Trầm cảm sau đẻ

Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý cảm xúc xảy ra sau khi sinh và thường kéo dài khoảng 6 tuần. Khởi phát bệnh có khuynh hướng từ từ hoặc có thể dai dẳng hoặc có khi lẫn vào các triệu chứng khác thời sinh đẻ. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng tới 15% phụ nữ có sinh đẻ. Thể nhẹ và trung bình của trầm cảm sau sinh đôi khi không được phát hiện hoặc không được chính các bà mẹ thừa nhận. Rất nhiều phụ nữ cảm thấy e ngại phải nói ra tình trạng cảm xúc của mình, họ tự đối phó và thường là dấu diếm nỗi đau khổ này. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng vì nó gây xáo trộn cuộc sống của các bà mẹ trẻ, có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ, những đứa con khác, người chồng và các mối quan hệ với gia đình. Trầm cảm ở người mẹ sau đẻ cũng có thể chuyển sang trầm cảm ở người chồng với một tỷ lệ đáng kể.

Trầm cảm sau sinh thường chia làm 2 loại: loại khởi phát sớm và loại khởi phát muộn.
– Loại khởi phát sớm giống như “ u sầu”, xuất hiện với mức độ nhẹ, ngắn trong những ngày đầu hoặc tuần đầu sau đẻ. Trong suốt tuần đầu sau sinh, người ta thấy hơn 80% các bà mẹ đều trải qua “ u sầu trẻ thơ” bao gồm các cảm giác đặc biệt hoặc các triệu chứng như: chỉ chực khóc, cáu kỉnh, lo lắng, dễ thay đổi cảm xúc (lúc vui, lúc buồn)… Các dấu hiệu này xuất hiện và đạt đỉnh điểm trong khoảng 3 đến 5 ngày sau sinh và sau đó dần  biến mất trong vòng 2 tuần mà không phải điều trị gì ngoài sự an ủi cảm thông và nâng đỡ của người thân và gia đình. Như vậy, một số dấu hiệu trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng có thể xảy ra với phụ nữ sau khi sinh là các phản ứng cảm xúc trong phạm vi giới hạn bình thường.
–  Loại khởi phát muộn, xuất hiện sau sinh một vài tuần và kéo dài bao gồm các dấu hiệu: khí sắc trầm, mất quan tâm thích thú ( kể cả với đứa trẻ mới sinh), mất sinh lực, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân quá mức, khó khăn trong chăm sóc trẻ.
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh
Cảm xúc
–         Khí sắc trầm kéo dài
–         Không xứng đáng, thất bại, bất lực, tuyệt vọng
–         Kiệt sức, trống rỗng, buồn rầu, chực khóc
–         Tội lỗi, hối hận, vô giá trị
–         Lẫn lộn, lo âu, hoảng sợ
–         Sợ đứa trẻ, sợ mất trẻ
–         Sợ ở một mình, sợ đi ra ngoài
Hành vi
–         Mất quan tâm thích thú trong các hoạt động thường ngày
–         Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ác mộng
–         Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
–         Giảm sinh lực và động cơ
–         Ngại giao tiếp xã hội
–         Ít chăm sóc bản thân
–         Không có khả năng xử lý các công việc thường ngày
Suy nghĩ
–         Suy nghĩ kém minh mẫn, không thể quyết định việc gì
–         Kém tập trung chú ý, giảm trí nhớ
–         Trốn tránh mọi thứ
–         Sợ bị chồng bỏ rơi
–         Lo lắng về sự tổn hại hoặc cái chết của chồng, con
–         Có ý nghĩ về tự sát 
Nguyên nhân: Trầm cảm sau sinh gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau trên những phụ nữ có các đặc điểm và hoàn cảnh cũng khác nhau. Yếu tố sinh học: có thai và sinh đẻ bao giờ cũng đi kèm với sự thay đổi đột ngột các hooc môn trong cơ thể người phụ nữ và sự thay đổi này đã tác động nên các cơ quan điều hoà cảm xúc. Yếu tố tâm lý: sự ra đời của đứa trẻ được coi như là một sự kiện tâm lý đặc biệt đối với hầu hết các bà mẹ trẻ. Thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ , lo toan chăm sóc suốt 24/24 giờ, dường như quá sức, kiệt sức của bà mẹ trẻ. Kể cả những lần sinh sau. Những yếu tố stress cơ thể và tâm lý này bao giờ cũng đi kèm với thiếu ngủ, không được nghỉ ngơi cho tới tận khi trẻ có nhịp ăn ngủ đều đặn.
Các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm sau sinh
–         Stress
–         Thiếu ngủ
–         Kém dinh dưỡng
–         Thiếu hỗ trợ của người thân, gia đình, bạn bè
–         Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm
–         Biến chứng do chửa đẻ cả mẹ và con
–         Trẻ chết non
–         Bệnh tật của con
–         Tách mẹ và con
–         Khó khăn của đứa trẻ ( tính khí, ăn , ngủ, tổ chức sinh hoạt)
–         Các bệnh tâm thần và thần kinh từ trước của bà mẹ.

Điều trị: Trầm cảm sau sinh được điều trị bằng
–         Thuốc men
–         Tâm lý
–         Tư vấn
–         Hỗ trợ theo nhóm
Tuỳ thuộc nhu cầu từng thể bệnh, mức độ bệnh và chỉ định của thầy thuốc.
Trong điều trị bằng thuốc, các bác sỹ sẽ sử dụng các thuốc chống trầm cảm kết hợp với các liệu pháp tâm lý là phương pháp đã chứng tỏ có hiệu quả. Hiệu quả của thuốc sẽ có khi sử dụng liên tục 3-4 tuần. Tất cả các loại thuốc cho bà mẹ cho con bú đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng vì thuốc có thể ảnh hưởng đến trẻ. Một số thuốc chống trầm cảm mới gần đây có thể an toàn cho trẻ hơn song vẫn phải có sự thận trọng nhất định.
Tuy nhiên chỉ điều trị bằng thuốc thì cũng chưa có hiệu quả toàn vẹn mà phải luôn đi kèm với các liệu pháp tâm lý và các hỗ trợ khác. Tư vấn. tâm lý để người phụ nữ được hiểu biết, được cảm thông và nâng đỡ, không cảm thấy cô đơn là điều rất quan trọng.
Các hỗ trợ khác: bổ xung Vitamin và khoáng chất, ăn uống bồi dưỡng, xoa bóp, bấm huyệt…
Tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn.
Phòng ngừa
Tập thể dục
Đảm bảo giấc ngủ
Học cách thư giãn
Tìm hiểu, nhận biết các dấu hiệu và sẵn sàng các phương pháp đối phó.
Tiên lượng
Trầm cảm nhẹ mất đi nhanh bằng các hỗ trợ tâm lý.
Nếu trầm cảm nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới chăm sóc trẻ, sinh hoạt và các mối quan hệ – cần phải nhập viện điều trị. Thời gian điều trị trung bình 3-6 tháng.
Sinh con lần thứ hai có thể cũng bị trầm cảm giống như lần sinh thứ nhất.
Điều trị trầm cảm tốt nhất là các cơ sở chuyên khoa tâm thần.
Chi phí điều trị bằng thuốc chống trầm cảm mới ví dụ Sertraline (Zoloft) 50mg- trung bình 14.000đ/ngày, 420.000đ/tháng.

Bs Nguyễn Mạnh Hoàn