Triển lãm ĐÓ LÀ Ở ĐÂU- ĐÓ LÀ Ở ĐÂY
“Có lẽ chính trong tự nhiên, trù phú và rậm rạp, là nơi tồn tại một tư tưởng cơ bản về âm nhạc bản địa Đông Nam Á. Vai trò của con người trước kho tàng nhiệt đới này không phải để phản kháng, mà là ở sự cộng sinh…”
Nhận xét trên được nhạc sĩ, nhà âm nhạc-dân tộc học José Maceda đưa ra qua một tiểu luận năm 1976 về những tương đồng và khác biệt quanh các hệ âm nhạc bản địa Đông Nam Á; về liên kết giữa tự nhiên và âm nhạc – tương tác giữa các đặc trưng địa lý, thực vật, động vật, môi trường, khí hậu, với các ý niệm, tinh thần, niềm tin, sự phát triển của công cụ vật chất, dòng dịch chuyển văn hóa xã hội.
Liên kết mà Maceda nhắc đến mang nghĩa như thế nào trong bối cảnh hôm nay, khi hệ quả của nỗ lực thâu tóm tự nhiên là sự tách biệt, hương xa hóa khái niệm “tự nhiên”? Thay vì vậy, liệu có một tự nhiên vốn bao trùm tất cả? Ở điểm giao cắt của nhiều dòng chảy không ngừng nghỉ, mỗi cá nhân có thể đóng vai trò gì?
Suy tưởng về những câu hỏi này, ĐÓ LÀ Ở ĐÂU – ĐÓ LÀ Ở ĐÂY [DLOD–DLOD] giới thiệu các tác phẩm của Đàn Đó và Nguyễn Đức Phương, nhóm nghệ sĩ liên ngành gắn thực hành của mình cùng cùng các yếu tố văn hóa bản địa.
Năm 2009, Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự gặp gỡ khi tham gia trong Làng Tôi . Ba năm sau, nối tiếp những lần xuất hiện ở châu Âu cùng vở diễn, họ về nước và quyết định đi xa hơn cùng nhau, Đàn Đó ra đời. Xưởng làm việc tự dựng ở Gia Lâm (ngoại ô Hà Nội) trở thành nơi họ tìm tòi, nghiên cứu và phát triển một bộ nhạc cụ – chủ yếu với tre, chất liệu thường gặp ở Đông Nam Á trong âm nhạc cũng như cuộc sống đời thường. Có thể kể đến chiếc đàn đó được dùng cho tên nhóm, làm từ thân tre, âm sắc sáng, trong, hình dáng giống đó đánh cá; trống chum: chiếc chum gốm thường dùng hứng nước, như một nhạc cụ bộ gõ tạo âm thanh trầm vang vọng; trống lợn: làm từ gốc tre, tiếng cộc, tinh nghịch; v..v.. Nhóm cũng đẩy tiếp các thử nghiệm về chuyển động và hình thể, kết hợp chặt chẽ cùng nhạc cụ tự chế, các nhạc cụ bản địa tại Việt Nam (từ Tây Bắc, Tây Nguyên, đến Nam Trung Bộ) thuộc khuôn khổ nhiều dàn dựng sân khấu đa dạng.
Trong giai đoạn này, Nguyễn Đức Phương trở thành thành viên thứ năm. Anh ghi lại hoạt động của nhóm qua tranh và ký họa, từ đó tìm ra bước ngoặt của thực hành nghệ thuật cá nhân khi bắt đầu chế trộn đất dùng làm bột màu, tìm tòi và thử các kỹ thuật về đường nét, sắc độ, bề mặt. Xuyên suốt quá trình sáng tạo này là sự truyền cảm hứng qua lại giữa nhạc và tranh.
Không nhằm miêu tả, ghi chép chính xác đời thực, tranh của Đức Phương biểu đạt tinh thần khoáng đạt, hồn nhiên, dí dỏm của Đàn Đó. Những cảnh hoạt mở ra, sinh động: lúc tìm tre, chế tác nhạc cụ, khi biểu diễn, cảnh sinh hoạt hàng ngày, khi nghỉ ngơi nhàn rỗi, lúc chơi đùa bếp núc. Động-tĩnh, cơ thể Người, cơ thể Cây và cơ thể Đất, cùng tồn tại trên nền không gian-thời gian không cụ thể. Đâu đó, đan xen các mẫu thị giác gợi nhắc về những văn hóa và nơi chốn không khu biệt, từ quá khứ và hiện tại, nhịp nhàng như một thể điệu duyên dáng – tượng nhà mồ và ‘headphones’, mõ và đạo cụ tung hứng – mở ra cảm giác song đôi sẽ xuất hiện nhiều trong tranh của Đức Phương sau này.
Từ năm 2015 là giai đoạn giao thoa của Đàn Đó: họ chuyển đến hoạt động ở Phù Sa Lab, cộng tác cùng nhiều nghệ sĩ chung hướng đi, phát triển các dự án âm nhạc–sân khấu dài hơi như Lời Của Tre hay Chém Gió. Năm 2017, nhóm tham gia trong chương trình SEASound do nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý khởi xướng, quy tụ nghệ nhân từ nhiều vùng miền Việt Nam và quốc tế, với tầm nhìn xây dựng một dàn nhạc các dân tộc bản địa Đông Nam Á. Cùng lúc, Nguyễn Đức Phương xuất hiện thường xuyên hơn trong cộng đồng nghệ thuật đương đại Việt Nam qua các triển lãm, kỳ lưu trú.
Bên cạnh các tác phẩm thị giác chưa từng trưng bày, qua các buổi trình diễn hàng tuần và các trò chuyện, workshop, DLOD–DLOD tiếp nối sự chia sẻ rộng mở các thành viên hướng đến những năm gần đây. Với Đàn Đó, đây là sự nhìn lại một chặng đường của tám năm miệt mài – ‘quãng đẹp nhất trong đời’, như các thành viên chia sẻ – nhưng suy xét ký ức không nhằm hoài niệm, mà để tiếp tục thêm nhiều hướng đi. Sự đi tìm ĐÓ, rất có thể, chính là từ ĐÂY.