TP.HCM sẽ triển khai đủ 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 Chính phủ cùng đoàn công tác vừa có buổi làm việc với TP.HCM về thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
ĐẢM BẢO DỮ LIỆU DÂN CƯ “ĐÚNG, ĐỦ, SẠCH, SỐNG”
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết TP.HCM đã khai trương Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố với 56 dịch công trực tuyến được đưa lên hệ thống gồm: 12/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (11 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, 01 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải) và 44 dịch vụ công trực tuyến của TP.HCM (gồm các dịch vụ công trực tuyến của Sở Nội vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu Công nghiệp, Khu chế xuất, Ban Quản lý An toàn thực phẩm).
“Công an TP.HCM đang quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và bước đầu đã thực hiện việc số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu theo chỉ đạo của Bộ Công an…”.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM.
Dự kiến, đến hết năm 2022 sẽ triển khai đủ toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Đây là điểm nhấn quan trọng tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công TP.HCM (https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/)
Về công tác của ngành Công an, Thiếu tướng Trần Đức Tài thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 55.067 hồ sơ đăng ký thường trú (đã giải quyết 21.813 hồ sơ); 200.312 hồ sơ đăng ký tạm trú (đã giải quyết 80.501 hồ sơ); tiếp nhận 615 hồ sơ khai báo tạm vắng (đã giải quyết 163 ); 546.389 thông báo lưu trú (đã giải quyết 531.852 trường hợp); quản lý ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và đăng ký quản lý con dấu là 181 hồ sơ; tiếp nhận và giải quyết 681.751 hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu; 542 hồ sơ phòng cháy, chữa cháy; 21.815 hồ sơ đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Công an TP.HCM đang quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và bước đầu đã thực hiện việc số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu theo chỉ đạo của Bộ Công an…”, Thiếu tướng Trần Đức Tài khẳng định.
Tính đến ngày 6/11/2022, Công an TP.HCM đã thu nhận được 6.788.918 hồ sơ cấp căn cước công dân, truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội hơn 6,5 triệu hồ sơ; đã nhận hơn 5,5 triệu thẻ căn cước công dân từ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội và đã trả cho người dân 5,5 triệu thẻ căn cước công dân theo quy định, đã thu nhận 987.924 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Hiện nay, Công an TP.HCM đã triển khai nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trên đến các đơn vị trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Công an Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử gắn với công tác thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, đã triển khai và vận hành việc thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử tại trụ sở 312 Công an phường, xã, thị trấn.
KHẨN TRƯƠNG TÍCH HỢP CỔNG DỊCH VỤ CÔNG THÀNH PHỐ
Về kết quả thực hiện nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Cục Thuế TP.HCM đã hoàn thành kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hiện đang triển khai 07 dịch vụ thực hiện qua Cổng dịch vụ công mức độ 3.
Bảo hiểm xã hội Thành phố đã tiếp nhận, giải quyết 19.048 hồ sơ đề nghị cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn; tiếp nhận 3.018 hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; tiếp nhận 35 hồ sơ gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Cục Hải quan TP.HCM tiếp nhận 260 hồ sơ, đã giải quyết 232 hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận và xử lý 269.943 tờ khai hải quan trên Hệ thống thông quan điện tử tự động.
Sở Tư pháp TP.HCM đã tiếp nhận các loại hồ sơ đăng ký trực tuyến, gồm: 27.022 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (đã giải quyết 26.060 hồ sơ), 1.089 hồ sơ đăng ký hộ tịch, 5.445 hồ sơ bản sao hộ tịch. Ngoài ra, Sở Tư pháp và Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp triển khai xây dựng kết nối Cổng dịch vụ công thành phố với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp để triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công thành phố; xây dựng dự thảo quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến 04 loại thủ tục thiết yếu trên Cổng dịch vụ công thành phố.
Sở Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội, Công an Thành phố triển khai đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, đến nay số lượng thẻ căn cước công dân đã đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để khám chữa bệnh bằng căn cước công dân là 4.997.148 thẻ; số lượng cơ sở sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh là 400 cơ sở; số lượng công dân sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh là 314.756; số lượng công dân sử dụng thẻ căn cước công dân tra cứu có thông tin 235.062; cấp 4.098.494 tài khoản đăng ký, khai báo, phê duyệt, giải đáp các vướng mắc,… về ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số).
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thông tin về chủ trương tích hợp cổng dịch vụ công của các xã, phường, quận, huyện, sở ngành vào Cổng dịch vụ công của Thành phố. Đồng thời, Thành phố đang khẩn trương tích hợp cổng dịch vụ công của các xã, phường, quận, huyện, sở ngành vào Cổng dịch vụ công của Thành phố.
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN VỀ NGUỒN LỰC, THIẾT BỊ
Qua 10 tháng thực hiện, tỷ lệ giải quyết hồ sơ bằng dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử đã có chuyển biến rõ rệt, nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo nâng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến đạt xấp xỉ đến 100%…
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn có một số khó khăn, vướng mắc. Do đặc thù, Thành phố có số lượng dân cư tập trung đông, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp rất lớn (trên 50 nghìn hồ sơ/ngày) nhưng trang thiết bị, máy móc, nhân sự ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ còn chậm so với quy định.
“Thực hiện tốt Đề án 06, chuyển đổi số thành công sẽ thay đổi cung cách quản lý, phục vụ của bộ máy hành chính, và cũng liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin còn thiếu; nguồn nhân lực được tăng cường, bổ sung của các sở, ngành chưa được tập huấn, hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đề án 06…
Về phối hợp xác minh thông tin công dân phục vụ cập nhật lên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, hiện nay thông tin do các cơ sở y tế cung cấp cho cơ quan Công an không chính xác, bị lặp lại nhiều lần dẫn đến không thể xác minh, mất nhiều thời gian và công sức…
Về hệ thống đường truyền, trang thiết bị, phương tiện, hiện nay đường truyền dữ liệu dân cư chưa thực sự ổn định; trang thiết bị, máy móc, phương tiện của một số đơn vị đã được đầu tư mua sắm từ lâu, hiện đã cũ, không đảm bảo cấu hình, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đề án 06 không phải là của riêng ngành công an từ cách thức xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu này sẽ tạo đột phá cho cả hệ thống chính trị, trước hết là hệ thống hành chính. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Thực hiện tốt Đề án 06, chuyển đổi số thành công sẽ thay đổi cung cách quản lý, phục vụ của bộ máy hành chính, và cũng liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo TP.HCM cũng như các bộ ngành cần phải phối hợp với nhau tốt hơn nữa trong việc trao đổi thông tin, trong việc thực hiện các nội dung công việc của Đề án 06. UBND Thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt việc này. Người đứng đầu UBND Thành phố và Văn phòng UBND Thành phố phải hết sức quyết tâm và nỗ lực để các sở ban ngành của Thành phố cùng vào cuộc đồng loạt.
“Để TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06, đó là nên tiếp cận với hộ gia đình, chứ không nên tiếp cận từng cá nhân. Khi rà theo hộ, thì các sở ban ngành sẽ có trách nhiệm rà soát, báo cáo theo từng sở, ngành để Văn phòng UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Thành phố tổng hợp, để kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết những khúc mắc, tồn tại của tất cả các sở ban ngành Thành phố”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trước đó, Đoàn Công tác Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 tại UBND Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ những lợi ích, tầm quan trọng của Đề án 06, đồng thời động viên cán bộ nhân viên của phường tiếp tục cố gắng thực hiện tốt các công việc phục vụ cho Đề án 06.