tỉnh Nam Định
Mục Lục
tỉnh Nam Định
Nam Định
Đền Trần
Địa lý Tọa độ:
Tọa độ:
Diện tích 1.652,6 km² Dân số
(2014)
Tổng cộng
1.839.900 người1
Mật độ
1.113 người/km² Dân tộc Kinh, Thái, Tày…(xem) Vị trí Nam Định trên bản đồ Việt Nam
Tỉnh Nam Định Hành chính Quốc gia Việt Nam Vùng Đồng bằng sông Hồng Tỉnh lỵ Thành phố Nam Định
Chủ tịch UBND
Phạm Đình Nghị
Chủ tịch HĐND
Trần Văn Chung
Bí thư Tỉnh ủy
Đoàn Hồng Phong Phân chia hành chính 1 thành phố, 9 huyện Mã hành chính VN-67 Mã bưu chính 42xxxx Mã điện thoại 228 Biển số xe 18 Website http://www.namdinh.gov.vn/
Nam Định là một tỉnh lớn với 2 triệu dân nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Theo quy định năm 2008 thì Nam Định thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ.
Vị trí
- Vĩ độ: 19°54′B – 20°40′B, Kinh độ: 105°55′Đ – 106°45′Đ. Nam Định tiếp giáp với tỉnh Thái Bình ở phía đông bắc, tỉnh Ninh Bình ở phía tây, tỉnh Hà Nam ở phía tây bắc, giáp biển (vịnh Bắc Bộ) ở phía đông nam.
Diện tích: 1.652,6 km².
Địa hình
Địa hình Nam Định có thể chia thành 3 vùng:
- Vùng đồng bằng thấp trũng: gồm các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường. Đây là vùng có nhiều khả năng thâm canh phát triển nông nghiệp, công nghiệp dệt, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí và các ngành nghề truyền thống.
- Vùng đồng bằng ven biển: gồm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; có bờ biển dài 72 km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển.
- Vùng trung tâm công nghiệp – dịch vụ thành phố Nam Định: có các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, các ngành nghề truyền thống, các phố nghề… cùng với các ngành dịch vụ tổng hợp, dịch vụ chuyên ngành hình thành và phát triển từ lâu. Thành phố Nam Định là một trong những trung tâm công nghiệp dệt, công nghiệp nhẹ của cả nước và trung tâm thương mại – dịch vụ phía Nam của đồng bằng sông Hồng. TP Nam Định là đô thị lớn thứ ba trên toàn miền Bắc chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng từ xưa đến nay.
Nam Định có bờ biển dài 72 km có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Ở đây có khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) và có 4 cửa sông lớn: cửa Ba Lạt sông Hồng, cửa Đáy sông Đáy, cửa Lạch Giang sông Ninh Cơ và cửa Hà Lạn sông Sò.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Tỉnh Nam Định có 2 trong số 5 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng đầu tiên của Việt Nam theo công ước RAMSA, 2 khu vực còn lại thuộc Thái Bình và Ninh Bình.
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng nằm trên địa bàn các xã ven biển thuộc 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2004 với những giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học và có ảnh hưởng lớn đến sự sống của nhân loại. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.
Tại Nam Định, phạm vi do UNESCO công nhận gồm 2 tiểu vùng nằm ở cửa Ba Lạt và cửa Đáy
- Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân của huyện Giao Thủy,
- Rừng phòng hộ ven biển Nghĩa Hưng thuộc các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi; thị trấn Rạng Đông, xã Nam Điền huyện Nghĩa Hưng.
Khí hậu
Cũng như các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định mang khí hậu cận nhiệt đới ẩm ấm. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 23 – 24 °C. Tháng lạnh nhất là các tháng 12 và 1, với nhiệt độ trung bình từ 16 – 17 °C. Tháng 7 nóng nhất, nhiệt độ khoảng trên 29 °C.
Lượng mưa trung bình trong năm từ 1,750 – 1,800 mm, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa ít mưa từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Số giờ nắng trong năm: 1,650 – 1,700 giờ. Độ ẩm tương đối trung bình: 80 – 85%.
Mặt khác, do nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ nên hàng năm Nam Định thường chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân từ 4 – 6 cơn/năm. Thuỷ triều tại vùng biển Nam Định thuộc loại nhật triều, biên độ triều trung bình từ 1,6 – 1,7 m; lớn nhất là 3,31 m và nhỏ nhất là 0,11 m.
Hành chính
Tỉnh Nam Định gồm có 1 Thành phố và 09 huyện:
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Nam Định Tên Dân số (người)2009 Hành chính Thành phố (1) Nam Định 380.069 20 phường, 5 xã Huyện (9) Giao Thủy 189.660 2 thị trấn, 20 xã Hải Hậu 255.156 3 thị trấn, 32 xã Mỹ Lộc 66.000 1 thị trấn, 10 xã Tên Dân số (người)2009 Hành chính Nam Trực 208.014 1 thị trấn, 19 xã Nghĩa Hưng 205.280 3 thị trấn, 22 xã Trực Ninh 193.178 2 thị trấn, 19 xã Vụ Bản 148.000 1 thị trấn, 17 xã Xuân Trường 185.407 1 thị trấn, 19 xã Ý Yên 247.718 1 thị trấn, 31 xã
Nam Định có 229 đơn vị hành chính cấp xã gồm 194 xã, 20 phường và 15 thị trấn.
Huyện Mỹ Lộc đã có nhiều thời kì thuộc thành phố Nam Định. Năm 2017 huyện Mỹ Lộc và một số xã của Vụ Bản, Nam Trực sẽ trở thành ngoại thành thành phố Nam Định. Hiện Nam Định vẫn đang là thành phố có vung ngoại thành hẹp nhât.
Lịch sử
Thời tiền sử
Trên đất Nam Định, dấu tích con người ở thời kỳ này còn lưu lại ở các dãy núi thuộc huyện Vụ Bản và huyện Ý Yên nằm về phía tây bắc của tỉnh. Tại đây đã tìm thấy những chiếc rìu đá có vai mài lưỡi, các hòn nghè, chày đá và bàn nghiền. Đó là những dấu tích của những cư dân thuộc thời kỳ đồ đá mới hoặc sơ kỳ đồ đồng đã từ vùng rừng núi tiến xuống khai phá vùng đồng bằng ven biển để sinh sống và dần dần tiến tới lập các làng xóm. Vào lúc cực thịnh của thời kỳ đồ đá, ở tỉnh Nam Định cũng như nhiều địa điểm khác trên đất nước, đã nở rộ những nền văn hoá nguyên thuỷ. Ngoài kinh tế hái lượm những sản phẩm sẵn có trong tự nhiên, người nguyên thuỷ trên đất Nam Định đã bắt đầu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thời dựng nước
Nằm trong cương vực nước Văn Lang của các Vua Hùng trải dài từ miền trung du đến miền đồng bằng ven biển, vùng đất Nam Định khi ấy tương đương với đất các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, thành phố Nam Định và phần phía bắc của huyện Nam Trực hiện nay. Theo ngọc phả đền thờ Tam Bành ở thôn Bảo Ngũ, xã Quang Trung thì vào đời vua Hùng Vương, huyện Vụ Bản có tên là huyện Bình Chương thuộc bộ Lục Hải, là một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Huyện Bình Chương lúc đó nằm sát biển. Tại đây có cửa biển Côi Sơn (Núi Gôi) mà dấu vết còn lại đến ngày nay là địa danh cồn Dâu, cồn Cói ở các vùng quanh chân núi.
Cùng với các nghề trồng lúa nước, trồng rau củ và hoa quả thì những ngành kinh tế khai thác vẫn giữ vai trò quan trọng. Tại di chỉ núi Hổ, trong các di vật tìm được có nhiều mũi tên bằng đá và xương động vật. Cách đó không xa tại hang Lồ (núi Lê) cũng tìm thấy khá nhiều các loại xương thú khác nhau. Săn bắn bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho con người, đồng thời cung cấp da, xương, sừng cho một số nghề thủ công như chế tạo đồ trang sức, đồ dùng, vũ khí.
Năm 1963, tại núi Mai Độ (còn gọi là núi Hình Nhân) thuộc xã Yên Tân, huyện Ý Yên đã phát hiện một số hiện vật đồng có giá trị. Núi có 4 đỉnh, đỉnh cao nhất cao 52m. Đây là núi đá có lẫn đất, không có cây cao, trên mặt chỉ phủ một lớp cỏ mỏng. Sườn phía đông có một khoảng đất tương đối bằng phẳng, rộng độ 2 sào, nguyên trước có một kiến trúc tôn giáo không biết của đời nào vì đã bị phá hủy từ lâu. Cách chân núi về phía Tây 400m là thôn Mai Độ, phía Đông là thôn Mai Sơn, xung quanh núi là cánh đồng chiêm. Các hiện vật đồng được phát hiện gồm có dao, giáo và rìu.
Thời Bắc thuộc
Sau khi nước Nam Việt bị nhà Tây Hán đánh chiếm vào năm 111 TCN, đất nước bước vào một thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm. Nam Định lúc đó nằm trong quận Giao Chỉ. Do điều kiện thuận lợi cho nghề trồng lúa nước, vùng đất Nam Định trở thành một trung tâm nông nghiệp từ rất sớm.
Trên cơ sở một nền văn hoá bản địa vững chắc thể hiện bản lĩnh, cá tính, lối sống và truyền thống mà cốt lõi là ý thức độc lập, tự chủ và tinh thần yêu quê hương, đất nước, cư dân Nam Định cổ đã tiếp thu những yếu tố văn hoá mới, làm phong phú thêm văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, nét bao trùm lên lịch sử thời kỳ Bắc thuộc trên đất Nam Định vẫn là cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ và âm mưu đồng hoá của phong kiến ngoại bang, mà tiêu biểu là nhân dân Nam Định nói chung và đặc biệt là phụ nữ, đã hăng hái tham gia và nhanh chóng đứng dưới ngọn cờ nghĩa của Hai Bà Trưng (Đầu năm 40) chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán. Theo tư liệu lịch sử hiện có, Nam Định có tới 20 tướng lĩnh cả nam lẫn nữ tham gia cuộc khởi nghĩa này. Dấu tích về các tướng lĩnh tham gia khởi nghĩa tập trung nhiều ở huyện Vụ Bản, như: Lê Thị Hoa ở Phú Cốc, Chu Liên Hoa ở làng Vậy, Dung Nương và Phương Dung ở làng Cựu, Trần Cao Đạo ở làng Riềng, Bùi Công Mẫn ở xã Trung Thành…
Năm 542, Lý Bí nổi dậy khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Sau bốn năm chiến đấu anh dũng, cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi, Lý Bí lên ngôi, xưng Hoàng Đế, xây dựng nước Vạn Xuân độc lập. Đóng góp vào cuộc khởi nghĩa này, Nam Định có tướng quân Hoàng Tề ở làng Lập Vũ (nay thuộc xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản). Ông được Lý Bí phong chức Túc vệ tướng quân, ban gươm báu và luôn cho hầu bên mình. Khi Lý Bí qua đời, Hoàng Tề theo Triệu Quang Phục.
Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê
Sau khi Ngô Quyền mất, vùng hạ lưu sông Hồng khi đó chịu sự chi phối của sứ quân Trần Lãm. Đất Nam Định dần trở thành nơi hội tụ và đối đầu quyết liệt của hào khí bốn phương, trong danh sách 12 sứ quân, rất nhiều vị tướng nhà Đinh và các sứ quân như: Trần Lãm, Lã Đường, Ngô Nhật Khánh, Nguyễn Khoan, Phạm Bạch Hổ được thờ ở đây. Đinh Bộ Lĩnh – người anh hùng “tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời”, tự nhận về mình sứ mệnh thiêng liêng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước – không thể không tìm về vùng đất duyên hải cửa sông này.
Thời Lý – Trần
Dưới thời Lý, Trần, Nam Định không những là một cửa ngõ của cả vùng châu thổ sông Hồng mà còn là một trung tâm kinh tế quan trọng. Các vua Lý đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất này. Qua các tư liệu lịch sử, ta biết trên đất Nam Định xưa, nhà Lý đã cho xây ít nhất hai hành cung làm nơi cho vua dừng chân nghỉ lại trong những lần đi kinh lý vùng đất này. Vào thời Trần, Thiên Trường được coi như kinh đô thứ hai. Vị trí ứng với khu vực tháp Phổ Minh và Đền Trần ngày nay. Nơi đây còn có dấu tích của cung Trùng Quang và cung Trùng Hoa.
Do vị trí trọng yếu, Nam Định trở thành một trong những nơi giao tranh quyết liệt. Năm 1203, quân nổi loạn do Phí Lang và Bảo Lương cầm đầu từ Đại Hoàng (Ninh Bình) xuôi theo sông Đáy đến đất Nam Định, mở rộng hoạt động ra vùng hạ lưu. Sự rối loạn lên đến cực điểm vào năm 1208, khi trong nước “người chết đói nằm chồng chất lên nhau”. Đúng lúc triều Lý bất lực trong việc điều hành đất nước, vùng đất Nam Định lại là nơi hưng khởi của nhà Trần, một triều đại đầy sức sống đã đưa quốc gia Đại Việt phát triển hưng thịnh và ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông. Đời Trần được gọi là lộ Thiên Trường, sau lại chia làm ba lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Hoàng giang.
Dưới thời thuộc Minh
Tháng 4-1407, Minh Thành Tổ hạ chiếu đổi nước ta làm quận Giao Chỉ – như một địa phương của quốc gia phong kiến nhà Minh. Bằng hành động này, nhà Minh đã bộc lộ rõ ý đồ không chỉ chiếm đóng mà còn vĩnh viễn xóa bỏ nước ta, sáp nhập hẳn vào đế quốc Minh như tên gọi và đơn vị hành chính mà các đế chế đô hộ phương Bắc đã dùng từ nửa thiên niên kỷ trước.
Dưới quận, nhà Minh chia ra làm 15 phủ. Phần đất Nam Định lúc ấy thuộc hai phủ Kiến Bình và Phụng Hóa. Phủ Phụng Hóa tương đương với phủ Thiên Trường cuối thể kỷ XIV, gồm bốn huyện là Mỹ Lộc, Tây Chân, Giao Thủy và Thận Uy. Bốn trong số chín huyện thuộc phủ Kiến Bình thuộc về đất Nam Định là Ý Yên, An Bản, Vọng Doanh và Đại Loan. Cả hai phủ thuộc tỉnh Nam Định đều bị nhà Minh đổi tên. Kiến Hưng đổi thành Kiến Bình với ý nghĩa xây dựng, kiến lập sự yên ổn, vững chắc, Thiên Trường đổi thành Phụng Hóa hàm ý tuân theo sự giáo hóa, cải hóa của nhà Minh.
Thời Lê
Đời Lê, thuộc xứ Sơn Nam, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 năm 1741, vùng đất này thuộc lộ Sơn Nam Hạ.
Nhà nước thời Lê sơ rất quan tâm đến việc nông trang nói chung, công cuộc khai hoang mở rộng diện tích canh tác nói riêng bằng hàng loạt chính sách, nhất là dưới thời Hồng Đức. Cùng với hoạt động khẩn hoang tự nguyện của những người nông dân, chính quyền trung ương nhà Lê cũng đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức khẩn hoang dưới hình thức đồn điền ở phía Nam khu vực sông Hồng, trong đó có Nam Định. Khó có thể thống kê, khảo sát, xác định được đầy đủ những đồn điền thời Lê sơ đã từng có ở Nam Định. Ngoài lý do thời gian đã quá lâu, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác. Cư dân đầu tiên của các đồn điền này trước hết và chủ yếu là các binh lính, tù binh, tội nhân. Họ ít và khó có điều kiện ghi chép để truyền lại cho đời sau về lịch sử khai hoang lập làng. Tuy nhiên căn cứ vào các nguồn tài liệu chính thống của nhà nước phong kiến như chính sử, điền bạ…có thể thấy vùng Nam Định tập trung khá nhiều đồn điền như:
Sở Vĩnh Hưng (thuộc vùng của tổng Cổ Nông, Trực Ninh) Sở Đông Hải (nơi có các thôn Đắc Sở, Thượng Đồng, Hạ Đồng thuộc Trực Ninh) Sở Hoa Diệp (thuộc vùng Phượng Để, Cổ Lễ, Trực Ninh) Sở Vọng Doanh (nằm trong vùng các xã Yên Quang, Yên Bằng, Yên Khang thuộc Ý Yên).
Khi Nguyến Huệ kéo quân ra đánh Trịnh với danh nghĩa phò Lê thì địa điểm đầu tiên quân Tây Sơn tiến chiếm cũng là quân doanh Vỵ Hoàng tức Nam Định.
Sự trù mật của các đồn điền ở ven cửa biển vùng Giao Thủy, bên đê sông Hồng, sông Đáy tự đã làm nổi bật lên vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất phủ Thiên Trường với nhà nước thời Lê sơ, với quốc gia Đại Việt nửa sau thế kỷ XV. Nửa sau thế kỷ XV, trên vùng ven biển Nam Định chứng kiến một công trình kết tinh thành quả lao động to lớn của nhân dân Đại Việt. Đó là việc khởi công và hoàn thành đê Hồng Đức, một con đê ngăn nước mặn có quy mô lớn đầu tiên của vùng châu thổ. Với sự đầu tư, quan tâm của trung ương và địa phương như vậy, công cuộc đắp đê ở vùng biển Nam Định, Ninh Bình thời Lê sơ đã được tiến hành với tốc độ nhanh quy mô lớn. Trên địa bàn Nam Định qua những dấu tích còn lại thì thấy đê Hồng Đức kéo dài từ cửa Đại An, qua phần bắc Nghĩa Hưng, rồi Hải Hậu về đến Hội Khê. Nhiều đoạn gần trùng với con đường 56 hiện nay.
Cùng với sự phát triển nho học của cả nước, giáo dục nho học ở Nam Định thế kỷ XV có bước phá triển mới. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, vào năm 1428, nhà Lê đã cho mở các trường học ở phủ, lộ. Điều đáng chú ý là trong thời Lê sơ, sự phát triển của nho học ở Nam Định không chỉ diễn ra trên các vùng đất cổ như Ý Yên, Vụ Bản hay tại vùng xung quanh ấp thang mộc của nhà Trần như Lộc Vượng, mà còn ở cả địa bàn ven biển, nơi các làng mạc mới được hình thành. Trong vòng 100 năm của thời Lê sơ, Nam Định có đến 22 tiến sĩ, đại bộ phận số đại khoa này đều đỗ vào nửa sau thế kỷ XV, cho nên có thể nói Nho học ở Nam Định đã thực sự có bước phát triển mới từ sau sự kiện Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên (1463). Ngoài con số các trạng nguyên tiến sĩ kể trên, biểu hiện quan trọng của thành tựu giáo dục nho học vùng Nam Định, điều đáng nói ở chỗ không ít vị đại khoa đã trở thành những nhân vật tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng Đại Việt thế kỷ XV nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.
Thời Nguyễn
Dưới triều Nguyễn, năm 1822 (Minh Mạng thứ 3) đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định2 . Đến năm Minh Mạng 13 (1832) đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định (tỉnh Nam Định được thành lập), với 4 phủ, 18 huyện, bao gồm phần đất tỉnh Thái Bình hiện nay. Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng và một phần phía bắc Nam Định tách ra để cùng một phần phía nam Hà Nội lập thành tỉnh Hà Nam. Chữ Hà là từ Hà Nội và Nam là từ Nam Định. Điều này cũng lý giải cho việc vì sao chuối ngự thường được gọi là chuối ngự Nam Định bởi cho đến 1890 vùng Lý Nhân vẫn thuộc Nam Định. Từ1890 Nam Định còn lại 2 phủ và 9 huyện.
Thời kỳ độc lập (1945-nay)
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh luôn có sự thay đổi.
Có một giai đoạn ngắn nơi đây gồm: tỉnh Nam Định, tỉnh Bùi Chu và thành phố Nam Định. Tỉnh lị Nam Định đặt ở Hành Thiện, Xuân Trường. Sau Bùi Chu nhập với Nam Định mang tên tỉnh Nam Định.
Ngày 3.9.1957 thành phố Nam Định, trước đó là thành phố trực thuộc Trung ương, sáp nhập vào tỉnh Nam Định.Thành phố Nam Đinh là tỉnh lị của tỉnh Nam Định từ đó.
Năm 1953, 7 xã ở phía Bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện Ý Yên. Đồng thời, 3 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên của tỉnh Nam Định nhập vào tỉnh Hà Nam.
Đến tháng 4 năm 1956, 3 huyện này lại được cắt trả cho Nam Định.
Tháng 5 năm 1965, tỉnh Nam Định được hợp nhất với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Theo cách đặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên đảo ngược hai chữ là Nam Hà thành Hà Nam.
Ngày 13 tháng 6 năm 1967, 2 huyện Giao Thủy và Xuân Trường hợp thành huyện Xuân Thủy; thành phố Nam Định được mở rộng thêm trên cơ sở sáp nhập huyện Mỹ Lộc.3 .
Ngày 26 tháng 3 năm 1968, 7 xã phía Nam sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh nhập với huyện Hải Hậu, 2 huyện Trực Ninh và Nam Trực nhập thành huyện Nam Ninh4 .
Năm 1975, Nam Hà hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh.
Đến ngày 12 tháng 8 năm 1991, lại chia tách thành 2 tỉnh như cũ là Nam Hà và Ninh Bình5 .
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tách tỉnh Nam Hà để tái lập 2 tỉnh mới có tên là Nam Định và Hà Nam6 . Khi tách ra, tỉnh Nam Định có 7 đơn vị hành chính gồm thành phố Nam Định và 6 huyện: Hải Hậu, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Xuân Thủy, Ý Yên.
Sau đó, trong tỉnh Nam Định, các huyện hợp nhất trước đây lại chia tách và tái lập như cũ, đó là: Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thủy, Nam Trực và tái lập huyện Mỹ Lộc (chỉ lấy 10 xã còn lại vẫn là ngoại thành Nam Định)7 .
Như vậy đến nay, tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính, bao gồm: 1 thành phố và 9 huyện vời huyện Mỹ Lộc bé nhất chỉ có hơn 70 000 dân.
Dân số
Theo điều tra dân số 01/04/2014 Nam Định có 1,805,771 người với mật độ dân số 1,196 người/km² tức là cao hơn mật độ các thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ. 33% dân số sống ở đô thị và 67% dân số sống ở nông thôn.
Kinh tế
GDP Nam Định 6 tháng đầu năm 2013 ước tăng trưởng 10,2% ước đạt 15,615 tỷ đồng.Cũng theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng ước tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 17,198 tỷ đồng, tăng 20,7% so cùng kỳ và đạt 40,2% kế hoạch. Có 24/30 sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ như nước uống, quần áo may sẵn…
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 9,670 tỷ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ.
Giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 154,3 triệu USD, tăng 16,5% so cùng kỳ và đạt 38,6% kế hoạch năm. Giá trị hàng hoá nhập khẩu ước đạt 100,7 triệu USD, tăng 13,3% so cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm có 155 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 560,39 tỷ đồng, đồng thời có 247 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2012 có 202 doanh nghiệp thành lập mới và có 302 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 32 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2015 đạt 2100 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp trong tỉnh Nam Định:
- Khu công nghiệp Hòa Xá: thuộc thành phố Nam Định. Tổng diện tích: 326,8 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến: 347 tỷ đồng, Mục tiêu xúc tiến thu hút đầu tư lấp đầy với 86 dự án. (Đã lấp đầy diện tích)
- Khu công nghiệp Mỹ Trung: thuộc huyện Mỹ Lộc và phường Lộc Hạ, ở phía thành phố Nam Định, giáp Quốc lộ 10, khu đất quy hoạch có diện tích 150 ha, có thể phát triển lên 190 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 300 – 350 tỷ đồng.
- Khu Công nghiệp Bảo Minh: Thuộc địa bàn huyện Vụ Bản. Phía Bắc và phía Đông giáp xã Kim Thái, phía Tây giáp xã Liên Bảo, phía Nam giáp đường Quốc lộ 10, cách thành phố Nam Định 10 km, cách Thị trấn Gôi – Vụ Bản 5 km. Khu Công nghiệp Bảo Minh nằm ven trục đường quốc lộ 10 cạnh đường sắt Bắc Nam và Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình nên giao thông từ khu công nghiệp đến các nơi khác như Hà Nội, cảng Hải Phòng có nhiều thuận lợi. Diện tích 200 ha đang quy hoạch chi tiết. Tổng mức đầu tư khoảng 300 – 400 tỷ đồng.
- Khu công nghiệp Hồng Tiến: Thuộc địa bàn 2 xã Yên Hồng và Yên Tiến, huyện ý Yên, cách Thành phố Nam Định khoảng 25 km, cách thành phố Ninh Bình khoảng 6 km, nằm gần cảng Ninh Phúc, cạnh tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, và có tuyến đường sắt Bắc Nam. KCN Hồng Tiến có thể mở rộng với quy mô khoảng 250ha. Khu công nghiệp đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đăng ký đầu tư kinh doanh hạ tầng.
- Khu kinh tế Ninh Cơ: Do Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VINASHIN đề xuất, vị trí tại cửa sông Ninh Cơ, diện tích khoảng 500 ha, bao gồm: cảng biển; công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí, chế biến; dịch vụ vận tải; dịch vụ du lịch và các loại hình sảng xuất kinh doanh dịch vụ đa dạng 2 bên cửa sông Ninh Cơ thuộc huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
- Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Chủ đầu tư KCN là Công ty cổ phần Vinatex Rạng Đông cho biết, giữa năm nay sẽ động thổ dự án dệt có quy mô giai đoạn một là 300 ha. Khi hoàn thành dự án thì KCN có diện tích hơn 600 ha, thu hút khoảng 500 doanh nghiệp và 150.000 lao động. Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết và đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN này, trong đó, đáng chú ý là một nhà đầu tư Australia đăng ký xây dựng nhà máy sản xuất len theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Chủ đầu tư cho biết, dự án khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ tạo việc làm cho hàng vạn lao động của địa phương và các tỉnh, thành phố khác, góp phần cung cấp 1 tỉ mét vải/năm cho ngành may mặc của Việt Nam
- Các cụm công nghiệp khác: Đã xây dựng 17 cụm công nghiệp huyện và thành phố với tổng diện tích 270 ha, thu hút được 352 doanh nghiệp và các hộ vào đầu tư sản xuất với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,075 tỷ đồng và thu hút được hơn 9,000 lao động
Văn hóa – xã hội
Truyền thống Giáo dục
Nam Định là một tỉnh có bề dày văn hóa và truyền thống hiếu học của cả nước. Sở Giáo dục cũng như Đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia nhiều năm xếp thứ nhất toàn quốc. Ngoài ra còn có nhiều học sinh đạt giải trong các kì thi OLYMPIC quốc tế, khẳng định truyền thống hiếu học của mảnh đất thành Nam.
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (tức Trường Thành Chung Nam Định xưa) là một trong những ngôi trường Chuyên nổi tiếng hàng đầu của cả nước với bề dày thành tích đáng nể gần 100 năm xây dựng và phát triển. Trường cũng thường được gọi là “trường Lê”, để phân biệt với trường cùng tên ở Tp HCM. Ngoài ra, còn có một số ngôi trường khác cũng khá nổi bật là các trường THPT Giao ThủyA, (trường Trung học phổ thông Chuẩn quốc gia năm 2003), trường Trung học phổ thông Xuân trường A, Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (trường Trung học phổ thông Chuẩn quốc gia năm 2009), Nguyễn Khuyến (Trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia), Hải Hậu A (trường chuẩn quốc gia năm 2003), Trung học cơ sở Tống Văn Trân (trường chuẩn quốc gia năm 2012), Trung học phổ thông Lý Tự Trọng, Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh, Tiểu học Phạm Hồng Thái, Trung học cơ sở Nguyễn Hiền, Trung học phổ thông Nghĩa Hưng A, Trung học phổ thông Mỹ Tho – Ý Yên. Ngoài ra trong tốp 200 trường có kết quả cao nhất cả nước thì Nam Định có tới 17 trường, cứ trung bình mỗi trung tâm cấp huyện hay thành phố có 2 trường nằm trong tốp các trường dẫn đầu cả nước chiếm tỷ lệ xấp xỉ 50% các trường toàn tỉnh. Trong Top 100 trường Trung học phổ thông tốt nhất Việt Nam năm 2009, Nam Định có tới 7 trường.
Nam Định có trường Đại học Điều Dưỡng được thành lập năm 2005 là trường Đại học Điều Dưỡng đầu tiên trên cả nước (Đường Hàn Thuyên-TP Nam Định); ngoài ra còn có các trường ĐH khác như trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định; trường Đại học Dân Lập Lương Thế Vinh; trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp; trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định và 12 trường cao đẳng khác…
Thành tích giáo dục Nam Định năm học 2014 – 2015:
1 HCV Olympic Vật Lý Quốc tế,1 HCB Olympic Vật Lý châu Á (Đinh Thị Hương Thảo)8 9 ,1 HCĐ Olympic Sinh học quốc tế (Phạm Minh Đức)10
1 thủ khoa Khối B toàn quốc năm 2015 (Nguyễn Hoàng Hải)11
Thành tích giáo dục Nam Định năm học 2015 – 2016:
1 HCV Olympic Vật Lý Quốc tế, 1 HCB Olympic Vật Lý châu Á (Đinh Thị Hương Thảo), 1 HCB Olympic Hóa học Quốc tế (Nguyễn Thành Trung) 12 , 1 HCB Olympic Hóa học Quốc tế (Nguyễn huy Hoang- truong Am)
1 HCĐ Olympic Toán học Quốc tế (Vũ Đức Tài)13 , 1 HCĐ Olympic Vật Lý Quốc tế (Phạm Ngọc Nam), 2 HCĐ Olympic Vật Lý châu Á (Phạm Ngọc Nam, Nguyễn Văn Quân), 1 Bằng khen Olympic Vật lý châu Á (Đỗ Thuỳ Trang)14
1 thủ khoa Khối A1 toàn quốc năm 2016 (Trần Trung Dũng)15
Thể dục – Thể thao
Nam Định có nhiều trung tâm thể thao lớn là Sân vận động Thiên Trường (tên cũ là Sân vận động chùa Cuối), Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, các trận bóng đá và bóng chuyền được tổ chức tại đây. Hai trung tâm này nằm trên đường Hùng Vương, Hàn Thuyên, Trường Chinh của thành phố Nam Định.
Năm 2014, tỉnh Nam Định đã khánh thành và đưa vào sử dụng Cung thể thao tỉnh Nam Định gồm nhà thi đấu đa năng 4000 chỗ ngồi và bể bơi có mái che đạt chuẩn quốc tế để phục vụ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII do Nam Định đăng cai làm chủ nhà. Ngoài ra còn có rất nhiều sân thể thao mini phục vụ phong trào thể thao quần chúng với các môn thể thao phổ biến là cầu lông, bóng đá, bóng chuyền.
Bóng đá Nam Định đã một lần đoạt chức vô địch Đông Dương Đội Cotonkin năm 1941 1945,vô đich quốc gia năm 1985, lúc đó mang tên đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh, với danh thủ Nguyễn Văn Dũng[1]. Năm 2001, đội Nam Định về nhì giải vô địch quốc gia. Năm 2007, đội bóng đá Nam Định với tên gọi Đạm Phú Mỹ Nam Định đoạt Cúp Quốc gia lần đầu tiên.
Đội bóng Nam Định đăng quang ngôi Vô địch U21 QG năm 2011
Văn hóa truyền thống
- Chợ Viềng ở huyện Vụ Bản mỗi năm có một phiên vào ngày 8 tháng giêng Tết Âm lịch hằng năm. Chợ Viềng Nam Giang (Thị trấn Nam Giang, Nam Trực) vào ngày 7 tháng giêng (ÂL) hằng năm.
- Sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên).
- Lễ khai ấn Đền Trần vào đêm ngày 14 tháng giêng (ÂL).
- Nhà hát Chèo Nam Định là một trung tâm văn hóa lớn của tỉnh, nằm trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà văn hóa 3/2 thành phố Nam Định.
- Nhà văn hóa 3/2 là nơi tổ chức những sự kiện văn hóa lớn của cả tỉnh cạnh Quảng trường Vị Xuyên.
Di tích lịch sử
Làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định xưa là phủ Thiên Trường là quê hương của các vua nhà Trần, một trong những triều đại lừng danh nhất trong lịch sử Việt Nam với chiến tích 3 lần chiến thắng Nguyên Mông.
Chính khách nổi tiếng
- Trần Lý: Nhà Trần
- Trần Hưng Đạo: Nhà Trần
- Trường Chinh: Cố vấn TƯ Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội.
- Lê Đức Thọ: Cố vấn TƯ Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TƯ Đảng.
- Mai Chí Thọ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Thành ủy tp.HCM.
- Nguyễn Cơ Thạch: Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Trần Xuân Bách: Uỷ Viên Bộ Chính trị.
- Nguyễn Văn An: Uỷ Viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
- Phạm Bình Minh: Uỷ Viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Vũ Văn Ninh: Phó Thủ tướng
- Đinh Thế Huynh: Uỷ Viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
- Đinh La Thăng: Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
- Lương Thế Vinh: người có công dựng nước
Đặc sản ẩm thực
Nam Định có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Gạo tám xoan, Hải Hậu và Chuối ngự là hai vật phẩm dùng để tiến vua thời phong kiến. Gỏi nhệch, gỏi sứa, cá nướng thơm Hải Hậu. Làng giò truyền thống với đa dạng các loại giò lạc, giò xào, giò mỡ, mộc, chả quận, chả đĩa thuộc ”Hùng Uyển- Thị Trấn Cồn- Hải Hậu”. Ngoài ra còn có gạo nếp cái hoa vàng Hải Hậu. Thịt cầy, tiểu hổ Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng Phở bò Nam Định, Bánh gai Bà Thi – TP Nam Định, Bánh chưng Bà Thìn – Hải Hậu, kẹo dồi (được cho là xuất phát từ ngôi làng trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố), Bánh đậu xanh Hanh Tụ, Bánh nhãn – Hải Hậu, Kẹo Sìu Châu (Là kẹo lạc Nam Định. Nguyên lò nấu kẹo nổi tiếng đầu tiên nằm gần một hội quán của người Triều Châu, nên có tên dân gian là kẹo Sìu Châu); Bún chả Thành Nam, Nem nắm Giao Thủy, Nem Chạo Giao Xuân – Giao Thủy, gỏi
Nem chạo Giao Xuân – Giao Thủy, nem tung Hải Hậu. Các đặc sản biển Hải Hậu, Giao Thủy là món ăn nổi tiếng toàn quốc nhất là khu vực phía nam, không những thế du khách thế giới cũng rất ưa thích. Với các món ăn trên người Nam Định thường dùng với Rượu Bỉnh Ri – Giao Thịnh nổi tiếng xưa nay được lên men từ loại gạo nếp thơm ngon của huyện Giao Thủy.
Tỉnh/thành kết nghĩa
- Oudomxay, Lào
- Mỹ Tho: vốn là tên một tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) và thuộc Khu 8 (còn gọi là Khu Trung Nam bộ) trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong giai đoạn 1967-1968, lần lượt địa bàn tỉnh Mỹ Tho được chia ra thành ba đơn vị hành chính cấp tỉnh, cùng tồn tại độc lập, ngang hàng nhau là tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho. Trong đó, thành phố Mỹ Tho giữ vai trò là trung tâm chỉ đạo của toàn Khu 8 lúc bấy giờ. Tháng 2 năm 1976, ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau này được hợp nhất thành một tỉnh có tên gọi mới là tỉnh Tiền Giang cho đến ngày nay. Từ đó, Mỹ Tho chỉ còn là tên gọi của thành phố tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh này: thành phố Mỹ Tho. Tháng 8 năm 1968, tại huyện Ý Yên thuộc tỉnh Nam Định ngày nay đã có một trường học mới được thành lập, lấy tên là Trường Cấp III Mỹ Tho và ngày nay là trường Trung học phổ thông Mỹ Tho – một mái trường mang tên của một tỉnh miền Nam kết nghĩa với tỉnh Nam Định. Hiện tại, thành phố Nam Định có chợ lớn thứ hai trong thành phố có tên gọi là chợ Mỹ Tho. Đầu năm 2014, tuyến đường D3 trong Khu đô thị mới Thống Nhất ở thành phố Nam Định cũng được đặt tên là đường Mỹ Tho. Tháng 8 năm 2013, chính quyền thành phố Mỹ Tho cũng ra quyết định thành lập trường Trung học cơ sở Nam Định.
Xem thêm
- Danh sách các dân tộc Nam Định theo số dân
- Xe buýt nội tỉnh Nam Định
Di tích lịch sử thời Đinh:
- Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Nam Định
- Di tích thờ tướng nhà Đinh và 12 sứ quân: đền An Lá, đền Gin, đền Mây, đình Bườn, đền Hát, đình Xám,…
Di tích lịch sử thời Lý:
- Chùa Keo Hành Thiện
- Chùa Cổ Lễ
Di tích lịch sử thời Trần:
- Hành cung Thiên Trường
- Đền Trần (Nam Định)
- Chùa Phổ Minh
Di tích lịch sử thời Nguyễn:
- Thành Nam Định
- Cột cờ Nam Định
Di sản văn hóa khác:
- Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền
- Phủ Dầy
- Phủ Quảng Cung
- Chợ Viềng
- Phố cổ Thành Nam
Chú thích
Tham khảo
(Nguồn: Wikipedia)