Trồng cây nhàu, nhiều nơi hết hot, nhưng ở đây cây vẫn “đẻ” ra tiền
Trồng cây ra quả dược liệu
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hoàng Ngọc Đuyên, xóm 2, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tâm sự: “ Năm 2006, tôi bị chuẩn đoán ung thư dạ dày, nằm tại bệnh viện 108, phải cắt 1/4 dạ dày. Nhờ biết đến công dụng của quả nhàu, tôi đã mua về và sử dụng…”.
Ông Hồ Trọng Nga – Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Châu, Diễn Châu đi kiểm tra sự phát triển cây nhàu ở địa phương. Ảnh: NVCC
Theo ông Đuyên, dùng quả nhàu sức khỏe của ông dần tiến triển rất tốt. Quả nhàu hỗ trợ theo cơ địa của từng người, hạn chế sự phát triển của các tế bào ác tính, nhờ đó mà ông duy trì được sức khỏe như ngày hôm nay…
“Biết được công dụng và chức năng của quả nhàu, tôi và gia đình đã mua cây nhàu giống trồng thử nghiệm 500 cây trong vườn nhà. Khi cây nhàu ra quả, tôi vừa có quả để sử dụng vừa bán để kiếm lời…”, ông Đuyên kể.
Lúc đầu, nhiều hộ gia đình xung quanh không biết quả nhàu là quả gì, nhưng thấy gia đình ông Đuyên trồng và bán có lãi, dần dần bà con tìm hiểu và trồng theo.
Đến nay trong xóm 2, xã Diễn Mỹ có nhiều hộ gia đình trồng cây nhàu rất nhiều. Đây là hướng làm kinh tế mới cho nhiều gia đình ở xóm.
“Giá quả nhàu ở tỉnh Nghệ An cũng ổn định, năm nay giá dao động từ 20.000 đến 30.000 ngàn đồng/kg. Vườn nhà tôi lúc các cây nhàu sai quả cũng thu hoạch được gần 10 tấn. Vừa sử dụng vừa bán ra quả nhàu, gia đình tôi cũng có của ăn của để kể từ khi trồng nhàu…”, ông Đuyên cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết.
Ông Hoàng Ngọc Đuyên, xóm 2, xóm Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang uống nước trái nhàu ngâm để chữa bệnh dạ dày. Ảnh: Cảnh Thắng
Cũng giống như gia đình ông Đuyên, gia đình chị Chu Thị Lý, trú tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng đã trồng cây nhàu từ hơn 6 năm nay. Cũng nhờ biết cách trồng, chăm sóc nên cây nhàu nên quả nhàu của gia đình chị được người dân địa phương rất ưa chuông.
Chị Lý cho biết: “Khi biết tôi thu hoạch quả nhàu để bán, nhiều người ở trong làng đặt hàng tôi trước từ đó, thu hoạch đến đâu người dân lấy đến đó, không phải mất công đi chợ bán. Thậm chí có nhiều người mua trái nhàu với số lượng lớn để làm quà biếu…Giá quả nhàu cũng rẻ, từ 25.000 đến 30.000 đồng/ kg tùy loại…”
Chị Chu Thị Lý đang rửa sạch nhảu bán cho người dân. Ảnh: Cảnh Thắng
“Khách hàng của tôi chủ yến là mua quả nhàu để về ngâm rượu uống. Có một số người thì ngâm đường để uống giải khát. Nhiều lúc cây nhàu chưa ra quả đã có nhiều người đến đặt hàng rồi…” chị Lý cho biết thêm.
Cây nhàu tiềm năng nhưng không nên trồng ồ ạt
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hồ Trọng Nga – Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Châu, huyện Diễn Châu cho hay: “Hiện nay nhiều hộ nông dân trong xã đã trồng cây nhàu để làm giàu. Hộ trồng ít nhất là 20 cây nhiều nhất 500 cây. Cây nhàu trồng ở địa phương được giá nên thời gian tới nhiều gia đình có ý định mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, Hội Nông dân cũng đã phổ biển, tuyên truyền cho bà con nên tham khảo thị trường, tính toán kỹ nếu không cung vượt cầu thì rất khổ cho bà con… ”.
Quả nhàu tên tiếng Anh gọi là Noni, có tên khoa học là Morinda Citrifolia L, (thuộc họ cà phê). Chúng là loài cây mọc hoang dã ở nhiều nơi trên đất nước ta, đặc biệt là có hầu hết ở các tỉnh miền Nam, và một số tỉnh miền Trung. Nhiều năm trở lại đây, cây nhàu được người dân biết đến rộng rãi, nhờ nhiều công dụng với sức khỏe.
Được biết, hiện nay cây nhàu được trồng tải rác ở một số huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu,Yên Thành…của tỉnh Nghệ An. Một số hộ trồng vài cây, vài chục cây, nhiều hộ trồng từ 100 đến 500 cây mục đích lấy quả nhàu phục vụ cho gia đình, như ngâm đường, ngâm rượu. Có nhiều hộ trồng nhiều thì bán ra thị trường. Giá cây giống bán trên thị trường Nghệ An hiện nay 30.000 đồng/cây, quả từ 25.000 đến 30.000 đồng /kg…
Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết: “Cây nhàu rất dễ trồng, trồng rất dễ sống, thích hợp với khí hậu nóng ẩm, phù hợp với kinh tế vườn đồi như ở Nghệ An. Quả nhàu có hàm lượng dinh dưỡng cao, có nhiều công dụng nên rất được người dân ưa chuộng. Nhàu có rất nhiều cách chế biến, tuy nhiên khi chín nó sẽ mềm (nhàu), nên cần có cách chế biến hàng hóa kịp thời, chuyên nghiệp, để đảm bảo chất lượng, đồng thời tạo thương hiệu riêng, có truy xuất nguồn gốc để phát triển lâu dài,…”.
“Nếu xây dựng và phát triển sản phẩm này, sẽ tạo được một sản phẩm có giá trị, có thể tiêu thụ ngay tại thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh, Tuy nhiên để tạo được thương hiệu cho sản phẩm, người nông dân phải đưa ra một kế hoạch bài bản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, từ khâu trồng trọt đến chế biến sản phẩm, tạo nên một thương hiệu mới mong phát triển được bền vững…” ông Thắng cho biết thêm.
Nhàu là cây thân gỗ nhỏ, mọc đứng, cành non màu xanh, tiết diện vuông, có rãnh, nhẵn, cành già tiết diện tròn, màu nâu xám, cao khoảng 4-8 m.Trồng rất dễ sống, thích hợp với khi hậu nóng ẩm như ở Nghệ An, đất cao ráo, nhất là vùng đồng bằng và vùng trung du miền núi, nếu ứng dụng Khoa học kỷ thuật tốt vào chăm sóc, từ năm thứ 3 trở đi, cây có thể bắt đầu cho quả và cho thu hoạch, hoa của nó màu trắng, nở quanh năm, nhưng chính vụ thường giao động từ tháng 3 đến tháng 5 trong năm, khi cây trưởng thành, bình quân mỗi cây có thể cho 25 kg quả tươi.