Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc – TỈNH HÀ NAM

 06/05/2009

I. MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN

        1. Khái quát điều kiện tự nhiên

        Vị trí địa lý: Tỉnh Hà Nam nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam, cách Thủ đô Hà Nội 56 km trên tuyến đường giao thông xuyên Bắc Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tây, phía Ðông giáp tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.542 km2, chiếm 0,47% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các đường giao thông quan trọng như đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc- Nam, đường 21A, 21B, đường 62, đường 60. Hệ thống sông ngòi chính chảy trên địa bàn gồm: sông Hồng, sông Ðáy, sông Châu thuận tiện cho giao thông thủy.

        Ðịa hình: Do là vùng tiếp giáp giữa vùng Ðồng bằng sông Hồng và dải đá trầm tích ở phía Tây nên Hà Nam có địa hình đa dạng, vừa có đồng bằng, vừa có vùng bán sơn địa và vùng trũng. Vùng đồi núi chiếm 25,7% diện tích toàn tỉnh, vùng đồng bằng chiếm 74,3% diện tích.

        Khí hậu: Mang khí hậu nhiệt đới, gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 0C; nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là tháng 1, khoảng 15,1 0C; cao nhất là tháng 6, khoảng 29 0C. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700 -2.200 mm, song lượng mưa phân bố không đều, tập trung tới khoảng 70% lượng mưa cả năm vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10). Mùa khô, kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, ít mưa, lạnh, có gió Bắc hanh khô.

        2. Dân số – Dân tộc

        Dân số – Dân tộc: Theo kết quả điều tra ngày 1/4/1999, tỉnh Hà Nam có 793.103 người. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động xã hội trong toàn tỉnh là 547.844 người, chiếm 69% dân số. Trên địa bàn tỉnh có 27 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh có 792.130 người, chiếm 99%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Tày có 285 người, chiếm 0,03%; dân tộc Ngái có 136 người, chiếm 0,01%; dân tộc Thái có 115 người, chiếm 0,01%; các dân tộc khác chiếm 0,05%.

        Trình độ dân trí: Tính đến hết năm 2002 đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 6 huyện, thị xã với số xã là 116 xã phường, trong đó số xã miền núi có 15 xã chiếm 12,7%; tỷ lệ người biết chữ chiếm 96%. Số học sinh phổ thông năm học 2002-2003 là 76.024 em; số giáo viên toàn tỉnh là 3.253 người chủ yếu là dân tộc kinh. Số thầy thuốc có 1.723 người; bình quân y, bác sĩ trên 1 vạn dân là 4,4 người trong đó y, bác sĩ là người dân tộc thiểu số chiếm 0,12%.  

        3. Tài nguyên thiên nhiên

        3.1. Tài nguyên đất

        Tỉnh Hà Nam có 154.200 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 94.062 ha, chiếm 61%; diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 9.466 ha, chiếm 6,14%; diện tích đất chuyên dùng là 21.079 ha, chiếm 13,67%; diện tích đất ở là 4.282 ha, chiếm 5,04% và diện tích đất chưa sử dụng và sông suối đá là 7.790 ha, chiếm 9,1 %.

        Trong diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm là 44.074 ha, chiếm 85,03%, riêng đất lúa chiếm 91% có thể gieo trồng 2 vụ; diện tích đất trồng cây lâu năm là 146 ha, chiếm 0,28%; diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 4.508 ha, chiếm 8,69%.

        Diện tích đất trống, đồi trọc cần phủ xanh là 1.334 ha, đất có mặt nước chưa sử dụng 2.328 ha, đất chưa sử dụng khác 413,19 ha.

        3.2. Tài nguyên rừng

        Ðến năm 2002, toàn tỉnh có 9.466 ha, trong đó: Rừng tự nhiên là 7.753 ha, rừng trồng là 1.713 ha.

        3.3. Tài nguyên khoáng sản

        Hà Nam là tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều chủng loại, được phân bố tập trung ở phía Tây sông Ðáy thuộc hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng. Ðặc biệt là nguồn đá vôi là nguyên liệu cho công nghiệp xi măng, bột nhẹ.

        – Ðá vôi trữ lượng điều tra bước đầu khoảng 7,4 tỷ m3, chất lượng khá tốt, có đủ điều kiện để sản xuất xi măng mác cao. Ngoài ra còn có một số đá vân hồng, đá đen, đá trắng là nguyên liệu cho trang trí nội thất nhưng qui mô nhỏ thuộc hai huyện Kim Bảng, Thanh Liêm.

        – Than bùn tập trung tại khu vực Tam Chúc- Ba Sao làm nguyên liệu chủ yếu để sản xuất phân vi sinh, tổng trữ lượng khoảng 172 nghìn m3.

        – Sét cao lanh là phụ gia công nghiệp xi măng nội địa khoảng 38 triệu tấn, xét gạch ngói khoảng 20 triệu tấn, nguồn cát xây dựng ở ven sông Hồng.

        3.4. Tài nguyên du lịch

        Có nhiều di tích lịch sử như Núi Cấm, đền Trúc… Ngoài ra về tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam còn phải kể đến động Cô Ðôi, thiên cung đệ nhất động ở Ba Sao, Ao Tiên, đầm tiểu lục Nhạc, sông Ðáy, sông Châu, hòn Ngọc ở Ngọc Sơn ( Kim Bảng) núi Ðọi ở Ðọi Sơn ( Duy Tiên)…

        Ðặc biệt là con đường thủy từ Phủ Lý nối với khu di tích Chùa Hương đi theo sông Ðáy dài 36 km, là một đường cảnh quan rất hấp dẫn.  

        4. Cơ sở hạ tầng có đến năm 2002

        4.1. Mạng lưới giao thông đường bộ: Toàn tỉnh hiện có 5.000 km đường giao thông, trong đó đường quốc lộ dài gần 100 km. Ðường tỉnh lộ có 12 tuyến với tổng chiều dài 170 km, đường giao thông nông thôn ( từ huyện đến đưòng làng ngõ xóm và đường ra ruộng) với tổng chiều dài trên 4.000 km. Mặc dù mạng lưới giao thông đường bộ khá phát triển nhưng phần lớn những trục chính đều hình thành từ những năm 1960. Ðến nay qua sử dụng lâu dài, nền đường rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu vận tải lớn. Hiện đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm.

        4.2. Mạng lưới bưu chính viễn thông: Thời gian gần đây, đặc biệt từ khi tách tỉnh đến nay mạng bưu chính viễn thông đã được quan tâm phát triển. Số máy điện thoại phát triển khá, tính đến 30/7/2002 có 18.137 máy. Số lượng bưu cục và dịch vụ 144 đơn vị. Ðã có 100% số xã có điện thoại.

        4.3. Mạng lưới điện quốc gia: Hà Nam có 100% số xã có mạng lưới điện quốc gia, với số hộ sử dụng điện đạt trên 90%. Nhưng hiện nay nguồn điện và lưới điện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

        4.4. Hệ thống cấp nước sinh hoạt: Tỷ lệ số người được sử dụng nước sạch trong toàn tỉnh đạt 52%.  

        5. Kinh tế – Xã hội năm 2002

        Tốc độ tăng GDP bình quân là 9,2%/năm.

        Thu nhập bình quân đầu người: 3,169 triệu đồng.

        Tóm tắt cơ cấu ngành kinh tế:

            + Công nghiệp – XDCB:         30,75%.

  + Nông- lâm- ngư nghiệp:       37,03%.

  + Thương mại – Dịch vụ:         32,22%.

Một số sản phẩm chủ yếu: lạc, đay, đậu tương, xi măng, hàng may mặc…

II. MỘT SỐ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI

        Kết quả phân định 3 khu vực

        Huyện Kim Bảng:

        – Khu vực I (MN): Xã Bao Sao, Thi Sơn, Thanh Sơn, Khả Phong.

        – Khu vực II (MN): Xã Tân Sơn, Liên Sơn, Tương Lĩnh.

        Huyện Thanh Liêm:

        – Khu vực I (MN): Xã Thanh Lưu, Thanh Thuỷ, Kiên Khê.

        – Khu vực II (MN): Xã Liên Sơn, Thanh Tân, Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tâm.  

III. QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH DÀI HẠN PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

        1. Tóm tắt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2001 – 2010

        1.1. Quan điểm phát triển

        Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tập trung sức khai thác các lợi thế của tỉnh, nhất là vị trí địa lý, tài nguyên đá vôi, quỹ đất và tiềm năng du lịch, xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, linh hoạt, hiệu quả nhằm giảm dần khoảng cách chênh lệch để sau 10 năm 2010 tiến tới bằng và vượt mức GDP/người so với mức trung bình của cả nước, cải thiện và nâng cao rõ rệt đời sống của nhân dân, xây dựng nếp sống dân chủ và công bằng xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

        Phát triển tỉnh Hà Nam đặt trong mối quan hệ hữu cơ với Ðồng bằng sông Hồng và cả nước, bám sát đường lối phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Trước hết gắn nền sản xuất hàng hoá của tỉnh với thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường vùng Bắc Bộ, đồng thời tranh thủ mở rộng thị trường quốc tế nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của tỉnh vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và có hiệu quả.

        Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, nhanh chóng tạo ra các nhân tố bên trong vững mạnh, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài, gắn tỉnh với vùng phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trục kinh tế phía Tây Nam Hà Nội mà trọng tâm là với thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng để thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới.

        Ðẩy mạnh phát triển vùng sản xuất chuyên môn hoá đồi núi của tỉnh là vùng Tây và Ðông sông Ðáy, vùng ven sông Hồng. Kết hợp việc đẩy mạnh quá trình đô thị hoá và phát triển các vùng nông thôn tạo ra sự phát triển hài hoà giữa các vùng trên lãnh thổ toàn tỉnh.

        Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội nhằm tạo ra sự ổn định vững chắc cho quá trình tăng trưởng và phát triển xã hội công bằng, văn minh.

        Kết hợp kinh tế với quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

        1.2. Các mục tiêu cụ thể

        – Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 14% thời kỳ 1997-2000 và đạt khoảng 13,3 % thời kỳ 2001-2010.

        – Phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 700 USD vào năm 2010 và gấp 2,5 lần so với năm 2000.

        – Tỷ lệ huy động ngân sách từ GDP đạt khoảng 17%.

        – Tỷ lệ tích luỹ từ GDP đạt khoảng 18%.

        – Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo còn không đáng kể vào năm 2010, tăng nhanh tỷ lệ hộ giàu, cải thiện một bước quan trọng về các mặt, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xóa bỏ cơ bản tệ nạn xã hội.

        – Ðẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2010 đạt khoảng 30%.

        – Phấn đấu mỗi năm giảm tỉ lệ tăng dân số khoảng 0,04-0,07%, nhịp độ tăng dân số bình quân năm đạt khoảng 1,1% thời kỳ 2001-2010.

        – Hoàn thành phổ cập cấp II toàn tỉnh trước năm 2005.

        – Ðảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao thể lực cho nhân dân, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2010.

        – Góp phần cùng cả nước đảm bảo ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự an ninh, giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển.  

        2. Tóm tắt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005

        2.1. Mục tiêu phát triển

        Phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường; tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt may, công nghiệp chế biến nông lâm sản, gia công lắp ráp; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống và dịch vụ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, coi trọng phát huy nhân tố con người, chăm lo giải quyết các vấn đề bức xúc về công ăn việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và tạo tiền đề cần thiết khác cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Xây dựng nếp sống trật tự, kỷ cương xã hội, nếp sống văn hoá, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh.

        2.2. Các mục tiêu cụ thể

        – Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 9%/năm.

        – Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2005 đạt 4,5-5 triệu đồng/năm.

        – Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2005 có tỷ trọng: Nông- lâm nghiệp: 32%; công nghiệp – xây dựng: 34%; thương mại – dịch vụ: 34%.

        – Giá trị sản xuất nông nghiệp ( bao gồm cả nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng bình quân 3,5%/năm, sản lượng lương thực quy thóc đạt 435 – 440 ngàn tấn/năm.

        – Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 13-14%/năm.

        – Doanh số thương mại và dịch vụ tăng bình quân 12%/năm.

        – Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 10%/năm.

        – Tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân 8%/năm ( tương ứng 6-7%GDP).

        – Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đến năm 2005 đạt 1,1 – 1,2%.

        – Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2005 còn dưới 7%.

        – Trong 5 năm giải quyết 35-40 nghìn chỗ làm việc mới và tạo thêm việc làm cho người lao động.

        – Tổ chức cơ sở Ðảng trong sạch vững mạnh hàng năm đạt 75-80%.