Tin tức: :: Trung tâm giống cây trồng Học viện Nông Nghiệp Việt Nam
14/05/2020
Kỹ thuật chăm sóc chôm chôm sau thu hoạch
I.THU HOẠCH CHÔM CHÔM
Ở nước ta chôm chôm được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Bộ,, Tây Nguyên và một số tỉnh ở khu vực Bắc Bộ.
Sau khi trồng khoảng 3 năm thì chôm chôm sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Mùa thu hoạch chôm chôm thường vào đầu tháng 5 dương lịch đối với chôm chôm sớm, còn chôm chôm chính vụ sẽ được thu hoạch đầu tháng 7 dương lịch. Từ khi chôm chôm ra hoa đến khi thu hoạch mất khoảng 3 – 4 tháng.
Chôm chôm là loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nhà nông
II.CHĂM SÓC CHÔM CHÔM SAU THU HOẠCH
1.Tỉa cành tạo tán.
Tỉa cành tạo tán là việc sẽ quyết định năng suất của chôm chôm cho vụ mùa tiếp theo.
-
Mục đích: Tạo độ thông thoáng giúp nguồn ánh sáng, không khí tiếp xúc tốt hơn với lá cây, từ đó tăng cường khả năng quang hợp của cây. Điều chỉnh kích thước của cây, giúp cây có kích thước hợp lý, thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Cân bằng sinh trưởng cho cây, nâng cao sức chống chịu của cây trước các điều kiện bất lợi.
Bà con nên tỉa cành vào thời điểm cây sau thu hoạch bởi đây là thời điểm quá trình trao đổi chất trong cây đang giảm sút nên cây ít bị ảnh hưởng.
Theo kinh nhiệm của nhiều chủ vườn trồng chôm chôm Long Khánh thì tán cây có thể tỉa theo hình mâm xôi hoặc hình cầu. Tùy vào khoảng cách giữa các cây để xác định chiều cao, rộng của tán.
-
Dụng cụ cắt cành:
Dụng cụ để cắt cành cho chôm chôm khá đa dạng: Kéo giật cành, kéo cắt cành, cưa, kéo cắt cành trên cao,…. Bà con tùy thuộc vào vị trí của cành cần cắt, độ cao, rộng của cây để lựa chọn dụng cụ cắt cành phù hợp.
-
Cách cắt cành:
Việc cắt tia cành cho cây chôm chôm cần thực hiện đều đặn trong 3 năm đầu tiên.
-
Ở thời kỳ kiến thiết: Bà con cắt bỏ các cành vượt mọc từ gốc. Bấm ngọn cây, vị trí bấm cách mặt đất 75-80cm để cây ra các chồi bên. Loại bỏ các cành yếu, chỉ nên giữ lại 2-3 cành khỏe mạnh (cành cấp 1). Khi các cành cấp 1 phát triển được khoảng 70-80cm bà con tiếp tục cắt đọt để cây phát triển các cành cấp 2,3. Bà con không giới hạn cành cấp 3 nhưng không được để quá nhiều, cần tỉa những nơi dày để tạo độ thông thoáng cho cây.
-
Ở thời kỳ cây kinh doanh: Sau mỗi vụ mùa bà con chỉ nên cắt bỏ các cành sâu bệnh, cành khô, cành không cho trái… để kích thích cây ra cành non cho vụ mùa tiếp theo.
Lưu ý: Bà con chỉ nên tỉa cành vào những ngày khô ráo, không nên thực hiện những ngày mưa, ẩm ướt. Đặc biệt không tỉa cành khi cây đang thời kỳ ra hoa, ra lộc. Đối với những cây lớn trong thời kỳ kinh doanh, bà con không nên tỉa quá 35% số cành và không tỉa quá 15% đối với cây chôm chôm trong thời kỳ kiến thiết.
Sau khi tỉa cành vườn chôm chôm bà con cần chú ý vệ sinh vườn,vệ sinh vết cắt để hạn chế nấm bệnh, thu gom các tàn dư để xử lý sạch, bón phân và tưới nước để cây phục hồi phát triển.
2.Bón phân cho cây chôm chôm sau thu hạch.
Sau mỗi vụ thu hoạch, lượng dinh dưỡng trong đất sẽ bị giảm, chính vì thế bà con cần tiến hành bón phân, chăm sóc hợp lý giúp cây phục hồi cho vụ mùa tiếp theo.
Để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây, cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng chôm chôm bà con nên sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh. Đối với nhóm cây ăn trái như chôm chôm, bà con không nên bón phân sát gốc mà nên bón xung quanh tán của cây. Cần cung cấp đủ nước cho cây, không để lâu làm giảm chất lượng phân bón.
-
Lần 1: Sau khi thu hoạch, tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, bón cho mỗi gốc 4 – 6kg phân bón hữu cơ.
-
Lần 2: Trước khi ra hoa (khi đợt đọt thứ 2 chuyển từ màu nâu nhạt sang màu xanh đọt chuối): Bón 4 – 5kg phân bón hữu cơ. Bổ sung ít lân và kali cho cây cứng cáp và tăng khả năng phân hóa mầm hoa.
-
Lần 3: Sau đậu trái 20–30 ngày, bón 4-5kg phân bón kết hợp thêm kali để trái đều đẹp, giảm tỷ lệ rụng do thiếu hụt dinh dưỡng.
-
Lần 4: Sau đậu trái 60-70 ngày, bón mỗi gốc 4-5kg phân bón kết hợp thêm kali để trái đều đẹp tăng phẩm chất.
Lưu ý: Khi sử dụng phân bón hữu cơ bà con cần chủ động được nguồn nước tưới và cần tưới ngay sau khi bón để tăng hiệu quả của phân.