Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product – GDP) là gì?
Tổng sản phẩm quốc nội (tiếng Anh: Gross Domestic Product, viết tắt: GDP) là một trong những chỉ tiêu chỉ kinh tế được quan tâm nhất, được đưa ra để đánh giá tổng quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đánh giá về mức độ phát triển của một vùng hay một quốc gia.
Hình minh họa. TraderViet
Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product)
Định nghĩa
Tổng sản phẩm quốc nội trong tiếng Anh là Gross Domestic Product, viết tắt là GDP. Đó là một chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một thời kì nhất định (thường là một năm).
Bản chất
Thoạt nghe chúng ta thấy định nghĩa này xem ra cũng có vẻ khá đơn giản. Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong tính toán chỉ tiêu GDP của nền kinh tế. Do vậy, chúng ta cần phải đi sâu phân tích những ẩn chứa đằng sau trong các cụm từ của định nghĩa này.
(1) “là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường“: GDP cộng rất nhiều loại sản phẩm thành một chỉ tiêu duy nhất về giá trị của hoạt động kinh tế. Để làm được điều này, GDP phải sử dụng giá thị trường. Do giá thị trường biểu thị số tiền mà mọi người sẵn sàng chi trả cho các hàng hoá khác nhau, nên nó phản ánh giá trị của những hàng hoá này.
(2) “của tất cả“: GDP cố gắng biểu thị một cách đầy đủ tất cả các hàng hoá được sản xuất ra trong nền kinh tế và được bán hợp pháp trên các thị trường.
Tuy nhiên, trong thực tế có một số sản phẩm mà GDP bỏ sót do tính toán chúng quá khó khăn. GDP không tính những phẩm được sản xuất ra và bán trong nền kinh tế ngầm. Ví dụ: các dược phẩm bất hợp pháp. Nó cũng không tính được những sản phẩm được sản xuất và tiêu dùng trong gia đình mà không bao giờ được đưa ra thị trường.
Ví dụ: những loại rau quả nằm trong các cửa hàng là một phần của GDP, nhưng việc bạn tiêu dùng rau quả trong vườn nhà bạn thì lại không nằm trong GDP.
(3) “hàng hoá và dịch vụ“: GDP bao gồm cả những hàng hoá hữu hình (thực phẩm, xe hơi, quần áo…) và những dịch vụ vô hình (cắt tóc, khám bệnh, lau nhà…).
Ví dụ: khi bạn mua một chiếc đĩa CD của một nhóm nhạc mà bạn yêu thích, thì điều này có nghĩa là bạn mua một hàng hoá và giá mua nằm trong GDP. Khi bạn trả tiền để nghe một buổi hoà nhạc, thì có nghĩa là bạn mua một dịch vụ và giá vé cũng nằm trong GDP.
(4) “cuối cùng“: có nghĩa là GDP chỉ bao gồm giá trị của những hàng hoá và dịch vụ cuối cùng, không tính giá trị của những hàng hóa trung gian.
Cần lưu ý có một số trường hợp ngoại lệ: khi hàng hoá trung gian được đem vào quá trình sản xuất ra sản phẩm và sản phẩm này không được đưa ra sử dụng mà đưa vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để bán trong tương lai. Trong trường hợp đó hàng hoá trung gian được coi là hàng hoá cuối cùng và giá trị của nó tồn tại dưới dạng đầu tư vào hàng tồn kho, được tính vào GDP.
Khi mức hàng hóa trung gian này được sử dụng hoặc bán ra thì đầu tư vào hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ là số âm. GDP trong thời kì sau phải giảm đi một lượng tương ứng.
(5) “được sản xuất ra“: GDP bao gồm mọi hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong thời kì hiện tại. Nó không bao gồm những giao dịch liên quan đến hàng hoá được sản xuất ra trong quá khứ.
(6) “trong phạm vi lãnh thổ quốc gia“: GDP tính theo phạm vi lãnh thổ kinh tế. Lãnh thổ kinh tế của một quốc gia được quan niệm bao gồm các đơn vị hoạt động sản xuất – kinh doanh dưới hình thức một tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thường trú.
(7) “trong một thời kì nhất định“: GDP phản ánh giả trị sản xuất thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể. Khoảng thời gian này thường là một năm hoặc một quí. GDP phản ánh lượng thu nhập hay chi tiêu trong thời kì đó.
Chúng ta phải hiểu rằng số liệu GDP đã được qui chuẩn theo GDP của một năm. Nghĩa là, con số GDP hàng quí được thông báo bằng tổng thu nhập hay chi tiêu trong quí đó nhân với 4. Chính phủ qui ước như vậy là muốn đảm bảo tính so sánh của tài liệu nghiên cứu, và đảm bào rằng con số GDP hàng quí và hàng năm có thể so sánh với nhau một cách dễ dàng.
Vì tính bằng tiền thông qua giá cả, mà giá cả lại là một thước đo co giãn, lạm phát thường xuyên đưa mức giá chung lên cao. Do vậy GDP tính bằng tiền có thể tăng nhanh trong khi đó tổng sản phẩm tính theo hiện vật có thể vẫn không thay đổi hoặc tăng ít.
(Tài liệu tham khảo Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính)