Trạm Dừng Chân Nơi Nhà Ga Tuổi Trẻ

“Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ” (Nanimono) là cuốn đầu tiên của Skybooks mình mua về, và khá lâu sau mới lấy ra đọc. Về chất lượng in thì chưa được tốt lắm, nhiều dòng bị mất dấu nên đọc hơi khó chịu một chút, tuy nhiên, giấy vàng, dày nên đỡ mỏi mắt. Đây là cuốn sách đạt giải Naoki lần thứ 148, từng được chuyển thể thành phim điện ảnh và sau đó được chuyển thể thành kịch. Tác giả Asai Ryo sinh năm 1989, viết tác phẩm “Nanimono” vào năm 2012. Dưới cái nhìn của một người trẻ, tác giả đã viết

“Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ” (Nanimono) là cuốn đầu tiên của Skybooks mình mua về, và khá lâu sau mới lấy ra đọc. Về chất lượng in thì chưa được tốt lắm, nhiều dòng bị mất dấu nên đọc hơi khó chịu một chút, tuy nhiên, giấy vàng, dày nên đỡ mỏi mắt. Đây là cuốn sách đạt giải Naoki lần thứ 148, từng được chuyển thể thành phim điện ảnh và sau đó được chuyển thể thành kịch. Tác giả Asai Ryo sinh năm 1989, viết tác phẩm “Nanimono” vào năm 2012. Dưới cái nhìn của một người trẻ, tác giả đã viết về những người trẻ ở giai đoạn bước ngoặt của cuộc đời: Từ sinh viên bước chân ra ngoài xã hội để tìm việc làm.

Người đọc không thể tìm thấy trong cuốn sách một cốt truyện gay cấn hay những chi tiết giật gân, thậm chí khi đọc những chương đầu có thể thấy nhàm chán do nhịp điệu truyện rất chậm với những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống của các nhân vật. Nhưng nếu kiên nhẫn và ưa thích những diễn biến trong tâm lý con người, cuốn sách sẽ không làm ta thất vọng. Bằng những chi tiết rất đỗi đời thường, bằng những dòng tweet ngắn gọn trên Twitter, từng nhân vật hiện lên đầy rõ nét về tính cách, suy nghĩ và “bản chất”.

Truyện xoay quanh 5 nhân vật: Takuto, Kotaro, Mizuki, Rika và Takayoshi trong quá trình tìm việc của họ.

Takuto – người kể chuyện bằng ngôi thứ nhất, người quan sát. Trong suốt câu chuyện, cậu ta luôn quan sát tỉ mỉ mọi thứ xung quanh và ngầm đánh giá người khác. Những đánh giá của cậu ta thường có xu hướng tiêu cực.

Kotaro – bạn cùng phòng với Takuto, bên ngoài là một người sôi nổi, hoạt bát, luôn là trung tâm của mọi cuộc trò chuyện nhưng lại có cái nhìn khá tinh tế và không bao giờ thổ lộ những vấn đề mang tính cá nhân.

Mizuki – người yêu cũ của Kotaro, người Takuto yêu, có lẽ là người đơn thuần nhất trong nhóm bạn, người luôn nói thật suy nghĩ của bản thân về đối phương và có mục tiêu rõ ràng.

Rika – bạn của Mizuki, một cô gái năng động, luôn vươn tới những lý tưởng mình đặt ra, không muốn người khác thành công hơn mình. Dưới cái nhìn của Takuto, Rika là một người giả tạo, thích khoe khoang.

Takayoshi thể hiện mình là một người đi ngược lại số đông khi bảo lưu kết quả học và làm những gì mình thích, không muốn tìm việc theo “dòng chảy của xã hội” nhưng lại âm thầm đi ứng tuyển.

Mới đầu, khi dần thâm nhập vào đời sống của những người này, ta tưởng mỗi người có những quan điểm, suy nghĩ rất riêng. Nhưng khi đặt trong mối quan hệ giữa họ trong thực tế với họ trên mạng xã hội lại thấy có điểm chung.

Đầu tiên, ở chuyện tìm việc làm – chủ đề chính trong những lần gặp gỡ, chủ đề chính trong cuộc sống của họ, rõ ràng là có 2 luồng suy nghĩ. Takayoshi đại diện cho số ít khi cho rằng không nhất thiết phải tìm việc và phải vào được công ty lớn theo trào lưu của xã hội, đặc biệt là tìm việc cùng một thời điểm, cố gắng đưa ra những điểm mạnh của bản thân hoặc cố tạo ra một bản thân không phải là mình trước mặt những nhà tuyển dụng.

“Tớ đã vắt óc suy nghĩ nhưng chẳng thể nhìn ra ý nghĩa của chuyện tìm việc. Tại sao ta phải bắt tay vào tìm hiểu bản thân mình cùng lúc với kẻ khác? Mỗi người bắt đầu tìm việc ở thời điểm khác nhau thì có chết ai? Mà nói thật nhé, thế nào gọi là tìm hiểu bản thân? Ta làm vậy là vì ai?”

Phía còn lại, Takuto lại có suy nghĩ khác:

“Tôi tự hỏi sao người ta không nghĩ được rằng quyết định “tham gia tìm việc” cũng có sức nặng ngang ngửa lựa chọn “không tham gia tìm việc”. Đi làm công ty không có nghĩa là phải dẹp bỏ cái tôi cá nhân để trở thành một người khác. Vest có thể giống, nhưng bản chất con người thì không.”

Chính vì suy nghĩ ấy, Takuto thường thấy không thoải mái với những lời “thuyết giảng” của Takayoshi, thậm chí có phần bài xích. Khi biết Takayoshi cũng đang bí mật tìm việc thì cậu ta càng coi thường hơn, một thái độ không khác với Rika là bao.

Thứ hai, “bộ mặt” mỗi người trưng lên mạng xã hội liệu có phải con người thật của họ hay không? Chắc chắn đó chỉ là một phần hoặc hoàn toàn không phải họ. Khi mạng xã hội kết nối ta với những người ta quen biết ngày một nhiều hơn sẽ càng khiến ta không dám viết suy nghĩ thật của mình lên đó. Hoặc giả có viết thì thường sẽ là những câu từ ngắn gọn, được chọn lọc có mục đích, để rồi người khác sẽ thấy một con người hoàn toàn khác với thực tế.

“Từ khi nào chúng ta buộc phải thể hiện bản thân mình bằng mấy cụm từ ngắn ngủn như vậy? Trên Facebook và blog, chúng ta chỉ viết những dòng ngắn gọn, dễ hiểu. Trên Twitter, bài đăng giới hạn trong một trăm bốn mươi ký tự. Khi phỏng vấn tìm việc, trước hết ta sẽ nêu ra các từ khoá. Tôi tự hỏi nếu phải trình bày bản thân mình là người như thế nào chỉ với chút từ ngữ ít ỏi và tấm ảnh thẻ tí tẹo kia, ta sẽ phải cân nhắc chọn từ nào, bỏ từ nào đây?”

Đọc chương này và đặc biệt là đoạn này mình thấy khá ấn tượng. Ninomiya Takuto đã nói đến một thực tế về cách nhìn nhận, đánh giá con người trong thời điểm hiện tại. Mà có lẽ không phải chỉ con người, bất cứ sự vật, sự việc nào cũng vậy, đều có những từ khoá gắn với nó. Mọi thứ đều được thu gọn lại để người khác dễ dàng nhận diện. Nhưng liệu rằng như vậy đã đủ để thể đánh giá về một đối tượng hay chưa, nhất là con người?

Để rồi đến chương cuối cùng, điều này lại càng được khẳng định hơn. Chương cuối tạo nên một bất ngờ lớn khi Rika lại chính là người vạch trần bộ mặt của Takuto, và điều bất ngờ lại cũng ở chính Takuto. Cậu ta thường xuyên khinh bỉ người khác khi tạo một tài khoản phụ trong khi chính cậu ta cũng vậy. Và theo như đánh giá của Rika, cậu ta thấy thoả mãn với điều đó. Đọc đến cuối truyện, người đọc sẽ vỡ lẽ ra, ồ… thì ra đây là một con người như vậy.

Nói gì thì nói, trong mỗi chúng ta sẽ luôn có những bản chất đối lập nhau, vừa khinh thường một điều gì đấy lại vừa mang nó theo bên mình, không thể từ bỏ được. Cái quan trọng là bản thân mình biết mình xấu xa như thế nào, có cần thiết phải dựa vào cái xấu ấy để đứng vững không hay mình phải thay đổi nó. Điều này ở những người trẻ dường như mang tính quyết định đối với cuộc đời họ bởi nó ảnh hưởng tới lựa chọn, mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó.

Tóm lại, có thể thấy tác giả đã rất thành công trong việc thể hiện chủ đề mà mình hướng tới. Với cá nhân mình thì thấy rằng, mỗi người trẻ đều đang cố gắng hoàn thiện bản thân bằng cách này hay cách khác. Nó có thể là phủ nhận những nỗ lực của người khác, có thể là bộc lộ ra cái mình cho là lố bịch, kệch cỡm nhưng khiến mình thấy an toàn, có thể là sự cố gắng không ngừng nghỉ. Khi có người nhìn thấy bản chất của mình và nói thẳng vào mặt mình có khi lại là cơ hội để mình sống đúng với bản chất thật của mình cũng nên. Cuốn sách phù hợp với mọi bạn trẻ (đang là sinh viên, mới ra trường, mới đi làm…) hoặc với những người như mình – luôn che giấu bản chất ở một khía cạnh nào đó.

Xem thêm: Carrot Store

…more

Source: https://evbn.org
Category: Dừng Chân