của gia đình anh, chỉ trồng duy nhất cây keo. Cuối năm 2017, sau khi được tham gia lớp tập huấn trồng dược liệu dưới tán rừng, anh Chính đã đưa vào trồng thử nghiệm cây ba kích tím dưới tán rừng.

Trước khi đến với mô hình trồng cây ba kích tím này, anh Chỉnh đã trải qua nhiều nghề như nuôi lợn rừng, nhưng do nhiều yếu tố không thể đáp ứng được nên anh đã từ bỏ. Từ cuối tháng 4/2019, nhờ sự hỗ trợ và tư vấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, anh đã bắt tay làm mô hình trồng cây ba kích này.

Ở xóm Vinh Quang 2, gia đình anh Chỉnh là hộ trồng nhiều ba kích nhất với diện tích 1,5ha (mật độ trung bình khoảng 8.000 – 10.000 cây/ha) trong tổng số 18 hộ tham gia mô hình này (tổng diện tích 5ha). Điểm khác biệt so với nhiều hộ gia đình trồng ba kích, anh Chỉnh đã mạnh dạn đưa cây ba kích lên đồi đá cằn cỗi để trồng mà vẫn mang lại hiệu quả.

“Ba kích tím tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần chú ý là khâu làm cỏ và bón phân khi cây còn nhỏ. Vì ở giai đoạn này, cỏ cần phải làm sạch và cây ba kích tím đủ dinh dưỡng để có thể leo lên cao. Ngoài ra, cần chú ý tưới nước cho cây ba kích vào mùa khô và kiểm tra thường xuyên để diệt trừ kịp thời sâu cắn ngọn và lá non” – anh Chính cho biết.

Trồng loài cây bổ thận tráng dương ba kích tím, bán giá 200.000 đồng/kg, càng để lâu càng đắt giá - Ảnh 4.

Trung bình mỗi gốc ba kích khi thu hoạch sẽ cho từ 3 – 5kg củ tươi với giá bán dao động khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay, diện tích ba kích tím của gia đình anh Chính trồng đã được 3 năm. Mới đây, qua kiểm tra thử, ba kích đạt trọng lượng trung bình 1,5 kg/củ. Nếu tính trên toàn bộ khoảng 4.000 cây trồng trên diện tích 1ha thì sản lượng đã đạt 6 tấn củ tươi. Với giá bán từ 180.000 – 200.000 đồng/kg thì gia đình anh Chính đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Thời gian thu hoạch thông thường của cây ba kích là từ 3 – 5 năm. Tuy nhiên, thời gian để thu hoạch tốt nhất là trong khoảng từ 5 – 7 năm vì thời điểm này củ ba kích mới đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do ba kích để càng lâu năm thì sản lượng, chất lượng dược liệu càng tốt, bán giá đắt hơn nên gia đình anh Chính vẫn tiếp tục chăm sóc cây ba kích tím, sau 2 năm nữa mới tiến hành khai thác.

Anh Chỉnh chia sẻ: Ba kích có đặc tính là loại cây trồng tương đối dễ trồng, chăm sóc, tốn ít công và hầu như không có sâu bệnh nhưng giá trị kinh tế mang lại thì cao hơn rất nhiều so với những loại cây trồng khác như keo, bạch đàn… Chỉ khi thời tiết khô hạn kéo dài mới cần phải tưới nước cho cây chứ thông thường hầu như không cần tưới. 

Được biết, tổng kinh phí thực hiện mô hình trồng ba kích tím tại phường Châu Sơn là gần 430 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước là 219 triệu đồng, còn lại do nhân dân đối ứng. 

Tham gia mô hình, bà con được tập huấn từ khâu chuẩn bị đất trồng, lựa chọn cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, kỹ thuật khai thác và sơ chế, bảo quản sản phẩm sau khai thác. Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện cho thấy, phương thức trồng dưới tán rừng khá phù hợp với cây ba kích, tỷ lệ sống trung bình đạt trên 85%. 

Đặc biệt là với mô hình trồng ba kích tím dưới tán rừng, người dân có lợi đơn lợi kép. Bước đầu đánh giá, đây là mô hình có nhiều triển vọng, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xoá đói giảm nghèo và tăng thu nhập. Bởi thực tế 1ha trồng keo chỉ thu được khoảng 60 – 80 triệu, nhưng 1ha ba kích tím có thể thu nhập gấp 2 – 3 lần. 

Từ hiệu quả kinh tế của việc trồng ba kích tím dưới tán rừng, nhiều bà con ở các địa bàn khác ở Thái Nguyên cũng học hỏi và nhân rộng. 

Theo Đông y, củ ba kích tím có nhiều tác dụng như: Bổ thận, tráng dương, trị các bệnh đau khớp, đau lưng, tốt cho người già mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ… Người ta thường mua củ ba kích tím về ngâm rượu uống. Do là vị thuốc quý nên những năm gần đây thị trường của cây ba kích tím có nhiều tiềm năng phát triển.