Trẻ chậm mọc răng có sao không? Cách khắc phục thế nào?

Trẻ chậm mọc răng hơn so với thời gian trung bình khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Liệu tình trạng này có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và quá trình phát triển của các con không? Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là gì? Làm thế nào để khắc phục? Các câu trả lời sẽ được tổng hợp ở bài viết dưới đây. Cùng Nha khoa DAISY theo dõi ngay bạn nhé!

Quá trình mọc răng của trẻ ra sao?

Trước khi tìm hiểu chi tiết về tình trạng trẻ chậm mọc răng, bạn cần biết quá trình mọc răng thông thường của các con. Khoảng vào 6 tháng tuổi, chiếc răng sữa đầu tiên của bé sẽ xuất hiện. Cho đến khoảng 3 tuổi, bộ răng sữa của con sẽ mọc đầy đủ trên cung hàm. Vì thể chất, cơ địa khác nhau nên quá trình mọc răng của trẻ có thể diễn ra sớm hoặc muộn hơn khoảng thời gian trung bình.

Để biết bé có đang mọc răng đúng thời điểm, bạn có thể lấy số tháng tuổi trừ đi 4. Kết quả sẽ là số răng sữa nên xuất hiện trên cung hàm. Tháng tuổi thứ 6 thường là thời điểm bắt đầu mọc răng sữa. Thông thường, nhóm răng cửa sẽ xuất hiện đầu tiên, tiếp đến là răng hàm và cuối cùng là răng nanh. Khi trẻ khoảng 3 tuổi, lúc răng cối thứ 2 xuất hiện, trên cung hàm sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa.

Thứ tự mọc răng ở các em thường sẽ diễn ra như sau:

  • 6 – 12 tháng tuổi: 2 chiếc răng cửa hàm dưới và 2 chiếc răng cửa hàm trên.
  • 9 – 16 tháng tuổi: 4 chiếc răng cửa bên (lúc này nhóm răng cửa đã xuất hiện đầy đủ).
  • 13 – 19 tháng tuổi: 4 chiếc răng cối nhỏ xuất hiện.
  • 16 – 25 tháng tuổi: 4 chiếc răng nanh mọc lên.
  • 23 – 33 tháng tuổi: 4 chiếc răng cối lớn nhú lên khỏi lợi. Cung hàm giờ đã có đủ 20 chiếc răng sữa.

Quá trình mọc răng thông thường ở các bé

Tìm hiểu tình trạng trẻ bị chậm mọc răng

Như vậy, quá trình mọc răng ở trẻ thường sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng tuổi – 3 tuổi. Khoảng thời gian này có thể có sự chênh lệch ở mỗi em nhưng sẽ không quá nhiều. Do đó, nếu bé đã hơn 12, 13 tháng tuổi nhưng vẫn chưa có chiếc răng sữa nào xuất hiện, trẻ đã bị chậm mọc răng.

Một số bé phát triển bình thường nhưng chỉ bị mọc răng muộn thì đó là do cơ địa của con. Thế nhưng, phần lớn các em mọc răng chậm thường sẽ kèm với hiện tượng thiếu cân, thiếu chiều cao, còi cọc. Con có thể khó ngủ, thường đổ mồ hôi vào ban đêm,…. Những hiện tượng này xuất hiện khả năng cao là vì bé thiếu dinh dưỡng. Trẻ chưa được bổ sung đầy đủ các hoạt chất cần thiết.

Để đảm bảo sức khỏe răng miệng và tổng thể của các em, phụ huynh cần đưa con đến nha sĩ sau khi nhận thấy trẻ chậm mọc răng. Nha sĩ sẽ kiểm tra, thăm khám và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Trẻ chậm mọc răng là khi đã hơn 1 tuổi nhưng chưa có chiếc răng sữa nào

Những nguyên nhân làm trẻ chậm mọc răng

Theo nha sĩ, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé chậm mọc răng. Bên cạnh yếu tố nội sinh, một số yếu tố ngoại sinh cũng có thể gây ra hiện tượng này.

Nguyên nhân khách quan

  • Do yếu tố di truyền: Nếu ông bà, bố mẹ hoặc người thân khác trong gia đình có răng mọc chậm, bé cũng có thể được di truyền đặc điểm này.
  • Do thời điểm sinh: Nếu con bị sinh thiếu tháng, sinh non, cơ thể không có đủ dưỡng chất nên trẻ sẽ bị thiếu cân. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ mọc răng chậm cao hơn so với bình thường.
  • Do khoang miệng bị nhiễm khuẩn: Khi gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn khoang miệng hay viêm nướu, quá trình mọc răng sẽ bị gián đoạn. Bởi vì, nấm ngứa cũng như vi khuẩn sẽ sinh sôi. Từ đó khiến nướu, mô mềm bị tổn thương. Răng sữa không thể nhú lên đúng thời điểm thông thường. Phụ huynh có thể nhận biết hiện tượng này nếu bé hay quấy khóc, khoang miệng có mùi hôi lạ. Các bệnh lý răng miệng khác khiến nướu bị viêm nhiễm cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng.

Con mọc răng muộn có thể là do được di truyền từ người thân trong gia đình

Nguyên nhân chủ quan

  • Do yếu tố bẩm sinh: Một vài trường hợp bé có thể mọc răng chậm bẩm sinh kể cả khi được bổ sung đủ chất dinh dưỡng. Hiện tượng này thường gặp ở những bé sinh non.
  • Do tuyến giáp suy nhược: Khi bị suy tuyến giáp, không chỉ bé chậm mọc răng mà còn có thể chậm di chuyển, chậm nói, thừa cân.
  • Do thiếu canxi: Canxi không đủ khiến răng sữa không phát triển hoàn toàn. Do đó, mầm răng không thể nhú lên khỏi lợi.
  • Do thiếu vitamin D: Vitamin D không đủ sẽ khiến răng, xương không hấp thụ đủ canxi. Tình trạng này có thể xuất hiện như một việc hiển nhiên ở các bé sinh non. Ánh nắng mặt trời chính là vitamin D. Bố mẹ có thể bổ sung hoạt chất này bằng cách cho trẻ phơi nắng vào khung giờ nắng ấm.
  • Do thiếu vitamin K2: Nếu thiếu dưỡng chất này, canxi và vitamin D sẽ không thể chuyển đến răng và xương đủ 100%. Vì thế, răng sữa của trẻ mọc chậm kể cả khi đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Do thừa Photpho: Photpho bị thừa sẽ khiến canxi bị thiếu, ngăn cản răng hấp thụ hoạt chất này. Bé bị thừa photpho có thể kèm theo một số triệu chứng như suy thận, xơ cứng mạch máu, tim phình to,…
  • Do bị suy dinh dưỡng: So với trẻ có thể chất tốt thì bé bị suy dinh dưỡng sẽ có tỷ lệ mọc răng chậm cao hơn.
  • Do gặp phải các bệnh lý khác: Hội chứng Down, suy tuyến yên,… là một số bệnh lý có thể làm bé chậm mọc răng.

Răng sữa mọc chậm có thể là do bé thiếu vitamin D

Trẻ chậm mọc răng có sao không? Nguy hiểm gì không?

Trẻ chậm mọc răng có nguy hiểm gì không? Chuyên gia cho biết, hiện tượng mọc răng muộn không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hơn nữa, quá trình răng sữa xuất hiện sẽ khác nhau dựa vào thể chất của từng trẻ. Vì vậy, phụ huynh không nên so sánh em với những đứa trẻ khác. Bố mẹ cần bình tĩnh, tìm phương án giải quyết phù hợp và không nên chủ quan. Bởi vì, tình trạng răng mọc chậm diễn ra trong thời gian dài, con có thể gặp phải một số biến chứng như:

  • Răng sữa xuất hiện muộn khiến răng vĩnh viễn mọc lệch, chen chúc nhau.
  • Răng vĩnh viễn có thể xuất hiện cùng lúc hoặc mọc trước răng sữa. Từ đó dẫn đến hiện tượng con có hai bộ răng cùng lúc.
  • Mầm răng nằm dưới nướu lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm chân răng, sâu răng có cơ hội phát triển.
  • Trẻ chậm mọc răng có thể do canxi không đủ. Tuy nhiên, nếu con mọc răng sớm, bé vẫn có thể thiếu canxi. Bố mẹ sẽ nhận biết trường hợp này nếu con mọc răng sớm kèm với việc biếng ăn. Chính vì vậy, để duy trì sức khỏe cho trẻ, phụ huynh cần theo dõi và đưa trẻ đến nha khoa thăm khám để có phương án xử lý kịp thời.

Răng sữa mọc muộn có thể làm răng vĩnh viễn mọc lệch lạc

Cách hạn chế và khắc phục tình trạng bé chậm mọc răng

Để có thể hạn chế tình trạng trẻ chậm mọc răng thì ngay trong thai kỳ, mẹ bầu cần ăn uống đa dạng thực phẩm để bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho con. Đặc biệt, bạn cần chú ý bổ sung các loại vitamin cũng như canxi để thai nhi có thể phát triển toàn diện. Trong trường hợp nhận thấy trẻ sinh ra mọc răng muộn, bố mẹ có thể áp dụng các cách sau để giúp con cải thiện tình trạng này:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho bé

Đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày của con:

  • Cần đảm bảo con nạp vào đủ các nhóm chất béo, tinh bột, đạm, đường. Bổ sung đủ đạm cho con, đặc biệt là đạm động vật khi bé đang trong quá trình ăn dặm. Có thể bổ sung bằng cách thêm dầu ăn vào cháo hoặc bột của con.
  • Khẩu phần ăn có sữa hoặc các thực phẩm được chế biến từ sữa như sữa chua, phô mai,…
  • Tăng cường thực phẩm chứa nhiều vitamin như: Rau xanh, củ quả,…. Bạn có thể cho bé dùng nước ép hoặc sinh tố trái cây.
  • Cho trẻ dùng 500 – 800ml/ngày. Không nên pha sữa bằng nước rau củ, nước bột, nước khoảng,… để tránh cơ thể con không hấp thụ canxi.
  • Hạn chế cho bé ăn thức ăn chứa quá nhiều phốt pho.
  • Tạo thói quen ăn đúng thời gian biểu cho bé, hạn chế để trẻ ăn vặt giữa giờ.
  • Bổ sung các khoáng chất như: Crom, vitamin B1, kẽm,… để tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất, hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé.

Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ

Tạo cho bé thói quen sinh hoạt tốt hàng ngày:

  • Đưa con ra ngoài trời để tắm nắng vào khung giờ nắng ấm (trước 9 giờ sáng) khoảng 10 đến 15 phút. Hoạt động này sẽ làm vitamin D được cơ thể hấp thụ, giúp cơ thể chuyển đổi canxi tốt hơn. Lưu ý, không nên để bé tắm nắng quá lâu hoặc quá trễ, khi mặt trời lên cao. Nếu trẻ còn quá nhỏ, có thể bổ sung vitamin D bằng cách cho con uống sữa mẹ hoặc sữa công thức không quá 600ml/ngày.
  • Hướng dẫn bé vệ sinh răng miệng và duy trì thói quen này. Từ đó đảm bảo khoang miệng được làm sạch triệt để sau mỗi bữa ăn.
  • Cho con vận động, ngủ đủ giấc để cơ thể phát triển toàn diện, tránh bị suy dinh dưỡng.

Cho con vận động nhẹ mỗi ngày để cơ thể luôn khỏe mạnh

Tình trạng trẻ chậm mọc răng không quá nguy hiểm nhưng bố mẹ vẫn nên lưu ý và tìm biện pháp cải thiện phù hợp cho con. Hy vọng những thông tin đề cập trong bài viết trên mang đến nhiều giá trị hữu ích cho quý độc giả. Nếu còn câu hỏi nào khác, liên hệ ngay với Nha khoa Quốc tế DAISY qua Hotline 19009009 để được giải đáp bạn nhé!