Tọa đàm trực tuyến: “Thanh niên với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” – Chi tiết tin – Sở Nội vụ
MC Phương Thảo và khách mời
MC Phương Thảo: Xin kính chào quý vị và các bạn! Quý vị đang theo dõi Chương trình Toạ đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên do Trung tâm Thông tin tỉnh thực hiện. “Thái Nguyên luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp để có được nhiều hơn nữa những mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, góp phần phát triển các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” – Đây là khẳng định của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tại Chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên Thái Nguyên năm 2022 được tổ chức vừa qua.
Tại Chương trình đối thoại, nhiều tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề thực tiễn của phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên đã được bày tỏ, phân tích và giải đáp. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh thuận lợi thì việc khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Phân tích toàn diện hơn về các vấn đề này, chúng tôi có mời đến trường quay các vị khách mời. Xin được trân trọng giới thiệu: Anh Đoàn Quang Duy, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên; anh Đàm Xuân Vận, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên; anh Lê Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BiO Ogarnic.
Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia Chương trình!
Thưa quý vị! Để hiểu rõ hơn về phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ Thái Nguyên, mời quý vị cùng theo dõi 01 Clip ngắn ngay sau đây.
MC Phương Thảo: Chúng ta vừa được theo dõi những kết quả của Phong trào Đồng hành với thanh niên Thái Nguyên trong lập thân, lập nghiệp. Câu hỏi đầu tiên xin được giành cho anh Đoàn Quang Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên. Anh đánh giá như thế nào về Phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ Thái Nguyên thời gian vừa qua thưa anh?
Anh Đoàn Quang Duy: Trong nhiệm kỳ 2017-2022, tuổi trẻ tỉnh Thái Nguyên tích cực tham gia vào các phong trào thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp. Tổ chức Đoàn các cấp, đặc biệt là Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã định hướng chỉ đạo sát sao, thực hiện chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Trong đó đã phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của các bạn đoàn viên thanh niên và đã đạt được nhiều kết quả thành công. Các bạn thanh niên đã mạnh dạn tham gia vào quá trình lập nghiệp của bản thân cũng như làm giàu cho quê hương, đất nước.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham quan không gian trưng bày về chuyển đổi số của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 – 2027
MC Phương Thảo: Thành công của Phong trào đã thúc đẩy ngọn lửa khởi nghiệp, sáng tạo, lập thân lập nghiệp lan nhanh và mạnh mẽ trong thế hệ trẻ. Song nhiều ý kiến cho rằng, ở một số nơi phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ Thái Nguyên chưa được quan tâm thực hiện một cách sâu rộng, thực chất và cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Anh Đoàn Quang Duy: Phong trào thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp thời gian qua đã được xã hội quan tâm, đặc biệt là các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong suốt quá trình xây dựng Phong trào thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp, tổ chức Đoàn từ Trung ương đến địa phương đã xác định lập thân, lập nghiệp là một trong ba chương trình đồng hành cùng thanh niên trong nhiệm kỳ 2017-2022 và tiếp tục là một phong trào mang tính chất động lực lan tỏa lớn. Trong thời gian vừa qua, các bạn thanh niên vẫn còn hoài nghi về cái gọi là sự tự tin của mình đối với cách làm giàu, cách bước vào kinh doanh. Tuy nhiên, tổ chức Đoàn đã có nhiều giải pháp, cách làm để hỗ trợ cho các bạn sinh viên, học sinh tiếp cận phong trào thanh niên khởi nghiệp. Trong thời gian vừa qua, các mô hình thanh niên làm kinh tế, thanh niên hỗ trợ làm kinh tế cùng các mô hình truyền cảm hứng, từ các hội thảo và các diễn đàn của tỉnh Thái Nguyên cũng như Tỉnh Đoàn, hoặc là các tổ chức, các trường đại học đã tổ chức lan tỏa cho các bạn thanh niên, sinh viên là hết sức ý nghĩa. Cùng với đó là sự quan tâm về cơ chế chính sách của tỉnh Thái Nguyên cũng như các tổ chức doanh nghiệp đã góp phần hỗ trợ thúc đẩy quá trình phát triển hệ sinh thái lập nghiệp Thái Nguyên. Có thể nói, sau Đề án 844 của Chính phủ năm 2016, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành những Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến giai đoạn 2030, trong đó hỗ trợ cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cũng như là thúc đẩy tinh thần sáng tạo đổi mới của thanh niên. Chúng tôi đã cố gắng tạo môi trường tốt nhất, lan tỏa những hình ảnh, những mô hình tốt…
Anh Lê Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bio – Ogarnic giới thiệu sản phẩm của mô hình khởi nghiệp
MC Phương Thảo: Đó là những nhìn nhận rất thực tế về bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ Thái Nguyên. Và ngay trong trường quay ngày hôm nay, chúng ta cũng có một nhân vật rất đặc biệt, Founder của Thương hiệu Thực phẩm sạch Bio Organic, anh Lê Văn Hiếu. Thưa anh, có lẽ rất nhiều khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ đều muốn nghe những chia sẻ của anh về khởi nghiệp. Tại sao anh lại lựa chọn khởi nghiệp và những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện là gì thưa anh?
Anh Lê Văn Hiếu: Trải qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các viện nghiên cứu, tập đoàn về nông nghiệp, trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh đã thất bại một số lần và phải chuyển nhượng doanh nghiệp. Đến năm 2016, quay lại khởi nghiệp và mở cửa hàng bán lẻ thực phẩm với mong muốn quy tụ đặc sản ngon nhất của Việt Nam để giới thiệu đến người tiêu dùng. Qua 7 năm xây dựng và phát triển đã dẫn đầu ở thị trường Thái Nguyên về sản phẩm sạch theo hướng mới (sản phẩm Ogranic) với doanh thu gần 01 tỷ đồng/tháng/cửa hàng. Doanh nghiệp đã chuyển nhượng 2 cửa hàng ở Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Năm 2020, chúng tôi quyết định đầu tư mở rộng quy mô và đa dạng lĩnh vực hoạt động; thành lập doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm; đầu tư nhập khẩu dây chuyền sản xuất đậu phụ, đậu nành cung cấp cho toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, ở các bếp ăn, trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đồng thời tiêu thụ nông sản cho huyện Võ Nhai, đó là đỗ tương xuất cho thị trường Nhật Bản. Cũng năm 2020, chúng tôi đầu tư xây dựng 01 Hợp tác xã bản địa tại Vũ Chấn (Võ Nhai)…, đầu tư hệ thống sản xuất sấy tách khói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu HCCC.
Tháng 12/2022, trải qua quá trình cố gắng xây dựng thương hiệu trên thị trường được người tiêu dùng trên cả nước đón nhận thì doanh nghiệp đã được Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá thẩm định và công nhận OCOP 4 sao. Đây chính là động lực to lớn để chúng tôi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cũng như là tạo công ăn việc làm cho người lao động; bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con dân tộc vùng sâu vùng sa của huyện Võ Nhai như (Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc). Hiện tại doanh nghiệp rất tự hào, được bà con và lãnh đạo địa phương yêu quý, cũng như tự hào về tạo ra sản phẩm có thương hiệu cho địa phương.
Mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của anh Hoàng Đình Lập, xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá
MC Phương Thảo: Qua những chia sẻ vừa rồi, chúng ta có thể thấy phần nào về câu chuyện khởi sự kinh doanh. Chúng ta thì ai ai cũng biết rằng: Vạn sự khởi đầu nan. Thế nhưng, có lẽ những khó khăn ban đầu đã làm không ít bạn trẻ chưa dám, thậm chí là không dám bắt tay vào khởi nghiệp. Anh đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa anh Đàm Xuân Vận?
Anh Đàm Xuân Vận: Đúng là vạn sự khởi đầu nan do các bạn thanh niên còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm khi khởi nghiệp. Đó là những kiến thức về tổ chức sản xuất, huy động, quản lý tài chính, thủ tục pháp lý hành chính, marketing, thương mại hóa sản phẩm, tiếp cận khách hàng mục tiêu… Tuy nhiên, các bạn có thể học hỏi, tích lũy dần, tự nghiên cứu tham gia các khóa đào tạo (có thể là trực tuyến) để bồi dưỡng nâng cao kiến thức để có hành trang khởi nghiệp.
MC Phương Thảo: Định hướng – đó có lẽ là vấn đề rất cần được quan tâm hiện nay. Trong Chương trình đối thoại rất thân tình và thẳng thắn với tuổi trẻ Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng cũng đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào thanh niên. Đồng chí đặt niềm tin thanh niên với trí tuệ, bản lĩnh và sức trẻ, sẽ mạnh dạn hơn nữa trong khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh.
Cùng chúng tôi lắng nghe những ý kiến chỉ đạo cũng như kỳ vọng của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên qua ghi nhanh của phóng viên Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên.
MC Phương Thảo: Vâng, trong những kỳ vọng mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đặt vào thanh niên, tôi rất ấn tượng với câu chuyện mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ – đó là câu chuyện “con trai làm ngọc sáng”. Phải vượt qua biết bao gian khó mới có thể gặt hái được thành công. Khi lắng nghe những kỳ vọng này ông có cảm xúc gì thưa anh Lê Văn Hiếu? Và chặng đường anh đã và đang đi qua liệu có giống với câu chuyện con trai làm ngọc sáng hay không?
Anh Lê Văn Hiếu: Vâng, xin trân trọng cảm ơn những tình cảm và kỳ vọng của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đây thực sự là một lời động viên và ghi nhận quý giá đối với tuổi trẻ. Đúng là như vậy, có trải qua rồi mới hiểu câu chuyện. Có rất nhiều con trai được nuôi, không phải con trai nào cũng tạo ngọc, không phải viên ngọc nào cũng tròn trịa, viên ngọc nào cũng sáng bóng. Doanh nghiệp tôi cũng vậy, không phải ngẫu nhiên doanh nghiệp có vốn, ngẫu nhiên có được kế hoạch kinh doanh, khả năng điều hành doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, cấu trúc sản phẩm, thậm chí tính toán được vòng đời của một sản phẩm trên thị trường. Tất cả những điều đó, đều có được qua trải nghiệm thực tế, qua bài học, qua thực tiễn và bồi dưỡng hàng ngày thì mới có được, thậm chí phải trả giá đắt và thất bại nhiều lần. Và viên ngọc cho mỗi cá nhân khởi nghiệp theo tôi đó là vốn: Vốn đó là kiến thức, vốn kỹ năng, vốn kinh nghiệm – quan trọng hơn vốn tiền bạc.
Đoàn Thanh niên cơ sở luôn là người bạn đồng hành với thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp
MC Phương Thảo: Trong phát biểu của mình với thanh niên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng có những yêu cầu, chỉ đạo với tổ chức Đoàn Thanh niên, đặc biệt là Ban Thường vụ Tỉnh đoàn (BTV). Với vai trò là Bí thư Tỉnh đoàn, anh sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể nào để triển khai tới các cấp thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thưa anh?
Anh Đoàn Quang Duy: Có thể nói là BTV Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Chương trình đối thoại trong tháng 11/2022 với chủ đề “Tuổi trẻ Thái Nguyên khát vọng cống hiến”. Sau chương trình, Tỉnh đoàn đã nhận được Thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc các ngành, các đơn vị triển khai kết luận của UBND tỉnh trong Chương trình đối thoại với thanh niên. Tiếp đó, Tỉnh đoàn đã làm việc với Sở Nội vụ là đơn vị được giao tham mưu chính quản lý Nhà nước về thanh niên phối hợp cùng triển khai với các ngành, các địa phương thực hiện kết luận đó. Trong đó, BTV Tỉnh đoàn chỉ đạo các Huyện huyện, Thành đoàn với những nội dung được chỉ đạo liên quan đến tổ chức Đoàn. Chúng tôi khẩn trương xây dựng kế hoạch và chương trình hành động để thực hiện những nội dung được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo với công tác thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp. Chúng tôi nhận thấy rằng, đoàn viên thanh niên rất hào hứng, hứng khởi với những kết quả của nhiệm kỳ 2017-2022 đã đạt được. Tuy nhiên, vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp là vấn đề thanh niên tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo. Chúng tôi tin rằng, khởi nghiệp – lập nghiệp, lập thân – lập nghiệp và khởi sự kinh doanh là sứ mệnh của tuổi trẻ. Trong đó, tổ chức Đoàn làm sao truyền được cảm hứng của các mô hình kinh doanh mới, kinh doanh đã thành công cho các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh, từ đó lan tỏa tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong thời gian tới.
BTV Thành Đoàn Thái Nguyên tham quan mô hình thanh niên tiêu biểu phát triển kinh tế cây cảnh của anh Nguyễn Văn Thành, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên)
MC Phương Thảo: Vâng, thưa anh Đàm Xuân Vận, trước những vấn đề đặt ra với thanh niên hiện nay. Trung tâm Ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy, ươm mầm những ước mơ cũng như kế hoạch khởi sự kinh doanh của các bạn sinh viên thưa anh?
Anh Đàm Xuân Vận: Trong những năm vừa qua, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp đã tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cho các bạn sinh viên. Thông qua đó đã bồi dưỡng cho các bạn về kỹ năng về thương mại, sản xuất kinh doanh. Thông qua cuộc thi, chúng tôi đã tìm được những ý tưởng độc đáo, sáng tạo, có hiệu quả. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành cùng các bạn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thương mại hóa sản phẩm, tiến tới có thể thành lập các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về khoa học công nghệ dựa trên các sản phẩm trí tuệ mà các kết quả nghiên cứu của các bạn học sinh, sinh viên.
Trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp trong nhà trường, chúng tôi nhận thấy các bạn sinh viên cần có kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của đoàn viên thanh niên. Có thể sau này ra trường, không phải tất cả các bạn đều làm ông chủ. Tuy nhiên, các bạn nên có kiến thức, kinh nghiệm để tham gia vào tiến trình khởi nghiệp. Có thể sau này các bạn làm các nhà quản lý, làm chuyên môn, hoặc làm trong các hội, hiệp hội thì cũng là tham gia vào tiến trình khởi nghiệp của xã hội, của đất nước. Cho nên việc có kiến thức về khởi nghiệp rất quan trọng.
MC Phương Thảo: Nếu có thể chia sẻ những đề xuất với tỉnh để việc hỗ trợ khởi nghiệp trong sinh viên được hiệu quả hơn thì anh Đàm Xuân Vận sẽ đề xuất, kiến nghị gì thưa anh?
Anh Đàm Xuân Vận: Đối với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Thái Nguyên, anh Đoàn Quang Duy vừa đề cập đó là làm sao để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, mặc dù tỉnh Thái Nguyên là một Thành phố đạt giải thông minh về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để phát triển được thì tôi đề nghị tỉnh Thái Nguyên: Quan tâm hơn nữa trong cơ chế, chính sách; hỗ trợ khởi nghiệp trong đoàn viên, sinh viên, thanh niên; phát triển hệ sinh thái trong trường đại học, trong các khối doanh nghiệp; kết nối hệ sinh thái thành phần từ nhà khoa học, nhà quản lý, người dân… Tôi cho rằng, đầu tiên chúng ta phải phát triển hệ sinh thái của tỉnh; thứ hai là Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên cần có các mô hình trải nghiệm về sản xuất, về kinh doanh, khởi nghiệp được đầu tư cho thanh niên, cho sinh viên…
Chị Lương Thị Quyên, Phó Bí thư Đoàn xã Phúc Xuân với mô hình Thanh niên phát triển sản phẩm Quyên Trà, Trà đinh vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên)
MC Phương Thảo: Còn với cá nhân anh Hiếu cũng như cộng đồng Founder rất trẻ của tỉnh Thái Nguyên – Anh có đề xuất gì với địa phương không, thưa anh?
Anh Lê Văn Hiếu: Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa để các doanh nghiệp đưa các sản phẩm giới thiệu cho du khách, người tiêu dùng. Cùng với đó, tổ chức nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm của địa phương đến với các tỉnh trong và ngoài nước.
MC Phương Thảo: Ngay khi chúng tôi lên kế hoạch thực hiện Chương trình Toạ đàm này, rất nhiều bạn trẻ đã thể hiện sự quan tâm cũng như đặt ra những câu hỏi cho những khách mời. Chúng tôi cũng đã tổ chức biên tập thành nhóm vấn đề chính như chúng ta đã trao đổi từ đầu Chương trình đến giờ. Và ngay lúc này, nếu được giành những lời khuyên, những chia sẻ của mình với bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp mà còn rất nhiều những lo ngại khác nhau, thì những khách mời của chúng ta sẽ chia sẻ điều gì. Trước hết xin được mời anh Đoàn Quang Duy.
Anh Đoàn Quang Duy: Trong thời gian vừa qua, khi tiếp cận với các phong trào khởi nghiệp, các bạn thanh niên, sinh viên, đặc biệt là các bạn thanh niên ở địa bàn dân cư hay là khu vực nông thôn không phải không có khát khao làm giàu, cống hiến cho địa phương, đơn vị, cũng như là phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, như anh Đàm Xuân Vận vừa chia sẻ các bạn còn thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu vốn… Tôi nghĩ rằng, điều đầu tiên các bạn phải có ước mơ, đam mê đúng với ngành nghề, sở thích của mình. Quan trọng hơn là phát triển mô hình kinh doanh ngay tại nơi mình sinh ra, để làm sao địa phương đó luôn tạo điều kiện cũng như các bạn là người hiểu rõ nhất địa phương mình sinh ra để từ đó góp phần xây dựng các mô hình kinh doanh, mô hình phát triển kinh tế mới để hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Anh Đàm Xuân Vận: Theo tôi, đối với các bạn trẻ, các bạn sinh viên khi khởi nghiệp nên nghĩ lớn, bắt đầu từ nhỏ, từ những việc cụ thể để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, dần dần mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Nếu nghĩ lớn, làm lớn ngay thì dễ thất bại. Thường thì cần bắt đầu từ những việc cụ thể, những cái nhỏ nhất.
Anh Lê Văn Hiếu: Mỗi bước đi của chúng ta là cả quá trình khởi nghiệp, quá trình tích lũy vốn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. Tích lũy càng dày thì khởi nghiệp càng thành công. Chia sẻ của tôi là hãy là người có giá trị bất kỳ nơi nào mình đến, mình ở.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh giao lưu với thanh niên tại Chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên Thái Nguyên năm 2022
MC Phương Thảo: Vâng, câu chuyện của nhân vật chính chàng thanh niên Pavel Korchagin trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của Nhà văn Nikolai Ostrovski hay như câu chuyện “con trai làm ngọc sáng” mà đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ và gửi gắm đến tuổi trẻ Thái Nguyên là những câu chuyện rất thực về thành quả của nỗ lực quyết tâm không mệt mỏi. Hy vọng những câu chuyện đó cũng như chia sẻ của các khách mời trong Chương trình Toạ đàm hôm nay sẽ tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo, khởi nghiệp trong mỗi bạn trẻ.
Chương trình Tọa đàm trực tuyến xin được khép lại tại đây. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn 03 vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình; cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi.
Mọi ý kiến góp ý và quan tâm xin mời quý vị gửi thông tin về địa chỉ Email [email protected].
Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình sau.