Tìm hiểu dị ứng thực phẩm (Food allergy) (Phần 1) – Ayobody
Bản tóm tắt
- Dị ứng thực phẩm (Food allergies) và bất dung nạp thực phẩm (Food intolerance) là những khái niệm phổ biến ở châu Âu và châu Mĩ, song vẫn có thể rất xa lạ đối với nhiều người châu Á, vì có thể chính chúng ta chưa nhận ra có loại thực phẩm nào gây phản ứng bất thường cho cơ thể chúng ta hay không. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người ở châu Á biết đến 2 khái niệm này hơn dù vẫn còn sự nhầm lẫn. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề dị ứng thực phẩm đầy thú vị trong bài này nhé.
Dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm là phản ứng dị thường của cơ thể trong một khoảng thời gian ngắn ngay sau khi ăn, được kích hoạt bởi hệ miễn dịch (immune system) của cơ thể đối với một số loại thực phẩm nhất định. Dị ứng thực phẩm có thể được di truyền qua các thế hệ.
Tình trạng dị ứng thực phẩm là kết quả của một chuỗi các phản ứng của hệ thống miễn dịch, trong đó có sự kết hợp của dị nguyên và kháng thể. Kháng thể (antibody) là những chất được sản xuất khi cơ thể con người nhận biết được sự xâm nhập của các sinh vật lạ xâm nhập vào. Dị nguyên (allergen) là chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, các dị nguyên có thể là chất lạ gây nguy hiểm đối với người này nhưng lại vô hại với người khác.
Nguyên nhân dẫn đến dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm xảy ra do cơ thể dị ứng với một loại protein có trong thực phẩm đó. Hệ miễn dịch của bạn sẽ kích thích sự hoạt động của các kháng thể IgE và non-IgE (ví dụ histamine) ở trong máu nhận biết và xếp loại protein đó là một vật thể ngoại lai đang đe dọa cơ thể. Sau đó, những kháng thể này tấn công những “vật thể ngoại lai”, tạo ra một số phản ứng dị thường của cơ thể, nếu nặng thì có thể đe doạ đến tính mạng.
Histamine là một hoạt chất mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, đường tiêu hóa, da, hoặc hệ tim mạch. Kết quả của phản ứng này gây ra các triệu chứng dị ứng thực phẩm. Các triệu chứng dị ứng phụ thuộc vào vị trí histamine được tạo thành trong cơ thể. Nếu nó được tạo thành trong tai, mũi, họng, bạn có thể bị ngứa mũi và miệng, hoặc khó thở, khó nuốt. Nếu histamine được tạo thành trên da, bạn có thể bị phát ban hoặc phù nề. Nếu histamine được tạo thành trong đường tiêu hóa, bạn có thể sẽ bị đau dạ dày, đau bụng, hoặc tiêu chảy.
Ai là người có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm?
Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bị dị ứng thức ăn trong cộng đồng dao động 1 – 3% ở người lớn và 4 – 6% ở trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất khó đánh giá rất khó đồng nhất vì mỗi nghiên cứu khác nhau lại sử dụng các phương pháp khác nhau và các biểu hiện của dị ứng thực phẩm cũng biến đổi theo tuổi tác. Ai cũng có nguy cơ dị ứng thực phẩm, và số người bị dị ứng thực phẩm tăng dần theo từng năm. Sự dị ứng thực phẩm cũng bị ảnh hưởng bởi sắc tộc. Ví dụ: tỉ lệ số người bị dị ứng với đậu phộng ở các nước Âu Mĩ sẽ cao hơn ở châu Á.
Các triệu chứng – biểu hiện của dị ứng thực phẩm:
Các triệu chứng của dị ứng thực phẩm có thể từ nhẹ đến nặng, và lượng thức ăn để gây dị ứng có thể khác nhau ở mỗi người, có thể bao gồm:
- Phát ban hoặc mẩn ngứa
- Buồn nôn
- Đau dạ dày
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Sưng, phù mặt, lưỡi, môi
- Khó thở
- Đau ngực
- Khí quản
- Sốc phản vệ
- Mất ý thức
Các loại thực phẩm gây dị ứng:
Các nhà khoa học tại FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã thống kê 8 loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, bao gồm:
- Sữa bò và các thực phẩm từ sữa bò
- Trứng
- Cá
- Các loại hải sản có vỏ và không vỏ (tôm, cua, mực)
- Các loại hạt (hạt óc chó, hạnh nhân, quả hồ đào)
- Đậu phộng
- Lúa mì
- Đậu nành
Tại sao “Sốc phản vệ (Anaphylactic shock)” – một trong những triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể đe doạ tính mạng?
Nếu như sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm không được xử lý kịp thời, có thể dẫn đến tử vong, vì hiện tượng này:
- Cản trở sự lưu thông của không khí đến phổi
- Làm giảm huyết áp nghiêm trọng dẫn đến sốc
- Bị nghẹt thở do cổ họng và khí quản bị sưng phù
Vậy làm cách nào để nhận biết và ngăn chặn dị ứng thực phẩm?
- Xác định đâu là thực phẩm bạn bị dị ứng. Hiện nay, các bệnh viện lớn có cung cấp dịch vụ xét nghiệm dị nguyên để bạn biết chính xác mình bị dị ứng với loại thực phẩm nào.
- Hãy loại bỏ loại thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn của bạn. Đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự dị ứng thực phẩm, do hiện tại chưa có thuốc chữa trị cho dị ứng thực phẩm này. Hãy quyết định việc này một khi đã tham khảo sự tư vấn của bác sĩ nhé.
- Tránh xa các loại thực phẩm gây dị ứng, và những món ăn có nguyên liệu gây dị ứng cho bạn.
- Đọc kĩ nhãn trên bao bì thực phẩm trước khi mua và sử dụng. Hãy đặc biệt chú ý đến dòng chữ: “Sản phẩm có thể chứa (may contain) …”, hoặc “Sản phẩm được sản xuất trên hệ thống có chứa (Produced on a line handling/Manufactured in the same facility as products containing…” để tránh các nguy cơ dị ứng tiềm tàng. Đôi khi, thành phần thực phẩm trên nhãn bao bì sản phẩm sẽ được kê khai dưới một vài tên khác, như:
- Sữa – bột Whey
- Đậu nành – Lecithin
- Gluten (Lúa mì – Bột mì)
Dị ứng thực phẩm có thể tương đối nguy hiểm đến sức khoẻ của bạn và mang tính tức thời. Vì vậy, bạn cần có sự tư vẫn và hỗ trợ của HLV dinh dưỡng cũng như bác sĩ để giúp bạn tránh được các triệu chứng đe doạ đến sức khoẻ.
Nguồn tham khảo:
Brazier, Y. (2020). Food intolerance: Causes, types, symptoms, and diagnosis. Medical news today. Retrieved 21 July 2021, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/263965#diagnosis.
Food Allergies: What You Need to Know. U.S. Food and Drug Administration. (2021). Retrieved 21 July 2021, from https://www.fda.gov/food/buy-store-serve-safe-food/food-allergies-what-you-need-know.
Food allergy 101 | NIH MedlinePlus Magazine. NIH MedlinePlus Magazine. Retrieved 21 July 2021, from https://magazine.medlineplus.gov/article/food-allergy-101.
Food intolerance. National Health Service UK. (2019). Retrieved 21 July 2021, from https://www.nhs.uk/conditions/food-intolerance/.
Li, J. (2020). Food allergy vs. food intolerance: What’s the difference?. Mayo Clinic. Retrieved 21 July 2021, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-allergy/expert-answers/food-allergy/faq-20058538.
Nutritionist resource. Retrieved 21 July 2021, from https://www.nutritionist-resource.org.uk/articles/allergy-intolerance.html#furtherhelp.