Tìm hiểu về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo quy định pháp luật hiện hành
Luật Thanh niên năm 2020 quy định Tổ chức thanh niên gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Mục Lục
1. Sơ lược về lịch sử Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn viên của Đoàn bao gồm những thanh niên Việt Nam tiên tiến, phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vào mùa xuân năm 1931, trong khoảng thời gian tổ chức Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 2 từ ngày 20/03 – 26/03, Trung ương Đảng đã bàn bạc về công tác thanh niên và đưa ra những quyết định quan trọng về việc cử các uỷ viên của Đảng từ các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến địa phương làm người phụ trách công tác Đoàn. Từ đó, ở nước ta đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 – 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (ngày cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
Những lần đổi tên của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Trên mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có những hình thức đấu tranh và những nhiệm vụ khác nhau, do vậy, trong mỗi giai đoạn, tên gọi của Đoàn đã được thay đổi phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ. Cụ thể:
– Từ năm 1931 – năm 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương .
– Từ năm 1937 – năm 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
– Từ tháng 11/1939 – năm 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương.
– Từ tháng 5/1941 – năm 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam.
– Từ ngày 25/10/1956 – năm 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
– Từ tháng 2/1970 – Tháng 11/1976: Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh.
– Từ tháng 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
2. Cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được tổ chức thành bốn cấp:
– Cấp Trung ương.
– Cấp tỉnh và tương đương.
– Cấp huyện và tương đương.
– Cấp cơ sở (gồm vả Đoàn cơ sở và Chi đoàn cơ sở).
Đoàn từ cấp huyện trở lên được lập cơ quan chuyên trách để giúp việc. Trong đó, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách cấp huyện và cấp tỉnh do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn và thực hiện theo quy định của Đảng.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
– Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc.
Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn là đại hội đại biểu hoặc đại hội đoàn viên ở cấp ấy do bầu cử lập ra, thực hiện theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
– Nghị quyết của Đoàn phải được chấp hành nghiêm chỉnh theo nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.
Trước khi quyết định các công việc và biểu quyết nghị quyết của Đoàn, các thành viên Đoàn đều được cung cấp thông tin và được quyền phát biểu ý kiến của mình. Nếu ý kiến thuộc về thiểu số sẽ được quyền bảo lưu và báo cáo lên Đoàn cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết hiện hành (theo đa số).
– Đại hộ, hội nghị của các cơ quan lãnh đạo của Đoàn chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số thành viên được triệu tập tham dự. Nếu thành viên được triệu tập theo cơ chế đại biểu thì phải có ít nhất 2/3 số đại biểu và thay mặt cho ít nhất 2/3 số tổ chức Đoàn trực thuộc tham dự. Quyết định của đại hội, hội nghị chỉ có giá trị khi được sự đồng ý của trên 1/2 số thành viên có mặt.
– Việc bầu cử của Đoàn được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kính hoặc biểu quyết. Đối với việc bầu BCH và các chức danh trong BCH; Ủy ban Kiểm tra và các chức danh trong Ủy ban Kiểm tra; đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Danh sách bầu cử phải được đại hội, hội nghị đại biểu thảo luận và thông qua bằng biểu quyết.
– Khi tiêsn hành bầu cử, phải có trên 1/2 số người có mặt tán thành thì người được bầu mới trúng cử. Trường hợp số người có số phiếu trên 1/2 nhiều hơn số lượng cần bầu thì lấy những người có số phiếu cao hơn. Nếu kết quả bầu cử có nhiều người có số phiếu trên 1/2 và bằng phiếu nhau nhưng nhiều hơn số lượng cần bầu thì bầu lại trong số người bằng phiếu đó; người trúng cử là người có số phiếu cao hơn, không cần phải trên 1/2. Nếu bầu lại mà vẫn xảy ra trường hợp có số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu nữa hay không do đại hội hoặc hội nghị quyết định
3. Quyền và nhiệm vụ của đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có quyền sau:
– Được quyền yêu cầu tổ chức Đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, được giúp đỡ và tạo điều kiện để phấn đấu trưởng thành.
– Được tự ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn.
– Được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, biểu quyết, đề nghị và bảo lưu ý kiến của mình về công việc của tổ chức Đoàn; tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.
Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có nghĩa vụ sau:
– Đoàn viên có nghĩa vụ luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Đoàn viên phải dương mẫu đi đầu trong việc chấp hành và vận động thanh thiếu nhi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn; tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt Đoàn và đóng đoàn phí đúng quy định.
– Có mối liên hệ mật thiết với thanh niên, tích cực xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; giúp đỡ thanh niên và đội viên trở thành đoàn viên.
4. Quy định về cơ quan lãnh đạo Đoàn cấp Trung ương
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn có nhiệm kỳ 05 năm, do BCH Trung ương Đoàn triệu tập.
Nội dung Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
– Thảo luận, biểu quyết để thông qua các báo cáo của BCH Trung ương Đoàn.
– Quyết định phương hướng các nhiệm vụ công tác của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn quốc trong nhiệm kỳ.
– Bầu BCH Trung ương Đoàn và Thông qua Điều lệ Đoàn.
Ban Chấp hành Trung ương Đoàn có nhiệm vụ chấp hành các Nghị quyết của ĐHĐB Đoàn toàn quốc, lãnh đạo công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội; tổ chức chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của ĐHĐB Đoàn toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; báo cáo về hoạt động của mình với đại hội hoặc hội nghị đại biểu toàn quốc; kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. BCH Trung ương Đoàn họp ít nhất 2 kỳ một năm.
5. Quy định về cơ quan lãnh đạo Đoàn cấp tỉnh, cấo huyện
Đại hội đại biểu của Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương có nhiệm kỳ 05 năm một lần. Đại hội đại biểu Đoàn các trường đại học, cao đẳng có nhiệm kỳ 05 năm 2 lần.
Nội dung Đại hội đại biểu Đoàn:
– Thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành cùng cấp;
– Quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của cấp mình;
– Bầu Ban Chấp hành; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên.
– BCH Đoàn tỉnh và tương đương có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội cấp mình; nghị quyết, chỉ thị của Đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp; báo cáo về hoạt động của mình với đại hội hoặc hội nghị đại biểu cùng cấp; kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
BCH Đoàn tỉnh và tương đương hợp ít nhất 2 kỳ 1 năm. BCH Đoàn huyện và tương đương hợp ít nhất 04 kỳ 1 năm.
6. Quy định về tổ chức cơ sở Đoàn
Tổ chức cơ sở Đoan gồm các Đoàn cơ sở và Chi đoàn cơ sở được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lương vũ trang nhân dân.
Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đoàn:
– Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
– Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục và rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.
– Phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền.
Quyền của tổ chức cơ sở Đoàn:
– Tổ chức cơ sở Đoàn có quyền kếtnapj đoàn viên mới, quản lý, tiếp nhận đoàn viên mới, đoàn viên chuyển sinh hoạt Đoàn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; giới thiệu cán bộ, đoàn viên vào quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế, xã hội.
– Tổ chức các hoạt động, các phong trào nhằm mục tiêu đoàn kết, tập hợp thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tuổi trẻ; phối hợp với các ban ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong công tác thanh niên.
– Tổ chức các hoạt động nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Đoàn.
– Tổ chức cơ sở Đoàn được sử dụng con dấu hợp pháp.
(Nguồn: Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Đại hộ đại biểu toàn quốc khoá XI) Do Luật Minh Khuê (tổng hợp)