Triết học không khó hiểu

Mềm hóa triết học

Yêu thương và khoan dung có liên quan như thế nào? Sau câu hỏi của Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thành Nam, các bạn trẻ đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau. Người thì nói đó đều là tình cảm mà chỉ con người mới có. Người thì cho rằng nhờ khoan dung mà ta sẽ nhận được yêu thương… Tiếp đó là những câu hỏi kích thích tư duy, như: “Sẽ ổn không khi bạn tước đoạt sự tự do của ai đó?”, “Bạn có thể và có nên ngừng suy nghĩ tự do không?”… đều được các em lý giải dưới góc độ nhẹ nhàng, khiến nhiều người ngỡ ngàng.


Bộ sách Triết học cho bạn trẻ của NXB Trẻ

Theo các chuyên gia, học triết học ở độ tuổi mới lớn là thích hợp nhất vì các em vẫn còn khả năng ngạc nhiên trước thế giới. Ở tuổi lên 4, hầu hết trẻ bắt đầu hay hỏi tại sao, như thế nào. Tại sao mọi thứ phải công bằng? Hòa bình là gì? Con đường sinh ra như thế nào? Tại sao chúng ta có trí óc?… Đó là khởi điểm của sự ham học hỏi. Chính những đứa trẻ không biết rằng chúng đang tham gia vào một cuộc đối thoại mà các triết gia đã thực hiện từ hàng nghìn năm nay. Theo nhà nghiên cứu Phạm Khiêm Ích, cần phá tan quan niệm triết học là môn khoa học khó tiếp cận, bằng cách biến những khái niệm triết học trở nên sinh động, dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi và đời thường hơn. Khuyến khích trẻ tự đi tìm những câu trả lời, như nhà triết học Plato đã nói: “Hãy tìm kiếm chân lý trong khi bạn còn trẻ, vì nếu bạn không tìm kiếm thì sau này nó sẽ vụt khỏi tầm tay của bạn”.

Cho đến nay, nguồn sách dạng này của các tác giả trong nước hầu như chưa có, nhưng gần đây được đầu tư dịch khá nhiều, như Alain nói về hạnh phúc (Émile Chartier), Biết ta đích thực là ai (Alan Watts), hai cuốn sách triết học phổ thông bán chạy nhất toàn cầu của Alain de Botton là Luận về yêu và Sự an ủi của triết học hay gần đây nhất là 2 cuốn nằm trong bộ sách nhập môn triết học gồm Tư duy như nhà thông thái và Tư duy như một triết gia của Sophie Boizard và Laurent Audouin. Trưởng Ban biên tập NXB Kim Đồng Hoàng Thanh Thủy chia sẻ: “Cách tiếp cận triết học giờ đây đã thay đổi. Thay vì sử dụng cách tiếp cận triết học cổ điển là giới thiệu chân dung các triết gia, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng… khó tiếp nhận, thì những bộ sách triết học dành cho trẻ em được chia nhỏ, phân tích, diễn giải bởi các nhà triết học đương đại. Nhờ đó triết học mềm mại hơn, thậm chí các em 4 – 5 tuổi cũng có thể tiếp cận những vấn đề lớn của triết học một cách dễ dàng”.

Phát triển nhân cách

 Tổ chức Anh Education Endowment Foundation (EEF) đã thực hiện một nghiên cứu với 3.000 học sinh lớp 4 và 5, trên 48 trường học ở Anh, trong đó học sinh được giảng dạy những vấn đề triết học như sự thật, công lý, kiến thức, tình bạn, sự công bằng… Phản hồi cho thấy, học sinh tư duy, nghe, nói và lập luận logic tốt hơn. Đồng thời, chương trình mang đến cho học sinh sự tự tin, kiên nhẫn và lòng tự trọng.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Khiêm Ích, học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay coi triết học như con “ngáo ộp” – vừa sợ vừa ghét. Nếu chúng ta hiểu triết học như vậy quả là lãng phí. Triết học là trường học của tự do, nơi dạy chúng ta trở thành con người biết suy nghĩ, tò mò, trăn trở và biết khám phá thế giới. Đồng thời, giúp cho con người khoan dung, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng tự do của mỗi người. TS. Trần Thị Hạnh, Trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội cho rằng: “Với một đứa trẻ, phạm trù khoan dung nếu được viện dẫn theo định nghĩa của triết học thì rất lâu mới hiểu được nhưng được lồng ghép bằng những câu chuyện cuộc sống thì dễ hiểu hơn rất nhiều”. TS. Trần Thị Hạnh lấy ví dụ, Mạnh Tử nói: Vũ trụ ở trong tâm ta, ta lấy tâm ta để soi ra; hay Khổng Tử có câu: Những việc không muốn thì đừng làm với người khác, nghe có vẻ rất khó, giảng dạy rất lâu học sinh mới hiểu, nhưng ở trang 33 của cuốn Tư duy như một nhà thông thái có câu chuyện “người ta chỉ thấy rác của người khác trong mắt mình mà không thấy rằng trong mình cũng có rác”. Qua cuộc đối thoại của cậu bé Léo và những người xung quanh, các em nhỏ sẽ lập tức hiểu được rằng chê người khác thì rất dễ, nhưng nhìn ra cái xấu của mình thì rất khó. Do đó, phải xem lại mình trước, soi mình trước rồi mới phê phán, chê người khác. Rõ ràng, thông qua đối thoại, hoạt cảnh giữa các nhân vật để làm nổi bật quan điểm của triết gia, các em nhỏ hiểu hơn về cuộc sống và sống tốt hơn trong tương lai.

Triết học, nói như Montaigne, theo luận giải của Botton, hướng con người đến niềm yêu thích sự thông thái chứ không chỉ dừng ở việc thu nhận kiến thức. Các triết gia đích thực là người yêu mến sự thông thái. TS. Trần Thị Hạnh thì cho rằng, chúng ta sinh ra không phải để biết nhiều đến độ nào mà là hiểu được thế giới đến nhường nào, từ đó tìm cho mình chân lý sống tốt đẹp. Vì vậy, khuyến khích trẻ em tư duy như một nhà thông thái không phải nhất định khiến đứa trẻ trở thành triết gia mà như sự định hướng giúp mỗi đứa trẻ tìm cho mình chân lý, phương châm sống đúng nghĩa.