Tổng quan về HIV trong năm 2021
Mọi mặt đời sống xã hội trong năm 2021 hẳn ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID, khi nó tác động đến hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vậy liệu chương trình phòng, chống HIV/AIDS có gì thay đổi đáng lưu ý suốt thời gian qua hay không? Hãy cùng nhìn lại qua các số liệu báo cáo để có thể đưa ra những phương pháp can thiệp kịp thời, nhằm giữ vững tiến độ sớm chấm dứt dịch AIDS ở bối cảnh sống chung cùng COVID.
Trên thế giới
Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết, tính đến năm 2020, thế giới có khoảng 37,7 triệu người đang sống chung với HIV. Riêng trong năm 2020, số người nhiễm HIV mới được phát hiện là 1,5 triệu người và khoảng 680.000 người tử vong vì AIDS. Như vậy đã có khoảng 38 triệu người mất do HIV/AIDS kể từ ngày bắt đầu phát hiện dịch.
Qua đánh giá của UNAIDS về tình hình dịch HIV/AIDS giữa các quốc gia và khu vực, châu Phi vẫn là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi có số người nhiễm HIV chiếm hơn 2/3 tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Ở châu Phi, cứ 25 người trưởng thành thì có tầm 1 người sống chung với HIV, tỷ lệ khoảng 3,6%.
Theo UNAIDS, các nhóm nhiễm HIV năm 2020 chủ yếu là: nam quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, người bán dâm và khách hàng của họ, người chuyển giới và bạn tình của họ. Số ca nhiễm ở các nhóm này chiếm 65% tổng số ca nhiễm trên thế giới, đi cùng với đó là nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn từ 20-30 lần so với các nhóm khác.
Tại Việt Nam
Cục Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế thông báo, tính từ thời điểm có dịch HIV/AIDS tại Việt Nam, số người nhiễm đang sống chung với HIV được thống kê đến hiện tại là 212.769 người và số người tử vong là 108.849 người. Trong 10 tháng qua của năm 2021, cả nước ghi nhận 1.528 người mất vì bệnh AIDS, cùng 10.925 ca nhiễm HIV mới, chủ yếu là nam giới (84,8%), cùng độ tuổi dao động ở 16-29 tuổi (46%) và 30-39 tuổi (29%), với đường lây chiếm phần lớn là do quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%).
So với năm 2020, số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp cận xét nghiệm HIV của các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, cũng như việc rà soát những trường hợp nhiễm HIV chưa tham gia điều trị của các tỉnh, thành trên cả nước. Ước tính đến cuối năm nay, số trường hợp dương tính với HIV sẽ rơi vào khoảng 13.000, cùng số ca tử vong là 2.000 ca.
Ở hệ thống phòng khám của Glink
Là một tổ chức hoạt động vì cộng đồng, với nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS trên cả nước cho mọi công dân, mà nhất là cộng đồng LGBTQ+, hệ thống phòng khám Thành Danh (Glink) cũng đã ghi nhận 1.000 ca nhiễm HIV đang điều trị tại các chi nhánh. Song song đó, số ca đã tiếp cận và đang sử dụng biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Glink là 2.500 ca. Đây được xem là một trong những nỗ lực mà Glink mong muốn để giúp cộng đồng ý thức hơn trong việc bảo vệ bản thân trước những nguy cơ lây nhiễm HIV.
Từ đầu năm 2021 tới nay, Glink đã tiếp nhận 310 ca nhiễm HIV mới, trong đó nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tới 93%, các độ tuổi được ghi nhận chủ yếu là từ 18-24 tuổi (30%) và từ 24-34 tuổi (60%). Với các trường hợp mới phát hiện, hầu như đường lây chính là do quan hệ tình dục không an toàn (99%).
Có thể thấy, đường lây truyền chính trong nhiễm HIV hiện nay là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, và tỷ lệ này ngày càng tăng lên theo từng năm. Đồng thời, nhóm MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV/AIDS tại nước ta, bởi số người nhiễm mới cũng như sống chung với HIV trong nhóm này đang tăng lên đáng kể. Do đó, việc dự phòng, sử dụng các biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục và tuân thủ liệu trình điều trị là những điều cần được ưu tiên trên hết.
Thật sự, việc bảo vệ bản thân trước những nguy cơ phơi nhiễm với HIV là rất quan trọng. Vì vậy mà Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12/2021) chọn chủ đề “Chấm dứt đại dịch HIV/AIDS: Tiếp cận bình đẳng, Tiếng nói của mọi người” và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11/2021 – 10/12/2021) chọn chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19” để truyền tải đến công chúng thông điệp về sự nhận thức đúng đắn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, hiểu được quyền lợi của bản thân để từ đó cùng nhau chung tay đẩy lùi, dần tiến tới chấm dứt dịch HIV/AIDS sớm nhất có thể.