Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật?
Pháp luật khiếu nại quy định việc giải quyết khiếu nại sẽ gồm có giải quyết khiếu lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai. Bài viết sau đây sẽ làm rõ quy định pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai:
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Luật sư tư vấn:
Mục Lục
1. Giải quyết khiếu nại là gì?
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Luật khiếu nại năm 2011).
Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu
2.1. Thụ lý giải quyết khiếu nại được quy định như thế nào?
Điều 27 Luật khiếu nại quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Về thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu được hướng dẫn tại Điều 16 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.
2.2. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu được quy định như thế nào?
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Thời hạn này được quy định tại Điều 28 Luật khiếu nại năm 2011.
2.3. Xác minh nội dung khiếu nại lần đầu
Trong thời hạn quy định tại Điều 28 của Luật Khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm sau đây:
– Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
– Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời thông qua các hình thức sau đây:
– Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại;
– Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp;
– Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Người có trách nhiệm xác minh có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
– Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ về nội dung khiếu nại;
– Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tô chức, cá nhân có liên quan giải trình băng văn bản vê nội dung liên quan khiếu nại;
– Triệu tập người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
– Trưng cầu giám định;
– Tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh khác theo quy định của pháp luật;
– Báo cáo kết quả xác minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác minh.
Báo cáo kết quả xác minh gồm các nội dung sau đây:
– Đối tượng xác minh;
– Thời gian tiến hành xác minh;
– Người tiến hành xác minh;
– Nội dung xác minh;
– Kết quả xác minh;
– Kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại.
2.4. Tổ chức đối thoại được quy định như thế nào?
Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại. Do đó:
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
2.5. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu được quy định như thế nào?
Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu:
Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:
– Ngày, tháng, năm ra quyết định;
– Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;
– Nội dung khiếu nại;
– Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
– Kết quả đối thoại (nếu có);
– Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
– Kết luận nội dung khiếu nại;
– Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;
– Việc bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có);
– Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyêt khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
2.6. Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính được quy định như thế nào?
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lân đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
2.7. Áp dụng biện pháp khẩn cấp được quy định như thề nào?
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và những người có trách nhiệm thi hành khác. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó.
3. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai
3.1. Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai được quy định như thế nào?
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.
3.2. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai được quy định như thế nào?
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
3.3. Xác minh nội dung khiếu nại lần hai đưực quy định như thế nào?
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại. Việc xác minh thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 29 của Luật Khiếu nại.
3.4. Tổ chức đối thoại lần hai được quy định như thế nào?
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Khiếu nại.
3.5. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được quy định như the nào?
Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai:
Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:
– Ngày, tháng, năm ra quyết định;
– Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
– Nội dung khiếu nại;
– Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu;
– Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
– Kết quả đối thoại;
– Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
– Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính;
– Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có);
– Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại:
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
Người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai sau đây:
– Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác;
– Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại;
– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
3.6. Khởi kiện vụ án hành chính được quy định như thế nào?
Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 37 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.