Tìm hiểu vài nét về chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết phát triển

 Về bản chất, chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết phát triển, hệ thống mở nên không ngừng được bổ sung bởi những luận cứ khoa học mới làm cơ sở để minh chứng tính khoa học ngày càng chắc chắn hơn, đúng đắn hơn. Trong bức thư gửi một nữ sĩ người Mỹ bà Phlo-ren-xơ Ken-li-vi-vét-xcai-a, Ph.Ăgghen đã chỉ rõ: “Lý luận của chúng tôi không phải là một giáo điều, mà là sự giải thích quá trình phát triển, quá trình này bao hàm trong bản thân nó một loạt những giai đoạn kế tiếp nhau”.

          Thực tiễn đã chứng minh rằng chính quá trình lịch sử cũng như sự phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin là quá trình chuyển biến, bổ sung và phát triển từ lập trường dân chủ cách mạng sang thế giới quan duy vật biện chứng, từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật. Điều đó đã nói lên rằng bản chất cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin luôn được bổ sung, phát triển.

          Thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen sống và hoạt động chính trị thì chủ nghĩa tư bản chỉ dừng lại ở giai đoạn tự do cạnh tranh nên chưa bộc lộ hết bản chất bóc lột của nó; nhưng sang giai đoạn V.I.Lênin thì chủ nghĩa tư bản đã chuyển hẳn sang giai đoạn đế quốc nên đã bộc lộ rõ bản chất xấu xa. Chủ nghĩa đế quốc cũng là điều kiện mới để V.I.Lênin phát hiện ra quy luật phát triển không đồng đều của nó, đây là điểm mới mà thời C.Mác và Ph.Ăngghen chưa thấy được; từ đây Người có luận điểm mới “giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa có khả năng giành thắng lợi trước giai cấp vô sản ở chính quốc”. Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cách mạng các nước thuộc địa nói chung, trong đó có Việt Nam.

          V.I.Lênin đã làm sống động hơn nữa chủ nghĩa Mác bằng việc vận dụng học thuyết ấy vào điều kiện cụ thể ở nước Nga; Chính sách kinh tế mới (NEP) là một trong những minh chứng cho phát triển hết sức sáng tạo chủ nghĩa Mác. Với thiên tài của mình, V.I.Lênin đã cải tiến nền kinh tế nước Nga phát triển mạnh, vượt ra khỏi khủng hoảng, khỏi nghèo nàn lạc hậu. Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin không chỉ làm thay đổi cách sản xuất mà còn làm thay đổi cả nhận thức của con người. Cũng chính ví lẽ đó, trong tác phẩm “Cương lĩnh của chúng ta”. V.I.Lênin khẳng định rằng: “…Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga, đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”. Điều này cho thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin không bao giờ coi lý luận của mình là bất di bất dịch, bất khả xâm phạm mà những ai khi nghiên cứu, vận dụng thì phải có trách nhiệm bổ sung luận cứ mới cho nó hoàn thiện. Từ luận điểm khoa học đó, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam để sáng lập ra chính đảng chân chính của giai cấp vô sản. Người đã thấm nhuần truyền thống dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn đã trở thành chủ nghĩa yêu nước. Vì lẽ đó, khi chuẩn bị điều kiện Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã không bỏ sót chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam vào tổ chức đảng. Nói khác đi, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân Việt Nam và chủ nghĩa yêu nước – đây là điểm sáng tạo của Người. Chính vì vậy, Người thường dạy cán bộ, đảng viên học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc,… là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta chứ không phải thuộc lòng từng câu từng chữ lý luận Mác-Lênin.

          Điều lưu ý rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ thống mở, phát triển nhưng không có nghĩa là những nguyên lý đó không ổn định, mà nó còn là bộ khung, định hướng soi đường cho hoạt động cách mạng. Tùy theo điều kiện cụ thể của quốc gia dân tộc, điểm xuất phát của mỗi nền kinh tế, văn hóa,… mà có cách vận dụng cho hợp lý.

          Khác với những tư tưởng triết học trước đó, chủ nghĩa Mác-Lênin xuất phát từ con người hiện thực, đang sống, lao động, hoạt động thực tiễn và cũng nhằm mục đích giải phóng con người. Giải phóng con người ra khỏi áp bức bất công là mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844, C.Mác viết: “Chủ nghĩa Cộng sản với tính cách là sự xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu – sự tha hóa ấy của con người – và do đó với tính cách là sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người; do đó với tính cách là việc con người hoàn toàn quay trở lại chính mình với tính cách là con người xã hội, nghĩa là có tính chất người… Chủ nghĩa Cộng sản như vậy, với tính cách là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân đạo = chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị”. Điều này cũng có nghĩa là, triết học Mác-Lênin nói riêng, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung không những là học thuyết khoa học của sự tiến hóa lịch sử xã hội mà còn thể hiện rõ tính nhân văn, tính nhân đạo “…trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người”. Theo đó, chủ nghĩa Mác-Lênin còn được coi là mô hình lý tưởng nhất hiếm có từ trước đến giờ; nên loài người đều hướng đến mô hình đó.

          Nhân loại cho đến nay tuy có rất nhiều phương pháp nhưng chưa có phương pháp nào thay thế được cho phương pháp biện chứng duy vật trong triết học Mác-Lênin. Vì, đây là sự kết tinh tinh hoa lịch sử của nhân loại từ cổ đến kim, đồng thời nó được bổ sung, phát triển mới bởi những thành tựu khoa học, thực tiễn sinh động. Mặc dù thực tiễn luôn luôn vận động, thế giới có nhiều đổi thay những phương pháp biện chứng trong triết học Mác-Lênin vẫn là phương pháp luận quan trọng nhất. Điều này C.Mác thường nói: mỗi khi có một phát minh khoa học ra đời thì triết học Mác, chủ nghĩa Mác lại có thêm những luận cứ khoa học chắc chắn hơn nữa. Các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật của triết học Mác-Lênin như nguyên tắc khách quan, toàn diện, lịch sử – cụ thể, thực tiễn và phát triển đã bao hàm toàn bộ các lĩnh vực của tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Các phương pháp này trang bị cho chúng ta cách nhìn nhận, đánh giá, giải quyết vấn đề một cách khoa học, tránh những sai lầm,… điều đó giúp các Đảng Cộng sản có cơ sở khoa học vạch ra chủ trương, đường lối đúng đắn – đó là giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin.

          C.Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại tìm ra quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người. Đúng như Ph.Ăngghen đã khẳng định, “giống như  Đắc – uyn đã phát hiện ra quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người”. V.I.Lênin đã đánh giá C.Mác về chủ nghĩa duy vật lịch sử là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học.

          Kể từ khi C.Mác phát hiện quy luật phát triển của lịch sử loài người đã chấm dứt tính lộn xộn và tùy tiện vẫn thống trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra cho chúng ta thấy được sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Đồng thời, ông đã chứng minh được rằng trong xã hội có giai cấp đối kháng diễn ra mâu thuẫn đến độ gay gắt thì phải tiến hành đấu tranh với nhau; cuộc đấu tranh quyết liệt sẽ dẫn tới cách mạng xã hội nổ ra, lúc đó có sự thay đổi hình thái kinh tế – xã hội. Nền tảng của xã hội đó chính là sản xuất vật chất. Sản xuất vật chất là nền tảng là bởi để bảo đảm sự tồn tại, phát triển thì con người phải tiến hành sản xuất vật chất. Để tiến hành sản xuất vật chất thì triết học Mác-Lênin đã chỉ ra được lực lượng quan trọng đó là quần chúng nhân dân và vai trò của nó. Trong bất kỳ xã hội nào, nếu giai cấp lãnh đạo thấy và phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân thì xã hội thịnh vượng và phát triển. Quần chúng nhân dân không những là lực lượng trực tiếp sản xuất vật chất mà còn là lực lượng sản xuất ra của cải tinh thần làm cho đời sống tinh thần xã hội không ngừng phát triển. Bên cạnh sản xuất ra của cải vật chất, của cải tinh thần thì quần chúng nhân dân còn là lực lượng rất quan trọng của cuộc cách mạng. Thấm nhuần sự chỉ giáo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tận dụng triệt để vào phong trào cách mạng Việt Nam và đã phát huy được sức mạnh ấy. Người cho rằng: sự nghiệp cách mạng này là của toàn dân, dân là chủ cách mạng, nên Người thường nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; “Trong bầu trời này không có gì quý bằng dân, trong thế giới này không có cái gì mạnh bằng sức dân”.

          Giá trị quan trọng về duy vật lịch sử trong triết học Mác-Lênin còn ở chỗ là chỉ ra vai trò hoạt động thực tiễn của con người. Thực tiễn là tính thứ nhất là vì chính thực tiễn, thông qua hoạt động thực tiễn, lý luận, tri thức con người mới được vật chất hóa, hiện thực hóa và từ đó lý luận mới phát huy được vai trò của mình trong đời sống xã hội. V.I.Lênin đã chỉ ra cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của thực tiễn ở chỗ là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý. Bên cạnh khẳng định vai trò của thực tiễn, triết học Mác-Lênin còn chỉ ra vai trò tác động trở lại của lý luận (đặc biệt là lý luận khoa học, cách mạng) đối với hoạt động thực tiễn; điều này C.Mác nói: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đỗ bởi lực lượng vật chất, song lý luận một khi thâm nhập vào quần chúng thì nó sẽ trở thành lực lượng vật chất”.

          Lịch sử loài người đã và đang trải qua 5 hình thái kinh tế – xã hội, giải thích về vấn đề này thì có rất nhiều quan điểm trái chiều nhau; nhưng có quan điểm đúng đắn, khoa học nhất được nhân loại thừa nhận đó là quan niệm của triết học Mác-Lênin về hình thái kính tế – xã hội. Các ông đã chứng mình rằng quá trình phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Bởi lẽ, những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do sự mâu thuẫn bên trong lòng của mỗi hình thái kinh tế – xã hội quy định. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất (tính động) với quan hệ sản xuất (tương đối ổn định) đến giai đoạn gay gắt thì chúng lại đấu tranh với nhau, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giai cấp. Triết học Mác-Lê nin đã chỉ ra, các giai cấp mâu thuẫn cơ bản đến giai đoạn gay gắt thì đấu tranh, mà đỉnh cao của nó là cách mạng xã hội diễn ra, khi đó nó xóa bỏ phương thức sản xuất cũ hình thành phương thức sản xuất mới – kéo theo đó là hình thái kinh tế – xã hội mới ra đời. Quá trình này không lệ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ giai cấp nào mà nó tuân theo quy luật tự nhiên. Nên sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên.

          Nếu như Đắc – Uyn là người phát hiện ra quy luật phát triển của sự sống thì C.Mác là người đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy rằng, hiện nay chủ nghĩa tư bản cũng nghiên cứu tìm ra luận cứ để bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác, chẳng hạn như G.Xô rốt là người chống chủ nghĩa Mác nhưng vẫn thừa nhận C.Mác và Ph.Ăngghen đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản cách đây 150 năm. Cùng học thuyết giá trị thặng dư, lý luận về sở hữu, về xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, về sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội là những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin.

          Giá trị của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh quy luật giá trị thặng dư chỉ rõ sự bóc lột nặng nề của gia cấp tư sản làm cho người lao động nói chung, giai cấp công nhân nói riêng dẫn đến bần cùng hóa, họ phải đứng lên đấu tranh chống lại giai cấp tư sản – chủ nghĩa tư bản để đòi lại quyền lợi về kinh tế, về chính trị; từ đó đi đến xây dựng một chế độ xã hội mới không còn người bóc lột người – đó chính là chủ nghĩa cộng sản ra đời thay thế cho chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa. Chủ nhĩa Mác-Lênin đã chỉ ra rằng, giai cấp vô sản muốn giành được quyền lực chính trị, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình thì phải tổ chức ra một chính đảng của giai cấp; phải sử dụng bạo lực cách mạng. Sau khi đã có chính quyền thì thể hiện được quyền dân tộc tự quyết không lệ thuộc vào bất kỳ nước nào. Điều này thể hiện ngay trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã nghiên cứu các học thuyết Đông, Tây, nghiên cứu các cuộc cách mạng Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp và đi đến kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng học thuyết chắc chắn nhất, khoa học nhất, cách mạng nhất đó là học thuyết của chủ nghĩa Lênnin” và Người quyết định cách mạng Việt Nam theo chủ nghĩa Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga. Nắm chắc luận điểm này, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 với khẳng định cách mạng Việt Nam là: “Tư sản dân quyền, cách mạng thổ địa và xã hội cộng sản”. Có như thế dân tộc Việt Nam mới thoát khỏi bóc lột, mất tự do và thực chất làm chủ đất nước.

          C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, trong tất cả các giai cấp hiện có chỉ có giai cấp vô sản mới có khả năng lãnh đạo cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bất công do chủ nghĩa tư bản gây ra. Giai cấp vô sản là giai cấp có tính cách mạng triệt để nhất, do địa vị kinh tế quyết định. Điều này được V.I.Lênin khẳng định: “chính là công nhân thành thị và nói chung, công nhân nhà máy, công nhân công nghiệp – mới có khả năng lãnh đạo được toàn thể quần chúng lao động và những người bị bóc lột trong cuộc đấu tranh để lật đổ ách tư bản”. Do giai cấp công nhân có tính tổ chức kỷ luật cao, tính tiên tiến, có tính đoàn kết chặt chẽ và có hệ tư tưởng khoa học Mác-Lênin soi đường.

          Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ nó đã nối dài cánh tay của người lao động, nhưng không thể thay thế cho con người được, đặc biệt là những người có trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm trong sản xuất, trong quản lý… Mặt khác, xét về nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân vẫn là chủ thể chủ yếu của quá trình sản xuất vật chất trong nền công nghiệp hiện đại. Còn nếu xét về nội dung chính trị – xã hội thì giai cấp công nhân mới có đủ khả năng quy tụ, tập hợp, liên minh với tất cả các giai tầng trong xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo và cùng với họ để xây dựng nên một nhà nước dân chủ thực sự đó là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đây là cơn đau đẻ kéo dài cần phải có Nhà nước quản lý điều hành xã hội, Nhà nước này do nhân dân lao động lập ra chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Mặc dù quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về chủ nghĩa xã hội về những nguyên tắc chung nhất của chủ nghĩa xã hội ra đời cách đây gần hai thế kỷ, nhưng cho tới nay chưa có học thuyết nào vượt qua tầm học thuyết của các ông. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra được tính tất yếu của sự thay thế xã hội tư bản chủ nghĩa bằng xã hội chủ nghĩa là khách quan; sự thay thế đó là đúng quy luật phát triển của lịch sử xã hội. Điều này được C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập đến: “…chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải được sáng tạo ra, không phải là lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo”. Thế thì, đã là người cộng sản tuyệt nhiên chúng ta không được bê nguyên si lý luận đó áp vào các nước đều giống nhau mà phải có sự thay đổi trên nền tảng lý luận này cho phù hợp với thực tế từng quốc gia, dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Đó chính là giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin.

          Tóm lại, đến giờ này chúng ta có thể khẳng định rằng, mặc dù kinh tế ở các nước tư bản tuy có tăng trưởng vượt bậc, sở hữu nhiều thành tựu khoa học hiện đại góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, có nhiều học giả theo hệ tư tưởng tư sản tìm cách phủ nhận để đi tới xóa bỏ học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng vẫn chưa có học thuyết nào thay thế được. Mặt khác, với sự xuất hiện nhiều phát minh khoa học mới lại bổ sung, phát triển cho học thuyết Mác-Lênin ngày càng hoàn thiện hơn, bền vững hơn./.

 

                                                        TS Trần Quốc Nông – Hiệu trưởng Trường Chính trị Châu Văn Đặng