Trái đất nóng lên: chúng ta phải làm gì?

Trái đất nóng lên: chúng ta phải làm gì?

Trước đây, chỉ có các nhà khoa học và những tổ chức bảo vệ môi trường ra sức kêu gọi mọi người quan tâm, còn đại đa số đều hết sức thờ ơ và nghĩ rằng hậu quả của sự thay đổi khí hậu vẫn còn ở xa lắm. Nhưng đến bây giờ, ngay cả những người ít quan tâm đến môi trường cũng không thể không thừa nhận những hậu quả ngày càng nghiêm trọng do trái đất nóng lên. Dự báo đến cuối thế kỷ này, mực nước biển sẽ dâng cao 5-6 m khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ, liệu con cháu đời sau sẽ sống ra sao và chúng ta phải làm gì để cứu trái đất?

Băng cực tan chảy, nước biển dâng cao.

Khí thải, nhất là CO2, có thể làm thủng tầng ôzôn của khí quyển, làm nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên. Cuối thời kỳ băng hà, nồng độ khí thải CO2 trong không khí chỉ có 180 ppm nhưng qua nửa thế kỷ, con số này đã lên đến 380 ppm. Căn cứ vào số liệu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thì năm 2005 là năm nóng nhất trong lịch sử 100 năm trở lại đây.

Châu Bắc cực và châu Nam cực là hai khu vực nhạy cảm nhất đối với hiện tượng trái đất nóng lên, những núi băng, tảng băng không ngừng tan chảy. Theo số liệu khí tượng trong vòng 30 năm gần đây của Trạm khảo sát Nam cực Anh thì tốc độ nóng lên của Nam cực cao gấp 4 lần trái đất. Từ năm 2002 cho đến nay, băng tan ở Nam cực khiến cho mực nước biển tăng mỗi năm khoảng 0,4 mm. Tình hình ở Bắc cực còn tồi tệ hơn. Tốc độ băng tan của đảo Greenland trong 5 năm gần đây tăng gấp 2 lần. Theo ước tính, nếu cả băng đảo Greenland tan chảy thì nước biển sẽ dâng cao lên 7m. Khi ấy, cả đất nước Bănglađet sẽ chìm ngập dưới biển.

Băng tan ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ giữa mặt trời với trái đất. Băng ở hai vùng Nam cực và Bắc cực đủ để phản xạ lại 90% năng lượng bức xạ mặt trời. Đại dương thì có tác dụng ngược lại, hấp thu 90% năng lượng bức xạ mặt trời. Nếu như băng ở hai cực này không còn tồn tại thì không biết nhiệt độ của trái đất sẽ tăng nhanh như thế nào.

Hiện tượng “tuần hoàn ngược” trên trái đất xảy ra ở những vùng băng đảo. Tại khu vực vĩ độ cao như Alaska và Siberia có rất nhiều băng đảo trong khi băng đảo lại chứa nhiều khoáng chất. Nếu như băng ở những băng đảo tan chảy sẽ phóng thích ra Hyđrô cacbua và CO2 – khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu khí tượng Mỹ, tất cả băng đảo trên trái đất chứa khoảng 200-800 tỷ tấn CO2 (hiện nay, lượng CO2 toàn cầu đã phóng thải chưa quá 0,7 tỷ tấn).

Trái đất nóng lên còn đem đến một hậu quả khủng khiếp: Đại dương càng ngày càng nóng, nhưng nhiệt độ lục địa càng ngày càng thấp đi. Các chuyên gia cho rằng, trong mùa đông năm 2005 cả châu âu bị những đợt lạnh tấn công, rất nhiều nơi nhiệt độ hạ thấp dưới -20 độ F, gây tử vong hàng trăm người là một biểu hiện của hiện tượng này.

Vậy trái đất nóng lên tại sao lại khiến nhiệt độ của lục địa thấp xuống? Chính do trái đất nóng lên làm tăng nhiệt độ nước biển, băng hà tan chảy khiến lượng nước ngọt đổ vào biển. Hơn nữa, nhiệt độ mặt nước biển tăng cao, độ mặn lại bị giảm, có thể sẽ làm cho hải lưu ở Bắc Đại Tây Dương chảy chậm, thậm chí hoàn toàn bị ngừng chảy. Như vậy, nước ở miền nhiệt đới của xích đạo không thể đổ về khu vực Bắc Đại Tây Dương và làm cho nhiệt độ ở Đông Bắc Mỹ và Tây âu lạnh đi.

Ngoài ra, trong bối cảnh trái đất nóng lên, khô hạn cũng là hiện tượng không tránh khỏi, chỉ có điều nó xảy ra ở những nơi khác nhau. Khu vực khô hạn trên những dãy núi như miền Tây nước Mỹ, tuyết phủ trên núi cao là nguồn nước chủ yếu. Nhưng do mấy năm gần đây khí hậu nóng lên, tuyết phủ ở những vùng núi cao thường bị tan chảy sớm, đến mùa khô hạn cần nước thì tuyết đã tan hết. Những khu vực bị khô hạn lại rất rộng, nhiệt độ cao làm cho nước dưới lòng đất nóng lên làm nước bay hơi nhanh, lại càng khô hạn, đồng thời hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương xảy ra liên tiếp khiến cho Đông á và châu Phi ngày càng trở nên khô hạn. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu khí tượng Mỹ, hiện tượng khô hạn hiện nay xảy ra nhiều gấp 2 lần so với thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Đời sống của động thực vật trên trái đất sẽ ra sao?

Những năm gần đây, ở Mỹ, ôxtrâylia, Inđônêxia…, hiện tượng cháy rừng ngày càng lan rộng, gây ra hiệu ứng “tuần hoàn ngược” khi phóng thích một lượng khí thải CO2, cộng thêm hiệu ứng nhà kính càng làm cho nhiệt độ tăng cao, khiến cho khả năng cháy rừng càng lớn. Cây hút khí CO2, nhả ôxy nên cháy rừng không chỉ làm cho diện tích rừng bị thu hẹp mà còn làm môi trường bị đe doạ.

Tại đại lục Bắc Mỹ, rất nhiều thực vật đang bị ảnh hưởng bởi trái đất nóng lên. Loài Manzanita bất tử ở miền Tây Bắc Mỹ đang dần dần khô héo, xương rồng cũng chuyển sang màu vàng úa. Mùa đông năm 2005 ấm áp lạ thường ở Canada và miền Tây nước Mỹ, khiến cho các loại sâu hại sinh trưởng mạnh, hàng triệu hecta rừng đã bị chúng phá hoại. Động vật cũng đang đứng trước những thảm hoạ. Đến nay, các tổ chức bảo vệ môi trường đã có hàng loạt danh sách các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ví dụ như ở rừng nhiệt đới vốn có hơn 110 loài cóc màu các loại, nhưng chỉ sau hơn 30 năm, số cóc rừng này đã bị tuyệt chủng 2/3. Diện tích băng ở Bắc cực bắt đầu thu hẹp, gấu Bắc cực không còn nơi trú ngụ, buộc phải liều di cư đến gần con người. Đời sống, tập tính của hải cẩu cũng bị thay đổi, do băng ở bờ biển Bắc Mỹ quá mỏng nên năm 2006 có hàng nghìn con hải cẩu phải sinh sản ở lục địa.

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, khí hậu toàn cầu tuy mới chỉ hơi nhích lên nhưng cũng đã đủ để ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người. Mỗi năm, con số tử vong đã lên đến 15 vạn người. Tháng 8/2003, thời tiết nóng đã làm 2 vạn người ở các nước châu âu tử vong (theo ước tính của tổ chức này thì đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên gấp đôi). Trái đất nóng lên làm ô nhiễm không khí. Nhiệt độ tăng khiến cho khí hôi thối cũng bốc lên. Có rất nhiều nghiên cứu cho biết, chất khí này sẽ làm gia tăng lượng người mắc bệnh tim, phổi. Ngoài ra, hàm lượng khí CO2 tăng sẽ kích thích tăng trưởng của những loài cây có hoa. Do đó, các bệnh liên quan đến hô hấp và dị ứng cũng sẽ phát triển. Số lượng côn trùng có hại cũng tăng, mỗi năm toàn cầu có ít nhất 300 triệu loại virus gây bệnh xuất hiện, gây tử vong cho hơn 1 triệu người.

Quốc đảo đối mặt với sự “thôn tính”

Gần đây, các nhà khoa học ôxtrâylia cảnh báo, trái đất nóng lên sẽ làm mực nước biển tăng, 3 đảo quốc là Tuvalu, Kiribati, Maldives không bao lâu sẽ bị nước biển xâm nhập. Hơn 1 vạn dân ở Tuvalu chỉ còn 26 km2, nơi cao nhất ở đây cũng chỉ cao hơn mực mặt nước biển 4,5 m. Cứ khoảng 2-3 tháng lại có một đợt triều cường, mỗi lần như thế, quốc đảo này lại bị nước biển xâm nhập 30% diện tích, rất nhiều nhà bị nước biển ngập đến sân. Tuvalu đã sớm phải ký hiệp định di dân với New Zealand, mỗi năm di dân sang đó 80 người. Niue của Nam Thái Bình Dương cũng mong muốn giúp đỡ nhân dân Tuvalu, nhưng nếu tốc độ trái đất nóng lên nhanh như thế này thì Niue cũng sẽ chịu chung số phận như Tuvalu.

Diệu kế cứu trái đất

Ngoài việc đốc thúc các quốc gia, tổ chức quốc tế áp dụng các biện pháp thiết thực làm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các nhà khoa học đang tìm mọi cách để cứu trái đất. Cho dù rất khó khả thi nhưng ít nhiều cũng mở ra được một cách nhìn mới:

Chôn CO2 dưới đáy biển.

Các nhà khoa học Anh gần đây đã tìm ra một cách giải quyết cho vấn đề trái đất nóng lên, đó là chôn CO2 gây hiệu ứng nhà kính xuống đáy đại dương. Họ tin rằng mỗi năm có thể giấu được hàng triệu tấn CO2 xuống đáy Bắc Hải. Họ đã chọn mỏ dầu Millet của Công ty dầu khí Anh làm nơi thử nghiệm đầu tiên. Họ sử dụng kỹ thuật hoá lỏng CO2, thông qua đường dẫn dầu (không còn sử dụng) bơm CO2 về mỏ dầu Millet. Bằng cách này, mỗi năm mỏ Millet có thể tiếp nhận được 5 triệu tấn CO2 hoá lỏng và thời gian lưu trữ có thể lên đến 1 vạn năm.

Màng che bầu trời

Năm 2004, các nhà khoa học còn đưa ra một ý tưởng kinh ngạc – một màng chắn trị giá khoảng 1 tỷ bảng Anh sẽ được thiết kế nhằm ngăn chặn triệt để bức xạ ánh sáng mặt trời, làm giảm nhiệt độ cho trái đất. Sáng kiến này bắt nguồn từ việc núi lửa ở Indonexia hoạt động năm 1814. Lần ấy, trong quá trình phun trào, núi lửa đã phóng vào khí quyển một lượng lớn vật chất hỗn hợp khiến cho nhiệt độ ở khu vực này giảm 30% so với trước đây. Song kế hoạch này vẫn nằm trong giai đoạn giả tưởng, với điều kiện kỹ thuật hiện nay thì trong tương lai gần khó có thể thực hiện được.

Bổ sung sắt cho đại dương

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học ở bang California (Mỹ) cho rằng việc bổ sung sắt là một biện pháp “nhốt” CO2 trong đại dương. Trong quá trình quang hợp, thực vật nổi hấp thụ cacbon trong lớp nước mặt, tạo ra sự nở hoa của tảo – nguồn thức ăn cho các động vật. Cacbon trong thực vật nổi được thải ra cùng với chất thải từ chính nguồn động vật này và lắng đọng xuống đáy biển – đây được xem là quá trình “bơm sinh học”. Bổ sung chất sắt cho đại dương nghĩa là tăng khả năng loại bỏ cacbon trong tầng nước mặt – là nơi trao đổi trực tiếp cacbon với khí quyển và vận chuyển cacbon xuống tầng sâu hơn. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cảnh báo, biện pháp này có thể phá vỡ môi trường sinh thái.

Đến nay, câu hỏi: Trái đất nóng lên, chúng ta phải làm gì? vẫn đang là thách thức lớn với các nhà khoa học.

Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học