Tờ trình là gì?

Trong môi trường công sở, đặc biệt ở các cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp thì việc sử dụng tờ trình trong quá trình giải quyết công việc là điều vô cùng thông dụng.

Vậy Tờ trình là gì? Bố cục của tờ trình gồm những phần gì? Với nội dung bài viết dưới đây hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu về vấn đề này.

Tờ trình là gì?

Tờ trình được hiểu là văn bản được sử dụng với mục đích chính là nhằm tường trình lại những sự việc hay sự kiện diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, tại một địa điểm nhất định, diễn biến trong quá khứ.

Ngoài ra đây là mẫu văn bản được sử dụng để đề xuất với cơ quan hay quản lý cấp trên để yêu cầu phê chuẩn hay xét duyệt một kế hoạch, chủ trường hoạt động, hay phương án công tác, một giải pháp giải quyết vấn đề…nào đó mà cá nhân hoặc tổ chức viết tờ trình không thể tự mình giải quyết được.

Tờ trình cũng có thể dùng để đề xuất những vấn đề có liên quan đến chủ trương, chính sách mới, hay các điều lệ, quy trình cần được triển khai. Thông thường các tờ trình được sử dụng để xin phê chuẩn những vấn đề diễn ra trong điều hành và quản lý tại cơ quan như: mở rộng quy mộ, thay đổi cơ cấu tổ chức, làm mới chức năng hoạt động hay xây dựng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật.

Khi tiến hành cơ cấu lại và xây dựng cơ cấu mới cho doanh nghiệp, thì nhiều nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng các quy định về thủ tục, tờ trình theo mẫu mà pháp luật đã quy định. Trong trường hợp sử dụng sai mẫu đơn quy định thì sẽ được coi là không phù hợp với quy định chung của nhà nước, không đảm bảo được sự nghiêm ngặt và chặt chẽ dẫn tới nhiều sơ hở trong công tác quản lý, phân bổ, chuyển giao tài liệu, hoạt động chung của doanh nghiệp đó. Điều này có thể dẫn tới hệ quả là không thể đảm bảo được quyền lợi cho cả hai bên trong trường hợp xảy ra xung đột về pháp lý.

Để có thể sử dụng tờ trình vào đúng mục đích thì các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần chú trọng vào việc tuân thủ đúng cách trình bày tờ trình, mục đích sử dụng, khi nào sử dụng tờ trình để đảm bảo nghiêm ngặt theo Luật Lao động, Luật Bảo hiểm và Luật doanh nghiệp hiện hành.

Bố cục của tờ trình

Thông thường trong một tờ trình sẽ phải đảm bảo có bố cục ba phần:

Phần 1: Trình bày lý do tại sao lại trình bày nội dung trình duyệt trong tờ trình.

Thông qua việc nhận định tình hình dựa trên những căn cứ thực tiễn, cá nhân/tổ chức cần nêu ra được lý do tại sao lại đưa ra nội dung trình duyệt, phân tích những căn cứ diễn ra trên thực tế để làm nổi bật lên các nhu cầu bức thiết của vấn đề cần trình duyệt.

Khi trình bày phần lý do này cá nhân/tổ chức cần phải sử dụng lời văn và góc nhìn mang tính khách quan, đưa ra những phân tích dựa trên tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Điều đó sẽ giúp cho tổng thể tờ trình trở nên chuyên nghiệp và thuyết phục cấp trên hơn.

Phần 2: Nội dung của các vấn đề cần đề xuất, trong đó phải gồm có tờ trình các phương án, sự phát triển và chứng minh bằng các lý lẽ và lập luận để lập luận cho sự khả thi của các phương án đó

+ Cần phải tóm tắt nội dung của đề nghị mới, các phương án khả thi một cách cụ thể rõ ràng, với các luận cứ cụ thể kèm theo có thông tin trung thực đem lại độ tin cậy cao.

+ Chỉ ra những vấn đề có thể xảy ra xuất phát từ đề nghị mới nếu được áp dụng vào thực tiễn, đưa ra những mục tiêu chung, khái quát, có thể dự tính dựa trên những con số dựa theo kết quả của kỳ trước.

+ Những khó khăn và thuận lợi khi triển khai dự án vào trong thực tiễn là gì, biện pháp cần được áp dụng để khắc phục phải được trình bày một cách khách quan, tránh những nhận xét một cách chủ quan, thiên vị và không sát với nhu cầu của thực tiễn.

+ Nêu lên ý nghĩa và tác dụng của đề nghị mới đối với sản xuất, đời sống xã hội, công tác lãnh đạo và quản lý.

Trong phần nội dung trình bày về các vấn đề cần đề xuất cần phải đảm bảo cách hành văn trau chuốt và rõ ràng, mạch lạc, những tài liệu tham khảo được sử dụng trong tờ trình phải đảm bảo có độ tin cậy cao để quá trình xác minh các số liệu được trung thực và khách quan hơn.

Những bằng chứng được đưa ra trong tờ trình cần phải bám sát với thực tế, thông qua những con số về những kết quả và thành tích đã đạt được, không đưa ra những lập luận mang tính mập mờ chung chung. Như vậy sẽ khiến cho tổng thể tờ trình không có điểm nhấn, không tạo được sự xác thực và uy tín, từ đó sẽ không có được sự thuyết phục nhất định từ người đọc.

Phần 3: Kiến nghị cấp trên

Yêu cầu phê chuẩn, chẳng hạn xin lựa chọn một trong các phương án, xin cấp trên duyệt một vài phương án xếp thứ tự, khi hoàn cảnh thay đổi có thể chuyển từ phương án chính thức sang phương án dự phòng đã được chuẩn bị trước đó, được lên kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng, cố gắng kiến nghị để cấp trên xem xét, chấp thuận để sớm triển khai hoạt động vào thực tiễn, thực hiện đề xuất mới. Có thể trình bày phương án dự phòng nếu cần thiết.

Đối với phần kiến nghị với cấp trên, nên lựa chọn văn phong nghiêm túc và lịch sự, nhã nhặn, lời văn có một chút thiết tha, nghiêm túc nhất định, đưa ra những lý do phù hợp với thực tiễn và hoàn cảnh để có thể thuyết phục được cấp trên một cách tuyệt đối. Nội dung kiến nghị phải có tính khả thi thì bên có thâm quyền mới có đủ những lý lẽ và bằng chứng, căn cứ dựa vào đó để phê duyệt cho bạn được.

Với nội dung bài viết phía trên, chúng tôi đã giải thích cho Quý khách về Tờ trình là gì? Nếu còn gì thắc mắc về vấn đề này thì Qúy khách hãy liên hệ đến chúng tôi để được hỗ trợ.