Tìm hiểu khái niệm tín ngưỡng từ góc nhìn văn hóa Việt Nam

                                                                           Tóm tắt

            Mục đích của bài viết này nhằm làm rõ khái niệm tín ngưỡng vốn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tín ngưỡng hoàn toàn khác với tôn giáo và có mối quan hệ với trình độ nhận thức, kinh tế, xã hội của con người trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Mặt khác, tín ngưỡng không tồn tại một cách đơn lẻ mà còn là một tích hợp với nhiều hình thức văn hóa khác nhau để thể hiện niềm tin của con người bằng các hành vi cụ thể như lễ hội, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, phẩm vật,…

Từ khóa: Tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa.

1. Đặt vấn đề

Tín ngưỡng (belief) là một phương diện quan trọng của đời sống tinh thần con người, đồng thời còn là một hiện tượng văn hóa độc đáo, phản ánh được niềm tin, ước vọng của con người từ xưa cho đến nay. Cho nên, tín ngưỡng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ở nhiều chuyên ngành khác nhau như văn hóa dân gian, tôn giáo học, nhân học,…Ở mỗi chuyên ngành, do có cách tiếp cận riêng, nên dẫn đến việc hiểu khái niệm tín ngưỡng cũng chưa thống nhất với nhau. Cho nên, mục tiêu của bài viết này, ngoài việc tổng hợp các quan điểm khác nhau về khái niệm tín ngưỡng, còn hướng đến việc đưa ra cách hiểu về tín ngưỡng xuất phát từ các đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam.

2. Khái niệm tín ngưỡng qua những góc nhìn

Trước nhất, không thể không tìm hiểu tín ngưỡng ở phương diện từ nguyên. Theo Từ điển Hán- Việt của học giả Đào Duy Anh, tín ngưỡng được giải thích: “Lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa” (1). Tương tự, trong quyển Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân (chủ biên), tín ngưỡng nghĩa là: “Tin tưởng vào một tôn giáo: Tự do tín ngưỡng” (2). Như vậy, ở nghĩa từ nguyên, tín ngưỡng chính là niềm tin tôn giáo ở mỗi con người.

Tuy nhiên, mở rộng hơn nữa, nhất là ở các công trình khoa học đã công bố, qua phân loại một số tài liệu nghiên cứu có được, thì tạm thời có hai nhóm quan điểm khác nhau về khái niệm tín ngưỡng. Đây là một vấn đề rất thú vị và không thể không đi sâu tìm hiểu.

   2.1. Tín ngưỡng dưới góc nhìn của Tôn giáo học, Nhân học

         Nhóm quan điểm thứ nhất thì cho rằng tín ngưỡng là trạng thái tâm lý của con người đối với thế lực thiêng, là một bộ phận của tôn giáo và không thể tách rời khỏi tôn giáo, là cơ sở hình thành nên tôn giáo. Ở Việt Nam, một đại diện tiêu biểu của nhóm quan điểm này là Đặng Nghiêm Vạn. Trong công trình Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, ông đã phân tích khá rõ khái niệm tín ngưỡng với tư cách là đức tin tôn giáo, tín ngưỡng không hoàn toàn tách rời khỏi tôn giáo: “Nếu hiểu tín ngưỡng là niềm tin thì có một phần ở ngoài tôn giáo, nếu hiểu là niềm tin tôn giáo (belief, believe, theo nghĩa hẹp, croyance religieuse) thì tín ngưỡng chỉ là một bộ phận chủ yếu cấu thành của tôn giáo” (3). Tác giả còn tỏ thái độ không đồng tình và đề nghị xem xét lại khi coi tín ngưỡng và tôn giáo như hai cấp độ thấp, cao bởi vì nếu nhà nghiên cứu tôn giáo đã chấp nhận yếu tố quyết định của một tôn giáo là đức tin hay niềm tin, thì đó là thước đo duy nhất về tính hơn kém của những tôn giáo trong cộng đồng, và của những tín đồ với tôn giáo của họ. Và, nếu chấp nhận sự bình đẳng giữa các nền văn hóa (trong đó có tôn giáo) thì không có sự đánh giá tôn giáo này cao hơn tôn giáo khác (4). Đặc biệt, khi nhắc đến một khái niệm được nhiều người sử dụng là tín ngưỡng dân gian, thì ông lại cho rằng đây chính là một dạng tôn giáo bình dân: ”Thuật ngữ đó có thể là cách hiểu tôn giáo theo lối bình dân, nghĩa là theo tập quán, theo dư luận hoặc bị cuốn hút vào các nghi lễ, chứ không theo lối chính thống chủ yếu xuất phát từ việc nghiên cứu giáo lý, suy tư rồi giác ngộ mà theo. Hoặc cũng có thể hiểu là các hình thức tôn giáo dân tộc được lưu truyền lại từ xa xưa, gần gũi với cộng đồng như các lễ hội, các cuộc hành hương, các ngày lễ với những rước xách, nhảy múa, thậm chí các hình thức bói toán, tướng số…Ở đó có cả tầng lớp trí thức, mặc dù ít tin theo nhưng vẫn tham gia. Ở những lễ hội, đám rước,…đó vẫn được đa phần lớp bình dân ở nông thôn hưởng ứng, theo một truyền thống đã có từ lâu trong dân tộc” (5). Một điều cần lưu ý là tác giả đã nhắc lại nội hàm khái niệm tôn giáo của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê Nin đưa ra là: Các hình thái tôn giáo ra đời từ thuở sơ khai cho đến ngày nay, đều được gọi thống nhất là tôn giáo. Nếu có chăng và nếu được thì chỉ có thể phân biệt giữa tôtem giáo, ma thuật, saman giáo với tôn giáo (6). Từ cách tiếp cận này, trong quyển sách trên, Đặng Nghiêm Vạn đã xếp tục thờ Thành Hoàng ở làng xã, tục thờ Trời của nhà nước phong kiến, nhất là tục thờ ông bà tổ tiên, là những hình thái tôn giáo của Việt Nam và chúng được gọi là hệ thống tôn giáo dân tộc. Tiếp theo, trong sách chuyên khảo Nhân học văn hóa con người với siêu nhiên, xã hội với thế giới siêu nhiên, Vũ Minh Chi-tác giả quyển sách, kế thừa những quan điểm về tôn giáo của các nhà nhân học, nhất là của Durkheim và Tylor, đã phân loại tôn giáo như sau: Khi quan niệm về tôn giáo theo nghĩa rộng, người ta còn có thể phân loại tôn giáo một cách cổ điển là tôn giáo nguyên thủy, tôn giáo dân tộc (hay quốc giáo) và tôn giáo thế giới. Tôn giáo nguyên thủy là tôn giáo đa số của những người sống trong xã hội chưa có chữ viết, hình thái này cùng với tôn giáo mang tính quốc dân của một số dân tộc cổ đại được gọi là tôn giáo dân tộc, dùng với nghĩa đối lập với tôn giáo thế giới. Đó là tôn giáo chỉ lưu hành trong một phạm vi dân tộc, trong khi tôn giáo thế giới là tôn giáo khá phổ biến trên thế giới, lưu hành rộng rãi trong nhiều dân tộc, ví dụ Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo (7). Qua cách phân loại này của tác giả đã cho thấy tôn giáo nguyên thủy, tức là các hình thức tín ngưỡng gắn liền nhiều tộc người trên thế giới, trở thành một bộ phận quan trọng để hợp thành nên tôn giáo dân tộc. Cách tiếp cận của Vũ Minh Chi rất giống với quan điểm ở trên của Đặng Nghiêm Vạn, khi cả hai cùng cho rằng tín ngưỡng là một bộ phận của tôn giáo. Mở rộng hơn nữa, trong nhiều công trình của các học giả nước ngoài, tín ngưỡng vẫn được hiểu là niềm tin và thuộc về tôn giáo. E.B.Tylor, một đại diện tiêu biểu của Tiến hóa luận, đã trình bày cặn kẽ quan niệm của ông về khái niệm tôn giáo trong công trình nổi tiếng Văn hóa nguyên thủy như sau: ”Nếu trong định nghĩa này, tôn giáo phải mang sự tín ngưỡng đối với thần linh tối cao hay sự phán xét sau khi chết, phải có sự thờ cúng các thần tượng, có tập tục hiến tế, hay có những học thuyết hoặc nghi thức nào tương đối phổ biến, thì tất nhiên phải loại bỏ nhiều bộ lạc ra khỏi phạm trù các bộ lạc có tôn giáo. Nhưng vì định nghĩa chật hẹp này có khuyết điểm là nó đồng nhất tôn giáo trước hết với những biểu hiện tín ngưỡng riêng hơn là với một quan niệm sâu sắc làm cơ sở của chúng. Vì thế tốt hơn cả là nên dừng lại ở nguồn gốc chủ yếu này và chấp nhận sự tín ngưỡng đối với những thực thể tâm linh là mức tối thiểu của tôn giáo” (8). Cách giải thích khái niệm tôn giáo của E.B. Tylor nhằm chứng minh rằng thuyết vật linh (Animalism) tồn tại ở tín ngưỡng của nhiều tộc người, nó cần được xem là nguồn gốc quan trọng để hình thành nên tôn giáo. Tương tự, trong quyển Cành Vàng nổi tiếng, Geogre Jame Frazer tiếp tục cho rằng tôn giáo là việc cầu phúc hay là việc hòa giải những thế lực cao cấp hơn con người, những thế lực này, như người ta nghĩ, chỉ huy và điều hành dòng chảy của tự nhiên và đời sống con người. Tôn giáo được định nghĩa như vậy bao gồm hai thành tố, một mang tính lý thuyết và một mang tính thực hành, biết rằng đó là một tín điều vào những thế lực cao cấp hơn con người và một cố gắng để làm cho những thế lực đó trở thành thế lực bảo hộ hay để làm vừa lòng những thế lực ấy. Rõ ràng là tín ngưỡng đến đầu tiên, bởi lẽ chúng ta buộc phải tin vào sự tồn tại của thần thánh trước khi làm vừa lòng những thế lực ấy. Nhưng, nếu như tín ngưỡng không dẫn đến việc thực hành tương ứng với nó thì đó không còn là một tôn giáo mà chỉ đơn giản là thần học,. Theo câu nói của thánh Jacques, “lòng tin mà không có những hành động chỉ là lòng tin chết bởi lẽ nó cô độc” (9). Vì vậy, khái niệm tôn giáo, được định nghĩa qua Từ điển Nhân học, bao gồm luôn cả các hình thái tín ngưỡng của con người và chúng được hiểu là tôn giáo không có chữ viết có khi được gọi là ”Thuyết vạn vật hữu linh”, “phiếm thần” và “đa thần”, tồn tại chủ yếu ở châu Phi, Amazonia, Australia và một số vùng thuộc Malaysia, có niềm tin vào một vị chúa tối cao dù họ có xu hướng giới hạn tầm quan trọng, đôi khi coi các vị thần ít quyền lực hơn và các đồ vật của thiên nhiên như người Nuer ở Sudan. Đẳng cấp tu sĩ không tồn tại trong các tôn giáo phi chữ viết đó, song các quan hệ ít chính thống khó có thể đạt được giữa tín đồ và tu sĩ, người trực tiếp cầu nguyện tổ tiên hay đàm phán với các thần linh thông qua lên đồng, shaman giáo (10). Mặt khác, việc hiến tế trong tôn giáo không chỉ duy trì trong các tôn giáo thế giới có chữ viết mà còn ở các tôn giáo địa phương dựa vào truyền miệng, hay giữa tự nhiên và siêu nhiên. Các hoạt động khác biệt như hiến tế, pháp thuật, thờ cúng tổ tiên và sở hữu quỉ thần tạo ra vũ trụ quan con người dùng để giải thích và tìm hiểu những gì họ trải qua và hi vọng (11). Và, không thể bỏ qua một học giả nổi tiếng tôn giáo của Nga là S.A. Tokarev. Ông cũng thừa nhận: “Mặc dù bác bỏ luận thuyết về sự phát triển nội tại của tôn giáo, chúng tôi vẫn không bao giờ phủ định sự tồn tại của những mối liên hệ nguồn gốc giữa các tín ngưỡng. Chúng ta đã thấy rõ những tín ngưỡng đó có tính bảo thủ đến mức nào. Bất kì một tín ngưỡng nào đã bắt rễ vững chắc cũng đều tồn tại trong nhân dân rất lâu bền, thậm chí tồn tại ngay cả lúc những điều kiện sản sinh ra nó cũng thay đổi” (12). Cụ thể hơn nữa, trong quyển sách Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, ông phân chia các hình thức tôn giáo có nguồn gốc xưa nhất gồm: Tô tem giáo, bùa bả, lễ ám hại, chữa bệnh bằng phù phép, lễ dục tình, ma chay. Về sau, khi chế độ công xã thị tộc trong quá trình tan rã, thì xuất hiện thêm khá nhiều hình thức khác: Sự thờ cúng của bộ lạc sơ kỳ (lễ thành niên), sự thờ cúng của nghề săn bắt, sự thờ cúng của thị tộc mẫu hệ đối với các vật thiêng và các thần che chở, sự thờ cúng tổ tiên trong gia đình-thị tộc phụ hệ, shaman giáo, Naguan giáo, sùng bái hội kín, sự thờ cúng các thủ lĩnh, thờ thần bộ lạc, thờ thần nông (13). Nhìn chung, nhóm quan điểm này nhìn nhận tín ngưỡng dưới góc nhìn tôn giáo học, nhân học tôn giáo và có những phân tích, lý giải thuyết phục, nhiều gợi mở mới mẻ và chủ yếu là được đề xuất bởi các học giả phương Tây hoặc những người chịu ảnh hưởng bởi họ.

2.2. Tín ngưỡng dưới góc nhìn các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam

         Bên cạnh đó, một nhóm quan điểm khác thì lại nhấn mạnh đến tín ngưỡng hoàn toàn khác và độc lập với tôn giáo. Đầu tiên, không thể không nhắc đến nhà dân tộc học Phan Hữu Dật. Trong một bài viết, ông đã phân biệt rất rõ ràng giữa tín ngưỡng và tôn giáo: Lâu nay trên sách báo và trong cuộc sống hằng ngày, ta thường dùng các thuật ngữ tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc tôn giáo-tín ngưỡng hay trái lại. Cố nhiên hai thuật ngữ này có nội dung gần gũi với nhau. Đó là niềm tin dù đó là tin vào lực lượng siêu nhiên một cách chất phác mộc mạc, hay tin vào Đấng Cứu Thế. Nhưng tôi nghĩ là không thể đồng nhất chúng với nhau được và cho rằng tín ngưỡng phát triển đến mức nào đó mới thành tôn giáo. Ở cấp độ tín ngưỡng chưa xuất hiện điện thần (hệ thống thần linh, panthénon), chưa có hệ thống giáo lý, chưa có tầng lớp tăng lữ (thày cúng), chưa có việc xây dựng đền miếu cố định để thờ cúng như sau này đối với tôn giáo dân tộc, tôn giáo khu vực và tôn giáo thế giới (14). Ngoài ra, Trần Ngọc Thêm, dưới góc nhìn của văn hóa học, đã lý giải rất thuyết phục về sự khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo dựa vào bối cảnh, đặc điểm riêng của văn hóa Việt Nam. Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, ông xếp tín ngưỡng thuộc về văn hóa tổ chức đời sống cá nhân và đồng thời nhấn mạnh rằng: Khi đời sống và trình độ hiểu biết còn thấp, họ tin tưởng và ngưỡng mộ vào những thần thánh mà họ tưởng tượng ra. Từ tự phát lên tự giác theo con đường quy phạm hóa thành giáo lý, có giáo chủ, thánh đường-tín ngưỡng trở thành tôn giáo. Ở xã hội Việt Nam cổ truyền, do mạnh về tư duy tổng hợp mà thiếu óc phân tích nên các tín ngưỡng dân gian chưa chuyển biến hoàn toàn được thành tôn giáo theo đúng nghĩa của nó-mới có những mầm móng của những tôn giáo như thế-đó là đạo Ông Bà, đạo Mẫu. Phải đợi khi các tôn giáo thế giới như Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo du nhập vào và đến thời điểm giao lưu với phương Tây, các tôn giáo dân tộc (như Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo) mới xuất hiện (15). Trong một công trình nói về tín ngưỡng ở Việt Nam, Lê Như Hoa cho rằng: Như vậy, về bản chất, tín ngưỡng cũng như tôn giáo là phương thức nhận thức và cải tạo hiện thực. Sự khác nhau giữa chúng và cải tạo hiện thực. Sự khác nhau giữa chúng chỉ là những đặc điểm mang tính cách lịch sử. Mặt khác, tác giả, dựa vào đặc điểm, đã đề xuất 5 tiêu chí để phân biệt chúng là: Cội nguồn (tín ngưỡng chỉ có thuyết hồn linh, còn tôn giáo thì ngoài thuyết hồn linh còn có vật tổ hoặc thuyết về đấng siêu nhiên khác), đối tượng sùng bái (tín ngưỡng: Vạn vật hữu linh, đa thần, tôn giáo: Nhất thần), phương thức thực hành (tín ngưỡng: Ma thuật, tôn giáo: Lễ nghi tôn giáo), thiết chế (tín ngưỡng thì chưa hoàn chình, còn tôn giáo thì hoàn chỉnh về thiết chế vật chất, có giới tăng lữ, hệ thống nghi thức, nghi vật, nghi trượng hoàn chỉnh, có hệ thống kinh sách, có đạo đức niềm tin, có tình cảm cộng đồng về niềm tin) và cuối cùng là phạm vi ảnh hưởng, khung cảnh xã hội (tín ngưỡng: Hẹp, thường là các cộng đồng tộc người, ở các xã hội chưa có nhà nước. Tôn giáo: Rộng, phổ biến ở các cộng đồng tộc người, quốc gia, thế giới, ở các xã hội có nhà nước) (16). Và để hiểu hơn về sự khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo thì không thể bỏ qua Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước Việt Nam được ban hành năm 2004. Pháp lệnh đã phân biệt rõ cả hai hoạt động tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo, và cũng theo đó, cả hai khái niệm này có sự khác nhau. Theo đó, hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Còn hoạt động tôn giáo là việc truyền bá, thực hành giáo lí, giáo luật, lễ nghi, quản lí tổ chức của tôn giáo (17). Qua tìm hiểu một số công trình của giới nghiên cứu trong nước và văn bản của nhà nước ta đã cho thấy tín ngưỡng khác với tôn giáo ở nhiều phương diện. Đây là nhóm quan điểm nhấn mạnh việc phân tích sự hình thành tín ngưỡng trong bối cảnh văn hóa truyền thống Việt Nam và dĩ nhiên, điều này hoàn toàn khác với cách tiếp cận của phương Tây.

            Ngoài hai nhóm quan điểm mang tính cơ bản này, trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, vốn rất phong phú, đa dạng và là nền tảng của văn hóa truyền thống Việt Nam, các nhà nghiên cứu hay nhắc đến khái niệm tín ngưỡng dân gian. Vì vậy, nó cần được bàn thêm hơn ở đây. Cũng theo Lê Như Hoa, trong sách Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam do ông chủ biên, tín ngưỡng dân gian được hiểu: Là những hình thái tôn giáo sơ khai, chúng được hình thành trên cơ sở tâm cách nguyên thủy (primitive metality) để nhận thức hiện thực và tác động đến hiện thực bằng các kỉ xảo (các biện pháp ma thuật) của thuyết hồn linh. Tín ngưỡng “dân gian” ở đây nhằm phân biệt với những tín ngưỡng, tôn giáo chính thống của những xã hội đã có nhà nước (trước khi có nhà nước, chưa có sự phân biệt giữa văn hóa dân gian và văn hóa nhà nước, chưa có sự phân liệt giữa tín ngưỡng dân gian và tôn giáo chính thống) (18). Ở đây, tác giả đã chỉ rõ tín ngưỡng dân gian thuộc về tầng lớp bình dân trong xã hội, khác hẳn tín ngưỡng, tôn giáo chính thống của nhà nước phong kiến thiết lập và quản lí. Một học giả phương Tây khác, Patrick. B. Mullen, lại cho biết tín ngưỡng dân gian có một nội hàm rất phong phú và thật xác đáng: “Tín ngưỡng dân gian là một thể loại lớn bao gồm sự biểu cảm và cách ứng xử mà ta gọi là mê tín, tín ngưỡng bình dân, làm phép, các hiện tượng siêu nhiên, các câu cuả bà nội trợ già, y học dân gian, tôn giáo dân gian, các biểu hiện của thời tiết, cây cỏ, các lời cầu khấn tụng niệm, những người hay vật mang đồ rủi, đồ làm từ rễ cây, những điềm tốt hay điềm xấu, các chuyện yêu ma và những điều cấm kị”(19). Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp lúa nước và có nền văn hóa bản địa phong phú, đa dạng mà phần lớn được hình thành từ trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân lao động, cho nên không thể không quan tâm đến văn hóa dân gian nói chung cũng như tín ngưỡng dân gian nói riêng vốn là tài sản của họ được lưu truyền và gìn giữ từ nhiều thế hệ, bên cạnh hình thái văn hóa do nhà nước xây dựng các thiết chế, ban hành cơ chế quản lý và lưu hành. Vì vậy, tín ngưỡng dân gian là hình thức tín ngưỡng quan trọng, phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta bao đời nay, và thậm chí nó thường xuyên được các nhà nước phong kiến Việt Nam coi trọng, công nhận. Ở đây, không thể không nhắc đến trường hợp các triều đại phong kiến nước ta Trần, Lê, Nguyễn đã phong sắc thần cho Thành Hoàng Bổn Cảnh được thờ tại các đình làng-một thiết chế văn hóa đặc thù của làng xã Việt Nam. Vì tính chất quan trọng và nổi bật này của tín ngưỡng dân gian mà Phan Hữu Dật đã nhận định như sau: “Về thực chất, tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành của văn hóa dân gian”(20). Cho nên, nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam thì không thể bỏ qua một nội dung chủ đạo của khái niệm này là tín ngưỡng dân gian.

3. Một cách hiểu về khái niệm tín ngưỡng- từ đặc điểm văn hóa Việt Nam

Qua tìm hiểu những quan điểm khác biệt về tín ngưỡng, chúng tôi xin đưa ra cách tiếp cận khái niệm này cũng như nội hàm của nó, dựa vào những đặc trưng của văn hóa Việt Nam, gồm các nội dung sau:

_ Thứ nhất, tín ngưỡng là một hình thức văn hóa phi vật thế mang tính độc đáo và biểu hiện khá rõ được đời sống vật chất, tinh thần của con người, nhất là trong hoàn cảnh riêng của văn hóa và con người Việt Nam. Ngoài ra, tín ngưỡng còn đóng góp vào việc hình thành nên các giá trị truyền thống của văn hoá và tính cách dân tộc, kết nối cả cộng đồng lại với nhau.

_ Thứ hai, tín ngưỡng còn là hệ thống những niềm tin và cách thức thể hiện những niềm tin ấy bằng những hành động cụ thể của con người đối với một hiện tượng siêu nhiên, xã hội, thậm chí là một sự vật nào đó, hoặc cá nhân có liên quan đến cuộc sống thực tại của họ đã được thiêng hóa để cầu mong sự che chở, giúp đỡ.

_ Thứ ba, xuất phát từ quan điểm của trường phái Tương đối luận văn hóa, cho rằng mỗi nền văn hóa đều có tính độc đáo riêng, không phân biệt cao, thấp, cho nên tín ngưỡng cũng như việc thực hành tín ngưỡng phụ thuộc vào những bối cảnh lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như trình độ nhận thức của chủ thể sáng tạo ra các nền văn hóa đó. Ở một phương diện khác, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, qua việc nghiên cứu tín ngưỡng sẽ giúp cho nhận diện rõ được trình độ nhận thức, không gian và thời gian, phương thức sống, chiều sâu của một nền văn hóa mà cá nhân và cộng đồng đó đang tồn tại. Ngô Đức Thịnh đã có một nhận xét tương tự: “Tất cả những niềm tin, thực hành và tình cảm tôn giáo tín ngưỡng trên đều sản sinh và tồn tại trong một môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa mà con người đang sống, theo cách suy nghĩ và cảm nhận của nền văn hóa đang chi phối họ”(21).

_ Thứ tư, tín ngưỡng không tồn tại một cách đơn lẻ mà còn là một tích hợp với nhiều hình thức văn hóa khác nhau để thể hiện niềm tin của con người bằng các hành vi cụ thể như Patrick B.Mullen đã nhận định: “Tín ngưỡng dân gian không chỉ tồn tại ở dạng trừu tượng mà nó còn tồn tại trong thực tiễn và các ứng xử thực tế. Xin nhắc lại, văn hoá dân gian không chỉ là sự phản ánh một thế giới quan văn hoá trừu tượng, mà nó còn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày như là một phương tiện sáng tạo văn hoá” (22). Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh thì có cách nhìn cụ thể hơn: Bản thân các tôn giáo tín ngưỡng đã là một hình thức văn hoá đặc thù, đấy là chưa kể, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi tôn giáo tín ngưỡng bao giờ cũng sản sinh, tích hợp trong nó những hiện tượng, những sinh hoạt văn hoá nghệ thuật (23). Thực chất, tín ngưỡng thực ra còn là môi trường sản sinh, tích hợp và bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian. Con người muốn chuyển đạt nguyện vọng cuả mình lên thần linh thì phải cần có các công cụ, phương tiện như: Múa hát, tượng thờ, nghi lễ, phẩm vật, nơi thờ cúng…Đặc biệt, một ví dụ hết sức xác thực, điển hình mà Ngô Đức Thịnh đã đưa ra là: “ Từ nhân lõi tôn giáo tín ngưỡng này, đạo Mẫu đã sản sinh và tích hợp nhiều yếu tố, giá trị văn hoá: Văn học đạo Mẫu, diễn xướng đạo Mẫu (âm nhạc, múa, hát chầu văn, sân khấu), kiến trúc và nghệ thuật trang trí, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng gắn với đạo Mẫu”(24).

_ Thứ năm, bên cạnh sự giống nhau, đó là niềm tin vào cái thiêng của con người, tín ngưỡng và tôn giáo còn có sự khác biệt ở các yếu tố thuộc về tôn giáo như: Giáo chủ, giáo lý, giáo qui và giáo hội mà tín ngưỡng không có. Ngoài ra, ở Việt Nam, tín ngưỡng và tôn giáo còn có sự giao thoa lẫn nhau, do đặc tính dung hợp-một đặc điểm truyền thống của văn hóa dân tộc. Vì vậy, không thể không quan tâm tìm hiểu đến sự hiện diện của các yếu tố tôn giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng và ngược lại. Mặt khác, trong thực tiễn, các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo lại có sự lồng ghép với nhau trên một số nguyên lý, từ đó, thống nhất về mặt lịch sử các niềm tin của người dân, tránh những xung đột, tạo ra những sức mạnh cố kết cộng đồng mới, có tính hiệu quả mạnh mẽ (25) Đây là chức năng quan trọng của tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng mà không thể không nhắc đến khi nghiên cứu về sự ảnh hưởng, tác động của vấn đề này đối với cuộc sống con người.

           _ Thứ sáu, giao lưu và hội nhập với nhiều nền văn hóa trên thế giới là một đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Cho nên, trong nghiên cứu tín ngưỡng thì cần chú ý đến hình thức tín ngưỡng bản địa và tín ngưỡng ngoại nhập. Tín ngưỡng bản địa là tín ngưỡng được hình thành bởi cư dân bản địa ở một quốc gia hay vùng đất, địa phương nào đó. Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ, Tứ bất tử, Thành Hoàng bổn cảnh là các loại hình tín ngưỡng bản địa, riêng có của người Việt Nam. Khác với loại tín ngưỡng này, tín ngưỡng ngoại nhập là các hình thức tín ngưỡng được du nhập từ bên ngoài qua quá trình di cư của tộc người, sự tiếp xúc và giao lưu văn hoá lẫn nhau. Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ Quan Công và Thiên Hậu ở Việt Nam thuộc loại hình tín ngưỡng ngoại nhập, do cộng đồng người Hoa di dân từ vùng Hoa Nam Trung Quốc mang đến và đã được người Việt tiếp thu.

4. Lời kết

 

            Khái niệm tín ngưỡng nhận được sự quan tâm của các học giả trong và nước là vì tính quan trọng cùng sự phổ biến của nó ở nhiều nền văn hóa trên thế giới, được thực hành rộng rãi ở cấp độ từ cá nhân cho đến cộng đồng. Trong bối cảnh văn hóa truyền thống Việt Nam, tín ngưỡng hoàn toàn khác với tôn giáo và bản thân có nhiều nội hàm riêng, vốn xuất phát từ các đặc điểm của văn hóa dân tộc. Vì vậy, đây là cơ sở cho việc tìm hiểu tín ngưỡng Việt Nam vốn rất phong phú, đa dạng và thể hiện rõ nhiều giá trị của văn hóa nước ta, cũng như nhân sinh quan và thế giới quan của con người Việt Nam, xưa cũng như nay.

                                                Chú thích

 

(1): Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán- Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 283.

(2): Văn Tân (chủ biên) (1991), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 1209.

(3): Đặng Nghiêm Vạn (2005), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia,Hà Nội, trang 88.

(4): Đặng Nghiêm Vạn (2005), sđd, trang 89-90.

(5), (6): Đặng Nghiêm Vạn (2005), sđd, trang 91.

(7): Vũ Minh Chi (2004), Nhân học văn hóa con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 277.

(8): E.B.Tylor (2001), Văn hóa nguyên thủy, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, trang 508.

(9): Geogre Jame Frazer (2007), Cành vàng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 94.

(10), (11): Thomas Barfield (1997), Từ điển Nhân học (The Dictionary of Anthropology) (Bản dịch của Viện Dân tộc học), Nxb.BlackWell, London, trang 675.

(12): X.A. Tôcarev (1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, trang 55.

(13): X.A. Tôcarev (1994), sđd, trang 57.

(14): Phan Hữu Dật (1999), Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 322.

(15): Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 233.

(16): Lê Như Hoa (chủ biên) ( 2001), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 21-22.

(17): Ban Tôn giáo chính phủ (2007), Văn bản pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, trang 8-9.

(18): Lê Như Hoa (chủ biên) ( 2001), sđd, trang 23.

(19): Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên) (2005), Folklore – một số thuật ngữ đương đại, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội. trang 273.

(20): Phan Hữu Dật (1999), sđd, trang 328.

(21): Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa-Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 14.

(22): Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên) (2005), sđd, trang 280.

(23): Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 28.

(24): Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 765.

(25): Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000), Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 32.

 

   Tài liệu tham khảo

  1. Ban Tôn giáo chính phủ (2007), Văn bản pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.
  2. Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán- Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Vũ Minh Chi       (2004), Nhân học văn hóa con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Phan Hữu Dật (1999), Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Geogre Jame Frazer (2007), Cành vàng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  6. Lê Như Hoa (chủ biên) ( 2001), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  7. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000), Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  8. Văn Tân (chủ biên) (1991), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  9. X.A. Tôcarev (1994), Các hình thức tôn giáo sơ       khai và sự phát triển của chúng, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia.
  10. E.B.Tylor (2001), Văn hóa nguyên thủy, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  11. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  12. Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  13. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa-Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  14. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên) (2005), Folklore – một số thuật ngữ đương đại, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  15. Đặng Nghiêm Vạn (2005), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia,Hà Nội.
  16. Thomas Barfield (1997), Từ điển Nhân học (The Dictionary of Anthropology) (Bản dịch của Viện Dân tộc học), Nxb.BlackWell, London.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, số 2/2016