Tổng quan về định khoản kế toán và các tài khoản kế toán
Định khoản kế toán là công việc quen thuộc của các bạn làm kế toán viên tại doanh nghiệp. Đồng thời các bạn cũng cần nắm vững về hệ thống tài khoản để định khoản đúng theo quy định. Chúng mình sẽ chia sẻ kiến thức cơ bản về định khoản kế toán và các tài khoản trong bài viết dưới đây. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục Lục
Định khoản kế toán và các tài khoản kế toán
Khái niệm định khoản kế toán
Trước hết, các bạn hãy tham khảo ví dụ sau:
Ví dụ 1: Ngày 01/01/2020, Công ty ABC mua nguyên vật liệu hết 3 triệu đồng, thanh toán ngay bằng tiền mặt.
Ví dụ trên được gọi là một nghiệp vụ kế toán. Trong nghiệp vụ này có 2 đối tượng liên quan đến trực tiếp đến số tiền 3 triệu đồng là: “nguyên vật liệu” và “tiền mặt”.
Trong đó “nguyên vật liệu” và “tiền mặt” sẽ được gọi là đối tượng kế toán. Để việc ghi chép, thống kê và liên các báo cáo trở nên dễ dàng hơn thì người ta hệ thống các đối tượng kế toán như thế này vào một hệ thống gọi là tài khoản kế toán. Mỗi tài khoản kế toán sẽ được ký hiệu bằng một số hiệu tài khoản.
Trong trường hợp này thì có 2 số hiệu tài khoản là:
- Số hiệu tài khoản cho nguyên vật liệu: 152
- Số hiệu tài khoản cho tiền mặt: 111
Người ta sẽ ghi nghiệp vụ kế toán này vào sổ sách bằng cách:
- Ghi nợ tài khoản 152: 3.000.000 đồng
- Ghi có tài khoản 111: 3.000.000 đồng
Điều này có nghĩa là nguyên vật liệu được tăng lên 3.000.000 đồng còn tiền mặt bị giảm đi 3.000.000 đồng.
Tất cả các thao tác trên được gọi chung là định khoản kế toán. Vậy chúng ta có thể rút ra được khái niệm về định khoản kế toán là:
Định khoản kế toán là việc ghi Nợ hoặc Có một tài khoản nhằm phản ánh biến động tăng hoặc giảm của tài khoản đó.
Để dễ hình dung hơn thì người ta phản ánh biến động tăng hoặc giảm này vào sơ đồ chữ T.
Ví dụ: Ghi nợ tài khoản 152 là 3.000.000 đồng thì người ta sẽ ghi số tiền này vào bên nợ của tài khoẳn 152 trong sơ đồ chữ T.
Tương tự như vậy, ghi có tài khoản 111 là 3.000.000 đồng thì người ta sẽ ghi vào số tiền này vào bên có của tài khoản 111 trong sơ đồ chữ T.
Trong một nghiệp vụ kế toán thì bên Nợ sẽ luôn bằng bên Có. Trong đó, “Nợ” và “Có” chỉ là cách diễn đạt với quy ước bên nợ là bên trái còn bên có là bên phải trong sơ đồ chữ T. Như vậy, nghiệp vụ mua nguyên vật liệu này sẽ được ghi sổ vào sổ nhật ký chung của kế toán như sau:
Việc lập sổ nhật ký chung này cũng tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp. Các bạn có thể tạo sổ này trên Excel hoặc tạo trên phần mềm kế toán mà công ty đang sử dụng.
Chúng ta đã biết được định khoản kế toán là gì rồi vậy thì làm sao để định khoản đúng? Các bạn cần chú ý những điều sau đây để định khoản đúng.
- Xác định những tài khoản nào sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng tăng hay giảm.
- Hạch toán bên Nợ của tài khoản này thì hạch toán bên Có của tài khoản kia.
Chúng ta có thể làm thêm một ví dụ nữa để hiểu rõ hơn về định khoản trong kế toán.
Ví dụ 2: Ngày 01/02/2020, Công ty Hà Anh mua 1 laptop trị giá 20 triệu thanh toán bằng chuyển khoản.
Nghiệp vụ kế toán này là mua công cụ dụng cụ cần được hạch toán vào Tài khoản công cụ dụng cụ 153. Việc thanh toán được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản nên sẽ cần hạch toán bằng Tài khoản tiền gửi ngân hàng 112. Các bạn xem sơ đồ chữ T dưới đây để hiểu được biến động tăng giảm của 2 tài khoản này:
Nghiệp vụ này sẽ được ghi vào sổ nhật ký chung như sau:
Có thể nhiều bạn sẽ thắc mắc là làm thế nào để biết được là tài khoản nào sẽ tăng bên nợ còn tài khoản nào sẽ giảm bên có? Để phân biệt được thì các bạn sẽ phải có kiến thức tổng quan về các loại tài khoản kế toán sử dụng cho việc định khoản.
Xem thêm: Hạch toán là gì? Các nội dung cơ bản về hạch toán kế toán
Tổng quan về các tài khoản kế toán
Trong công việc hàng ngày của kế toán, các bạn sẽ tiếp tục với các loại tài khoản thường gặp như sau:
STT
Số hiệu tài khoản
Tên tài khoản
1
111
Tiền mặt
2
112
Tiền gửi ngân hàng
3
131
Phải thu khách hàng
4
152
Nguyên vật liệu
5
153
Công cụ dụng cụ
6
211
Tài sản cố định
7
214
Khấu hao tài sản cố định
8
331
Phải trả người bán
9
333
Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước
10
334
Phải trả người lao động
11
338
Phải trả phải nộp khác
12
411
Vốn đầu tư của chủ sở hữu
13
421
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
14
511
Doanh thu bán hàng
15
515
Doanh thu hoạt động tài chính
16
627
Chi phí sản xuất chung (TT200)
17
632
Giá vốn hàng bán (TT200)
18
641
Chi phí bán hàng (TT200)
19
642
Chi phí quản lý doanh nghiệp (TT200)
20
7111
Thu nhập khác
21
811
Chi phí khác
22
911
Xác định kết quả kinh doanh
Xem thêm: Kế toán bán hàng là gì? Các tài khoản kế toán bán hàng sử dụng
Kết luận
Qua bài viết này, các bạn đã nắm thêm được kiến thức cơ bản về định khoản kế toán và các tài khoản mà kế toán sử dụng.