Tìm hiểu tổ chức lao động bộ phận buồng phòng khách sạn
Buồng phòng là bộ phận đảm nhận vai trò đem đến hình ảnh sạch sẽ, tươm tất, sang trọng của khách sạn đến với khách hàng. Hoteljob.vn sẽ giúp bạn hiểu hơn về tính chất công việc của bộ phận không thể thiếu này trong mỗi khách sạn qua bài viết sau đây.
Bạn có hiểu được tính chất công việc của nhân viên buồng phòng khách sạn? (Ảnh nguồn Internet)
► Thời gian làm việc – tổ chức lao động bộ phận buồng
Với nhiều khách sạn, để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách 24/7, thời gian làm việc của nhân viên buồng phòng thường được chia làm 3 ca:
– Ca 1: từ 6h30 đến 14h30
– Ca 2: 14h30 đến 22h30
– Ca 3: 22h30 đến 6h30 sáng hôm sau
Bên cạnh đó, cũng tùy vào từng khách sạn mà nhân viên có thể được chia làm việc theo ca gãy.
Khối lượng công việc của nhân viên buồng tương ứng với mỗi ca làm việc cũng có sự khác nhau:
- Với ca 1: vì khối lượng công việc cần làm vào buổi sáng rất nhiều nên ca 1 thường có nhiều nhân viên hơn các ca khác. Nhân viên sẽ được phân chia làm vệ sinh phòng khách mới trả, phòng khách đang ở, phòng không có khách và phục vụ các dịch vụ bổ sung cho khách.
- Với ca 2: khối lượng công việc ca chiều thường ít hơn ca sáng; các nhân viên được chia làm ca này đảm nhận làm nốt những công việc chưa được ca sáng thực hiện xong và làm vệ sinh những phòng khách mới trả.
- Với ca 3: chủ yếu là trực đêm, dù công việc ít hơn nhưng lại mang tính chất phức tạp hơn so với 2 ca còn lại. Nhân viên buồng làm ca đêm sẽ cùng với giám sát trực tầng đi kiểm tra để đảm bảo an toàn cho khách, hỗ trợ khách khi có vấn đề nào đó xảy ra và phục vụ các dịch vụ bổ sung được khách yêu cầu. Do đó, mà các khách sạn thường ưu tiên tuyển dụng nhân viên buồng làm việc là nam – nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt để giải quyết nhanh các vấn đề đột xuất.
Các khách sạn thường ưu tiên tuyển dụng nam cho vị trí nhân viên buồng ca đêm (Ảnh nguồn Internet)
Tìm hiểu thêm: TÌM HIỂU CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ PHẬN BUỒNG PHÒNG KHÁCH SẠN
Công suất phòng của mỗi khách sạn sẽ cao – thấp theo mùa (cao điểm – thấp điểm) và cũng khác nhau giữa các ngày trong tuần, cho nên số lượng nhân sự bộ phận buồng phòng cũng phụ thuộc vào đó. Bên cạnh số lượng nhân viên hợp đồng dài hạn, các khách sạn cũng thường tuyển dụng nhân viên buồng thời vụ bằng hình thức công nhật vào thời kỳ khách đông. Vì cơ số luân chuyển lao động cao, nên các khách sạn thường có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân viên buồng hàng năm.
Về công việc cụ thể của nhân viên bộ phận này, bạn có thể xem chi tiết trong bài viết “Bản mô tả công việc nhân viên buồng phòng khách sạn” đã được Hoteljob.vn chia sẻ.
► Mối quan hệ giữa buồng phòng với các bộ phận khác trong khách sạn
Quá trình làm việc của nhân viên buồng phòng yêu cầu cần phải phối hợp làm việc với các bộ phận khác trong khách sạn: lễ tân, F&B, kỹ thuật, an ninh, y tế, kế toán… để đảm bảo vận hành hiệu quả quy trình phục vụ khách. Vậy mối quan hệ công việc cụ thể giữa buồng phòng với các bộ phận khác trong khách sạn được thể hiện như thế nào, bạn có xem tại bài viết này.
Nhân viên buồng phòng cần phối hợp làm việc với các bộ phận khác trong khách sạn (Ảnh nguồn Internet)
► Yêu cầu về tác phong, thái độ đối với nhân viên buồng phòng
Để đáp ứng tính chất công việc của Housekeeping, ngoài tiêu chuẩn về kỹ năng nghiệp vụ, nhân viên buồng phòng cần phải đảm bảo các yêu cầu về tác phong, thái độ phục vụ:
– Mặc đúng đồng phục làm việc của nhân viên buồng, được khách sạn quy định – đảm bảo đồng phục sạch sẽ, không có mùi hôi.
– Đảm bảo hình thức cá nhân gọn gàng, sạch sẽ – tóc cắt ngắn/ buộc gọn gàng; với nữ – không trang điểm quá đậm hay mang nhiều đồ trang sức; nam – không để râu.
– Chú ý rửa tay bằng xà phòng, lau bằng khăn khô trước khi làm việc; sau khi đi vệ sinh; sau thời gian nghỉ; sau khi hắt hơi…
– Nhân viên buồng phòng khi làm việc phải đảm bảo trong tình trạng sức khỏe tốt. Nhân viên đang bị cảm lạnh, bệnh lây nhiễm qua da, tiêu chảy… không được làm việc vì có thể lây truyền vi khuẩn gây bệnh cho khách qua các đồ vải; phải nghỉ điều trị đến khi khỏi hẳn.
– Trong quá trình làm việc, thực hiện thao tác nhanh nhẹn nhưng phải đúng quy trình kỹ thuật; cẩn thận không làm đổ – vỡ tài sản của khách, của khách sạn; phục vụ kịp thời khi khách có yêu cầu đột xuất, không để khách chờ lâu.
– Phục vụ khách ân cần, niềm nở – không phân biệt màu da, tôn giáo, dân tộc.
– Khi giao tiếp với khách, phải nói năng nhẹ nhàng, lịch sự – với khách khó tính, sử dụng lời lẽ xúc phạm, nhân viên buồng cần giữ thái độ bình tĩnh, ứng xử khéo léo, nhã nhặn để giải quyết tình huống.
– Nhân viên buồng cần phải tự giác làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tiếp thu các ý kiến đóng góp đúng đắn của khách để tự điều chỉnh mình; tích cực học hỏi để nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng phục vụ khách; đảm bảo thực hiện đúng nội quy khách sạn đã đề ra.
Nhân viên buồng cần tuân thủ các yêu cầu về tác phong, thái độ làm việc (Ảnh nguồn Internet)
Xem thêm: 12 TÌNH HUỐNG THƯỜNG XẢY RA TRONG BỘ PHẬN BUỒNG KHÁCH SẠN VÀ HƯỚNG XỬ LÝ HOUSEKEEPING CẦN BIẾT
Ms. Smile