Trần Phú với việc soạn thảo

Có thể nói “Luận cương chính trị” là Văn kiện lịch sử quan trọng, khẳng định năng lực và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối cách mạng dẫn dắt quần chúng đứng dậy đánh đổ thực dân phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm này cũng thể hiện tư duy sáng tạo, tầm vóc trí tuệ, ý chí cách mạng của Trần Phú cũng như sự đóng góp của Anh vào kho tàng lý luận của Đảng ta. Khi nói về giá trị của “Luận cương chính trị” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê nin, Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng ta đã nêu nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Trần Phú, việc soạn thảo ra Bản “Luận cương chính trị” là một mốc son chói lọi về tư duy lý luận của Anh trong việc đề ra đường lối cách mạng của Đảng ta từ những ngày đầu mới thành lập. Học tập lý luận tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) từ năm 1927 đến năm 1929, năm 1930 Trần Phú về nước để chuẩn bị cho Hội nghị TW Đảng lần thứ nhất. Tháng 4 năm 1930 từ Hồng Kông đi bằng đường thuỷ về nước, Trần Phú đã được các đồng chí Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Văn Hiền đón và bố trí về ở tại số nhà 157C phố Belgique ở Hải Phòng. Sau đó Trần Phú được giới thiệu về bộ phận liên lạc ở số nhà 47 phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) và được đồng chí Trịnh Đình Cửu đón về cơ sở bí mật của Ban Chấp uỷ lâm thời Bắc Kỳ ở nhà số 4 phố Hàng Rươi. Tháng 5 năm 1930 đồng chí Trần Văn Lan đưa Trần Phú đi khảo sát tình hình thực tế ở Nam Định. Trong thời gian này Trần Phú ở tại nhà ông Đỗ Quang Lưu, 26 phố Cửa Đông (nay là phố Lê Hồng Phong) thành phố Nam Định. Tại Nam Định Trần Phú đã đi khảo sát thực tế ở nhà máy dệt và làm việc với các đồng chí chủ chốt của Tỉnh uỷ Nam Định và Công Hội đỏ. Thời gian ở đây, Trần Phú đã nhiều lần cùng đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định đi khảo sát thực tế và đàm đạo công việc. Sau một thời gian ở Nam Định, Trần Phú đã được các đồng chí ở Tỉnh uỷ Nam Định dẫn sang Thái Bình tìm hiểu phong trào nông dân trước khi về lại Hải Phòng. Tiếp đó Anh lại đi khảo sát tình hình công nhân ở vùng mỏ Hòn Gai để có đủ cứ liệu thực tế chuẩn bị cho việc soạn thảo Luận cương chính trị”.

Khoảng đầu tháng 7 năm 1930, Trần Phú trở lại Hà Nội và được bổ sung vào Ban Chấp uỷ lâm thời Bắc Kỳ, được cử làm Bí thư thay đồng chí Trịnh Đình Cửu. Trong thời gian này Trần Phú được Trung ương giao tập trung chuẩn bị “Luận cương chính trị” để trình bày ở Hội nghị Trung ương sắp tới.

Tại căn buồng nhỏ dưới tầng hầm ở nhà số 7 phố Giăng Xô Le (Jean So Ler) nay là số 90 phố Thợ Nhuộm Hà Nội, Trần Phú đã hoàn thiện bản “Luận cương chính trị”. Trong quá trình soạn thảo và hoàn thiện “Luận cương chính trị” Trần Phú đã cùng các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Lan, Trịnh Đình Cửu trao đổi thảo luận. Đặc biệt là với đồng chí Nguyễn Thế Rục người đã cùng học ở trường Đại học Phương Đông với Trần Phú. Cũng trong thời gian này Trung ương đã bổ sung Trần Phú và Trần Văn Lan vào Ban Chấp hành TW và là đại biểu của Chấp uỷ Bắc Kỳ dự Hội nghị Trung ương. Trước khi Hội nghị Trung ương khai mạc, Ban Chấp hành Trung ương có 7 đồng chí: Trần Phú (tức năm), Trần Văn Lan (tức Giáp), Nguyễn Phong Sắc (tức Thanh), Lê Mao (tức Cát), Nguyễn Trung Nhã (tức Sáu), Ngô Đức Trì (tức Vân) và Ả Lầu (tức Đạo). Nhưng vào thời điểm này các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Phạm Hữu Lầu bị địch bắt ở Hải Phòng, đề phòng bị lộ, nên Trung ương chuyển địa điểm sang họp ở Hồng Kông. Đến dự Hội nghị Trung ương, ngoài hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc do trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô viết ở Nghệ – Tĩnh và Trần Văn Lan bị lạc đường còn lại 5 đồng chí trong số 7 uỷ viên Chấp hành Trung ương có mặt. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua “Luận cương chính trị”, Án Nghị quyết, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.

Nghiên cứu “Luận cương chính trị” do Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 thông qua, tuy có một số nội dung vì do điều kiện lịch sử cụ thể lúc bấy giờ chi phối, nên không đồng nhất với “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” của Nguyễn Ái Quốc đề ra trong Hội nghị thành lập Đảng nhưng về chiến lược cách mạng cũng như đường lối cơ bản của cách mạng thì hai văn kiện này có sự thống nhất cao. Đó là sự nhất quán trong việc xác định mục tiêu cách mạng là làm cách mạng tư sản dân quyền, giành độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tiến lên xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; lực lượng nòng cốt cách mạng là công nông; đặt cách mạng ở Đông Dương trong phong trào cách mạng quốc tế, ủng hộ Liên Xô; lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng lí luận và kim chỉ nam…

Như vậy là trong một thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1930 Trần Phú đã tập trung vào việc soạn thảo “Luận cương chính trị” và chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất thành công. Anh đã làm việc không biết mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Quốc tế cộng sản và các đồng chí của mình tin tưởng giao phó. Có thể nói đây là “khoảnh khắc thăng hoa” của tài năng một nhà lãnh đạo, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lí luận xuất sắc đã góp công khởi đầu nhưng rất to lớn và vô cùng quan trọng cho Đảng ta.

Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về sự sáng tạo và cống hiến to lớn cho Đảng, về tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Lời nhắn gửi cuối cùng của Anh trước lúc hy sinh: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu đã truyền thêm sức mạnh cho toàn Đảng, đã cổ vũ toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường cách mạng để giành được thắng lợi như ngày nay.