Tổng quan về thanh toán trong thương mại quốc tế

Thanh toán quốc tế là một khái niệm rộng, phục vụ cho lĩnh vực hoạt động kinh tế và phi kinh tế. Trong bài viết này, HP Toàn Cầu chỉ đề cập đến nội dung THANH TOÁN TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ.

Thanh toán thương mại quốc tế là việc thanh toán các nghĩa vụ tiền tệ phát sinh từ các hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ thương mại theo giá cả quốc tế, giữa các chủ thể của các nước có liên quan.

Tham gia vào các quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhà nhập khẩu cũng như nhà xuất khẩu đều mong muốn đạt được các yêu cầu trong hoạt động kinh doanh của mình, cụ thể:

Đối với nhà nhập khẩu, hoạt động thanh toán quốc tế phải (1) đảm bảo chắc chắn nhập hàng đúng số lượng, chất lượng, chủng loại theo yêu cầu đúng thời hạn, (2) giá trị thánh toán quy đổi ra nội tệ thấp nhất, (3) mở rộng quan hệ buôn bán và (4)Trong những điều kiện thương mại giống nhau, trả tiền càng chậm càng tốt

Đối với nhà xuất khẩu, hoạt động thanh toán quốc tế phải (1) đảm bảo thu tiền về an toàn, chính xác, đầy đủ, kịp thời, (2) Giá trị hợp đồng thu về không bị mất mát trong trường hợp tiền tệ biến động, (3) mở cộng quan hệ buôn bán và (4) Trong những điều kiện thương mại thống nhau, thu tiền càng nhanh càng tốt

Nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu ràng buộc với nhau bởi hợp đồng thương mại quốc tế. Những yêu cầu của nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu được thể hiện thành những điều kiện liên quan thanh toán quốc tế trong hợp đồng.

Các  yếu tố cơ bản liên quan đến thanh toán trong thương mại quốc tế bao gồm

1. Các điều khoản của hợp đồng thương mại quốc tế

Thông thường các điều khoản sau liên quan đến thanh toán trong thương mại quốc tế:

Điều khoản về giá cả xác định đơn vị tiền tệ tính giá và mức giá kèm theo điều kiện giao hàng

Điều khoản về phương thức thanh toán xác định đơn vị tiền tệ thanh toán, thời hạn và địa điểm thanh toán, phương thức thanh toán áp dụng

Tiền tệ để thanh toán có thể là tiền tệ tính toán hay tiền tệ khác do hai bên mua bán thỏa thuận. Nếu khác nhau, hai bên cần quy định rõ về tỷ giá áp dụng.

Thời gian thanh toán có liên quan chặt chẽ đến việc luân chuyển vốn, lợi nhuận cũng như những biến động và rủi ro về tỷ giá. Thời gian thanh toán có ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, do đó, nó là vấn đề quan trọng trong đàm phán giữa các bên ký hợp hợp đồng thương mại quốc tế. Căn cứ vào tính chất của hàng hóa, năng lực tài chính và mức độ của mối quan hệ và chiến lược xúc tiến thương mại mà thời gian thanh toán có thể là trả trước, trả ngay, trả sau hoặc hỗn hợp.

Phương thức thanh toán là một trong những điều khoản quan trọng nhất trong các điều khoản của hợp đồng ngoại thương, bởi thanh toán là khâu kết thúc đánh giá hiệu quả của hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Tùy theo tính chất của đối tượng giao dịch, mức độ tín nhiệm mà có thể lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.

Sau khi ký kết hợp đồng thương mại quốc tế, để xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp cần hoàn thành việc thông quan hàng hóa.

Quy định về tiêu chí phương thức thanh toán trên tờ khai hải quan hiện hành được quy định tại Phụ lục I Thông tư số 39/2018/TT-BTC có hiệu lực ngày 05/06/2018; phụ lục này Thay thế Phụ lục II của Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 về việc quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Phương thức thanh toán được quy định tại tiêu chí 43 tại Mẫu số 01. Tờ khai điện tử nhập khẩu và tiêu chí 38 trong Mẫu số 02. Tờ khai điện tử xuất khẩu, theo đó, có 17 lựa chọn phương thức thanh toán trên tờ khai:  “BIENMAU”: Biên mậu; “DA”: Nhờ thu chấp nhận chứng từ; “CAD”: Trả tiền lấy chứng từ; “CANTRU”: Cấn trừ, bù trừ; “CASH”: Tiền mặt; “CHEQUE”: Séc; “DP”: Nhờ thu kèm chứng từ; “GV”: Góp vốn; “H-D-H”: Hàng đổi hang; “H-T-N”: Hàng trả nợ; “HPH”: Hối phiếu; “KHONGTT”: Không thanh toán; “LC”: Tín dụng thư; “LDDT”: Liên doanh đầu tư; “OA”: Mở tài khoản thanh toán; “TTR”: Chuyển tiền bồi hoàn bằng điện.; “KC”: Khác (bao gồm cả thanh toán bằng hình thức TT)

Để biết thêm chi tiết, tham khảo bài viết: Tiêu chí phương thức thanh toán trong tờ khai hải quan

Một số phương thức thanh toán quốc tế thông dụng

 

2. Các chứng từ liên quan đến thanh toán thương mại quốc tế

Trong thanh toán thương mại quốc tế, các chứng từ thanh toán vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải đầy đủ, hoàn hảo, đảm bảo tính chính xác, trung thực và không mâu thuẫn nhau

Các chứng từ liên quan thanh toán thương mại quốc tế có thể chia ra:

Chứng từ thương mại: Hoa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm, chứng nhận xuất xứ, chứng nhập phẩm chất…

Chứng từ tài chính: Trong các hoạt động buôn bán quốc tế, việc giao nhận hàng cũng như thanh toán tiền không thể thực hiện một cách đồng thời, trực tiếp giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, thay cho việc trả tiền trực tiếp bằng tiền mặt, việc thanh toán giữa họ thường dựa trên các phương tiện như: Hối phiếu, séc…

3. Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là giá cả đơn vị tiền tệ nước này thể hiện bằng một số tiền tệ nước kia.

Đối với việc thanh toán quốc tế, tỷ giá hối đoái là một nhân tố rất quan trọng. Xử lý khéo yếu tố này có thể tiết kiệm hoặc thu về một số tiền đáng kể. Tỷ giá hối đoái khác nhau ở các thời điểm và khác nhau ở các ngân hàng.

Căn cứ nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng có các loại tỷ giá:

  • Tỷ giá mua (Bid rate) và tỷ giá bán (Ask rate)

Tỷ giá mua là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng.

Tỷ giá bán là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng.

Khi niêm yết tỷ giá, tỷ giá mua đứng trước, tỷ giá bán đứng sau. Chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán là lợi nhuận trước thuế của ngân hàng.

  • Tỷ giá giao ngay (Spot rate) và tỷ giá kỳ hạn (Forward rate)

Tỷ giá giao ngay là tỷ giá mà ngân hàng phải có nghĩa vụ giao ngoại tệ ngay trong một vài ngày nhất định kể từ ngày ký hợp đồng, vd: T+1, T+2, T+3

Tỷ giá kỳ hạn là tỷ giá mà ngân hàng có nghĩa vụ giao ngoại tệ sau ngày ký hợp đồng một thời hạn nhất định, vd: 30 ngày, 60 ngày …

  • Tỷ giá mở cửa (Opening rate) và tỷ giá đóng cửa (Closing rate)

Tỷ giá mở cửa là tỷ giá của hợp đồng mua bán ngoại tệ đầu tiên trong ngày. Tỷ giá đóng cửa là tỷ giá của hợp đồng mua bán ngoại tệ cuối cùng trong ngày.

  • Tỷ giá ngoại tệ tiền mặt (Cash rate) và tỷ giá ngoại tệ chuyển khoản (Transfer rate)

Tỷ giá ngoại tệ tiền mặt là tỷ giá mà ngân hàng mua bán ngoại tệ tiền mặt với khách hàng

Tỷ giá chuyển khoản là tỷ giá ngân hàng mua bán ngoại tệ với khách hàng kèm theo trách nhiệm chuyển ngoại tệ đó vào tài khoản của người thụ hưởng chị định. Tỷ giá chuyển khoản thường cao hơn tỷ giá tiền mặt.

4. Chế độ quản lý ngoại hối của Chính phủ

Việc thanh toán quốc tế giữa người nhập khẩu và xuất khẩu phải tuân theo chế độ quản lý ngoại hối của các chính phủ liên quan.

Tại Việt Nam, giao dịch thanh toán và chuyển tiền có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ được phân loại là giao dịch vãng lai (Giao dịch vãng lai: Những giao dịch làm tăng và/hoặc giảm tài sản tài chính thuộc quyền sở hữu của Việt Nam với nước ngoài)

Nguyên tắc quản lý ngoại hối đối với giao dịch vãng lai: tự do hóa trong khuôn khổ của Pháp lệnh ngoại hối 2005 của nước CHXHCN Việt Nam và những cam kết của Việt Nam với WTO và những cam kết khu vực hoặc song phương của Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước khác.

Cơ chế quản lý giao dịch vãng lai

(i) Mọi giao dịch vãng lai phải thông qua tài khoản của người cư trú và/hoặc của người phi cư trú mở tại tổ chức tính dụng được phép hoạt động ngoại hối do thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp

(ii) Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền trong giao dịch vãng lai phải thực hiện bằng cơ chế thanh toán không dùng ngoại tệ tiền mặt, hạn chế việc thanh toán và chuyển tiền bằng ngoại tệ tiền mặt, nếu có thì phải tuân thủ theo nguyên tắc:

Quy định hạn ngạch tối đa được chuyển tiền bằng ngoại tệ tiền mặt hoặc VNĐ tiền mặt ra bên ngoài lãnh thổ của nước CNXHCN Việt Nam, trên hạn ngạch đó phải có giấy phép

Việc thanh toán ngoại tệ bằng tiền mặt phải được phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam

(iii) Tất cả các khoản thu ngoại tệ từ các giao dịch vãng lai của người cư trú phải chuyển về tài khoản của mình mở ở các tổ chức tín dụng được phép, nếu muốn để ở tài khoản nước ngoài thì phải có phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

(iv) Thực hiện cơ chế quản lý chặt chẽ các khoản thu ngoại tệ một chiều của người cư trú là tổ chức ở Việt Nam, tự do hóa đối với người cư trú là cá nhân ở Việt Nam

(v) Người cư trú được quyền tự do lựa chọn tiền tệ trong thanh toán quốc tế, kể cả Việt Nam đồng.

Tài liệu tham khảo và dẫn chiếu trong bài viết:

  • Giáo trình Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế – Học viện Tài chính
  • Giáo trình nghiệp vụ ngoại thương – Đại học Kinh tế Quốc dân
  • Giáo trình thanh toán quốc tế – Đại học Ngoại thương
  • Các văn bản pháp quy về thủ tục hải quan hiện hành

Video liên quan:

Hãy liên lạc ngay với chúng tôi nếu bạn muốn được tư vấn về thuế xuất nhập khẩu hoặc thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hay để nhận báo giá, dự toán thời gian vận chuyển

Công ty TNHH HP Toàn Cầu

Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế và thủ tục hải quan

Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội

Website : hptoancau.com

Email: [email protected]

Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:08 8611 5726

hoặc yêu cầu báo giá theo link

Lưu ý:

– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật nhất (nếu có)

– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại

– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.