Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống mà em quan tâm

Dưới đây chúng tôi sẽ trao đổi về cách trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống mà bạn quan tâm.

1. Cách viết bài trình bày về một hiện tượng trong đời sống.

Thể loại trình bày về một hiện tượng trong đời sống là một dạng của nghị luận xã hội. Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen hay đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ. 

Yêu cầu chung của bài văn nghị luận về một hiện tượng trong đời sống là phải nêu được sự việc, hiện tượng có vấn đề. Phân tích mặt đúng, mặt sai, nguyên nhân và bày tỏ thái độ của người viết. Hình thức phải cũng như bố cục mạch lạc, rõ ràng, luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, lập luận phù hợp. 

Một bài nghị luận xã hội sẽ bao gồm ba phần chính đó là mở bài, thân bài và kết bài.

  • Mở bài: Giới thiệu về hiện tượng đời sống mà em quan tâm.
  • Thân bài:

Nêu ý kiến rõ ràng về hiện tượng đời sống: Mức độ hiểu biết của em về hiện tượng đời sống.  Đồng tình hay không đồng tình với hiện tượng đời sống đó?

Giải thích vì sao em lại có ý kiến như vậy: Lý lo của em về hiện tượng đời sống. Bằng chứng, dẫn chứng cho lý lẽ của em về hiện tượng đó.

  • Kết bài: Khẳng định lại ý kiến, quan điểm của em về hiện tượng đời sống và đề xuất những giải pháp.

Các bước khi viết bài nghị luận về một hiện tượng trong đời sống như sau:

Bước 1: Lựa chọn đề tài.

Đề tài có thể được ấn định trong đề kiểm tra, đề thi hoặc do người viết lựa chọn. Nếu được tự chọn đề tài, hãy suy nghĩ xem trong cuộc sống hàng ngày, có hiện tượng nào khiến mình quan tâm và muốn trình bày ý kiến. Thường các vấn đề hiện tượng trong đời sống là những chủ đề mà xã hội quan tâm như ô nhiễm môi trường, tham nhũng tiêu cực, các tấm gương người tốt việc tốt, …

Bước 2: Tìm ý.

Có thể triển khai các ý như sau (Cần hiểu như thế nào về hiện tượng đời sống này? Những khía cạnh cần bàn bạc, bài học rút ra từ vấn đề bàn luận.)

Bước 3: Lập dàn ý.

Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý và viết nó theo các phần mở bài, thân bài, kết bài.

Bước 4: Viết bài.

Bám sát dàn ý để viết bài. Khi viết cần chú ý có thể mở bài trực tiếp là nêu thẳng hiện tượng  hoặc mở bài gián tiếp bằng cách kể một câu chuyện ngắn để giới thiệu hiện tượng. Nhưng lưu ý mỗi ý trong bài phải trình bày thành một đoạn văn, có lý lẽ và bằng chứng cụ thể.

Bước 5: Chỉnh sửa bài viết.

Đọc lại bài viết, rà soát từng phần, từng đoạn để chỉnh sửa theo dàn ý và nội dung mà mình đã định viết.

 

2. Trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống mà em quan tâm.

Dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp mẫu nghị luận về đề tài: Sự suy thoái đạo đức, lối sống của một số bộ phận Đảng viên trong xã hội hiện nay.

   Qua 20 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Việc thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân có tiến bộ. Đa số cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu năng động, sáng tạo trong công tác, rèn luyện phẩm chất, năng lực, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới.

Trong đảng và trong xã hội ta hiện nay xuất hiện tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống. Đó là nguy cơ lớn liên quan tới sự sống còn của Đảng của chế độ. Sự suy thoái về đạo đức,lối sống được biểu hiện ở các dạng chủ yếu sau đây:

Thứ nhất là chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ, vụ lợi, buông thả hưởng thụ, thiếu lý tưởng, thiếu ý chí phấn đấu xuất hiện trong tất cả các tầng lớp xã hội. Thứ hai là tệ tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công, lãng phí diễn ra ở nhiều ngành nhiều lĩnh vực đang trở thành “quốc nạn” gây bức xúc cho nhân dân. Thứ ba là hành động cơ hội “chạy chọt” vì lợi ích cá nhân khá phổ biến Thứ tư là lời nói không đi đôi với việc làm, nói và làm trái với nghị quyết của Đảng, nói nhiều làm ít; phát ngôn tùy tiện, vô nguyên tắc. Thứ năm là tệ quan liêu, xa dân, lãnh đạo vô cảm trước những khó khăn bức xúc và yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Thứ sáu là tình trạng suy thoái về đạo đức trong quan hệ gia đình với quan hệ giữa cá nhân và xã hội, như gia trưởng vũ phu bất hiếu. Thứ bảy là đạo đức nghề nghiệp sa sút ngay cả trong lĩnh vực được xã hội tôn vinh, hiện tượng mê tín dị đoan có chiều hướng lan rộng ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục và trật tự an toàn xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Về khách quan trước hết do tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường đặc biệt là khả năng kích thích lối sống thực dụng của cơ chế này. Sự tác động của đạo đức, lối sống tư sản hưởng thụ phương tây vào nước ta trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và bùng nổ mạng thông tin toàn cầu, các thế lực thù địch phản động đã chủ động khuyến khích lối sống ích kỷ, hưởng thụ, thực dụng trong cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo và gia đình họ coi đó là một trong những biện pháp thực hiện “diễn biến hòa bình”. Về nguyên nhân chủ quan do chúng ta chưa nhận thực đầy đủ sâu sắc vai trò nền tảng của đạo đức trong ổn định, phát triển xã hội và tác động của cơ chế kinh tế thị trường tới đạo đức xã hội trên thực tế chúng ta chưa coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống; thiếu sự tổ chức, phối hợp của các ngành các cấp. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên và gia đình chưa nêu gương về đạo đức và lối sống. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống nêu trên đã có tác động lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Nó đang làm thay đổi lệch lạc những chuẩn mực thang bậc giá trị truyền thống giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng, có tác hại tới sự trường tồn của dân tộc và sự phát triển của đất nước, sự suy thoái về đạo đức của một số bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho nhân dân lo lắng, bất bình, ảnh hưởng xấu tới uy tín và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, đến việc tổ chức thực hiện đường lối chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước thực trạng đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cùng với các nguy cơ khác dẫn tới bất ổn định chính trị xã hội, liên quan đến “sự sống còn của đảng, của chế độ”.

 Sự cần thiết phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay đất nước đang trên đà đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên tất cả các mặt trận, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của người ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đóng vai trò chủ đạo trong suy nghĩ và hành động của các cấp lãnh đạo và toàn dân. Như chúng ta đã biết, lúc sinh thời Bác Hồ của chúng ta đã khẳng định: Đạo đức là gốc của cách mạng. Bác coi đạo đức của con người như gốc của cây, như nguồn của sông. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tích cực của đạo đức trong đời sống xã hội. Bởi vậy, học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tấm gương Bác Hồ trong giai đoạn hiện nay là điều rất cần thiết và quan trọng. 

Là một Đảng viên bản thân tôi nhận thức được rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là một trách nhiệm đối với bản thân để từng bước hoàn thiện mình. Trong cuộc sống đời tư cũng như trong công việc, bản thân luôn xác định rằng: “Việc gì có lợi dù nhỏ cũng làm, việc gì có hại dù nhỏ cũng tránh” và tuyệt đối tránh lãng phí cả về tiền bạc và thời gian, luôn phát huy ý thức bảo vệ của công, gần gũi, sâu sát với quần chúng nhân dân, lấy tiêu chuẩn người cán bộ cách mạng để làm mục tiêu phấn đấu. Những phẩm chất đạo đức cách mạng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải thường xuyên học tập và noi theo.

Xin chân thành cảm ơn!