TỔNG QUAN TỈNH HÀ NAM

14/11/2010

TỈNH HÀ NAM

DƯ ĐỊA CHÍ

Nằm về phía Tây Nam châu thổ sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội chừng 65km, tỉnh Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của thủ đô – Đông giáp các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, Nam giáp các tỉnh Nam Định và Ninh Bình, Tây giáp tỉnh Hòa Bình và Bắc giáp Hà Nội. Hà Nam có diện tích 823,1km² với dân số 785.057 người theo thống kê 1-4-2009.

Ngược dòng lịch sử, nguyên đất Hà Nam thời các vua Hùng nằm trong quận Vũ Bình thuộc bộ Giao Chỉ, sau được đổi thành châu Lý Nhân thuộc lộ Đông Đô thời nhà Trần. Ngày 20-10-1890 theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Hà Nam đã được thành lập trên cơ sở 2 huyện Duy Tiên và Kim Bảng của phủ Lý Nhân, phủ Liêm Bình cùng 17 xã của hai huyện Vụ Bản và Thượng Nguyên (tỉnh Nam Định), 2 tống Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Nội).

a

 Ảnh: nguồn saigonsuntravel.com

Năm 1956, hai tỉnh Hà Nam và Nam Định được sáp nhập thành tỉnh Nam Hà. Đầu năm 1976, tỉnh Nam Hà cùng với tỉnh Ninh Bình được sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh, đến năm 1992 lại tách thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình như cũ. Ngày 1-1-1997, tỉnh Hà Nam được tái lập gồm các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục và thị xã tỉnh lỵ Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý).

Địa hình Hà Nam khá đa dạng với 4 mặt đều có sông bao quanh và dòng sông Đáy chảy qua chia Hà Nam thành hai vùng khá rõ nét: vùng đồi núi bán sơn địa với dải đá trầm tích ở phía Tây thích hợp cho các loại cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và cây ăn quả; vùng đồng chiêm trũng ở phía Đông được phù sa của các sông lớn như sông Đáy, sông Châu, sông Hồng tài bồi thuận tiện cho canh tác lúa nước, các loại hoa màu hay các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, lạc, đỗ tương… nơi đây còn phù hợp nuôi trồng hay đánh bắt thủy sản và phát triển chăn nuôi các loài thủy gia cầm.

a

Ảnh: nguồn VTC News

Hà Nam sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản với chủ yếu đá vôi có trữ lượng hơn 7 tỷ mét khối, được phân bố gần trục đường giao thông, rất thuận tiện trong khai thác, vận chuyển và chế biến. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho phát triển các ngành công nghiệp sản xuất như xi-măng, vôi, bột nhẹ hay vật liệu xây dựng… Sản phẩm của xi-măng Bút Sơn (Hà Nam) đã có mặt trong nhiều công trình xây dựng của đất nước.

TIỀM NĂNG VÀ TRIỂN VỌNG

Là vùng đất có nền văn hiến lâu đời, Hà Nam sở hữu 1.784 di tích trong đó có 64 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 41 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, nhiều di sản phi vật thể đã được cổ nhân để lại trên mảnh đất Hà Nam như trống đồng Ngọc Lũ ghi dấu thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn, sách đồng Bắc Lý là một trong bốn cuốn còn nguyên vẹn nhất với nội dung khá phong phú, bia “Sùng Thiện Diên Linh”, bia “Đại Trị”… Với cội nguồn văn minh lúa nước, Hà Nam có nền văn hóa dân gian khá phong phú qua các làn điệu hát chèo, hát chầu văn, hát bóng, hát ả đào, hát dậm… cùng cả trăm lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm, trong đó có những lễ hội như đền Trần Thương, chùa Đọi, đền Trúc – Ngũ Động Sơn, vật võ Liễu Đôi… được tổ chức qui mô với các nghi thức tế lễ, đám rước, trò chơi dân gian, sinh hoạt nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng làng xã cao. Con người Hà Nam còn biết phát huy truyền thống lao động mỹ nghệ với trên 40 làng nghề nổi tiếng như lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, mây tre đan Ngọc Động (Duy Tiên), sừng mỹ nghệ Đô Hai (Bình Lục), thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi (Thanh Liêm), mộc Cao Đà, gốm Đanh Xá, Quyết Thành (Kim Bảng)…

aẢnh: nguồn website Hà Nam

Bên cạnh trục giao thông xuyên Bắc – Nam với quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua có chiều dài gần 50km, Hà Nam còn nhiều tuyến đường quan trọng khác như quốc lộ 21, 21B, 38, hơn 200km thủy lộ có luồng lạch cùng 42 cầu đường được xây dựng kiên cố đã tạo nhiều thuận lợi trong đi lại cũng như giao thương. Từ thành phố Phủ Lý có thể đi tới các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng một cách thuận tiện và nhanh chóng.

Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho Hà Nam một vùng đồng bằng với nhiều cảnh quan đẹp như núi Đọi, núi Điệp ở Duy Tiên, núi An Lão ở Bình Lục, núi Non, núi Chanh Chè ở Thanh Liêm mà còn đặt vào dãy núi đá vôi ở phía Tây những cảnh trí thơ mộng như Ngũ động sơn, hang Luồn – ao Dong, đầm Ngũ Nhạc, núi Ngọc, Bát cảnh tiên, dốc Cống Trời, động Phúc Long, Kẽm Trống, hang Giống Lở… là nguồn tài nguyên qúy báu phát triển du lịch. Dọc hai bờ sông Đáy gần nơi giáp với cửa sông Châu, khu du lịch trung tâm được hình thành là một địa điểm du thuyền vãng cảnh non nước Phủ Lý và thuận tiện đến với chùa Hương (Hà Tây – Hà Nội).

a

Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Trong nỗ lực tạo sức bật mới cho du lịch Hà Nam, dự án du lịch sinh thái hồ Tam Chúc (Ba Sao – Kim Bảng) có qui mô gần 2.000ha đang được khởi động với gần 600ha mặt nước hồ, khoảng 600ha khu phụ cận và du lịch sinh thái cùng các công trình nhà nghỉ, khách sạn, sân quần vợt, sân golf, công viên nước, nhà thủy tạ… Với cự ly cách chùa Hương 7km, Hưng Yên 40km, Nam Định 40km, Ninh Bình 45km và trung tâm Hà Nội 70km, một khi hình thành sẽ là điểm dừng chân cuối tuần khá thú vị đối với du khách trong khu vực.

Với truyền thống hiếu học, cần cù và sáng tạo của con người Hà Nam cùng nguồn tài nguyên nhân văn – du lịch khá phong phú, Hà Nam có nhiều yếu tố tích cực để trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của khách du lịch bốn phương…

Mai Kim Thành