TÍNH TỪ | Tình từ là gì? | Khái niệm về tính từ – Tech12h
1. Khái niệm
Tính từ trong tiếng Việt là từ loại có khả năng biểu đạt cao nhất. Bởi lẽ mỗi tính từ có khả năng gợi hình ảnh, gợi cảm xúc ở mức độ khác nhau. Chỉ cần thay đổi thì sắc thái biểu đạt của từ cũng đã khác rất nhiều.
Tính từ là những từ để miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của sự vật, hiện tượng, trạng thái, con người.
2. Ví dụ
Tính từ trong đoạn văn được bôi đen và gạch chân
“Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh…”
(Trích Cô Tô – Nguyễn Tuân)
3. Khả năng kết hợp của tính từ:
- Tính từ có thể kết hợp với danh từ, động từ để bổ sung ý nghĩa cho cả danh từ, động từ về mặt đặc điểm, tính chất, mức độ.
VD: đi (động từ) rất nhanh (tính từ – bổ sung ý nghĩa cho hành động đi)
Hoa (danh từ) tươi (Tính từ – bổ sung ý nghĩa cho danh từ hoa) bán ở cửa hàng
- Không giống với động từ, tính từ không thể kết hợp với các phó từ mệnh lệnh (hãy, đừng, chớ,…) mà chỉ có thể kết hợp với các phó từ còn lại (đã, sẽ, đang, không, chưa, chẳng, vẫn, cứ, còn,…
VD: đã từng đẹp, không tỉnh táo, vẫn lề mề như thế
4. Chức năng của tính từ
- Ở trong câu tính từ (cụm tính từ) có chức năng chính là làm vị ngữ trong câu để bổ sung ý nghĩa cho danh từ.
VD: Hôm nay, trời // trong veo
CN (Danh từ) VN (tính từ)
Cô ấy // rất đáng yêu
CN (Cụm danh từ) VN (Cụm tính từ)
- Ngoài chức năng chính là làm vị ngữ, tính từ (cụm tính từ) cũng có thể làm chủ ngữ, bổ ngữ trong câu.
VD:
+ Tính từ làm chủ ngữ: Mộc mạc // là sự bình dị, không cầu kì, vẫn giữ được vẻ tự nhiên
CN (tính từ) VN (cụm danh từ/cụm tính từ/cụm động từ)
+ Tính từ làm bổ ngữ: Cô Bình // gửi cho tôi một bức thư rất dài
động từ Cụm tính từ (bổ ngữ xa)
5. Phân loại tính từ
Để phân biệt tính từ trong tiếng Việt hơi phức tạp, vì nhiều khi tính từ có dạng thức như động từ hoặc danh từ.
Có những từ vừa có thể coi là tính từ, vừa có thể coi là động từ như từ ăn cướp trong hành động ăn cướp; hoặc từ ấy vừa là tính từ vừa là danh từ như từ thành thị trong lối sống thành thị
Dựa theo những điều trên, tính từ trong tiếng Việt có thể phân làm hai loại lớn là tính từ tự thân và tính từ không tự thân.
a) Tính từ tự thân
- Khái niệm: Tính từ tự thân (bản thân chúng là tính từ) là những tính từ chỉ có chức năng biểu thị phẩm chất, màu sắc, kích thước, hình dáng, mức độ, hương vị,…của sự vật hay hiện tượng.
- Ví dụ: đỏ, đen, cao, thấp,…
- Ta có thể phân những tính từ trong loại này thành những tiểu loại nhỏ hơn:
- Tính từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ, vàng, xanh ngắt, tím biếc, vàng hoe,…
- Tính từ chỉ phẩm chất: tốt, xấu, dũng cảm, hèn nhát, anh hùng, tiểu nhân, đúng, sai,…
- Tính từ chỉ kích thước: cao, thấp, rộng, hẹp, nhỏ, khổng lồ, tí hon, mỏng, dày, ngắn, dài, to, bự,…
- Tính từ chỉ hình dáng: vuông, tròn, méo, thẳng, cong, quanh co, hun hút, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu,…
- Tính từ chỉ âm thanh: ầm ĩ, ồn ào, xôn xao, trầm bổng, vang vọng, ồn,…
- Tính từ chỉ hương vị: thơm, ngọt, cay, đắng, chát, mặn, chua, tanh, thối,…
- Tính từ chỉ mực độ, cách thức: xa, gần, nhanh, chậm, lề mề, nhanh nhẹn,…
- Tính từ chỉ lượng: nhiều, ít, nặng, nhẹ, vơi, đầy, vắng vẻ, đông đúc, hiu quạnh, nông, sâu,…
b) Tính từ không tự thân
- Khái niệm: Tính từ không tự thân là những từ vốn không phải tính từ mà những từ thuộc từ loại khác (danh từ, động từ) chuyển loại và được sử dụng như tính từ.
- Những tính từ không tự thân được tạo ra bằng cách chuyển loại của các từ thuộc nhóm từ loại khác nên ý nghĩa của tính từ này chỉ được xác định khi đặt chúng trong mối quan hệ với những từ khác trong cụm từ hoặc trong câu. Nếu tách chúng ra khỏi mối quan hệ ấy thì chúng không được coi là tính từ hoặc có ý nghĩa khác.
VD: rất Quang Dũng (chỉ phong cách, cá tính, những hành động, ngôn ngữ mang đặc trưng của tác giả này)
- Khi danh từ, động từ được sử dụng như tính từ thì ý nghĩa của chúng sẽ mang nghĩa khái quát hơn so với nghĩa thường được sử dụng của chúng.
VD: ăn cướp: dùng sức mạnh của bản thân để tước đoạt tài sản của người khác
=> nghĩa hay được sử dụng
Hành động ăn cướp : những hành động có ý nghĩa hoặc tính chất giống như ăn cướp chứ không phải ăn cướp thật.
6. Cụm tính từ
- Khái niệm: Cụm tính từ là cụm từ có tính từ là trung tâm, kết hợp với các phụ trước, phụ sau để tạo thành.
- Chức năng của cụm tính từ: cũn giống như tính từ, cụm tính từ có chức năng chính là vị ngữ, nhưng có thể dùng chúng để làm chủ ngữ, bổ ngữ trong câu.
- Cấu tạo của cụm tính từ
- Cấu tạo đầy đủ của một cụm tính từ là:
Phụ trước + Tính từ trung tâm + Phụ sau
Phụ trước
Trung tâm
Phụ sau
Các từ chỉ quan hệ thời gian (đã, sẽ, đang, từng,…)
Các từ chỉ sự tiếp diễn tương tự (vẫn, cứ, còn, cũng,..)
Các từ chỉ mức độ của đặc điểm, tính chất (rất,lắm,…)
Các từ dùng để khẳng định hay phủ định (không, chưa, chẳng,…)
Các tính từ
Các từ biểu thị vị trí
Các từ chỉ sự so sánh
Các từ chỉ mức độ, phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất.
- Tuy nhiên, một cụm tính từ có thể không có cấu tạo đầy đủ, chúng có thể chỉ có phụ trước hoặc chỉ có phụ sau.