Tràn lan việc mua bán giấy nghỉ ốm, giấy khám sức khoẻ

HÀ ANH CHIẾN

  –  

Thứ năm, 18/03/2021 07:25 (GMT+7)

Đồng Nai là tỉnh có hơn 1,2 triệu lao động (chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp), do đó, nhu cầu về khám sức khoẻ để xin việc và khám nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều phòng khám trên địa bàn không khám sức khoẻ cho người lao động, hoặc chỉ khám lấy lệ nhưng vẫn cấp giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội và giấy khám sức khoẻ. Lãnh đạo Sở Y tế cũng thừa nhận tình trạng này và yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Tràn lan việc mua bán giấy nghỉ ốm, giấy khám sức khoẻGiấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cấp cho công nhân nam, nhưng chẩn đoán bị … viêm âm đạo. Ảnh: Hà Anh Chiến

Phòng khám chẩn đoán nam công nhân bị… viêm âm đạo

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tục có nhiều phản ánh về tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, mua bán giấy nghỉ ốm để hưởng bảo hiểm xã hội và giấy khám sức khỏe tại một số cơ sở y tế trên địa bàn. Do đó, ngày 17.3, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phải mời các chủ cơ sở, người phụ trách chuyên môn của các bệnh viện, phòng khám tư để “chấn chỉnh” vấn đề này và khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu các phòng khám tái phạm.

Thực tế, đây là vấn đề không mới và đã xảy ra kéo dài trong thời gian qua. Nhiều phòng khám chủ yếu cấp giấy là chính, còn khám là… phụ, dẫn đến việc khám sai sót, nhầm lẫn ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Cụ thể như vụ việc phòng khám chẩn đoán nam công nhân bị viêm… âm đạo, xảy ra cuối năm 2020, được Công ty Ch.S (công ty này có khoảng 35.000 công nhân tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) phát hiện khi nam công nhân nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội lên công ty. Cụ thể, công ty phát hiện giấy chứng nhận có “vấn đề” khi công nhân là nam giới nhưng được chẩn đoán bệnh viêm âm đạo cấp (N76.0) – viêm âm hộ cấp (N76.2), kèm theo 2 ngày nghỉ. Nơi cấp giấy là một phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.Biên Hoà, Đồng Nai. Sau khi vụ việc xảy ra, PV đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và vị lãnh đạo này cho biết đã giao phòng Nghiệp vụ 1 yêu cầu phòng khám đa khoa trên giải giải trình về vụ việc. Phía phòng khám này sau đó cũng đã thừa nhận sai sót, nguyên nhân do nhân viên nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu thông tin, thiếu đối chiếu, kiểm tra…

Do buông lỏng quản lý?

Gần đây cơ quan y tế Đồng Nai cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng mua giấy chứng nhận sức khỏe có giá từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng tuỳ vào từng phòng khám. Thủ tục đơn giản chỉ cần giao một tấm hình thẻ, một bản photo chứng minh thư nhân dân là có thể sớm nhận ngay giấy khám sức khỏe với đầy đủ chữ ký, mộc đỏ. Ông Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, việc mời chủ các phòng khám đa khoa và bệnh viên tư nhân làm việc là do gần đây cũng bởi liên tục nhận được phản ánh về việc mua bán giấy chứng nhận sức khoẻ và giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội. “Việc mua bán giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khoẻ là nghiêm cấm, vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị truy tố hình sự. Nếu đơn vị nào cố tình làm thì phải chịu trách nhiệm, rút giấy phép” – ông Vũ nhấn mạnh. Cũng theo ông Vũ, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 70 phòng khám, số lượng phòng khám liên quan đến việc mua bán giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khoẻ dưới 10%…

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Đình Hùng – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, cho biết, quy trình khám bệnh để được cấp giấy nghỉ bảo hiểm xã hội tại bệnh viện rất chặt chẽ. Cụ thể, sau khi bệnh nhân khám bệnh với bác sĩ thì phải trình lên Ban giám đốc bệnh viện xem xét, kiểm duyệt chính xác sau đó mới cấp giấy cho bệnh nhân. “Điều này ngăn ngừa được tình trạng bác sĩ liên kết với bệnh nhân để mua bán giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khoẻ” – ông Hùng khẳng định.

Trước thực trạng trên, vừa qua, Sở Y tế cũng vừa có công văn gửi các cơ sở y tế yêu cầu kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chú trọng công tác kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật và tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm hoạt động quản lý và cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định. Các trường hợp bệnh lý không cần phải nghỉ làm việc thì bác sĩ điều trị không cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. Các cơ sở đã công bố đủ điều kiện khám sức khỏe, khám sức khỏe lái xe phải thực hiện việc khám đúng, đầy đủ các nội dung theo quy định.

Bình Dương: Công nhân giả nghỉ ốm làm việc riêng, doanh nghiệp gặp khó

Việc một số công nhân lao động làm giấy nghỉ bệnh để ở nhà điều trị nhưng thực chất lại đi chơi hoặc làm việc riêng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong điều hành sản xuất. Theo ghi nhận, công nhân chỉ cần đến một số phòng khám có khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội là có ngay giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ nhân sự của công ty sản xuất giày (tại khu sản xuất P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An, Bình Dương) cho biết tình trạng này xảy ra rất nhiều. Ở doanh nghiệp này có 2 trường hợp cung cấp giấy khám chữa bệnh xin nghỉ ốm 3 ngày để ở nhà điều trị. Tuy nhiên ngày hôm sau lại thấy 2 người này livestream đi chơi ở Bình Thuận.

Còn ông Trịnh Anh Tuấn – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hài Mỹ cho biết, ở công ty cũng xảy ra tình trạng này. “Mỗi chuyền có 30 người, một người nghỉ là cán bộ phải vào chuyền làm thay. Việc công nhân không ốm mà vẫn xin nghỉ để đi làm việc riêng gây khó khăn trong việc sắp xếp lao động sản xuất. Nếu công nhân báo trước thì còn có thể sắp xếp sản xuất được, còn nghỉ đột ngột thì rất khó trong quản lý sản xuất. Biết đây là lỗ hổng nhưng công ty cũng chưa có cách nào để quản lý việc này” – ông Tuấn chia sẻ. Đình Trọng