Tin tức

Kế hoạch học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của các văn kiện Đại hội XII của Đảng; giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
– Nâng cao nhận thức, phát huy năng lực, tính sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tạo sự đồng thuận, tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
– Thảo luận Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ Khối (sau đây gọi là Chương trình hành động của Đảng ủy Bộ
Tư pháp).
2. Yêu cầu
– Đổi mới phương pháp học tập, quán triệt, đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả, sát với lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
– Đề cao vai trò của bí thư cấp ủy, người đứng đầu trong tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
– Nêu cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu, thảo luận và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động.
– Gắn học tập, truyền đạt nội dung Nghị quyết với việc uốn nắn những nhận thức lệch lạc; nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng cho cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch.
II. NỘI DUNG, TÀI LIỆU, BÁO CÁO VIÊN
1. Nội dung học tập, quán triệt
– Phổ biến, quán triệt những nội dung, quan điểm cơ bản và những điểm mới, những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ quản lý của Bộ, ngành Tư pháp trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng.
– Quán triệt Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
– Thảo luận, thống nhất về các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
– Thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Đảng ủy Bộ Tư pháp.
2. Tài liệu và báo cáo viên
2.1. Tài liệu
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
– Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng.
– Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
– Dự thảo Chương trình hành động của Đảng ủy Bộ Tư pháp.
2.2. Báo cáo viên
– Báo cáo viên Trung ương phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản, những điểm mới trong văn kiện Đại hội XII của Đảng.
– Đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng hoặc đồng chí Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp quán triệt Chương trình hành động của Đảng ủy Khối; phổ biến “những nội dung cơ bản trong văn kiện Đại hội XII của Đảng có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ quản lý của Bộ, ngành Tư pháp”; chủ trì thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng ủy Bộ
Tư pháp.
III. THÀNH PHẦN, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CỦA ĐẢNG ỦY BỘ
1. Thành phần
Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ; Lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ; Lãnh đạo cấp Vụ trưởng thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ Đảng ủy các đảng bộ cơ sở; Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ; người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội thuộc Bộ; thành viên Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ, Văn phòng Đảng – Đoàn thể (dự kiến khoảng 150 đại biểu).
2. Thời gian
Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6/2016 trong 1,5 ngày (trong đó dành riêng ½ ngày để viết thu hoạch).
3. Địa điểm tổ chức Hội nghị
Hội nghị tổ chức tại Trụ sở Bộ Tư pháp, 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 1. Đối với Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng do Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức
a) Văn phòng Đảng – Đoàn thể phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ:
– Xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị.
– Xây dựng dự toán kinh phí tổ chức Hội nghị.
– Chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu Hội nghị.
– Liên hệ mời Báo cáo viên.
– Phối hợp với Văn phòng Bộ chuẩn bị Hội trường, kinh phí và các điều kiện bảo đảm để tổ chức Hội nghị.
b) Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ
– Phối hợp với Văn phòng Đảng – Đoàn thể thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a mục 1 Phần IV Kế hoạch.
– Xây dựng Chương trình chi tiết, chuẩn bị tài liệu Hội nghị.
– Phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin tích cực tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết, chú trọng tới những điểm mới, những vấn đề thiết thực liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ quản lý của Bộ, ngành
Tư pháp.
c) Ủy ban Kiểm tra: giúp Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Đối với các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các đoàn thể chính trị – xã hội
Các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các đoàn thể chính trị – xã hội căn cứ Kế hoạch này chủ động tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết với các nội dung sau:
– Chuẩn bị tham luận tại Hội nghị quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XII của đảng do Đảng ủy Bộ tổ chức (có Phụ lục phân công nhiệm vụ kèm theo).
– Căn cứ điều kiện cụ thể, các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ Bộ Tư pháp tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.
– Đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể trực tiếp truyền đạt các văn kiện Đại hội XII của Đảng, liên hệ thực tiễn đến các lĩnh vực, nhiệm vụ được giao phụ trách; chủ trì thảo luận dự thảo chương trình, kế hoạch hành động của cấp mình, đảm bảo sát với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, tổ chức; chú trọng đề ra các giải pháp thiết thực, có lộ trình để giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách nhằm thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 – Tài liệu, thành phần, địa điểm tổ chức học tập, quán triệt do cấp ủy xem xét, quyết định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp.
– Thời gian tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết trước ngày 15/7/2016; ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gửi về Đảng ủy Bộ trước ngày 30/7/2016. Trên cơ sở đó, quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện trong chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng, đoàn thể và đơn vị.
3. Viết thu hoạch
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia học tập, quán triệt Nghị Quyết đều phải viết thu hoạch cá nhân. Nội dung thu hoạch tập trung thể hiện nhận thức cá nhân về kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân; những điểm mới, mục tiêu, giải pháp; kiến nghị về các biện pháp thực hiện Nghị quyết ở cơ quan, đơn vị, trách nhiệm cụ thể của cá nhân.
– Cán bộ, đảng viên tham gia Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng do Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức nộp bài thu hoạch ngay sau khi kết thúc Hội nghị. 
– Đối với các đảng bộ, chi bộ trực thuộc: Đánh giá kết quả học tập, quán triệt Nghị quyết và xây dựng báo cáo thu hoạch chung của đảng bộ, chi bộ mình gửi về Đảng ủy Bộ Tư pháp (qua Văn phòng Đảng – Đoàn thể) chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết.
V. KINH PHÍ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
1. Kinh phí Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng do Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức được trích từ nguồn ngân sách cho công tác Đảng. Văn phòng Bộ cấp kinh phí tổ chức Hội nghị theo quy định.
2. Kinh phí đi lại, ăn nghỉ của đại biểu ngoài địa bàn thành phố Hà Nội tham dự Hội nghị nêu trên do đơn vị thực hiện theo chế độ hiện hành của Nhà nước.