Tranh cãi xung quanh vấn đề giao bài tập về nhà

Bảo Trân (Tổng hợp)

  –  

Thứ ba, 06/10/2020 21:23 (GMT+7)

Việc giao bài tập về nhà cho học sinh, cụ thể là học sinh lớp l đã là chủ đề tranh luận giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên từ nhiều năm nay. Mặc dù nhiều người nghĩ bài tập về nhà là cách để học sinh phát triển tư duy, suy nghĩ độc lập thì vẫn tồn tại ý kiến trái chiều cho rằng quá nhiều bài tập chỉ tạo thêm nhiều căng thẳng, áp lực cho các em.

Tranh cãi xung quanh vấn đề giao bài tập về nhà
Bài tập về nhà cho học sinh tiểu học: Nên hay không?

Bài tập về nhà là một phần tất yếu trong quá trình học của học sinh

Bài tập về nhà có lợi ích to lớn khi là sợi dây liên kết học sinh và giáo viên. Đây là cách đơn giản nhất để giáo viên có thể tương tác và hiểu năng lực của học sinh, từ đó có hướng giáo dục và phát triển phù hợp với tư duy của từng em. Bên cạnh đó, việc học sinh được kiểm tra và sửa bài tập về nhà là cách để các em hiểu rõ hơn những kiến thức trong sách giáo khoa cũng như những vấn đề mà mình chưa nắm được.

Việc làm bài tập về nhà thường xuyên là điều cần thiết giúp các em học sinh chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Nếu kết quả bài tập về nhà chưa tốt thì đây chính là thời điểm cho các em sửa bài và hiểu rõ vấn đề hơn để không lặp lại lỗi ở những bài kiểm tra sau. Nói cách khác, bài tập về nhà cho học sinh cơ hội “thử” trước khi thực sự làm những bài kiểm tra lớn.

Làm bài tập về nhà là hình thức giúp học sinh hình thành và phát triển tính trách nhiệm. Khi được giao nhiệm vụ và thời hạn, học sinh sẽ được rèn ý thức lên kế hoạch để hoàn thành bài tập. Khi công việc được giải quyết đúng thời hạn sẽ hình thành những bạn học sinh có ý thức “đúng giờ”. Qua đó, bài tập về nhà không chỉ để kiểm tra kiến thức mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách của các em.

Cuối cùng, việc theo dõi bài tập về nhà của con em mình cho phép phụ huynh biết được tình hình giáo dục ở trường học. Từ đó có những ý tưởng đóng góp để nhà trường phát triển chương trình dạy học, phục vụ quá trình tiếp nhận tri thức của học sinh.

Bài tập về nhà là quá sức đối với các em

Ở khía cạnh tích cực, bài tập về nhà là có lợi cho học sinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh cho rằng nó có thể gây ra tác động ngược làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất, tinh thần của các em.

Vốn dĩ, học sinh đã dành 8 – 9 tiếng một ngày ở trường bao gồm giờ giải lao nên thời gian còn lại các em cần được thư giãn và để đầu óc nghỉ ngơi. Áp lực phải hoàn thành bài tập về nhà trước khi đến lớp tạo ra nhiều khó khăn cho các em. Học sinh tiểu học cần nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất và tinh thần khác.

Bên cạnh đó, việc làm bài tập về nhà làm giảm đi thời gian mà các em dành cho gia đình. Các em đang phát triển nhận thức và tư duy nên thời gian cho gia đình là đặc biệt quan trọng. Nếu thiếu đi thời gian này có thể dẫn đến sự tổn thương tình cảm gia đình hay thậm chí gây ra nhiều vấn đề xã hội không mong muốn.

Quá nhiều bài tập về nhà có thể gây ra tình huống “giọt nước tràn ly”. Các em sẽ thực hiện những hành vi gian lận như chép bài của nhau hay tìm lời giải trên mạng. Nếu để tình trạng này xảy ra thì bài tập về nhà được giao sẽ trở nên vô nghĩa, các em nộp bài tập một cách đối phó và giáo dục từ đó trở nên kém hiệu quả.