Tìm hiểu về mô hình công ty mẹ – công ty con

Tìm hiểu về mô hình công ty mẹ – công ty con

Tổ hợp công ty mẹ – công ty con là kết cấu phổ biến của các tập đoàn kinh tế, là hình thức liên kết ngày càng được ưa chuộng trong nền kinh tế thế giới. Nó được hình thành một cách tự nhiên, phản ánh nhu cầu và sự phát triển về mặt tổ chức của các đơn vị sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung hóa trên cơ sở tích tụ và cạnh tranh. Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, lý luận về công ty mẹ – công ty con đã được kinh tế học và khoa học pháp lý nhiều nước bàn tới. Dưới đây, tác giả sẽ giới thiệu một số khái niệm về công ty mẹ – công ty con theo pháp luật của một số quốc gia và các đặc điểm chung nhất về tổ hợp này.

 

“Công ty mẹ – công ty con” là khái niệm dùng để chỉ một tổ hợp các công ty có mối quan hệ với nhau về sở hữu, độc lập về mặt pháp lý và chịu sự kiểm soát chung của một công ty có vai trò trung tâm quyền lực, nắm giữ quyền chi phối các công ty còn lại trong tổ hợp.

 

Nói đến tổ hợp công ty mẹ – công ty con là nói đến cấu trúc bên trong liên kết các thành tố cấu thành thực thể ấy[1]. Mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con là mối liên kết bên trong giữa chúng trong đó nhấn mạnh đến liên kết cứng, tức liên kết trên cơ sở chủ yếu là việc nắm giữ vốn giữa các công ty. Thông qua đầu tư vốn dưới dạng quyền sở hữu cổ phầnhay phần vốn gópcủa công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền chi phối về mặt tổ chức cũng như hoạt động của các công tykhác trong tổ hợp. Tuy nhiên, vốn đầu tư chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Những công ty dù có vốn đầu tư của công ty mẹ song không bị công ty mẹ không nắm quyền chi phối thì không phải là công ty con. Như vậy, để trở thành công ty mẹ của công ty khác thì phải có hai điều kiện đó là có vốn đầu tư vào công ty đó và nắm quyền chi phối công ty đó.

 

Theo Từ điển pháp luật Black’s Law Dictionary thì công ty mẹ là “công ty thường giới hạn các hoạt động của mình trong việc sở hữu cổ phần trong các công ty khác và thực hiện việc giám sát quản lý đối với các công ty này. Công ty mẹ cần phải nắm giữ quyền kiểm soát trong các công ty mà nó có cổ phần”[2]. Từ điển này cũng định nghĩa về công ty con là “công ty bị công ty khác nắm giữ đa số cổ phần và kiểm soát hoặc là công ty mà hơn 50% cổ phiếu biểu quyết bị công ty khác nắm giữ”[3].

 

Trong kinh tế học, khái niệm về công ty mẹ – công ty con được người viết tìm hiểu qua khía cạnh kế toán, theo diễn giải của chuẩn mực kế toán quốc tế IAS[4], “công ty mẹ” là một thực thể pháp lý có ít nhất một đơn vị trực thuộc là công ty con và “công ty con” là thực thể pháp lý bị kiểm soát bởi công ty mẹ. Kiểm soát ở đây được hiểu là: (i) Việc sở hữu trực hoặc gián tiếp nhiều hơn 50% số phiếu bầu; hoặc (ii) sở hữu 50% số phiếu bầu hoặc ít hơn nhưng nắm quyền đối với hơn 50% số phiều bầu theo sự thỏa thuận với các cổ đông khác; hoặc nắm quyền lãnh đạo, điều hành liên quan đến các chính sách tài chính hay sản xuất kinh doanh của công ty và được quy định tại Điều lệ, theo sự thỏa thuận hay hợp đồng; hoặccó quyền bổ nhiệm hay miễn nhiệm phần lớn các thành viên của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo; hay có quyền quyết định, định hướng đến phần lớn số phiếu bầu tại các cuộc họp Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo. Đó là các khái niệm tổng quan về công ty mẹ – công ty con, vậy định nghĩa về chúng được pháp luật một số nước quy định cụ thể ra sao sẽ được đề cập dưới đây.

luat su doanh nghiep

Pháp luật của nhiều nước đã đưa ra định nghĩa về công ty mẹ – công ty con. Theo Luật công ty của Anh năm 1985, công ty mẹ được hiểu là công ty nắm cổ phần khống chế (trên 50%) ở công ty khác. Tuy nhiên, theo Tu chính năm 1989 để phù hợp với “Hướng dẫn chính thức lần thứ 7 về Luật công ty” của Cộng đồng châu Âu thì (A) là công ty mẹ của công ty con (B) khi: (i) A là cổ đông nắm giữ đa số phiếu bầu ở B; (ii) A là cổ đông và có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm phần lớn thành viên Hội đồng quản trị của B; (iii) A có quyền quyết định về chính sách tài chính và sản xuất kinh doanh của B bằng sự thỏa thuận chính thức, hợp đồng; (iv) A là cổ đông của B và có quyền kiểm soát phần lớn phiếu bầu một cách độc lập hay liên kết với các cổ đông khác; hoặc (v) A có quyền lợi tham gia điều hành và trên thực tế  thực hiện quyền chi phối đối với B hoặc A và B có cùng một cơ chế quản lý thống nhất[5].

 

Ở Nhật Bản, theo quy định của Luật Thương mại nước này thì khi một công ty nắm trên 50% cổ phần của công ty khác thì quan hệ công ty mẹ – công ty con được hình thành. Trong đó, công ty nắm cổ phần là công ty mẹ, công ty bị nắm cổ phần là công ty con[6]. Mối liên hệ giữa công ty mẹ với công ty con là thông qua sở hữu cổ phần, sau khi quan hệ công ty mẹ – con được thiết lập, công ty mẹ trở thành cổ đông của công ty con.

 

Trong pháp luật Trung Quốc, định nghĩa của của nước này về công ty mẹ như sau: công ty mẹ là công ty nắm cổ phần chi phối (không nhất thiết phải trên 50%) ở các công ty con[7]. Trong đó, công ty mẹ đóng vai trò là doanh nghiệp nòng cốt gắn bó với các công ty con thông qua việc nắm giữ cổ phần hoặc tỉ lệ vốn góp chi phối, tham gia góp vốn, liên kết kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp đều có tư cách pháp nhân và độc lập với nhau[8].Như vậy, có thể nhận thấy rằng, tuy cách diễn giải ở mỗi nước và mỗi lĩnh vực về khái niệm trên có khác nhau nhưng từ các định nghĩa trên có thể tổng kết và đưa ra đặc trưng của tổ hợp công ty mẹ – công ty con như sau:

luật sư doanh nghiệp

Tổ hợp công ty mẹ – công ty con là một loại hình liên kết các công ty có tư cách pháp lý độc lập, trong đó, có một công ty có vai trò trung tâm quyền lực (công ty mẹ) nắm giữ cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối trong một hoặc một số các công ty khác (công ty con), từ đó kiểm soát hoạt động của các công ty này;

 

Bản chất pháp lý của tổ hợp công ty mẹ – công ty con thể hiện ở mối quan hệ sở hữu vốn của công ty mẹ với công ty con. Việc nắm giữ này có thể là một phần hoặc toàn bộ vốn. Thông thường, việc nắm giữa vốn giữa công ty này với công ty khác phải đủ để tạo nên sự chi phối mới hình thành quan hệ công ty mẹ – công ty con. Do đó, sự thay đổi mức sở hữu của công ty này đối với vốn Điều lệ của công ty khác dẫn tới sự thiết lập quan hệ mẹ – con hoặc chấm dứt quan hệ đó;

cong ty luat

Công ty mẹ nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát công ty con, công ty con tự nguyện chấp nhận sự chi phối, kiểm soát của công ty mẹ theo những nguyên tắc và phương thức nhất định. Thông thường, việc kiểm soát, chi phối của công ty mẹ thể hiện ở việc tác động tới cơ cấu tổ chức hay các quyết định quan trọng tới hoạt động của công ty con.

 

Ở Việt Nam, Nghị quyết Hội Nghị lần thứ ba ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước đã đề cập đến việc “hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh” đồng thời nhắc đến việc “thí điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng việc thực hiện chuyển tổng công ty Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con”. Cụ thể hóa chủ trương nói trên thì dự thảo Nghị định về “tổ chức hoạt động và chuyển đổi Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước theo mô hình công ty mẹ – công ty con” vào tháng 2/2002 của Chính phủ cũng đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm về công ty mẹ – công ty con thuộc sở hữu Nhà nước như sau: công ty mẹ được hiểu là công ty làm chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn Điều lệ của công ty khác đủ để chi phối đối với công ty đó vàcông ty con là công ty do một công ty khác đầu tư toàn bộ vốn Điều lệ hoặc giữ cổ phần chi phối.

công ty luật

Trải qua thực tiễn áp dụng, quá trình rút kinh nghiệm, để đảm bảo pháp luật phát triển và theo kịp điều kiện kinh tế xã hội thì khái niệm cũng dần có sự thay đổi. Luật Doanh nghiệp 2005 được áp dụng chung thống nhất cho tất cả các loại hình sở hữu của các doanh nghiệp đã chính thức đưa ra quy định về nhóm công ty thành một chương riêng biệt. Trong đó, các khái niệm như nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con cũng đã được định nghĩa rõ ràng, theo đó thì “nhóm công ty”là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Nhóm công ty bao gồm các hình thức: công ty mẹ – công ty con; tập đoàn kinh tế; các hình thức khác[9]. Và một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu nó sở hữu trên 50% vốn Điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó; hoặc có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó; hoặc có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó. Định nghĩa vừa nêu cũng tương đối đồng nhất với khái niệm được đưa ra trong dự thảo Luật Doanh nghiệp lần 3 năm 2014. Bên cạnh đó, theo chuẩn mực kế toán số 25 thì công ty mẹ là “công ty có một hoặc nhiều công ty con” và công ty con là “doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một doanh nghiệp khác (gọi là công ty mẹ)”.

 

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước thì công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; công ty con là các doanh nghiệp do công ty mẹ giữ quyền chi phối; được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc hai thành viên trở lên, tổng công ty theo hình thức công ty mẹ – công ty con, công ty liên doanh, công ty con ở nước ngoài. Theo đó thì“quyền chi phối” là quyền của một doanh nghiệp đối với một doanh nghiệp khác, bao gồm: quyền của chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp; hoặc quyền của cổ đông, thành viên góp vốn nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối của doanh nghiệp; hoặc quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của doanh nghiệp; hoặc quyền sử dụng phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của doanh nghiệp; hoặc các trường hợp chi phối khác theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp chi phối và doanh nghiệp bị chi phối và được ghi vào Điều lệ của doanh nghiệp bị chi phối.Bên cạnh đó, theo Nghị định 111/2007/NĐ-CP về tổ chức, quản lý tổng công ty Nhà nước và chuyển đổi tổng công ty Nhà nước, công ty Nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty Nhà nước theo hình thức công ty mẹ – công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 đã đề cập đến khái niệm về công ty mẹ – công ty con với một số khác biệt như sau: công ty mẹ – công ty con là hình thức liên kết và chi phối lẫn nhau bằng đầu tư, góp vốn, bí quyết công nghệ, thương hiệu hoặc thị trường giữa các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, trong đó có một công ty Nhà nước giữ quyền chi phối các doanh nghiệp thành viên khác (công ty mẹ) và các doanh nghiệp thành viên khác bị công ty mẹ chi phối (công ty con)[10]. Như vậy, đối với các công ty mẹ – công ty con thuộc sở hữu Nhà nước thì cách thức chi phối của công ty mẹ với công ty con là không bị hạn chế theo thoả thuận giữa chúng và ngoài việc liên kết và chi phối trên cơ sở vốn góp thì giữa chúng còn có thể tồn tại các liên kết chi phối lẫn nhau bằng bí quyết công nghệ, thị trường hay thương hiệu. Mặt khác, mối quan hệ giữa công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty Nhà nước còn hình thành dựa trên quyết định hành chính, vì vậy công ty mẹ đã từng được xem như là một cấp quản lý hành chính, thay mặt và đại diện chủ sở hữu Nhà nước quản lý các công ty con. Các quyết định do công ty mẹ đưa xuống các công ty con thường mang tính chất như các quyết định hành chính.

 

Từ các định nghĩa được quy định trong pháp Luật Doanh nghiệp và pháp luật kế toán trên, có thể thấy, khái niệm tổ hợp công ty mẹ – công ty con ở nước ta có nhiều điểm tương đồng với các nước trên thế giới như: công ty mẹ – công ty con là một tổ hợp các công ty, bản thân nó không phải là một pháp nhân trong khi mỗi công ty bên trong tổ hợp lại là một pháp nhân riêng rẽ, độc lập. Liên kết giữa chúng được hình thành trên cơ sở chủ yếu là nắm giữ vốn, trong đó, công ty mẹ là công ty được thành lập và đăng kí theo quy định của pháp luật, nó nắm giữ một tỉ lệ vốn nhất định trong công ty con đủ để chi phối các công ty này. Các công ty con cũng là các công ty được thành lập và đăng ký theo quy định của pháp luật, chúng có tư cách pháp nhân độc lập, riêng rẽ với công ty mẹ nhưng chịu sự kiểm soát của công ty mẹ.

 

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy một số điểm khác biệt của pháp luật Việt Nam như: ngoài hình thức liên kết và chi phối bằng đầu tư, góp vốn, pháp luật Việt Nam còn quy định các mối liên kết chi phối bởi bí quyết công nghệ, thị trường hoặc thương hiệu. Đây là một điểm đặc biệt của pháp luật nước ta, có quan điểm cho rằng: một công ty cho phép một công ty khác sử dụng những lợi thế về thương hiệu cũng như thị trường nhưng không có vốn góp hoặc vốn góp không đủ chi phối công ty đó thì khó có thể trở thành công ty mẹ[11]. Tác giả đồng tình với nhận định nói trên, hơn nữa, theo tác giả, nếu chi phối bằng bí quyết công nghệ, thị trường hoặc thương hiệu thì thông thường, về mặt giá trị, chúng được quy đổi ra một tỉ lệ cổ phần hay phần vốn tương đương. Với việc định giá cụ thể như vậy ta phải thừa nhận, việc chi phối nêu trên đã trở về dạng chi phối do nắm giữ vốn. Hơn nữa, thật khó có thể hình dung khi bí quyết công nghệ hoặc thị trường, thương hiệu được sử dụng như một nguồn lực trong kinh doanh nếu không được giá trị hoá thành một tỉ lệ nắm giữ vốn cụ thể lại có thể đưa đến sự rõ ràng trong phân chia quyền và nghĩa vụ của các bên đầu tư. “Có thể nói, mọi sự chi phối suy cho cùng phải dựa trên sự đầu tư, nắm giữ vốn”[12

 

Đặc điểmcủa tổ hợp công ty mẹ – công ty con

 

Thứ nhất, về cơ sở hình thành

 

Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được thiết lập trên cơ sở sở nắm giữ vốn. Theo đó, công ty mẹ nắm giữ toàn bộ hoặc nắm giữ một phần vốn góp đủ để chi phối công ty con. Tùy theo pháp luật của mỗi nước và Điều lệ của từng công ty quy định mà mức chi phối được thể hiện ở tỷ lệ vốn góp. Thông thường, công ty mẹ chiếm từ 50% trở lên vốn góp của công ty con. Tuy nhiên, có trường hợp vẫn được coi là công ty mẹ mặc dù vốn góp dưới 50% tùy thuộc vào Điều lệ công ty quy định.

 

Thứ hai, về cách thức hình thành

 

Một là, hình thành một cách tự nhiên, bằng con đường dài, vững chắc như ở Mỹ hay các nước châu Âu[13]. Theo đó thì nó có thể:

 

Phát triển nội sinh do công ty mẹ tự phát triển lớn mạnh với việc hình thành các chi nhánh, đơn vị, công ty trực thuộc của mình; hoặc phát triển ngoại sinh thông qua việc công ty mẹ tiến hành thực hiện việc tập trung kinh tế như sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp khác hoặc liên kết kinh tế (liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác) nhằm tích tụ vốn, nâng cao vị thế, tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo ra nhiều lợi ích nhất[14]. Nói chung, bằng phương thức tự nhiên thì điều kiện đặt ra là chỉ cần có một công ty đủ mạnh để trở thành công ty mẹ mà không cần đến một quyết định hành chính, dựa trên ý muốn chủ quan của Nhà nước hay một yêu cầu quản lý duy ý chí[15], vì vậy tổ hợp công ty mẹ – công ty con cũng sẽ tan rã cùng với sự chấm dứt hoạt động của công ty mẹ;

 

Hai là, tổ hợp công ty mẹ – công ty con được hình thành khi nền kinh tế  tồn tại những điều kiện và trong trạng thái nhất định mà Nhà nước cảm thấy sự ra đời hay việc đẩy mạnh phát triển tổ hợp công ty mẹ – công ty con sẽ mang đến những cơ hội, biến chuyển khả quan hay giải quyết được mặt khó khăn nào đó cho nền kinh tế. Ở đó, Nhà nước, có thể bằng quyết định hành chính, hoặc bằng sự dẫn dắt của mình với việc xây dựng khung pháp lý, các thể chế, chính sách để thúc đẩy tổ hợp công ty mẹ – công ty con phát triển nhanh, bền vững, trở thành những trụ cột trong nền kinh tế. Điển hình của phương thức hình thành này là ở các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc[16]…

 

Thứ ba, về liên kết trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con

cong ty luat uy tin

Liên kết trong nhóm công ty có thể là liên kết ngang, liên kết dọc hoặc liên kết hỗn hợp. Liên kết ngang là liên kết của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng nghành nghề hay thị trường. Liên kết dọc là liên kết giữa các công ty trong đó mỗi công ty giữ một vai trò quan trọng trong dây chuyền của quá trình nghiên cứu, sản xuất mà mỗi công ty đảm nhận một hoặc một số công đoạn nhất định. Liên kết hỗn hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, là sự liên kết giữa các công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều thị trường khác nhau[17].

 

Liên kết giữa các công ty trong nhóm có thể là liên kết cứng tức là liên kết được thực hiện thông qua mối quan hệ về vốn. Bên cạnh đó còn có liên kết mềm tức là việc liên kết thông qua các hợp đồng hợp tác, liên kết về khoa học kĩ thuật, công nghệ, sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển, hay mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Thông thường liên kết cứng có mức độ chặt chẽ hơn liên kết mềm và chúng là liên kết có vai trò quyết định giữa các công ty trong tổ hợp. Ngoài ra, mức độ chặt chẽ của các liên kết này còn phụ thuộc vào mức độ chi phối của công ty mẹ với các công ty con hoặc phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận giữa các công ty;

 

Không khó để nhận thấy, thông qua sở hữu vốn quyền chi phối của công ty mẹ với công ty con được thực hiện một cách dứt khoát và hiệu quả nhất. Do đó, liên kết trên cơ sở sở hữu vốn giữ giữa công ty mẹ – công ty con ngày càng giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, liên kết thông qua ngành kinh tế kĩ thuật đã dần trở nên mờ nhạt trong khi liên kết hỗn hợp đa nghành, đa lĩnh vực ngày càng được ưa chuộng. Có thể thấy điều này ngay tại Việt Nam, để thử sức với các lĩnh vực đầu tư mới, để phân tán hay hạn chế rủi ro trong kinh doanh… Các công ty con được thành lập với lĩnh vực hoạt động đa dạng và rộng khắp. Thậm chí, ngay cả trong các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2007, tổng giá trị đầu tư ra ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính của 70 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là gần 117.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản là hơn 23.400 tỉ đồng[18].

 

Thứ tư, về tư cách pháp lý của mỗi công ty trong tổ hợp

 

Tổ hợp công ty mẹ – công ty con không phải là một thực thể pháp lý mà là một tập hợp các công ty, trong đó có một công ty mẹ và có một hoặc một số công ty con. Mỗi công ty là một pháp nhân độc lập có tài sản riêng, có bộ máy điều hành quản lý riêng và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản của mình. Tổ hợp trên không phải là một pháp nhân và nó không chịu trách nhiệm trước pháp luật hay buộc phải có nghĩa vụ với bên thứ ba với tư cách nhóm.Công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập.

công ty luật uy tín

Nếu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn thì công ty mẹ chỉ chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp hay cổ phần của mình. Tuy nhiên, chúng có lợi ích liên quan nhất định với nhau và do trong mối quan hệ công ty mẹ có tính chất chi phối các quyết định của công ty con, nên luật pháp nhiều nước bắt buộc công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về những ảnh hưởng của công ty mẹ đối với công ty con. Chẳng hạn như trường hợp phá hạn trách nhiệm, khi đại diện của công ty mẹ tại công ty con hành xử không có sự rõ ràng minh bạch giữa công việc của công ty và công việc của cá nhân; hoặc chi phối, kiểm soát, điều hành công ty vào các hoạt động bất hợp pháp gây thiệt hại cho người khác; hoặc lợi dụng hình thức chịu trách nhiệm hữu hạn của công ty để tìm cách chia nhỏ vốn nhằm mục đích lừa đảo.[19]

 

Thứ sáu, về quyền chi phối của công ty mẹ đối với công ty con

 

Công ty mẹ nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát công ty con. Quyền kiểm soát, chi phối là quyền quyết định đối với nhân sự chủ chốt, tổ chức quản lý, thị trường và các quyết định quản lý quan trọng của công ty khác hoặc sử dụng quyền biểu quyết của mình với tư cách là một cổ đông, bên góp vốn, tác động đến việc thông qua hoặc không thông qua các quyết định quan trọng của công ty mà mình có vốn cổ phần, vốn góp chi phối.

 

Mối quan hệ pháp lý giữa các công ty trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con

 

Cơ sở xác lập mối quan hệ:

 

Mối quan hệ được xác lập thông qua sự chi phối bằng yếu tố tài sản trên cơ sở nắm giữ vốn. Việc nắm giữ vốn sẽ mang lại cho công ty mẹ những quyền hạn nhất định, tuy nhiên việc nắm giữ này phải đạt được một tỉ lệ nhất định thì mới hình thành quyền chi phối. Thông thường, để dành được quyền chi phối thông qua việc đầu tư vốn thì hoặc là (1) đầu tư toàn bộ vốn Điều lệ vào công ty con hoặc (2) là sở hữu ở mức cao hơn, hoặc thấp hơn 50% vốn Điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đến mức đủ để chi phối các quyết định quan trọng của công ty theo pháp luật và cả Điều lệ công ty quy định. Bên cạnh việc chi phối lẫn nhau bằng đầu tư, góp vốn, còn có chi phối lẫn nhau thông qua bí quyết công nghệ, thương hiệu hoặc thị trường giữa các doanh nghiệp…

 

Bản chất mối quan hệ:

 

Bản chất của mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con nằm ở việc sở hữu vốn. Điều kiện của việc nắm giữ vốn là việc sở hữu phải đạt được tỉ lệ nhất định đủ để tạo nên sự chi phối. Sự thay đổi của tỉ lệ nắm giữ vốn điều lệ dẫn tới sự thay đổi quyền sở hữu. Sự thay đổi mức sở hữu của công ty này đối với vốn điều lệ của công ty khác dẫn tới sự hình thành nên mối quan hệ công ty mẹ – công ty con hoặc chấm dứt mối quan hệ đó.

 

Mặc dù, sự chi phối của công ty mẹ với công ty con dựa trên việc nắm giữ tài sản tuy nhiên giữa chúng vẫn là mối quan hệ giữa hai pháp nhân độc lập, riêng rẽ. Cũng vì giữ vai trò như một cổ đông hoặc bên góp vốn, như chủ đầu tư và công ty nhận đầu tư nên công ty mẹ cũng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như một cổ đông hoặc bên góp vốn. Công ty mẹ có quyền định hướng tổ chức và hoạt động của công ty con nhưng không giữ vị trí như là cơ quan quản lý hay điều hành công ty con bởi công ty con cũng có bộ máy quản lý điều hành riêng của mình. Đồng thời quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con cũng không là quan hệ hành chính cấp trên và cấp dưới mà là cơ chế quản lý dựa trên quản trị tài chính, hình thức đầu tư và góp vốn của công ty mẹ vào công ty con[20].

 

Quyền sở hữu đem lại cho công ty mẹ quyền chi phối đối với công ty con, nội dung của sự chi phối này thể hiện ở việc công ty mẹ có quyền quyết định đối với tổ chức, quản lý nhân sự chủ chốt, các vấn đề về thị trường, chiến lược kinh doanh và các quyết định quan trọng khác. Mức độ sở hữu vốn của công ty mẹ trong công ty con quyết định nội dung và độ chặt chẽ của mối quan hệ. Nếu là công ty mẹ nắm giữ 100% vốn góp của công ty con thì quan hệ giữa hai công ty là cực kì chặt chẽ, công ty mẹ có quyền quyết định tuyệt đối và tối cao đối với các vấn đề quan trọng và chủ yếu của công ty con. Công ty con nào mà công ty mẹ chỉ nắm phần vốn góp ở mức độ chi phối trở lên mà chưa đạt đến mức tuyệt đối thì mối quan hệ giữa hai công ty sẽ kém chặt chẽ hơn tuy nhiên công ty mẹ vẫn đủ sức kiểm soát và định hướng hoạt động kinh doanh của công ty con theo hướng có lợi cho mình.

 

Nội dung mối quan hệ:

 

Giữa công ty mẹ với công ty con

 

Các mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được xác định trên cơ sở Luật Doanh nghiệp 2005 và tuỳ thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và pháp luật có liên quan[21], cụ thể:

 

– Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Trong mối quan hệ này, công ty mẹ là chủ sở hữu 100% vốn đối với công ty con. Công ty mẹ nắm quyền lực tối cao, các quyết định từ công ty mẹ được thực hiện trực tiếp mà không cần biểu quyết ngoài ra việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khác của chủ sở hữu sẽ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, Điều lệ của công ty và các quy định của Chính phủ.

 

– Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, trong quan hệ này, công ty mẹ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cổ đông, thành viên, bên góp vốn chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty con. Công ty mẹ quản lý cổ phần, vốn góp chi phối ở công ty con thông qua đại diện của mình tại doanh nghiệp;

 

Công ty mẹ tác động vào công ty con thông qua người đại diện của công ty mẹ trong bộ máy quản lý của công ty con. Thông qua người đại diện này, công ty mẹ sẽ tác động đến quyết định về Điều lệ công ty, cơ cấu tổ chức, phương hướng phát triển, chiến lược kinh doanh… của công ty con, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của tác động phải phụ thuộc vào số phiếu biểu quyết mà công ty mẹ nắm giữ. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 147, Luật Doanh nghiệp 2005 thì trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của công ty mẹ khi lạm dụng vị thế gây thiệt hại cho công ty con nhưng trên thực tế đây là vấn đề tương đối phức tạp, đòi hỏi pháp luật cần có sự điều chỉnh chi tiết, về nguyên tắc công ty mẹ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp và công ty con nhưng trên thực tế thực hiện nguyên tắc này có những ngoại lệ và pháp luật của một số nước đã có quy định trong một số trường hợp công ty mẹ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ và khoản nợ của công ty con. điều này đặt ra yêu cầu phải có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của công ty mẹ, những trường hợp công ty mẹ phải chịu trách nhiệm vô hạn còn để bảo vệ công ty con[22].

 

Mối quan hệ giữa các công ty con với nhau

 

Các công ty con đều là những pháp nhân độc lập, có vị trí ngang nhau, có tài sản, bộ máy quản lý riêng và đều chịu sự chi phối từ một công ty mẹ. Giữa các công ty này thường hình thành quan hệ chặt chẽ về hợp tác và sản xuất để phục vụ chiến lược, mục tiêu phát triển của cả tổ hợp. Một trong các kiểu liên kết trong tổ hợp đó là mỗi công ty sẽ là một khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của tổ hợp công ty mẹ – công ty con. Khi đó, các giao dịch kinh doanh trong nội bộ tổ hợp trên cũng phải tuân thủ quy tắc thị trường, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi, song cũng có những bảo hộ, ưu đãi. Trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh, có khi hoạt động kinh doanh mang lại bất lợi cho công ty con này nhưng lại có lợi cho công ty con khác và xét về lợi ích tổng thể thì sự hy sinh lợi ích của công ty con này sẽ giúp đạt được lợi ích tổng cao hơn. Khi đó, “các công ty con này sẽ tự thương lượng, giàn xếp với nhau để bù đắp phần thiệt hại hoặc công ty mẹ sẽ là trung gian để thoả thuận và chi trả cho công ty con bị bất lợi thông qua việc công ty con nhận lại một lợi ích như lợi nhuận hay một cơ hội kinh doanh nào đấy”[23], hoặc công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại[24].

 

 

 

 

[1] Lê Đình Vinh (2003), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển tổng công ty Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, Luận văn Thạc sỹ Luật học, tr.6.

[2] Black’s Law Dictionary, tr.504, được dịch bởi Nguyễn Thị Mai Phương (2006), Những vấn đề pháp lý về đổi mới tổ chức tổng công ty Nhà nước theo mô hình công ty mẹ – công ty con, Luận án Tiến sĩ, tr.24.

[3]  Black’s Law Dictionary, tr.996, được dịch bởi Nguyễn Thị Mai Phương (2006), tlđd, tr.24.

[4] Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế ISA (International Accounting Standard), do Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế IASB (International Accounting Standards Board) soạn thảo. (http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_%C4%91%E1%BB%93ng_Chu%E1%BA%A9n_m%E1%BB%B1c_K%E1%BA%BF_to%C3%A1n_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF), truy cập lúc 23 giờ 40 ngày 5 tháng 7 năm 2014.

[5](http://www.giaiphapexcel.com/forum/showthread.php?51650-M%C3%B4-h%C3%ACnh-c%C3%B4ng-ty-m%E1%BA%B9-%E2%80%93-c%C3%B4ng-ty-con), truy cập lúc 8 giờ ngày 26 tháng 4 năm 2014.

[6] Nguyễn Thị Lan Hương (2002), “Quan hệ pháp lý công ty mẹ – công ty con ở Nhật Bản và một số liên hệ với Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật (12), tr.18.

[7] Nguyễn Thị Mai Phương (2006), tlđd, tr.62.

[8] Đặng Thị Tuyết Mai (2007), Điều chỉnh pháp luật mối liên kết giữa các công ty mẹ và công ty con trong mô hình nhóm công ty, luận văn thạc sĩ luật học, chuyên nghành luật kinh tế, tr.6.

[9] Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2005.

[10] Điều 19, Nghị định 111/2007/NĐ-CP về “Tổng công ty theo hình thức công ty mẹ – công ty con với công ty mẹ là công ty Nhà nước”.

[11] Nguyễn Thị Mai Phương (2006), tlđd, tr.87.

[12] Nguyễn Thị Mai Phương (2006), tlđd, tr.87.

[13] http://123doc.vn/document/29171-hoan-thien-mo-hinh-to-chuc-va-co-che-quan-ly-cua-tong-cong-ty-hang-khong-viet-nam-theo-mo-hinh-cong-ty-me-cong-ty-con-pdf.htm?page=6, truy cập lúc 21 giờ ngày 9 tháng 5 năm 2014.

[14] Bùi Thanh Lam, “Một số khía cạnh pháp lý về mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, (http://luattaichinh.wordpress.com/2009/09/03/m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-kha-c%E1%BA%A1nh-php-l-v%E1%BB%81-m-hnh-t%E1%BA%ADp-don-ti-chnh-ngn-hng/), truy cập lúc 22 giờ ngày 10 tháng 5 năm 2014.

[15] http://tuvanquanly.com/?p=238, truy cập lúc 9 giờ ngày 28 tháng 4 năm 2014.

[16] Trần Viết Quân (2013), Cơ chế kiểm soát giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty, Khoá luận Cử nhân Luật, tr.6.

[17] http://tai-lieu.com/tai-lieu/tap-doan-kinh-te-va-mo-hinh-cong-ty-me-cong-ty-con-22371/, truy cập lúc 22 giờ ngày 30 tháng 4 năm 2014.

[18] Nguyễn Ngọc Bích, “Tập đoàn kinh tế: Ngón tay chưa cứng làm sao có quả đấm mạnh”, Báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, (http://tuoitre.vn/Kinh-te/281796/tap-doan-kinh-te-ngon-tay-chua-cung-lam-sao-co-qua-dam-manh.html), truy cập lúc 16 giờ ngày 7 tháng 5 năm 2014.

[19] Trần Đình Hảo, “Thương gia theo thương luật Hoa kỳ”,Tạp chí Nhà nước và pháp luật (3), tr.34-35.

[20] Võ Thị Hoài (2007), Hoàn thiện các mối quan hệ pháp lý giữa công ty mẹ – công ty con trong các tập đoàn kinh tế, Luận văn Thạc sĩ Luật học, chuyên nghành Luật kinh tế, tr.25.

[21] Khoản 1, Điều 147, Luật Doanh nghiệp 2005.

[22] Nguyễn Thị Mai Phương (2006), tlđd, tr.87

[23] Đặng Thị Tuyết Mai (2003), tlđd, tr.43.

[24] Khoản 6, Điều 147, Luật Doanh nghiệp 2005.

 

Chia sẻ:

share facebook share twitter share googlePlus