Tìm hiểu một số khái niệm về lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng là gì? Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam và tỉnh Đắk Lắk
Như chúng ta đã biết, rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0.3 ha trở lên, độ tán che từ 0.1 trở lên. Việc bảo vệ và phát triển rừng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự phát triển của đất nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Tỷ lệ che phủ rừng là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Quang cảnh rừng khu vực Biên giới giữa Đắk Lắk (Việt Nam) và Mondulkiri (Compuchia)
1. Một số khái niệm về lâm nghiệp
Theo Luật Lâm nghiệp năm 2017: Tỷ lệ che phủ rừng được hiểu là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích rừng so với tổng diện tích đất tự nhiên trên một phạm vi địa lý nhất định. Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung. Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng. Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất, vùng mặt nước nằm sát ranh giới của khu rừng đặc dụng có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ sự tác động tiêu cực đến khu rừng đặc dụng. Nhà nước cho thuê rừng là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng rừng thông qua hợp đồng cho thuê rừng. Thuê môi trường rừng là việc tổ chức, cá nhân thỏa thuận với chủ rừng để được sử dụng môi trường rừng trong một thời gian nhất định thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng theo quy định của pháp luật. Dịch vụ môi trường rừng là hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng. Giá trị rừng là tổng giá trị các yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng và các giá trị môi trường rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định. Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk xem thực tế khu vực rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Ea Kar
Các chính sách vĩ mô của Nhà nước về lâm nghiệp: Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp. Tổ chức, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; giống cây trồng lâm nghiệp, phục hồi rừng, trồng rừng mới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; kết cấu hạ tầng; quản lý rừng bền vững; chế biến và thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế về lâm nghiệp. Khuyến khích sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; đồng thời, bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau: (1) Rừng đặc dụng: được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài – sinh cảnh. Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia. (2) Rừng phòng hộ: được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. (3) Rừng sản xuất: được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
2. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam
Trong những năm gần đây, việc bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta đang có sự tiến triển vượt bậc, trong đó tỷ lệ che phủ rừng của nước ta đạt gần 42% – Đây là một con số cực kỳ ấn tượng bởi bình quân tỷ lệ che phủ rừng của các nước trên thế giới chỉ đạt khoảng 29%. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tỷ lệ che phủ rừng của nước ta tăng dần qua các năm từ năm 2008 là 38,7% qua quá trình thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng thì đến năm 2021 tỷ lệ che phủ rừng của nước ta đã đạt khoảng 42%. Cụ thể, sau năm 2021 tỷ lệ che phủ rừng của nước ta hiện tại đạt khoảng 42,02% (tăng 0,01% so với năm 2020). Đồng thời, ngành lâm nghiệp cũng có những kết quả ấn tượng khác như diện tích trồng rừng đạt hơn 277.830 ha. Việc trồng cây phân tán đạt 98.96 triệu cây vượt đạt 8% so với kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ. Năm 2021, cũng là năm ghi nhận số vụ vi phạm quy định về bảo vệ rừng và diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm so với năm 2020. Cụ thể số vụ vi phạm quy định về bảo vệ rừng đã giảm 13% so với cùng kỳ, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 852 ha tương ứng 6% so với cùng kỳ.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, chiến lược phát triển lâm nghiệp của nước ta sẽ đặt mục tiêu vào việc duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định trong khoảng từ 42% đến 43%. Phấn đấu vào năm 2030 diện tích rừng sản xuất đạt khoảng 340.000 ha và sẽ tập trung vào rừng tái canh. Chú trọng hơn vào việc bảo tồn và bảo vệ hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở miền núi và ven biển. Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khoảng 4.000 – 6.000 ha/năm và phấn đấu phục hồi khoảng 150.000 ha rừng. Bên cạnh những thành quả đã đạt được thì vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như sau:
Tháng 3 Tây Nguyên và hoa cà phê tại Đắk Lắk (nguồn Internet)
Thứ nhất, rừng sản xuất vẫn chiếm số phần lớn diện tích: Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tỷ lệ che phủ của rừng ở nước ta đạt 42% nhưng chất lượng rừng của nước ta lại chưa đảm bảo. Những năm 1945 ở nước ta chủ yếu là rừng tự nhiên nhưng hiện nay trong tổng số hơn 14 triệu ha rừng thì rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha còn diện tích rừng sản xuất vẫn chiếm phần lớn. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã chú trọng hơn đến vấn đề trồng rừng, trung bình mỗi năm cả nước trồng được khoảng 230 nghìn ha nhưng rừng sản xuất chiếm đến 215 nghìn ha. Dù diện tích rừng trồng tăng nhưng cây trồng hầu hết đều là những cây công nghiệp nhằm mục đích kinh tế nên không không mang tính bền vững, đặc biệt, không có tính đa dạng sinh học và không thể giúp chống mưa lũ, hay trở thành hồ chứa nước ngầm như những cánh rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng.
Mùa khô Tây Nguyên
Thứ hai, phát triển rừng đang chạy theo thành tích: Như chúng ta đã biết, rừng trồng đặc biệt là những diện tích trồng cây công nghiệp nhằm mục đích kinh tế không thể nào bù đắp được các chức năng phòng hộ sinh thái, hạn chế thiên tai mà rừng tự nhiên có thể đem lại. Thực tế, từ thực trạng lũ lụt, hạn hán, biến đổi bất thường về thời tiết diễn ra ở nước ta trong những năm gần đây đã chỉ ra những lỗ hổng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mặc dù từ năm 2005 đến nay tỷ lệ che phủ rừng ở nước ta vẫn tăng đều qua các năm nhưng thực tế thì phần đa diện tích lại trồng các loại cây công nghiệp phát triển nhanh và có giá trị kinh tế như keo, bạch đàn, cao su,….Nên dù cho diện tích rừng trồng tăng liên tục từ 2,3 triệu ha năm 2005 lên 4,1 triệu ha vào năm 2016 và 4,3 triệu ha vào năm 2019 song phần diện tích tăng thêm này không có tác dụng ngăn chặn thiên tai, lũ lụt, sạt lở vì chất lượng rừng chưa cao.
Việc chỉ chăm chú vào tăng tỷ lệ che phủ rừng mà không đi kèm với cải thiện chất lượng rừng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường như rừng mất khả năng ngăn chặn thiên tai, lũ lụt; chất lượng rừng không được cải thiện, suy giảm đa dạng hệ sinh thái, tạo cơ hội để những đối tượng xấu chuyển đổi rừng tùy tiện, biến rừng giàu thành rừng nghèo, nghèo kiệt…Hiện tại chưa có con số thống kê đầy đủ về những hậu quả đã, đang và dự báo có thể xảy ra liên quan đến việc làm suy giảm diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; tuy nhiên, nhiều nhận định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất sạt lở khi có mưa bão, lũ lụt; mực nước ngầm giảm sâu vào mùa khô hạn, nhất là ở vùng Tây Nguyên là do tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy, việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế – xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, hai lý do làm giảm sút diện tích rừng tự nhiên là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và khai thác quá mức. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017 thì diện tích rừng tự nhiên bị mất do bị khai thác trái phép chiếm tỷ lệ 11% và 89% còn lại là do hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các dự án mà phần đa là các dự án phát triển kinh tế. Trong đó, hai khu vực nổi bật xảy ra tình trạng này là khu vực duyên hải miền trung và khu vực Tây Nguyên.
3. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Đắk Lắk
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có đến ngày 31/12/2021: Diện tích đất có rừng: 501.206 ha, gồm: rừng tự nhiên: 426.046 ha; rừng trồng: 75.160 ha. Diện tích đất chưa có rừng: 232.423 ha, trong đó bao gồm cả 8.568 ha đã trồng chưa thành rừng (diện tích mới trồng không đủ tiêu chí để tính độ che phủ rừng). Độ che phủ rừng đạt 38,35 % (giảm 0,4 % so với cùng kỳ năm 2020).
Tính đến ngày 08/3/2023, diện tích rừng và đất lâm nghiệp: Diện tích đất có rừng: 497.018 ha, gồm: rừng tự nhiên: 413.845 ha và rừng trồng: 83.173 ha. Diện tích đất chưa có rừng: 239.689 ha; trong đó bao gồm cả 8.539 ha đất đã trồng nhưng chưa thành rừng. Độ che phủ rừng đạt 38,03 % (giảm 0,32% so với năm 2021).
Một số khái niệm cơ bản về lâm nghiệp, thông tin về tỷ lệ che phủ rừng và thực trạng tỷ lệ che phủ rừng ở nước ta hiện nay cũng như tại tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn một số hạn chế nhất định cần phải quan tâm khắc phục. Hy vọng bài viết này sẽ là thông tin tham khảo cho các bạn, cũng cố vốn kiến thức về lâm nghiệp, đồng thời sẽ có cái nhìn đa chiều hơn đối với thực trạng về rừng và tỷ lệ che phủ của rừng và trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi chúng ta./.
Bùi Thanh Việt