Tổng hợp cách chữa viêm tai giữa cho trẻ hiệu quả | TCI Hospital
Tổng hợp cách chữa viêm tai giữa cho trẻ hiệu quả
Viêm tai giữa là một trong những bệnh mà trẻ sẽ phải “đối mặt” trong hành trình khôn lớn của mình, nắm được những cách chữa viêm tai giữa dưới đây chính là cách giúp ba mẹ cùng bé đánh bại viêm tai giữa để căn bệnh này không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
1. Viêm tai giữa ở trẻ – nguyên nhân là do đâu?
Theo thống kê của các chuyên gia đến từ Viện Quốc gia về Chứng Điếc và Các Rối loạn Giao tiếp Khác của Hoa Kỳ, có đến 5 trên 6 trẻ bị viêm tai giữa ít nhất 1 lần trong 3 năm đầu đời, điều đó cho thấy mức độ phổ biến và nguy cơ cao của bệnh mà trẻ phải đối mặt.
Viêm tai giữa có nhiều nguyên nhân, trong đó vi khuẩn, virus là nhiều nhất và đây là bệnh thường phát triển sau khi trẻ bị cảm cúm, dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau (còn gọi là viêm VA) và vùng họng, vòi nhĩ. Cụ thể:
– Tắc nghẽn vòi nhĩ: Đây còn gọi là ống Eustachian có nhiệm vụ điều chỉnh áp suất không khí cũng như làm mới không khí trong tai để loại bỏ vi khuẩn, virus và khiến chất lỏng trong tai được thoát ra ngoài, không gây tắc nghẽn. Vòi nhĩ này của trẻ do chưa phát triển hết nên sẽ hẹp hơn so với người lớn và nằm ngang nên vốn đã khiến việc thoát chất lỏng khó khăn hơn, cộng thêm mầm bệnh tấn công khiến vòi nhĩ tắc nghẽn, chất lỏng tích tụ trong tai nên rất dễ gây nhiễm trùng, viêm tai giữa.
– Viêm VA (Adenoids) đây là mô lympho nhỏ nằm ở phía sau của mũi đóng vai trò như một cơ quan miễn dịch giúp hạn chế mầm bệnh xâm nhập gây bệnh cho bé. Nhưng do VA nằm ở gần chỗ mở của vòi nhĩ nên nếu VA bị viêm, sưng to rất dễ dẫn đến tắc vòi nhĩ, gây viêm tai giữa.
Mặc dù đây là căn bệnh phổ biến với những triệu chứng rõ ràng, nhưng viêm tai giữa lại thường bị nhầm lẫn với những bệnh khác từ đó dẫn đến tâm lý chủ quan của cha mẹ, đến khi đến bác sĩ để chữa viêm tai giữa thì bệnh đã phát triển ở thể nặng. Chính vì thế, ngay khi trẻ có những dấu hiệu sau đây, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt:
– Sốt: sốt nhẹ đến sốt cao trên 39 độ
– Trẻ dùng tay để ngoáy, gãi hoặc dụi vào phần tai rồi khóc
– Có dịch chảy ra từ tai, dịch có thể vàng, nâu hoặc kèm mủ, máu
– Trẻ sợ bố mẹ chạm vào tai của mình nên rất nhạy cảm\
– Quấy khóc, chán ăn, khó chịu, cáu gắt
– Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện như tiêu chảy, buồn nôn
– Khả năng thăng bằng của cơ thể và khả năng nghe, phản xạ với âm thanh giảm.
2. Tổng hợp cách điều trị viêm tai giữa cho trẻ hiệu quả, an toàn
2. 1 Cách chữa viêm tai giữa bằng kháng sinh
Khi đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện, bác sĩ sẽ khám cho trẻ bằng cách sử dụng thiết bị nội soi tai chuyên dụng để đánh giá tình hình đồng thời dùng que lấy mẫu dịch tai của trẻ để xét nghiệm, từ đó biết chính xác nguyên nhân gây viêm tai giữa cho trẻ, làm căn cứ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả, tránh biến chứng.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh khác nhau, hướng điều trị viêm tai giữa của bác sĩ cũng khác nhau. Với những trường hợp nhẹ, chỉ cần dùng nhỏ tai và vệ sinh tai mũi họng phù hợp, nhưng với trường hợp nặng hơn, kháng sinh là điều không thể tránh khỏi.
Theo đó, nếu trẻ bị viêm tai giữa ở giai đoạn đầu (giai đoạn sung huyết) thì chỉ cần điều trị nội trú bằng cách sử dụng kháng sinh toàn thân. Bởi nguyên nhân chính gây viêm tai giữa là vi khuẩn như liên cầu, phế cầu, Hemophilus Influenza… nên các bác sĩ sẽ kê kháng sinh dùng kết hợp với chống viêm, giảm phù nề, hạ sốt để giảm tình trạng cho trẻ.
Nếu viêm tai giữa của trẻ chuyển sang giai đoạn mưng mủ, các bác sĩ sẽ cân nhắc chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ ra ngoài kết hợp với thuốc điều trị viêm tai giữa như ở giai đoạn đầu.
Trong trường hợp nặng hơn, là khi viêm tai giữa đã trải qua cả hai giai đoạn trên, dịch mủ sau thời gian ứ đọng trong tai sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ tai để chảy ra ngoài, điều này đồng nghĩa với thủng màng nhĩ. Lúc này, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị viêm tai giữa cho trẻ bằng phương pháp làm thuốc tai – là thủ thuật rửa, nhỏ hoặc phun thuốc vào vị trí bị tổn thương ở trong tai với mục đích làm sạch, giúp thuốc thấm sâu trong tai từ đó hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở tai hiệu quả hơn.
2. 2 Cách chữa viêm tai giữa bằng cách vệ sinh tai đúng cách
Đa số các trường hợp trẻ bị viêm tai giữa có thể tự khỏi trong thời gian khoảng 3 – 4 ngày kể cả khi dùng hay không. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh, áp dụng các phương pháp dân gian để điều trị cho bé bởi có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề không kiểm soát được, thậm chí điếc vĩnh viễn.
Thay vào đó, khi có bất cứ triệu chứng hay vấn đề gì liên quan đến tình trạng sức khỏe của bé nói chung, tai của bé nói riêng, hãy đến khám bác sĩ để được khám, chẩn đoán và nhận lời khuyên phù hợp nhất.
Cùng với đó, ngoài việc dùng kháng sinh, các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cha mẹ vệ sinh tai cho trẻ đúng cách, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm tai giữa hiệu quả hơn. Theo đó, cha mẹ nên:
– Dùng khăn/gạc sạch và nước muối sinh lý để vệ sinh tai cho trẻ, chỉ nên lau bên ngoài vành tai và xung quanh tai, tuyệt đối không chọc, ngoáy vào tai trẻ.
– Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng và có khả năng tăng đề kháng cho trẻ.
– Chú ý quan sát tai trẻ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý.
Đồng thời, cha mẹ không nên làm những việc dưới đây để tránh tổn thương tai của trẻ cũng như vô tình khiến tình trạng viêm tai trở nên nặng hơn:
– Dùng tăm bông, ngón tay để ngoáy, loại bỏ dịch hay ráy tai trẻ.
– Dùng kháng sinh sai hướng dẫn, sai liều
– Cho trẻ ăn đồ ăn cứng, dai, khó tiêu, cay nóng…
3. Làm sao để phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ
Thay vì lo lắng tìm cách chữa viêm tai giữa cho trẻ hiệu quả, cha mẹ hãy chủ động phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ bằng một số cách sau đây:
– Luôn vệ sinh tai mũi họng và tay chân cho trẻ sạch sẽ
– Làm sạch môi trường sống, diệt khuẩn thường xuyên
– Hạn chế đưa trẻ đến hoặc tiếp xúc những nơi đông người, khó kiểm soát
– Tiêm vắc xin phòng bệnh cho bé đúng hạn
– Tăng đề kháng cho trẻ
Với những thông tin chia sẻ về bệnh viêm tai giữa trên đây, hy vọng chúng tôi đã có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho cha mẹ để biết cách chữa viêm tai giữa, từ đó chăm sóc trẻ khôn lớn tốt hơn mỗi ngày!