Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc – TỈNH PHÚ YÊN

 07/05/2009

I. MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN

        1. Khái quát điều kiện tự nhiên

        Vị trí địa lý: Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, nằm ở toạ độ địa lý 12050′-13042′ độ Bắc, 108041′ – 109023′ kinh độ Ðông, cách thủ đô Hà Nội 1.177 km. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Ðịnh, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Ðắk Lắk, phía Ðông giáp biển Ðông. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.045,31 km2, chiếm 1,53% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các đường giao thông quan trọng như đường quốc lộ 1A, 25, đường sắt qua tỉnh 120km Bắc – Nam; đường biển dài 189 km; đường không có sân bay Ðông Tác. Hệ thống sông ngòi chính, bao gồm sông Ðà Rằng (gọi là sông Ba) dài 350 km với lưu vực 1.900 km2, sông Bàn Thạch dài 50km với lưu vực 590 km2.

        Ðịa hình: Do nằm ở phía Ðông dãy núi Trường Sơn, có địa hình dốc từ Tây sang Ðông, diện tích của tỉnh Phú Yên chủ yếu là đồi núi, chiếm 70% diện tích toàn tỉnh.

        Khí hậu: Mang khí hậu nóng ẩm – nhiệt đới, gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương, chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.500-1.700 mm/năm; mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 và mùa nắng bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,5oC, nhiệt độ cao nhất là 30,30C, thấp nhất là 23,80C; độ ẩm trung bình khoảng 78%.  

        2. Dân số – Dân tộc

        Dân số – Dân tộc: Theo kết quả điều tra ngày 1/4/1999, tỉnh Phú Yên có 787.282 người. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động xã hội trong toàn tỉnh là 474.282 người, chiếm 60% dân số.

        Trên địa bàn tỉnh có 20 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh có 747.011 người, chiếm 95%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Êđê có 16.416 người, chiếm 2%; dân tộc Chăm có 16.294 người, chiếm 2,06%; dân tộc Ba Na có 3.464 người, chiếm 0,3%; dân tộc Tày có 1.449 người, chiếm 0,2%; dân tộc Nùng có 1.279 người, chiếm 0,1%; các dân tộc khác chiếm 0,4%.

        Trình độ dân trí: Tính đến năm 2002, đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 100% số huyện, thị với số xã đạt 95%; tỷ lệ người biết chữ chiếm 98% dân số. Công tác phổ cập bậc trung học cơ sở đang được tỉnh triển khai, đến hết năm 2002, toàn tỉnh đã có 41/101 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Số học sinh phổ thông niên học 2001 – 2002 có 195.729 em, trong đó số học sinh dân tộc thiểu số là 11.278 em, tặng 674 em so với năm học trước, bình quân có 4,3 người dân tộc thiểu số có 1 em học sinh đi học (bình quân toàn tỉnh là 2,7 người có 1 học sinh đi học); số giáo viên toàn tỉnh là 8.289 người. Toàn tỉnh có 378 Bác sỹ, đạt tỷ lệ 4,8 Bác sỹ/1 vạn dân. Hiện có 49,5% xã có Bác sỹ; 100% xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh và 100% thôn bản có y tế hoạt động. 

        3. Tài nguyên thiên nhiên

        3.1 Tài nguyên đất

        Tỉnh Phú Yên có 504.531 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 124.815 ha, chiếm 24,73%; diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 165.916 ha, chiếm 32,88%; diện tích đất chuyên dùng là 17.363 ha, chiếm 3,44%; diện tích đất ở là 4.203 ha, chiếm 0,83%; diện tích đất chưa sử dụng và sông suối núi đá là 192.234 ha, chiếm 38,10%.

        Trong đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây hàng năm là 107.749 ha, chiếm 86,32%, riêng đất lúa có 32.710 ha, chiếm 30,35% diện tích đất nông nghiệp gieo trồng được 2 vụ; diện tích đất trồng cây lâu năm là 6.458 ha, chiếm 5,19%; diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 2.043 ha, chiếm 1,63%.

        Diện tích đất trống, đồi trọc cần phủ xanh là 154.219 ha, đất có mặt nước có thể sử dụng là 4.718 ha.

        3.2. Tài nguyên rừng

        Tỉnh Phú Yên có 165.916 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 31,1%. Trong đó: Diện tích rừng tự nhiên là 135.813 ha, rừng trồng 20.963 ha. Rừng giàu chiếm 7,2% diện tích và 14,1% trữ lượng; rừng trung bình chiếm 13,6% diện tích và 21,2% trữ lượng; rừng nghèo chiếm 24,9% diện tích và 27,8% trữ lượng; rừng non chiếm 54,3% diện tích và 36,8% trữ lượng.

        3.3. Tài nguyên biển

        Tỉnh có 189 km bờ biển. Vùng biển khai thác có hiệu quả rộng 6.900 km2, giàu về trữ lượng đa dạng, phong phú về chủng loại với hơn 500 loài cá, 38 loài tôm, 15 loại mực, sò, điệp và một số loài hải sản khác, trong đó có hơn 35 loài có giá trị kinh tế cao. Cá nổi chiếm ưu thế hơn cá đáy, chiếm 70 -75%. Phân bố không đều, mật độ tập trung ở phía bắc hơn phía nam. Nhìn chung có thể chia thành 2 nhóm sinh thái: Nhóm ven bờ: Có kích thước bé gồm các loại cá trích, cơm, chỉ vàng, phèn, mối, hố, mực…; nhóm biển khơi: Có kích thước lớn hơn gồm các loại cá thu, ngừ, cờ, nục heo, kiếm, chuồn… theo tính toán, trữ lượng cá vùng biển Phú Yên khoảng 46.000 tấn với khả năng khai thác 25.000 tấn. Tổng trữ lượng cho phép khai thác tôm 700 tấn/năm, mực 1.200 tấn/năm, hải sản khác 2000 tấn/năm. Tuy nhiên, năng lực nghề cá Phú Yên hiện tại chủ yếu khai thác vùng nước dưới 100 m chiếm 90% và ở vùng 100 – 200 m chiếm 10%.

        Ngoài ra, trữ lượng và khả năng khai thác thuỷ sản ở vùng nước lợ trên diện tích 14.600 ha có thể cho phép khai thác tự nhiên khoảng 700 tấn/năm, nhưng hiện nay đạt khoảng trên 500 tấn và mật độ khai thác không đều. Ở vịnh Xuân Ðài mức khai thác trung bình, đầm Cù Mông mức khai thác trung bình khá, còn lại mức khai thác khá ở cửa sông Ðà Nông và cao ở đầm Ô Loan nên đã có biểu hiện suy giảm nguồn lợi.

        3.4. Tài nguyên khoáng sản

        Bao gồm: Ðá hoa cương trữ lượng 54 triệu m3, đá diatomits có trữ lượng 90 triệu m3; ngoài ra còn có bentônít, galenits, sắt, nước khoáng, than bùn, sa khoáng vàng, fluorít có trữ lượng 300 nghìn tấn. Hiện tỉnh đang triển khai khai thác đá granit.

        3.5. Tài nguyên du lịch

        Có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và những di tích văn hoá – lịch sử có thể khai thác thành các điểm du lịch nổi tiếng như: Quần thể núi đá Bia – Bãi Tiên- Vũng Rô – Mũi Nạy, vịnh sông Cầu, đầm Ô Loan, bãi biển Mỹ A, Tháp Nhạn, đập Ðồng Cam, khu bảo tồn thiên nhiên Krông – Trai, đàn đá Tuy An… 

        4. Cơ sở hạ tầng có đến năm 2002

        4.1. Mạng lưới giao thông bộ: Toàn tỉnh hiện có 1.941 km đường giao thông. Trong đó: Ðường do trung ương quản lý dài 196 km, chiếm 10,09%; đường do tỉnh quản lý dài 336 km, chiếm 17,31%; đường do huyện quản lý dài 382 km, chiếm 16,68% và đường do xã quản lý dài 1.027 km, chiếm 52,91%. Ngoài ra, tỉnh còn có 200 km đường biển và 117 km đường sắt. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm.

        4.2. Mạng lưới bưu chính viễn thông: Từ ngày tách tỉnh mạng lưới bưu chính viễn thông được củng cố, xây dựng và phát triển. Mở rộng, lắp đặt hệ thống tổng đài điện thoại, telex cho các trung tâm huyện, thị xã đáp ứng nhu cầu thông tin trong và ngoài nước ngày càng tăng. Hiện nay toàn tỉnh có 30 bưu cục, 50 điểm phục vụ bưu điện và 67 điểm bưu điện văn hoá xã. Số máy điện thoại cố định thuê bao toàn tỉnh là 22.500 chiếc, 6.500 thuê bao di động, 300 thuê bao internet…, bình quân có 2,8 cái/100 dân.

        4.3. Mạng lưới điện quốc gia: Phú Yên có nhà máy thuỷ điện Sông Hinh với công suất 72 MW, đang hoà mạng lưới điện quốc gia, đảm bảo cho 100% số huyện và xã được sử dụng lưới điện quốc gia. Hiện tỉnh đang tiến hành chuẩn bị xây dựng nhà máy thuỷ điện Sông Ba với công suất gấp 3 lần nhà máy thuỷ điện Sông Hinh.

        4.4. Hệ thống cấp nước sinh hoạt: Tỉnh có nhà máy cấp nước Phú Yên với công suất 25.000 m3/ngày đêm, phục vụ nước sinh hoạt cho toàn thị xã Tuy Hoà, các vùng lân cận và khu công nghiệp Hoà Hiệp. Ngoài ra, các thị trấn, huyện lỵ đều có hệ thống cấp nước với công suất khoảng 10.000 m3/ngày đêm. Toàn tỉnh có số người được sử dụng nước sạch toàn tỉnh đạt 48%.  

        5. Kinh tế – Xã hội năm 2002

        Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10%.

        Thu nhập bình quân đầu người: 4,5 triệu đồng.

        Tóm tắt cơ cấu ngành trong GDP:

            + Công nghiệp – XDCB:         22,9%.

            + Nông – lâm – ngư nghiệp:     42,8%.

            + Thương mại – dịch vụ:          34,3%.

        Tỷ lệ đói nghèo các xã miền núi còn 24,79%.

        Tỷ lệ trẻ em đủ tuổi đến trường đạt 95%.

        100% các xã có trạm y tế xã.

        Sản phẩm chủ yếu: Lúa, các loại rau đậu, cà phê, mía, điều, dừa, thuốc lá, hồ tiêu, dâu tằm…  

II. MỘT SỐ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI

        1. Kết quả phân định 3 khu vực

        Thị xã Tuy Hoà:

        Khu vực II (MN): Xã Hoà Nội, Sơn Thành, Hoà Mỹ Tây, Hoà Thịnh.

        Huyện Tuy An:

        Khu vực II (MN): Xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ.

        Huyện Ðồng Xuân:

        – Khu vực I (MN): Xã Xuân Long, Thị trấn La Hai.

        – Khu vực II (MN): Xã Xuân Lãnh, Xuân Quang I, Xuân Quang II, Xuân Quang III, Xuân Sơn Bắc, Ða Lộc, Xuân Phước, Xuân Sơn Nam.

        – Khu vực III (VC): Xã Phú Mỡ.

        Huyện Sông Hinh:

        – Khu vực I (MN): Xã Ðức Bình Ðông, Sơn Giang, Ðức Bình Tây, Thị trấn Hai Riêng.

        – Khu vực II (MN): Xã Ea Bá, Ea Ba; (VC): Xã Ea Bia.

        – Khu vực III (MN): Xã Ea Lâm; (VC): Xã Ea Trol, Sông Hinh.

        Huyện Sơn Hoà:

        – Khu vực I (MN): Xã Sơn Hà, Sơn Phước, Thị trấn Củng Sơn.

        – Khu vực II (MN): Xã Sơn Nguyên, Sơn Long, Sơn Xuân; (VC): Xã Sơn Ðịnh.

        – Khu vực III (MN): Xã Krông Pa, Suối Trau; (VC): Xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân.

        Huyện Sông Cầu:

        Khu vực II (MN): Xã Xuân Hải. 

        2. Danh sách các xã thuộc Chương trình 135

        – Huyện Ðồng Xuân: Xã ÐBKK: Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Ða Lộc, Xuân Quang II.

        – Huyện Sông Hinh: Xã ÐBKK: Ea Lâm, Ea Trol, Sông Hinh, Ea Bá, Ea Bar, Ea Bia.

        – Huyện Sơn Hoà: Xã ÐBKK: Krông Pa, Suối Trai, Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân, Ea Chà Rang, Sơn Ðịnh, Sơn Long, Sơn Xuân. 

        3. Một số vấn đề dân tộc và tôn giáo

        a. Tình hình tôn giáo: Tính đến năm 2002, toàn tỉnh có 5 loại tôn giáo chính. Phật giáo có 238.446 tín đồ, 347 chức sắc nhà tu; Công giáo có 17.000 tín đồ, trong đó sinh hoạt chính thức là 15.170 tín đồ, 25 nhà tu hành, 14 linh mục; Tin lành có 3.775 tín đồ, có 3 mục sư; Ðạo Cao đài và đạo Hoà hảo, trong đó đạo Cao đài có 3.154 tín đồ, đạo Hoà hảo có gần 300 tín đồ.

        b. Tình hình tranh chấp đất đai: Không có biến động lớn, các tranh chấp mang tính lẻ tẻ, tỉnh đã chỉ đạo giải quyết kịp thời.

III. QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH DÀI HẠN PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

        1. Tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2001-2010

        1.1. Quan điểm phát triển

        Xây dựng hệ thống kinh tế mở cửa về cơ chế quản lý, cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế tỉnh gắn với thị trường trong nước nhất là khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung, Nam bộ và Tây nguyên, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế, nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tại chỗ, khai thác các nguồn lực bên ngoài vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững.

        Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phải tạo việc làm để nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư; cần quan tâm đúng mức vùng nông thôn và miền núi, vùng cao có nhiều dân tộc ít người trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khoá VII, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, về thu nhập giữa các vùng và các tầng lớp dân cư.

        Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng tỷ trọng công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến cho tiêu dùng và xuất khẩu, tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch, phát triển nông lâm ngư nghiệp.

        Xây dựng phát triển hệ thống đô thị trở thành các trung tâm kinh tế làm hạt nhân thúc đẩy các vùng nông thôn phát triển.

        Quá trình phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố kinh tế – xã hội và môi trường sinh thái, gắn kinh tế với an ninh quốc phòng.

        1.2. Các mục tiêu cụ thể

        – Phát triển sản xuất với tốc độ tăng trưởng đạt mức bình quân cả nước và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân GDP 11 -12% thời kỳ 2001 – 2010. Ðưa kim ngạch xuất khẩu 200 – 250 triệu USD năm 2010.

        – Quản lý và tổ chức tốt nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt tỷ lệ thu ngân sách 21 – 22% năm 2010.

        – Tạo chuyển biến về văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế và các vấn đề xã hội khác theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V – khoá VII, nhằm cải thiện thêm một bước đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Giảm mức tỷ lệ tăng dân số năm 2010 là 1,7%.

        – Hoàn thành căn bản việc xây dựng mạng lưới các trung tâm kế hoạch hoá gia đình liên xã và các trung tâm bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

        – Phủ sóng phát thanh, truyền thanh, truyền hình trên toàn địa bàn tỉnh.

        – Nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho dân cư nhất là vùng nông thôn, vùng miền núi, đồng bào dân tộc ít người.

        – Ða dạng hoá các loại hình đào tạo, hình thành mạng lưới trường chuyên, lớp chọn, mở rổng trung tâm ngoại ngữ và tin học.