Tìm hiểu rõ hơn về chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học.
a) Năng lực tư duy và lập luận toán học
– Thực hiện được các thao tác tư duy (ở mức độ đơn giản), đặc biệt biết quan sát, tìm kiếm sự tương đồng và khác biệt trong những tình huống quen thuộc và mô tả được kết quả của việc quan sát.
– Nêu được chứng cứ, lí lẽ và biết lập luận hợp lí trước khi kết luận.
– Nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề. Bước đầu chỉ ra được chứng cứ và lập luận có cơ sở, có lí lẽ trước khi kết luận.
b) Năng lực mô hình hoá toán học
– Lựa chọn được các phép toán, công thức số học, sơ đồ, bảng biểu, hình vẽ để trình bày, diễn đạt (nói hoặc viết) được các nội dung, ý tưởng của tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn đơn giản.
– Giải quyết được những bài toán xuất hiện từ sự lựa chọn trên.
– Nêu được câu trả lời cho tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn.
c) Năng lực giải quyết vấn đề toán học
– Nhận biết được vấn đề cần giải quyết và nêu được thành câu hỏi.
– Nêu được cách thức giải quyết vấn đề.
– Thực hiện và trình bày được cách thức giải quyết vấn đề ở mức độ đơn giản.
– Kiểm tra được giải pháp đã thực hiện.
d) Năng lực giao tiếp toán học
– Nghe hiểu, đọc hiểu và ghi chép (tóm tắt) được các thông tin toán học trọng tâm trong nội dung văn bản hay do người khác thông báo (ở mức độ đơn giản), từ đó nhận biết được vấn đề cần giải quyết.
– Trình bày, diễn đạt (nói hoặc viết) được các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác (chưa yêu cầu phải diễn đạt đầy đủ, chính xác). Nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề.
– Sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường, động tác hình thể để biểu đạt các nội dung toán học ở những tình huống đơn giản.
– Thể hiện được sự tự tin khi trả lời câu hỏi, khi trình bày, thảo luận các nội dung toán học ở những tình huống đơn giản.
e) Năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán
– Nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản các công cụ, phương tiện học toán đơn giản (que tính, thẻ số, thước, compa, êke, các mô hình hình phẳng và hình khối quen thuộc,…)
– Sử dụng được các công cụ, phương tiện học toán để thực hiện những nhiệm vụ học tập toán đơn giản.
– Làm quen với máy tính cầm tay, phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ học tập.
– Nhận biết được (bước đầu) một số ưu điểm, hạn chế của những công cụ, phương tiện hỗ trợ để có cách sử dụng hợp lí.
Yêu cầu cần đạt về năng lực của môn Hoạt động trải nghiệm
PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa, tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: VNN
a) Năng lực thích ứng với cuộc sống
+ Hiểu biết về bản thân và môi trường sống
– Nhận biết được sự thay đổi của cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.
– Hình thành được một số thói quen, nếp sống sinh hoạt và kĩ năng tự phục vụ.
– Nhận ra được nhu cầu phù hợp và nhu cầu không phù hợp.
– Phát hiện được vấn đề và tự tin trao đổi những suy nghĩ của mình.
– Chỉ ra được sự khác biệt giữa các cá nhân về thái độ, năng lực, sở thích và hành động.
– Nhận diện được một số nguy hiểm từ môi trường sống đối với bản thân.
+ Kĩ năng điều chỉnh bản thân và đáp ứng với sự thay đổi
– Đề xuất được những cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề.
– Làm chủ được cảm xúc, thái độ và hành vi của mình và thể hiện sự tự tin trước đông người.
– Tự lực trong việc thực hiện một số việc phù hợp với lứa tuổi.
– Biết cách thoả mãn nhu cầu phù hợp và kiềm chế nhu cầu không phù hợp.
– Thực hiện được các nhiệm vụ với những yêu cầu khác nhau.
– Biết cách xử lí trong một số tình huống nguy hiểm.
b) Năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động
+ Kĩ năng lập kế hoạch
– Xác định được mục tiêu cho các hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm.
– Tham gia xác định được nội dung và cách thức thực hiện hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm.
– Dự kiến được thời gian thực hiện nhiệm vụ.
+ Kĩ năng thực hiện kế hoạch và điều chỉnh hoạt động
– Thực hiện được kế hoạch hoạt động của cá nhân.
– Biết tìm sự hỗ trợ khi cần thiết.
– Tham gia tích cực vào hoạt động nhóm.
– Thể hiện được sự chia sẻ và hỗ trợ bạn trong hoạt động.
– Biết cách giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong hoạt động.
+ Kĩ năng đánh giá hoạt động
– Nêu được ý nghĩa của hoạt động đối với bản thân và tập thể.
– Chỉ ra được sự tiến bộ của bản thân sau hoạt động.
– Chỉ ra được những điểm cần rút kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động và sự tích cực hoạt động của cá nhân, nhóm.
c) Năng lực định hướng nghề nghiệp
+ Hiểu biết về nghề nghiệp
– Nêu được nét đặc trưng và ý nghĩa của một số công việc, nghề nghiệp của người thân và nghề ở địa phương.
– Chỉ ra được một số phẩm chất và năng lực cần có để làm một số nghề quen thuộc.
– Mô tả được một số công cụ của nghề và cách sử dụng an toàn.
+ Hiểu biết và rèn luyện phẩm chất, năng lực liên quan đến nghề nghiệp
– Thể hiện được sự quan tâm và sở thích đối với một số nghề quen thuộc với bản thân.
– Hình thành được trách nhiệm trong công việc và sự tuân thủ các quy định.
– Thực hiện và hoàn thành được các nhiệm vụ.
– Biết sử dụng một số công cụ lao động trong gia đình một cách an toàn.
Yêu cầu cần đạt về năng lực của môn Tiếng Anh
GS Nguyễn Lộc, Tổng Chủ biên Chương trình môn Tiếng Anh
Đối với học sinh lớp 1
– Bước đầu nhắc lại được các cụm từ, câu đơn giản, bài vè, bài hát phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lí lứa tuổi lớp 1.
– Nhận biết được các số từ 1 đến 10 và dùng các số đếm này để đếm hoặc trả lời một số câu hỏi về số lượng đơn giản.
– Nhận biết và gọi tên được các từ vựng cụ thể, đơn giản theo chủ đề đã học trong ngữ cảnh giao tiếp.
– Phản hồi được bằng tiếng Anh một cách đơn giản trong các tình huống hỏi đáp rất đơn giản, gắn liền với trải nghiệm của học sinh lớp 1.
– Nghe hiểu được và biết cách hồi đáp phi ngôn ngữ trong các hội thoại rất đơn giản và ngắn gọn, câu lệnh đơn giản trong lớp học.
– Biết cách chào hỏi, tạm biệt rất đơn giản.
Đối với học sinh lớp 2
– Nhắc lại được các cụm từ, câu đơn giản, bài vè, bài hát phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lí lứa tuổi lớp 2.
– Nhận biết được và gọi tên các danh từ cụ thể, các động từ theo chủ đề đã học trong ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.
– Nhận biết được các số từ 1 – 20 và có thể dùng các số đếm này để đếm hoặc trả lời một số câu hỏi về số lượng đơn giản.
– Nghe hiểu và phản hồi được bằng tiếng Anh một cách đơn giản trong các tình huống hỏi đáp rất đơn giản và quen thuộc.
– Làm theo và thực hiện được các câu lệnh rất đơn giản trong lớp học, mở rộng hơn về số lượng và độ dài câu lệnh.
– Đưa ra được một số câu lệnh quen thuộc khi tham gia một số hoạt động tập thể trong giờ học, có mở rộng về số lượng và cấu trúc so với lớp 1.
– Trả lời được câu hỏi đơn giản và hồi đáp được bằng một hoặc hai từ trong ngữ cảnh cụ thể và quen thuộc.
Đối với cấp tiểu học
– Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp tiểu học, học sinh có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 1 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè, … Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”.
– Thông qua môn Tiếng Anh, học sinh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; có thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh; biết tự hào, yêu quý và trân trọng ngôn ngữ và nền văn hoá của dân tộc mình; phát triển các phẩm chất như yêu thương, tôn trọng bản thân, bạn bè, gia đình, môi trường, chăm chỉ và trung thực.
BigSchool: Các bạn đọc thêm các bài liên quan với bài này để có các tư liệu: Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Thông cáo báo chí, Hỏi – Đáp về chương trình phổ thông mới, Chương trình các môn học,…