Tổng hợp bài phỏng vấn mẫu thường gặp và cách trả lời hay – JobsGO Blog
Đánh giá post
Job ngon – Lương 12Tr + Hoa hồng không giới hạn – Mời bạn ứng tuyển
Bạn sắp tham gia vào buổi phỏng vấn cho vị trí công việc mơ ước và không muốn xảy ra bất kỳ sai lầm nào trong ngày “trọng đại” ấy? Hãy đọc thật kỹ bài phỏng vấn mẫu sau và bạn sẽ biết cách đưa ra câu trả “hoàn hảo” để “chinh phục” Nhà tuyển dụng.
*Lưu ý: Trong bài phỏng vấn mẫu phần gợi ý cách trả lời, JobsGO thường đề cập đến việc đưa thông tin thành tựu vào câu trả lời. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, đừng câu trả lời nào cũng nói đến thành tích nhé. Vì nó có thể khiến bạn trở thành một kẻ “khoe khoang, hợm hĩnh”. Bạn chỉ nên nói đến kết quả khiến bạn tự hào 1 lần (hoặc nhiều nhất là 2 lần – khi được hỏi thêm) trong cả buổi phỏng vấn.
1. Bài phỏng vấn mẫu – Phần giới thiệu bản thân
Bạn hãy tự giới thiệu về mình
Gợi ý cách trả lời: Thay vì kể lể về cuộc sống cá nhân, bạn nên đưa ra câu trả lời một cách ngắn gọn, dễ hiểu cung cấp được các thông tin cơ bản như: tên, kinh nghiệm. Ngoài ra, bạn cũng cần làm nổi bật sở trường và một số thành quả đã đạt được trong quá khứ trong 1 – 2 câu.
Câu trả lời mẫu: “Chào bạn, tôi là Mai. Tôi có 3 năm kinh nghiệm bán hàng. Trong thời gian làm việc ở công ty cũ, tôi đã ghi nhận được một số kết quả mà tôi cảm thấy khá tự hào. Lượng khách hàng tiếp cận sản phẩm quý 2 tăng 50% so với quý 1, kèm doanh thu tăng 20%. Tôi vẫn đang trên con đường xây dựng sự nghiệp và hướng tới vị trí cao hơn“.
>> Tham khảo thêm: Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc ai cũng nên biết
2. Bài phỏng vấn mẫu – Đánh giá về kinh nghiệm, năng lực của ứng viên
Tìm hiểu về kinh nghiệm, năng lực của ứng viên là một trong những nội dung quan trọng nhất trong buổi phỏng vấn xin việc. Bên cạnh đưa ra các câu hỏi, bài test chuyên môn, Nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn trả lời những vấn đề sau:
2.1 Hãy cho tôi biết những nhiệm vụ bạn đảm nhiệm ở công ty cũ?
Gợi ý cách trả lời: Câu trả lời cho câu hỏi này cung cấp cho Nhà tuyển dụng thông tin cụ thể về năng lực và kinh nghiệm làm việc của bạn. Qua đó Nhà tuyển dụng có thể nhận thấy bạn có đáp ứng được các tiêu chuẩn mà công ty đề ra cho vị trí đang phỏng vấn hay không. Bạn nên nói về các nhiệm vụ chính, không phải là tất cả các công việc mà bạn đã làm ở công ty cũ. Bạn cũng có thể nói về những điều bạn học được từ kinh nghiệm trong quá khứ.
Câu trả lời mẫu: “Tại công ty gần nhất, tôi đảm nhiệm vai trò Content Leader. Khi đó, tôi chịu trách nhiệm lên kế hoạch, đảm bảo mỗi nhân viên trong team hiểu rõ vai trò của họ và cùng nhau hoàn thành kế hoạch để đạt mục tiêu đã đề ra. Ngoài làm việc với các thành viên trong team, tôi cũng phối hợp với các phòng ban khác trong công ty như phòng kinh doanh, phòng kỹ thuật và đối tác bên ngoài bên booking báo, SEO. Với vị trí này, tôi học được cách làm việc với nhiều người khác nhau và cân bằng lợi ích của các bên. Tôi cũng học được cách tạo cảm hứng giúp mọi người có thêm động lực làm việc”.
2.2 Kể về thành tựu tốt nhất mà bạn đã đạt được trong công việc?
Gợi ý cách trả lời: Quá khứ có thể giúp dự đoán tương lai. Thông qua câu hỏi này, Nhà tuyển dụng có thể biết ứng viên có thể đem lại lợi ích gì cho công ty. Câu trả lời nên bao gồm thông tin về thành tích mà bạn đã đạt được trong các dự án trước đây, vai trò của bạn trong dự án, những công việc đã thực hiện và cả những khó khăn đã gặp phải. Bạn sẽ được cộng điểm nếu có thể nói thêm về những bài học mà bạn rút ra được từ quá khứ.
Câu trả lời mẫu: “Ở vị trí Quản trị viên Nhân sự tại công ty A, tôi đã có được thành tựu mà tôi cảm thấy tự hào nhất. Khi đó, tôi nhận thấy các thành viên trong nhóm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên. Vì vậy, tôi đã đề nghị tạo kho dữ liệu ứng viên và để tất cả thành viên trong team dành ra 1 tuần để nghiên cứu về các kênh tuyển dụng xem ứng viên thường xuất hiện ở đâu, bị thu hút bởi điều gì, sau đó lưu lại thông tin. Chỉ 1 tháng sau đó, chúng tôi đã thấy kết quả của việc này, lượng CV nhận về đã gia tăng tới 150% và thời gian được giảm đáng kể”.
>> Tìm hiểu thêm: Phỏng vấn là gì?
2.3 Tình huống khó khăn nhất trong công việc bạn từng gặp là gì? Bạn giải quyết vấn đề khó khăn đó như thế nào?
Gợi ý cách trả lời: Khi hỏi câu này, Nhà tuyển dụng muốn biết bạn có khả năng tư duy để tìm ra giải pháp cho tất cả vấn đề bạn gặp phải hay không. Bạn nên nói được những khó khăn mà bạn gặp phải cũng như cách bạn đã áp dụng để giải quyết vấn đề. Đừng bao giờ nói rằng mình không gặp khó khăn gì trong quá trình làm việc; vì chỉ những người không làm mới không gặp thách thức.
Câu trả lời mẫu: “Khi làm kế toán ở công ty A, tôi làm việc cùng 2 bạn khác. Đầu năm 2021, đúng thời điểm chúng tôi phải chuẩn bị báo cáo để làm việc với cơ quan thuế thì 2 đồng nghiệp của tôi mắc Covid. Họ đã rất mệt và phải nghỉ ngơi một tuần. Khi đó, tất cả công việc tôi đều phải thực hiện, bao gồm cả những nhiệm vụ tôi chưa từng làm. Mặc dù đã được hướng dẫn, nhưng vì là lần đầu tiên nên tôi đã cảm thấy rất áp lực. Tôi nhớ tôi đã làm việc 16 – 17 tiếng mỗi ngày. Thật may vì mọi chuyện sau đó đều ổn”.
2.4 Bạn nghĩ mình có những tố chất/ kỹ năng nào phù hợp với công việc này?
Gợi ý cách trả lời: Câu trả lời của câu hỏi này cho phép Nhà tuyển dụng đánh giá bạn có thực sự hiểu về công việc hay không. Ngoài ra, câu hỏi cũng giúp Nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn năng lực và tố chất của bạn. Câu trả lời nên bao gồm thông tin về những tố chất, đặc điểm tính cách phù hợp với công việc.
Câu trả lời mẫu: Ứng viên phỏng vấn cho vị trí Nhân viên Marketing nên nói rằng họ có khả năng sáng tạo, bắt trend tốt. Trong khi đó ứng viên phỏng vấn cho vị trí Nhân viên Kinh doanh nên nói rằng họ có khả năng thuyết phục và xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Và ứng viên Kế toán nên nói rằng họ nhạy cảm với các con số và có tính cẩn thận.
2.5 Bạn thường cảm thấy căng thẳng trong những trường hợp nào? Cách bạn vượt qua nó là gì?
Gợi ý cách trả lời: Bạn nên đưa ra được ví dụ thực tế để chứng minh rằng mình có khả năng chịu áp lực tốt. Nếu bạn có thể cài cắm thêm thông tin về những thành tựu đã đạt được sau khi vượt qua căng thẳng vào câu trả lời, bạn có thể sẽ được Nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn.
Câu trả lời mẫu: “Với vị trí Content Marketing ở công ty cũ, điều thường khiến tôi cảm thấy căng thẳng là deadline. Khi có một đợt quảng bá mới, chúng tôi có rất nhiều việc phải làm. Tôi có thể giãn timeline làm việc để đỡ căng thẳng, nhưng tôi không làm điều đó. Vì chỉ cần chậm một chút thôi cũng đủ để bỏ lỡ thời gian giới thiệu sản phẩm tốt nhất. Nhìn chung, tôi khá tự hào về việc cân bằng dự án và đáp ứng deadline; khả năng này giúp tôi không bị căng thẳng quá mức. Ví dụ, tôi từng dành ra 2 ngày để viết một bài PR nhưng mãi không cảm thấy ưng ý. Sau đó, trước deadline 30 phút, tôi đã sửa lại gần như tất cả nội dung trong bài. Cuối cùng, bài viết trong 30 phút ấy đã nhận được rất nhiều lời khen“.
3. Bài phỏng vấn mẫu – Câu hỏi “bẫy”
Trong buổi phỏng vấn, Nhà tuyển dụng có thể bất ngờ hỏi những câu dưới đây và xem xét cách bạn phản ứng để đưa ra câu trả lời.
3.1 Điểm yếu của bạn là gì?
Gợi ý trả lời: Đừng nói “tôi quá kỹ tính”, “tôi làm việc quá chăm chỉ”,… – Nhà tuyển dụng đã nghe câu trả lời đó hàng triệu lần và họ biết đó là một “trò lừa bịp”. Nhà tuyển dụng biết rằng bạn là một ứng viên tuyệt vời – đó là lý do tại sao họ mời bạn tham dự buổi phỏng vấn. Thay vì nói dối, bạn hãy chuẩn bị một câu trả lời thực tế. Hãy xác định một điểm yếu mà bạn đã khắc phục và nói về nó. Đó thực sự là điểm yếu của bạn, nhưng vì bạn đã khắc phục được nó nên điều này không còn là vật cản sự nghiệp của bạn nữa. Không chỉ thế, bạn có thể cho Nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người biết cách nhìn nhận bản thân và thay đổi để tiến bộ hơn.
Câu trả lời mẫu: “Tính toán số liệu không phải là điểm mạnh của tôi. May mắn thay, là một copywriter, tôi có thể tập trung phần lớn thời gian vào quá trình sáng tạo bằng chữ. Tuy nhiên, vì mục tiêu của tôi là trở thành Content Leader, nên trong những năm gần đâu, tôi đã học cách sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật để nghiên cứu thị trường, xem xét các chỉ số liên quan đến website, fanpage”.
3.2 Bạn cảm thấy vị trí này thế nào khi so sánh với những vị trí khác mà bạn đang ứng tuyển?
Gợi ý cách trả lời: Đồng thời, đây cũng là cái bẫy để xem bạn có trung thực hay không. Hiếm có ứng viên nào chỉ ứng tuyển vào một vị trí duy nhất, Nhà tuyển dụng hiểu điều này vì vậy bạn hãy cứ trung thực khi chia sẻ về những vị trí bạn đang quan tâm, nhưng đừng đề cập quá kỹ. Và dù câu hỏi đề cập đến việc “so sánh” thì bạn cũng không nên đặt các vị trí công việc lên bàn cân. Chẳng hạn bạn đang phỏng vấn cho vị trí Content của công ty A, đừng nói “tôi rất thích vị trí Copywriter của công ty B vì…”; điều này có thể khiến HR cảm thấy rằng dù bạn trúng tuyển thì bạn cũng sẽ rời đi nếu sau đó công ty B gửi thư mời làm việc. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên nói: “sau khi trao đổi với bạn, tôi cảm thấy đây là công ty mà tôi muốn làm việc”. Với câu trả lời này, Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người vội vàng, thiếu cẩn thận.
Câu trả lời mẫu: “Tôi cũng đang ứng tuyển ở một số nơi, tuy nhiên tôi cần thêm thông tin để quyết định nơi phù hợp cho bước tiến sắp tới của mình“.
3.3 Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
Gợi ý trả lời: Có hàng tá lý do khiến một người rời bỏ công ty cũ: lương thấp, sếp xấu, đồng nghiệp tồi,… Tuy nhiên, bạn không nên thể hiện thái độ tiêu cực khi nói về công ty/ đồng nghiệp trước đó. Nếu không, Nhà tuyển dụng sẽ chỉ nhìn nhận bạn là một người không khéo léo, EQ thấp. Với câu hỏi này, bạn nên đề cập đến điều gì đó tích cực.
Câu trả lời mẫu: “Cách đây 2 tháng, tôi đã đạt được chứng chỉ XXX nhưng công việc trước đó không yêu cầu kỹ năng này. Tôi muốn tìm một cơ hội làm việc mới cho phép tôi phát huy được kiến thức và chứng minh năng lực của mình”.
3.4 Điều gì ở đồng nghiệp cũ/ người quản lý cũ làm bạn khó chịu?
Gợi ý cách trả lời: “Tôi không cảm thấy khó chịu bởi bất cứ điều gì” – câu trả lời này không sai nhưng cũng không được Nhà tuyển dụng đánh giá cao. Với cách trả lời này, HR có thể cho rằng bạn là một người không có quan điểm riêng, chỉ biết làm theo yêu cầu của người khác. Tốt hơn hết, bạn nên chia sẻ được một vài điều bạn cảm thấy không thực sự hài lòng và cách mà bạn đã thực hiện để hiểu và giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp/ quản lý. Bạn cũng cần lưu ý thêm là không nên đưa ra câu trả lời quá gay gắt hoặc nói xấu, đổ lỗi cho đồng nghiệp/ quản lý cũ.
Câu trả lời mẫu: “Mặc dù có những thời điểm tôi không đồng ý với cách làm việc của sếp, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu với anh ấy. Vì tôi hiểu rằng, chỉ cần tôi đề xuất một điều hợp lý, anh ấy sẽ thay đổi quan điểm, hành động của mình. Sếp tôi có rất nhiều ý tưởng và mỗi khi nghĩ ra ý tưởng nào đó, anh ấy sẽ yêu cầu tôi thực hiện nó ngay lập tức mà không nhớ rằng tôi đang thực hiện một đầu việc khác. Điều đó gây khó khăn cho tôi. Nhưng thay vì tức, tôi đã gặp anh ấy để nói về những việc tôi đang làm và đề nghị anh ấy sắp xếp thứ tự ưu tiên các công việc”.
3.5 Bạn hợp và không hợp với kiểu sếp/ đồng nghiệp nào nhất? Tại sao?
Gợi ý trả lời: Với câu hỏi này, Nhà tuyển dụng hướng đến 2 mục đích: (1) tìm hiểu về sự phù hợp giữa bạn với các thành viên trong công ty; (2) “bẫy” bạn, nhiều người sẽ bất chợt trở nên gay gắt, tiêu cực khi nói về những người họ không thích. Và bạn nên tránh được cái “bẫy” này. Bạn nên bắt đầu câu trả lời với những điều tích cực và giảm bớt những câu chuyện tiêu cực. Đây không phải lúc thích hợp để kể về những thiếu sót cá nhân mà là cơ hội để bạn nói về những đặc điểm mà bạn ngưỡng mộ ở người khác. Bạn cũng cần thể hiện rằng mình đủ linh hoạt để làm việc với nhiều kiểu người.
Câu trả lời mẫu: “Người lãnh đạo lý tưởng mà tôi mong muốn làm việc cùng là người quan tâm đến ý kiến của các thành viên trong nhóm. Tôi nghĩ rằng bằng cách cởi mở lắng nghe những điều nhân viên nói, nhà quản lý sẽ có được những ý tưởng tuyệt vời cho công việc. Ngược lại, một nhà quản lý thực hiện công việc theo kinh nghiệm cá nhân có thể không mắc sai lầm nhưng sẽ khó có được ý tưởng nào đột phá”.
3.6 Thời gian rảnh bạn thường làm gì?
Câu trả lời mong đợi: Qua câu hỏi này, Nhà tuyển dụng muốn biết xem sở thích, thói quen của bạn có phần nào đó gắn liền với công việc mà bạn đang ứng tuyển hay không, bạn có thực sự đam mê với công việc này không. Chính vì vậy, ứng viên nên đề cập đến những sở thích liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Câu trả lời mẫu: Một nhân viên Social Media nên dành nhiều thời gian cho việc lướt web, Facebook,… để nhanh chóng cập nhật những xu hướng mới nhất. Trong khi đó, nếu Ứng viên đang ứng tuyển vào một công ty Game, các sở thích liên quan đến Game sẽ được đánh giá cao. Ngoài ra, những sở thích phổ biến như: đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao,… cũng có thể được sử dụng làm căn cứ để nhận biết tính cách ứng viên.
4. Bài phỏng vấn mẫu – Đánh giá sự phù hợp
Nhà tuyển dụng có thể biết bạn phù hợp với công ty hay không bằng cách đặt những câu hỏi sau:
4.1 Mức lương và phúc lợi bạn mong đợi ở công việc mới như thế nào?
Câu trả lời mong đợi: Bằng cách đặt câu hỏi này, Nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ về kỳ vọng của ứng viên và đưa ra mức offer phù hợp. Nếu thấy hầu hết ứng viên đều đưa ra một con số cao hơn ngân sách của công ty, Nhà tuyển dụng có thể sẽ phải suy nghĩ về khoảng ngân sách mới cho vị trí này. Ngoài ra, câu hỏi này cũng có thể là một “cái bẫy” chứng minh rằng ứng viên không hiểu về vị trí công việc. Vì thế, bạn nên nói được mức lương chính xác và thể hiện mức độ nhận biết về giá trị của chính mình. Nhìn chung, ứng viên không nên nói rằng “vì công ty trước trả tôi mức lương XXX, nên tôi muốn nhận được mức lương tối thiểu là YYY”. Rõ ràng, nhiệm vụ của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nên không thể căn cứ vào mức lương ở công ty cũ để yêu cầu về mức lương ở công ty sắp tới.
Câu trả lời mẫu: “Trước khi trả lời, tôi muốn hỏi thêm một số điều để hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình ở vị trí này. Khi đó tôi có thể đưa ra mức đề xuất phù hợp“. Khi bạn đã hiểu rõ về công việc, bạn có thể trả lời: “Sau khi trao đổi với bạn về trách nhiệm của tôi ở vị trí này, với kinh nghiệm của mình, tôi để xuất mức lương là XXX“.
4.2 Tại sao bạn chọn công việc này?/ Tại sao bạn ứng tuyển vào công ty chúng tôi?
Gợi ý câu trả lời: Câu trả lời phải thể hiện được sự hiểu biết của bạn về vị trí công việc/ sản phẩm/ công ty. Ngoài ra, nếu ứng viên có thể đặt câu hỏi ngược lại cho Nhà tuyển dụng thì đó sẽ là điểm cộng. Vì việc đặt câu hỏi phù hợp cho thấy ứng viên thực sự tìm hiểu rất kỹ về công việc.
Câu trả lời mẫu: “Tôi đã theo dõi và rất ngưỡng mộ những dịch vụ đặc biệt của công ty anh/chị ngay từ khi ra mắt. Tại thời điểm hiện tại, công ty là doanh nghiệp duy nhất có những ưu đãi mới trong ngành du lịch. Với một người đam mê với du lịch như tôi, tôi có một vài ý tưởng tuyệt vời để giúp người dùng có những trải nghiệm tốt hơn về website của công ty“.
4.3 Bạn nghĩ mình là người có khả năng làm việc độc lập tốt hay làm việc nhóm tốt?
Gợi ý cách trả lời: Mặc dù khả năng làm việc nhóm luôn được đánh giá cao, tuy nhiên, trên thực tế, có những công việc yêu cầu ứng viên phải có khả năng làm việc độc lập tốt. Bạn nên căn cứ vào đặc điểm công việc của mình để đưa ra câu trả lời phù hợp. Ngoài ra, trong câu trả lời bạn cũng nên thể hiện được rằng mình là một người linh hoạt, dù làm việc nhóm tốt nhưng vẫn có thể làm việc độc lập khi cần và ngược lại.
Câu trả lời mẫu: “Tôi thích làm việc nhóm hơn vì các thành viên trong nhóm có thể giúp tôi có được những ý tưởng tốt. Tuy nhiên, tôi cũng không ngại làm việc độc lập. Trước đây, tôi đã từng [làm một việc gì đó một mình] và [nhận được lời khen của quản lý hoặc đạt được một thành tích nổi bật nào đó]”.
4.4 Bạn có sẵn sàng làm việc tăng ca hoặc đi công tác xa không?
Gợi ý cách trả lời: Khi hỏi điều này, Nhà tuyển dụng muốn biết thái độ của bạn với việc tăng ca/ đi công tác cũng như mức độ ưu tiên của bạn dành cho gia đình và công việc như thế nào. Bạn nên thành thật khi trả lời câu hỏi này, vì câu trả lời không hề có đúng sai chỉ có phù hợp hoặc không phù hợp. Nếu bạn nói dối rằng có thể làm thêm giờ để được nhận vào công ty, nhưng sau đó không đáp ứng được thì cả bạn và công ty đều cảm thấy khó chịu.
Câu trả lời mẫu: “Bạn có thể cho tôi biết về tần suất tăng ca/ đi công tác xa của vị trí này được không?”; “Tôi sẵn sàng tăng ca 3 – 4 lần mỗi tháng để hoàn thành công việc đúng thời hạn. Còn nếu thường xuyên phải tăng ca thì e rằng hơi khó với tôi. Vì tôi là một bà mẹ có con nhỏ 3 tuổi, tôi muốn dành thời gian ngoài giờ làm việc để nuôi dạy con mình thật tốt”.
4.5 Định hướng nghề nghiệp của bạn trong 1 năm/ 3 năm tới sẽ như thế nào?
Gợi ý cách trả lời: Bạn không nên đưa ra những câu trả lời kiểu như “tôi chưa nghĩ đến điều đó”, “tôi không có mục tiêu nào”,… Đây là những “dấu hiệu đỏ” cho thấy bạn không có kế hoạch cụ thể cho sự nghiệp của mình. Và vì thế, Nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn dễ dàng rời công ty chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần.
Câu trả lời mẫu: “Tôi đã giữ vai trò trưởng nhóm và tôi muốn chuyển sang làm quản lý trong 3 năm tới. Vai trò hiện tại mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và tôi cũng đã đăng ký tham gia một khóa học kỹ năng lãnh đạo để học cách trở thành một nhà quản lý tốt hơn”.
4.6 Bạn mong đợi điều gì ở vị trí mới/ môi trường mới?
Gợi ý cách trả lời: Thông qua câu trả lời, Nhà tuyển dụng có thể hiểu những gì bạn mong muốn, vai trò của bạn sẽ như thế nào và những điều bạn kỳ vọng có phù hợp hay không. Vì thế, bạn nên đưa ra câu trả lời trung thực.
Câu trả lời mẫu: “Tôi đã trau dồi kỹ năng viết content trong 2 năm nay, vì thế, trước hết, tôi tìm kiếm một vị trí mà tôi có thể tiếp tục phát huy khả năng của mình. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn tôi có thể phát triển kỹ năng quản lý, lên kế hoạch để có thể đảm nhận vị trí Content Leader trong 2 – 3 năm tới”.
Hi vọng bài phỏng vấn mẫu trên đây hữu ích với bạn. Đừng quên ghé thăm chuyên mục Bí quyết phỏng vấn của JobsGO mỗi ngày để học cách “chinh phục” Nhà tuyển dụng và nhận lấy cơ hội việc làm tốt nhất nhé!
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)