Tin mới về Covid-19 ngày 14/12: Cà Mau đề xuất hỗ trợ thuốc điều trị Covid-19
Tin mới về Covid-19 ngày 14/12: Cà Mau đề xuất hỗ trợ thuốc điều trị Covid-19
Sở Y tế tỉnh Cà Mau nhận định lượng F0 tiếp tục tăng gây quá tải trong các cơ sở điều trị. Trong khi đó, địa phương đang thiếu vật tư y tế và thuốc kháng virus SARS-CoV-2.
Giảm 146 ca mắc mới sau 24h
Tính từ 16h ngày 13/12 đến 16h ngày 14/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.220 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 15.203 ca ghi nhận trong nước (giảm 146 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.351 ca trong cộng đồng).
Cà Mau là địa phương có số lượng ca mắc mới cao nhất cả nước (1.011); TP.HCM (991), Tây Ninh (931), Bình Phước (907), Hà Nội (837), Đồng Tháp (734), Cần Thơ (692), Khánh Hòa (597), Vĩnh Long (596), Bến Tre (573).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-294), Hà Nội (-163), An Giang (-122).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.142 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.443.648 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, nước ta đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.641 ca nhiễm).
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (489.165), Bình Dương (287.908), Đồng Nai (92.911), Tây Ninh (40.546), Long An (39.392).
Hơn 4.500 ca Covid-19 khỏi bệnh trong ngày
Trong ngày 14/12, Bộ Y tế công bố số bệnh nhân khỏi bệnh: 4.524 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.060.436 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.779 ca, trong đó thở ô-xy qua mặt nạ: 5.364 ca, thở ô-xy dòng cao HFNC: 1.292 ca, thở máy không xâm lấn: 169 ca, thở máy xâm lấn: 935 ca, ECMO: 19 ca.
Từ 17h30 ngày 13/12 đến 17h30 ngày 14/12, cả nước ghi nhận 252 ca tử vong. Trong đó, TP.HCM có 64 ca gồm 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (1), Bình Phước (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Sóc Trăng (1).
Số liệu ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (28), Đồng Nai (27), Bình Dương (18), Tây Ninh (16), Bạc Liêu (12), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (10), Kiên Giang (9), Long An (8 ), Sóc Trăng (7), Bình Thuận (6), Hà Nội (6), Trà Vinh (5), Vĩnh Long (4), Cà Mau (4), Vĩnh Phúc (3), Khánh Hòa (3), Bà Rịa – Vũng Tàu (3), Bến Tre (3), Bình Phước (2), Bình Định (1), Gia Lai (1), Ninh Thuận (1), Hậu Giang (1).
Như vậy, số bệnh nhân Covid-19 tử vong đã tăng 10 trường hợp so với ngày trước đó. Số trường hợp diễn biến nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước cũng tăng 49 người so với ngày 13/12.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.333 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
TP.HCM: 8 giải pháp ứng phó biến chủng Omicron
Ngày 14/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ban hành khẩn kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến chủng Omicron.
Theo đó, TP.HCM vạch ra 8 giải pháp: Tăng giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải;
Tăng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp;
Giám sát bằng xét nghiệm nhằm sớm phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron. Cụ thể, TP.HCM xét nghiệm giải trình tự gene tất cả trường hợp dương tính thuộc 2 nhóm: Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái mắc Covid-19. Trường hợp thuộc 2 nhóm nêu trên dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị và thực hiện giải trình tự gene;
Tăng cập nhật thông tin trên thế giới về Omicron để đánh giá đúng mức nguy hiểm; chuẩn bị biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả;
Triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại;
Kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến huyện, xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra.
Tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các trạm y tế lưu động; tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng;
Xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.
TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để thực hiện, tinh thần là sẵn sàng ứng phó với biến chủng Omicron.
Hà Nội: 900 ca mắc mới, 315 ca cộng đồng
Số ca mắc mới từ 18h ngày 13/12 đến 18h ngày 14/12 Hà Nội ghi nhận 900 ca bệnh trong đó: cộng đồng (315), khu cách ly (447), khu phong tỏa (138).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 20.110 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 7.612 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 12.498 ca.
Đà Nẵng thay đổi cách chống dịch Covid-19
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cho biết, ngày 14/12, Thành phố ghi nhận 176 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó gồm 6 ca trong khu cách ly tập trung; 67 ca cách ly tại nhà; 29 ca trong khu phong tỏa và 74 ca chưa cách ly (cộng đồng).
Như vậy có thể thấy, số ca F0 được phát hiện tại các công ty, xí nghiệp ngày càng nhiều và nguy cơ trở thành điểm nóng lây nhiễm là rất cao.
Trước đó, liên tiếp trong nhiều ngày, Đà Nẵng ghi nhận hằng trăm ca Covid-19/ngày; cá biệt có ngày 12/12 có đến 442 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Về tình hình dịch, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cho hay Thành phố đang ở mức độ nguy cơ cao và mức độ lây nhiễm rất sâu trong cộng đồng.
Vì thế, xác định công tác chống dịch trong điều kiện bình thường mới, thích ứng an toàn linh hoạt phòng chống dịch thì những biện pháp cũng cần có sự linh hoạt, phù hợp với tình hình mới và phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương.
Với nội dung tập trung cách ly, phong tỏa lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu tùy theo tình hình mà áp dụng thời gian phù hợp, không quá máy móc 7 ngày hay 14 ngày làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và không hiệu quả.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Thành phố, các địa phương trên địa bàn cần tập trung bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao (người già, trẻ em, người có bệnh nền) và một số khu vực nguy cơ rất cao như bệnh viện, chợ, khu công nghiệp.
Ngành Y tế cần xem xét đánh giá, có quan điểm, chiến lược mới về xét nghiệm, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao, khu cách ly, phong tỏa, đảm bảo hiệu quả của công tác này.
Đồng thời cần chuẩn bị đảm bảo sinh phẩm, trang thiết bị để phục vụ cho công tác xét nghiệm, điều trị người nhiễm bệnh.
Đối với việc điều trị F0 tại nhà, Đà Nẵng ủy yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện với các phương án cụ thể; ngành y tế có hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo các điều kiện để theo dõi tình trạng bệnh, cung cấp các phương tiện, thuốc điều trị cho người bệnh.
Cà Mau thiếu thuốc điều trị Covid-19
Ngày 13/12, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Dũng ký văn bản gửi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp về việc xin hỗ trợ nguồn thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Gia Lai triển khai khẩn các biện pháp chống dịch.
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau nhận định trong những ngày tới số F0 sẽ tiếp tục gia tăng, gây quá tải trong các cơ sở điều trị. Tỉnh không chỉ thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ người bệnh mà còn đặc biệt thiếu thuốc kháng virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, Sở Y tế mong muốn nhận được hỗ trợ thuốc Molnupiravir để điều trị cho 30.000 F0 và Favipiravir dành cho 10.000 F0.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau, dịch Covid-19 tại tỉnh này đang diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày ghi nhận thêm hơn 700 F0 mới. Từ khi xảy ra dịch đến nay, Cà Mau có tổng cộng 15.841 F0, 7.977 người điều trị khỏi bệnh (50,36%) và 70 người tử vong.
Toàn tỉnh Cà Mau có 7.794 F0 đang điều trị (49,2%). Trong đó, các cơ sở y tế có 1.815 ca, các khu điều trị tăng cường 1.236 ca và 4.743 F0 điều trị tại nhà.
Hiện, số lượng người từ 12 tuổi trở lên tại Cà Mau được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 là 893.561 (95,8%). Số người được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 là 820.465 (87,96%).
Bạc Liêu: Nâng cấp độ dịch toàn tỉnh lên cấp 3- vùng cam
Chiều tối ngày 13/12/2021, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành cập nhật, công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và áp dụng bổ sung Quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày. Thời gian áp dụng từ ngày 14/12/2021.
Đối với cấp tỉnh là cấp 3 – nguy cơ cao (vùng cam). Đáng lưu ý, trong quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động trên địa bàn, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh không được đến nơi tập trung quá 10 người, ngoại trừ công sở, nơi diễn ra hoạt động công vụ, đi công tác…
Không được tham gia các đám tiệc dưới mọi hình thức, trừ đám tang, tiệc cưới trong gia đình mình, trong đó cố gắng thu xếp không tổ chức tiệc cưới trong thời gian này.
Không tổ chức liên hoan, ăn uống sau các Hội nghị, họp mặt và các hoạt động công vụ. Tăng cường các hình thức làm việc trực tuyến, nhất là họp trực tuyến, giảm tương tác tiếp xúc trực tiếp.
Các cơ sở, quán ăn, uống, nhà hàng chỉ được bán mang về trong thời gian từ 4 giờ sáng – 19 giờ tối.
Gia Lai triển khai khẩn các biện pháp chống dịch
Ngành Y tế tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm sớm khống chế dịch bệnh trong bối cảnh trên địa bàn xuất hiện một số ổ dịch mới; có nhiều trường hợp phát hiện dương tính trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
Chỉ trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 13/12, tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 484 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2.
Ngày 11/12, qua tầm soát trọng điểm 1.125 người tại Trung tâm Thương mại Pleiku, ngành Y tế đã phát hiện 44 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, lấy mẫu xét nghiệm lại bằng RT-PCR có 37 trường hợp dương tính, 2 ca nghi ngờ và 5 ca âm tính.
Sau khi ghi nhận các ca dương tính, thành phố đã nhanh chóng thành lập 6 chốt kiểm soát, tiến hành phong tỏa tạm thời khu vực Trung tâm Thương mại Pleiku, đường Thi Sách, Ngô Gia Tự…; tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh; lấy mẫu RT-PCR của các ca dương tính và người nhà, tổ chức truy vết.
Đồng thời tuyên truyền người dân có yếu tố dịch tễ liên quan Trung tâm Thương mại Pleiku khai báo tại trạm y tế các xã, phường để xử lý theo quy định.
Tình hình cho thấy, dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp nên không chủ quan, lơ là.
Các địa phương cần khoanh vùng, đánh giá đúng thực trạng từng địa bàn, căn cứ các mức độ của dịch mà triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp theo quy định; tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trọng điểm, sớm sàng lọc, bóc tách F0 đưa đi điều trị và truy vết F1 để cách ly theo quy định.
Hiện nay, các địa phương bước đầu thí điểm cách ly F0 tái dương tính và F1 tại nhà nên cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, không để dịch lây lan.
Thực hiện phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể, và triển khai khẩn cấp các biện pháp trong vòng 72 giờ để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và thiết lập lại “vùng xanh-an toàn”.
Cần Thơ: 7/9 quận, huyện vùng đỏ, tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu
Từ ngày 13/12, TP.Cần Thơ siết lại nhiều hoạt động như không tập trung quá 10 người tại một địa điểm ở nơi công cộng, đám cưới, hỏi và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy…
Chính quyền TP.Cần Thơ yêu cầu người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết. Người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều hạn chế tối đa ra khỏi nơi ở, không đến nơi tập trung đông người.
Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ cắt tóc, gội đầu), phòng gym, yoga, võ thuật, bida, xông hơi, bấm huyệt, karaoke, massage, quán bar, vũ trường…
Hiện 7/9 quận, huyện của TP.Cần Thơ đã chuyển cấp độ dịch lên mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ – cấp độ 4); hai quận, huyện còn lại ở cấp độ 3 và không còn xã, phường, thị trấn nào là vùng xanh.
Cả tỉnh chỉ có 2 xã ở vùng vàng; 81 xã, phường, thị trấn còn lại đã chuyển “đỏ và cam”.
Trước đó, để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19, TP.Cần Thơ đã thiết lập thêm Bệnh viện dã chiến số 5 có quy mô 300 giường điều trị có nhiệm vụ thu dung và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ không triệu chứng.