Tìm hiểu tội phạm công nghệ cao theo quy định mới nhất
Xã hội của thời đại 4.0 ngày càng phát triển, nhất là hệ thống công nghệ thông tin nên tội phạm công nghệ cao ngày càng nhiều hơn. Do đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng thực hiện các hành vi phạm tội với mục đích trục lợi cá nhân hoặc xâm phạm, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị của quốc gia ngày càng gia tăng. Bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh xin tổng hợp và đưa ra một số nội dung về tội phạm công nghệ cao như sau:
Thế nào là tội phạm công nghệ cao?
Căn cứ Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về khái niệm tội phạm là gì như sau:
“ Điều 8. Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Vậy tội phạm công nghệ cao là gì? Hiện nay trong bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 chưa đưa ra khái niệm chính xác về vấn đề này. Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2014/NĐ-CP về phòng, chồng tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao có đưa ra cách hiểu tội phạm công nghệ cao như sau:
“1. Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, tội phạm công nghệ cao là tội phạm cố ý sử dụng tri thức, kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương tiện công nghệ thông tin tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính. Tội phạm công nghệ cao thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật và gây hại đến lợi ích của Nhà nước; quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải là một tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật Hình sự mà đó là tổ hợp của những tội phạm sử dụng tri thức về công nghệ cao để xâm phạm các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Đặc điểm của tội phạm công nghệ cao
Thứ nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm vào trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân. Cần nhận thức rằng, khách thể loại của các tội phạm sử dụng công nghệ cao là trật tự an toàn thông tin, trong đó, trật tự an toàn thông tin được hiểu là những quy tắc xử sự (pháp lý, đạo đức hoặc quy tắc chuyên môn… ) được Nhà nước và xã hội xác lập nhằm đảm bảo an toàn thông tin được lưu trữ, xử lý trong các hệ thống máy tính, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng các thông tin đó.
Theo Quyết định số 3317/ QĐ-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định về việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường máy tính và mạng máy tính, “An toàn thông tin” được hiểu là thông tin và hệ thống thông tin không bị truy cập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép. Như vậy, trật tự an toàn thông tin bao gồm các quy tắc đảm bảo an toàn thông tin và những quy tắc liên quan đến trật tự pháp luật trong khai thác, sử dụng thông tin. Một tội phạm sử dụng công nghệ cao cụ thể có thể tác động đến một hoặc cả hai khía cạnh của trật tự an toàn thông tin.
Trong những hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao có những hành vi thuần tuý xâm phạm an toàn thông tin. Những hành vi đó tác động trực tiếp đến 3 thuộc tính của an toàn thông tin đó là:
-Tính bảo mật (Confidentiality): Là khả năng đảm bảo cho thông tin trong hệ thống máy tính không bị tiếp cận, được xem và tiết lộ bởi những người không có những quyền đó.
– Tính toàn vẹn (Integrity): Là khả năng đảm bảo thông tin trên hệ thống máy tính không bị thay đổi hay xoá bỏ bởi những người không có những quyền đó.
– Tính khả dụng (Availability): là khả năng đảm bảo cho thông tin trên hệ thống máy tính luôn sẵn sàng để khai thác, sử dụng bởi những người có quyền khai thác, sử dụng hợp pháp.
Các hành vi truy cập trái phép; cản trở truyền tải dữ liệu; can thiệp vào dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số là những hành vi thuần tuý xâm phạm an toàn thông tin vì chúng tác động trực tiếp vào tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số.
Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ở Việt Nam, một hành vi chỉ được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì vậy, khi xem xét một hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho xã hội có phải là tội phạm sử dụng công nghệ cao phải xem hành vi đó có được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không.
Thứ ba, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao. Nghiên cứu cách cho thấy các hành vi sau đây được chấp nhận phổ biến là tội phạm sử dụng công nghệ cao như: Truy cập bất hợp pháp; cản trở bất hợp pháp việc truyền tải dữ liệu máy tính; can thiệp trái phép vào dữ liệu; can thiệp trái phép vào hệ thống; Sử dụng trái phép thiết bị; giả mạo liên quan đến máy tính; gian lận liên quan đến máy tính; vi phạm liên quan đến hình ảnh trẻ em khiêu dâm; vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan qua hệ thống máy tính.
Thứ tư, về chủ thể, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện bằng bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất của hành vi phạm tội, chủ thể trực tiếp thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những người có tri thức và kỹ năng cần thiết để trực tiếp khai thác, sử dụng thiết bị, công cụ, phương tiện công nghệ hoặc trực tiếp phát triển, ứng dụng công nghệ.
Thứ năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý. Khi thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao, người phạm tội buộc phải ý thức rõ hành vi của mình là trái quy định pháp luật, có thể gây hậu quả xấu cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho những hậu quả xấu xảy ra. Động cơ, mục đích phạm tội sử dụng công nghệ cao không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện do vụ lợi hoặc vi lợi ích trong cạnh tranh hay giải quyết mâu thuẫn, trả thù cá nhân… hoặc cũng có thể là sự tò mò, thử nghiệm, muốn chứng tỏ khả năng của bản thân.
Một số quy định của pháp luật về tội phạm công nghệ cao
Hiện nay tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin mạng viễn thông được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 từ điều 285 đến điều 294. Theo đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể chia ra thành : Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính (từ điều 285 đến điều 289) và Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Theo Bộ luật Hình sự, tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thuần tuý xâm phạm trật tự an toàn thông tin, một số các tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc loại này bao gồm:
-
Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285);
-
Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286);
-
Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287);
-
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289).
Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội gồm các tội phạm “truyền thống” nhưng được thực hiện với thủ đoạn mới, tức sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện tội phạm. Tội phạm này được phân loại thành các loại cụ thể, có thể kể đến như:
Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) như: Sử dụng thông tin tải khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, thực hiện chiếm đoạt tài sản; lừa đảo bằng các dịch vụ viễn thông qua lnternet (VoIP); gửi các tin nhắn lừa đảo…
Tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải là một tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật Hình sự mà đó là tổ hợp của những tội phạm sử dụng tri thức về công nghệ cao để xâm phạm các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Phân loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu đặc điểm tội phạm học, đặc điểm pháp lý, phân công phân cấp trong phòng chống tội phạm này. Việc đưa ra khái niệm và phân loại tội phạm công nghệ cao có ý nghĩa trong nhận thức của cán bộ chiến sỹ và thực hiện biện pháp phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới được hiệu quả.
Trên đây là một số nội dung Luật Trần và Liên Danh tổng hợp và giới thiệu tới quý bạn đọc về tội phạm công nghệ cao, nếu có thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách và quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.