Tìm hiểu hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc
Là quốc gia láng riềng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, Trung Quốc có những thành tích vượt bậc trong phát triển kinh tế và cùng với đó là những thành công đáng chú ý trong phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Mục Lục
1. An sinh xã hội là gì?
An sinh xã hội là một khái niệm được nêu trong Điều 22 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền phát biểu rằng Mọi người, như một thành viên của xã hội, có quyền an sinh xã hội và được quyền thực hiện, thông qua nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế và phù hợp với tổ chức và các nguồn lực của mỗi quốc gia, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa không thể thiếu cho nhân phẩm của mình và sự phát triển tự do của nhân cách của mình. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là các bên tham gia ký kết thỏa thuận rằng xã hội, trong đó một người sinh sống có thể giúp họ phát triển và tận dụng tối đa tất cả những lợi thế (văn hóa, công việc, phúc lợi xã hội) được cung cấp cho họ trong quốc gia đó.
2. Kinh nghiệm phát triển hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc
Là quốc gia láng riềng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, Trung Quốc có những thành tích vượt bậc trong phát triển kinh tế và cùng với đó là những thành công đáng chú ý trong phát triển hệ thống an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc ra đời từ năm 1951 với việc ban hành Quy định về bảo hiểm lao động. Trong thời kỳ đầu từ 1951-1978, hệ thống bảo hiểm xã hội được vận hành trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung (chưa có bảo hiểm thất nghiệp). Ở nông thôn Trung Quốc xây dựng hệ thống y tế cơ sở chăm sóc cho 90% dân số nông thôn lúc đó. Thời kỳ tiếp theo từ năm 1978-2002, cùng với quá trình cải cách mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, Trung Quốc xây dựng các chương trình bảo hiểm xã hội dựa trên việc làm và đóng góp. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thai sản và tai nạn lao động bắt đầu được áp dụng lần lượt vào năm 1986, 1995 và 1996. Lần lượt trong năm 1998 và 1999, Trung Quốc áp dụng toàn quốc bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế cơ bản.
Thời kỳ thứ 3 là thời kỳ mở rộng nhanh độ bao phủ từ 2003 đến nay. Trung Quốc lựa chọn mô hình bảo hiểm đa tầng, bao phủ rộng, chế độ thụ hưởng vừa phải và bền vững, đặt mục tiêu bao phủ toàn bộ dân số tới năm 2020, trong đó trọng tâm là hệ thống hưu trí, bảo hiểm y tế và hệ thống hỗ trợ thu nhập tối thiểu. Trải qua quá trình phát triển, mô hình an sinh xã hội của Trung Quốc hiện nay dựa trên các trụ cột chính là bảo hiểm xã hội (hưu trí, y tế, thất nghiệp, thai sản và tai nạn lao động), trợ giúp và phúc lợi xã hội.
3. An sinh hưu trí
Có 5 loại chương trình an sinh hưu trí khác nhau ở Trung Quốc (không bao gồm chế độ cho lực lượng vũ trang):
Thứ nhất: Chương trình hưu trí do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ dành cho công chức và những người hưởng lương từ ngân sách. Chương trình này bao phủ khoảng 40 triệu người, bao gồm 7 triệu công chức và hơn 30 triệu người làm việc trong các đơn vị công. Mức hưởng lương hưu được tính dựa trên mức lương của mỗi người và theo số năm công tác, thường ở mức 70-90% lương trước nghỉ hưu. Gần đây, chính phủ giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách đối với lương hưu của viên chức.
Thứ hai: Chương trình lương hưu cơ bản bắt buộc dành cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức sự nghiệp công mà không được hoặc chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách. Tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội ở mức khoảng 28% lương, trong đó 20% từ người sử dụng lao động được đưa vào quỹ hưu trí chung và 8% đóng góp từ người lao động được đưa vào tài khoản BHXH cá nhân. Tỷ lệ đóng góp cụ thể có sự khác nhau giữa các địa phương và các vùng tùy thuộc quyết định của chính quyền các địa phương. Vào thời điểm nghỉ hưu, người lao động đã công tác ít nhất 15 năm được hưởng lương hưu từ hai nguồn: nguồn quỹ hưu trí chung và nguồn từ tài khoản BHXH cá nhân.Trong trường hợp thiếu hụt quỹ, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ quỹ hưu trí. Mức hưởng lương hưu dành cho một cá nhân có 35 năm đóng góp là 59,2%, bao gồm 35% từ quỹ hưu trí chung và 24,2% từ tài khoản cá nhân. Khi người hưởng lương hưu qua đời, gia đình sẽ nhận được tổng cộng 6-12 tháng lương, phụ thuộc vào số người phụ thuộc trong gia đình. Số tiền đã đóng góp nằm trong tài khoản cá nhân, cộng với lãi, sẽ được thừa kế cho người thừa kế hợp pháp.
Để mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm hưu trí tới những người lao động tự làm chủ hoặc những người có công việc linh hoạt, chính phủ áp dụng tỷ lệ đóng góp 20% lương bình quân của địa phương, trong đó 8% được đưa vào tài khoản hưu trí cá nhân và phần còn lại (12%) đưa vào quỹ hưu trí địa phương. Khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc ít nhất 15 năm làm việc, người lao động cũng nhận được 2 khoản lương hưu. Ở một số địa phương, người lao động được phép lựa chọn lương làm cơ sở đóng góp từ 40-300% mức lương bình quân của địa phương và có thể chọn đóng theo tháng, theo quý, 6 tháng hoặc một năm.
Kể từ năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã tăng dần mức hưởng lương hưu của người lao động trong khu vực doanh nghiệp thêm 10% mỗi năm để thu hẹp khoảng cách lương hưu với công chức khu vực công. Do đó, mức lương hưu bình quân tháng của người về hưu đô thị tăng từ 649 NDT năm 2005 lên 1362 NDT năm 2010 và 1531NDT năm 2011. Tổng hỗ trợ ngân sách trong giai đoạn 2006-2010 cho bảo hiểm xã hội tăng vào khoảng 19%/năm.
Thứ ba: Chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện ở nông thôn. Từ năm 2009, Trung Quốc thí điểm chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện nông thôn thay thế cho chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện trước đó được thí điểm từ năm 1986 và áp dụng chính thức năm 1991. Chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện trước đây không thành công do phụ thuộc chủ yếu vào đóng góp của cá nhân mà không có các chính sách hỗ trợ. Chương trình bảo hiểm mới bao gồm lương hưu cơ bản do chính phủ hỗ trợ và đóng góp hưu trí cá nhân, áp dụng cho tất cả cá nhân ở nông thôn trên 16 tuổi chưa tham gia chương trình bảo hiểm hưu trí cơ bản đô thị. Các cá nhân được lựa chọn đóng góp vào tài khoản cá nhân theo 5 mức từ 100 đến 500 NDT (hoặc hơn, nếu chính quyền địa phương thấy cần thiết) mỗi năm, trong đó chính phủ tài trợ 30 NDT. Những người tàn tật hoặc các nhóm dễ tổn thương có thể tham gia bảo hiểm ở mức tối thiểu được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách địa phương. Với lương hưu tối thiểu, Chính phủ trung ương trợ cấp 100% cho những địa phương nghèo và các vùng miền Tây.
Thứ tư: Chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện đô thị. Trên cơ sở thành công của chương trình bảo hiểm tự nguyện ở nông thôn, vào tháng 11/2011, Trung Quốc triển khai chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện đô thị cho những người tự làm chủ hoặc có việc làm linh động dựa theo mô hình bảo hiểm tự nguyện ở nông thôn. Tất cả công dân trên 16 tuổi (không bao gồm học sinh) không làm việc chính thức và không tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bẩn đô thị có thể tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Họ có thể chọn một trong 10 mức đóng góp hàng năm từ 100 đến 1000 NDT vào tài khoản cá nhân. Chính phủ hỗ trợ không dưới 30 NDT cho mỗi người một năm. Qui mô cụ thể có sự khác nhau giữa các vùng. Khi đến tuổi nghỉ hưu, người tham gia sẽ nhận lương hưu từ tài khoản hưu trí cá nhân và lương hưu cơ bản không dưới 55 NDT/tháng do ngân sách hỗ trợ, có điều chỉnh theo lạm phát và sự phát triển kinh tế. Những người trên 60 tuổi đủ điều kiện không cần đóng bảo hiểm vẫn có thể nhận được mức lương hưu xã hội cơ bản do chính phủ hỗ trợ 100% cho những tỉnh kém phát triển ở miền trung và miền Tây, 50% ở vùng phát triển hơn ở miền Đông.
Thứ năm: Chương trình đảm bảo thu nhập tối thiểu. Chương trình được thử nghiệm đầu tiên tại Thượng Hải từ năm 1993 và áp dụng ở các thành phố vào năm 1997, mở rộng ra toàn quốc năm 2007. Năm 2011, có 22,77 triệu dân thành thị và 53,06 triệu dân nông thôn được hưởng chương trình này với tổng kinh phí là 65,99 tỷ NDT. Một số chính quyền địa phương còn áp dụng chương trình “5 đảm bảo” cho cư dân nông thôn, chủ yếu là người già nghèo: đảm bảo lương thực, nhà ở, quần áo, y tế và chi phí mai táng.
4. Bảo hiểm y tế
Trung Quốc có 4 chương trình bảo hiểm y tế: Chương trình bảo hiểm y tế cơ bản cho người lao động đô thị; Chương trình bảo hiểm y tế cơ bản cho người dân đô thị; Chương trình bảo hiểm y tế hợp tác nông thôn mới; Chương trình hỗ trợ y tế do ngân sách đảm bảo
4.1. Chương trình bảo hiểm y tế cơ bản cho lao động đô thị
Chương trình này thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhà nước về bảo hiểm y tế cơ bản cho lao động đô thị. Chương trình này yêu cầu đóng góp 2% lương từ người lao động vào tài khoản bảo hiểm y tế cá nhân và 6% từ người sử dụng lao động (trong đó, 70% vào quỹ bảo hiểm y tế chung và 30% vào tài khoản bảo hiểm y tế cá nhân). Tài khoản bảo hiểm y tế cá nhân dùng để chi trả chi phí y tế tối đa 10% mức lương bình quân hàng năm của địa phương, trong khi quỹ bảo hiểm y tế chung chi trả từ 10-600% mức thu nhập hàng năm. Điều trị y tế tại các bệnh viện cấp cao sẽ được thanh toán tỷ lệ ít hơn và ngược lại. Tổng cộng, thanh toán bảo hiểm y tế (cả nội trú và ngoại trú) được giữ vào khoảng 75%. Mức chi vượt 600% phải dựa vào các chương trình bảo hiểm tư nhân hoặc các chương trình bảo hiểm bổ sung, nếu có.
4.2. Chương trình bảo hiểm y tế cơ bản cho cư dân đô thị
Chương trình này dựa trên sự đóng góp của cá nhân và hỗ trợ của chính quyền trung ương và địa phương. Chương trình này bắt đầu từ năm 2007 dưới hình thức tự nguyện. Mức tham gia bảo hiểm của người lớn là từ 150-300 NTD một năm và của trẻ em là từ 50-100 NDT một năm. Mức hỗ trợ của chính phủ là 40 NDT vào năm 2007, tăng lên 120 NDT năm 2010, 200 NDT năm 2011 và 240 NDT năm 2012. Gần đây, Trung Quốc áp dụng bảo hiểm y tế miễn phí cho người già, người tàn tật và người dễ bị tổn thương.
4.3. Chương trình bảo hiểm y tế hợp tác nông thôn mới
Chương trình được bắt đầu từ 2003 dưới hình thức tự nguyện, bao phủ toàn bộ cư dân nông thôn và do cơ quan y tế địa phương phụ trách. Chính phủ trung ương và địa phương tài trợ khoảng 80% phí bảo hiểm, phần còn lại do người dân đóng góp. Vào năm 2010, mức đóng góp bảo hiểm y tế bình quân là 157 NDT, bao gồm 120 NDT cho chính phủ hỗ trợ. Tỷ lệ thanh toán viện phí bình quân là 70% và mức trần thanh toán là 50.000 NDT vào năm 2011.
4.4. Chương trình hỗ trợ y tế
Chương trình hỗ trợ y tế được áp dụng vào năm 2003 ở nông thôn và 2005 ở thành thị dành cho người nghèo, người dễ tổn thương. Nội dung hỗ trợ ban đầu là hỗ trợ viện phí nhưng sau đó được bổ sung một số hình thức hỗ trợ khác.
5. Các hạn chế của mô hình an sinh xã hội Trung Quốc
Mô hình an sinh xã hội của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn về tính bền vững. Trước hết là nguy cơ mất cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội khi số phải tài trợ lũy kế trong 30 năm qua lên tới 6 nghìn tỷ NDT do già hóa dân số và ngân sách nhà nước sẽ không còn hỗ trợ những người trung niên và người già nghỉ hưu. Khi đó, thế hệ lao động hiện tại phải đóng góp lớn hơn để hỗ trợ thế hệ đã nghỉ hưu.
Một vấn đề nữa là sự phân mảnh các chương trình bảo hiểm xã hội ở nông thôn và thành thị, làm hạn chế sự chia sẻ rủi ro, chi phí quản lý cao và tác động phân phối lại thấp. Nó cũng gây khó khăn cho việc di chuyển lao động từ vùng này sang vùng khác với chương trình bảo hiểm khác nhau. Sự khác biệt địa phương cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các chính quyền địa phương về mức phúc lợi và tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho các địa phương. Ngoài ra, mô hình an sinh xã hội của Trung Quốc cũng gặp phải các vấn đề rủi ro đạo đức và lựa chọn đối nghịch với chương trình bảo hiểm tự nguyện. Cuối cùng, quản lý và đầu tư tăng giá trị quỹ bảo hiểm xã hội từ đóng góp như thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề cần chú ý giải quyết.
Bài viết tham khảo:
1. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống an sinh xã hội và những gợi ý với Việt Nam trong giai đoạn mới; Nguyễn Ngọc Toàn – Viện Kinh tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh;
2. Các chính sách an sinh xã hội trọng điểm của Trung Quốc; Bùi Sỹ Lợi TS. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội.