Tội phạm về ma túy là gì?
Trong những bài viết trước, Luật Hoàng Anh đã khái quát chung các vấn đề liên quan đến ma túy, ngoài việc quy định về phòng chống ma túy, pháp luật hình sự cũng quy định trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi bị nghiêm cấm đối với ma túy. Các tội phạm về ma túy quy định tại Chương XX Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) gồm 13 Điều luật tương ứng 13 tội danh.
Mục Lục
1. Khái niệm tội phạm về ma túy
Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, đưa ra khái niệm về chất ma túy như sau:
“1. Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.
2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
3. Chất hướng thần là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.”
Ma túy là chất gây hại đến bản thân người sử dụng, gia đình họ và toàn xã hội. Do đó, Bộ luật hình sự năm quy định 13 tội danh về ma túy bao gồm:
– Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247)
– Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248)
– Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249)
– Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)
– Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251)
– Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252)
– Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253)
– Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254)
– Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255)
– Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256)
– Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257)
– Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258)
– Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259)
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm về ma túy
2.1.. Khách thể của tội phạm
Luật Phòng chống ma túy quy định các hành vi bị nghiêm cấm:
“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.
2. Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
3. Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
4. Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tới quy định của pháp luật.
5. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.
6. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
8. Trả thù hoặc cản trở người thực thi nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
10. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.
11. Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác do luật định liên quan đến ma túy.”
Khách thể chung của các tội phạm về ma túy là sức khỏe, tính mạng của con người trước những tác hại của ma túy và chế độ quản lí các chất ma túy của Nhà nước ở tất cả các khâu của quá trình quản lí. Bao gồm các quy định do các cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan đến sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, kê đơn, bán thuốc, giám định, nghiên cứu chất ma túy, tiền chất.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của các tội phạm về ma túy tuy khác nhau về hình thức thể hiện cụ thể, về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội nhưng giống nhau ở chỗ đều là những hành vi vi phạm chế độ độc quyền và thống nhất quản lí các chất ma túy của Nhà nước.
Đó là các hành vi sau:
– Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy;
– Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma túy; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy;
– Tàng trữ, vận chuyển, mua, bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;
– Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
– Hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Đối với những hành vi mua bán có tính chất tiêu thụ, người phạm tội thường chia ma tuý thành những gói nhỏ (tép, chỉ…) mỗi gói là một liều để bán cho các con nghiện. Việc tổ chức tiêu thụ ma tuý cũng rất tinh vi, chúng thường sử dụng những địa điểm thuận lợi, có phân công người canh gác, khi các lực lượng chống ma tuý phát hiện thì chúng tẩu thoát dễ dàng.
Đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, người phạm tội chủ yếu là những con nghiện rủ nhau, góp tiền, góp tài sản để mua để trao đổi lấy chất ma tuý sử dụng chung, ít có trường hợp người phạm tội đứng ra tổ chức như kiểu tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Đây cũng là đặc điểm mà thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp rất khó phân biệt giữa hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Không ít trường hợp có nhiều người cùng sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng người này thì phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý còn người khác chỉ phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Theo quy định của pháp luật hình sự, chủ thể của các tội phạm về ma túy là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Trong 13 tội danh về ma túy, 5 tội quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể: Tội sản xuất trái phép chất ma túy(Điều 248); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252). Còn lại 8 tội từ Điều 253 đến Điều 259, người phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Đối với đa số các tội phạm về ma túy, lỗi của người thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256) và tội vi phạm các quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259) có thể được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp.
Tội phạm về ma túy bao gồm nhiều loại tội danh khác nhau và khung hình phạt đối với từng loại tội cũng có sự khác biệt tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và tính chất của hành vi vi phạm, tuy nhiên chúng đều có những đặc điểm, dấu hiệu nhận biết chung và cơ bản như đã phân tích trên đây.
Luật Hoàng Anh