Tiểu luận luật hành chính – Hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

MỞ ĐẦU

Luật
hành chính là ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh
trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Xử lí các cá nhân, tổ
chức có hành vi vi phạm trật tự quản lí hành chính hay nói ngắn
gọn là hoạt động xử phạt vi phạm hành chính là một trong những nội
dung của các quan hệ xã hội mà luật hành chính điều chỉnh. 

Vi
phạm hành chính cũng như mọi hành vi trái pháp luật khác đều là
những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến quan hệ xã hội
được pháp luật nói chung và luật hành chính nói riêng bảo vệ. Để
pháp luật được đảm bảo tôn trọng và thực hiện một cách triệt để
thì các hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời và
xử lý nghiêm minh. Xã hội càng phát triển tình hình vi phạm hành
chính diễn ra càng gia tăng, đa dạng và phức tạp cả về số lượng
cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Chính
vì thế cần có các hình thức xử phạt vi phạm hành chính phù hợp
với tình hình thực tế để bảo vệ trật tự pháp luật, không ngừng
nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Hoạt
động xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện trên cơ sở pháp
luật hay nói cách khác phải được luật hóa để trở thành công cụ hỗ
trợ đắc lực trong việc quản lí hành chính nhà nước. Bên cạnh đó,
để thực hiện một cách hiệu quả hoạt động xử phạt vi phạm hành chính
thì hệ thống pháp luật  cần phải được không ngừng hoàn thiện.
Chính vì lí do này mà em xin chọn đề tài: “Phân tích các quy định
của pháp luật hiện hành về hình thức xử phạt vi phạm hành chính
và chỉ ra sự kế thừa, phát triển của các quy định này so với Pháp
lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007,
2008). 

NỘI DUNG

I. Một số vấn đề lí luận chung

1. Khái niệm vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm
hành chính, hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1.1. Khái niệm vi phạm hành chính

Vi
phạm hành chính là loại vi phạm pháp luật xảy ra khá phổ biến trong
đời sống xã hội. Tuy mức độ nguy hiểm cho xã hội của nó thấp hơn so
với tội phạm nhưng vi phạm hành chính là hành vi gây thiệt hại hoặc
đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tập thể, lợi ích
của cá nhân cũng như lợi ích chung của toàn thể cộng đồng. 

Định
nghĩa vi phạm hành chính lần đầu tiên được nêu ra trong Pháp lệnh xử
lí vi phạm hành chính ngày 30/11/1989. Định nghĩa này lần lượt được
sửa đổi trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 và Pháp
lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002. Và theo quy định của pháp
luật hiện hành, Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông
qua năm 2012 định nghĩa: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá
nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà
nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải
bị xử phạt vi phạm hành chính.”

1.2. Khái niệm xử phạt vi phạm hành chính

Theo
định nghĩa tại khoản 2 Điều 2 Luật xử lí vi phạm hành chính, Xử
phạt vi phạm hành chính được hiểu là: “việc người có thẩm quyền xử phạt
áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức
thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi
phạm hành chính.”

Hoạt
động xử phạt hành chính có những đặc điểm cụ thể sau:

• Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với
cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nói
cách khác, vi phạm hành chính là cơ sở để tiến hành hoạt động xử
phạt vi phạm hành chính.

• Xử phạt hành chính được tiến hành bởi các chủ
thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Luật xử phạt vi phạm
hành chính và các văn bản pháp luật khác có quy định về xử phạt
hành chính quy định cụ thể các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính, hình thức, mức độ xử phạt hành chính mà họ được
phép áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.

• Xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành theo
những nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định trong các văn bản
pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính do các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền ban hành. 

• Kết quả của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính
thể hiện ở quyết định xử phạt vi phạm hành chính ghi nhận các hình
thức, biện pháp xử phạt áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân vi
phạm hành chính. 

1.3. Khái niệm hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Hình
thức xử phạt vi phạm hành chính được hiểu là các biện pháp cưỡng
chế nhà nước áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện vi
phạm hành chính nhiều lần. Việc áp dụng các hình thức xử phạt vi
phạm hành chính sẽ đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi
phạm hành chính. Trách nhiệm pháp lý này là hậu quả pháp lý bất
lợi mà chủ thể vi phạm hành chính phải gánh chịu trước nhà nước.
Hậu quả pháp lý bất lợi đó có thể là sự thiệt hại về tài sản
hoặc tinh thần hay bị hạn chế về các quyền yêu cầu pháp lý của chủ
thể. 

Qua
hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhà nước thể hiện mức độ
cưỡng chế đối với chủ thể vi phạm hành chính, đó là: thể hiện sức
mạnh cưỡng chế xuất phát từ tính tổ chức quyền lực nhà nước, được
xác định bởi pháp luật và chỉ được áp dụng bởi các chủ thể có
thẩm quyền, trong những trường hợp do pháp luật quy định. 

Theo
pháp luật hiện hành, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
gồm: 

• Cảnh cáo

• Phạt tiền

• Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành
nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn

• Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện
được sử dụng để vi phạm hành chính

• Trục xuất

II. Các quy định của pháp luật hiện hành về hình
thức xử phạt vi phạm hành chính. Sự kế thừa và phát triển của các
quy định này so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa
đổi, bổ sung năm 2007, 2008).

1. Cảnh cáo

1.1. Quy định của pháp luật hiện hành

Hình
thức phạt cảnh cáo được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 và cụ
thể tại Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo Điều 23 Luật xử
lý vi phạm hành chính quy định:

“Cảnh
cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm
trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt
cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên
từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn
bản.”

Từ
đây ta có thể nhận thấy chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng
hình thức cảnh cáo có thể chia làm 2 loại: một là cá nhân, tổ chức
vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo
quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo; hai là người
chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện mọi hành vi
vi phạm hành chính. 

Như
vậy, chỉ có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với cá
nhân từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc tổ chức vi phạm hành chính khi có
đủ các điều kiện sau:

• Thứ nhất, hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân
thực hiện được pháp luật quy định là có thể áp dụng hình thức xử
phạt cảnh cáo. Điều này đồng nghĩa nếu hành vi vi phạm mà tổ chức,
cá nhân thực hiện không được pháp luật quy định là có thể áp dụng
hình thức xử phạt cảnh cáo mà quy định chỉ có thể bị áp dụng
hình thức xử phạt khác (như phạt tiền) thì không được phép áp dụng
hình thức xử phạt cảnh cáo.

• Thứ hai, việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo
đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi
đó là vi phạm không nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ theo quy
định của pháp luật. (cụ thể ở đây là những tình tiết giảm nhẹ
được quy định tại Điều 9 Luật xử lí vi phạm hành chính.)

1.2. Sự kế thừa và phát triển 

Điều
13 Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 có quy định:

“Cảnh
cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ,
lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm do
người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh
cáo được quyết định bằng văn bản.”

So
với Điều 13 của Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính, ta có thể nhận
thấy, Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính đã thay cụm từ “vi phạm
hành chính nhỏ, lần đầu” bằng cụm từ: “vi phạm hành chính không
nghiêm trọng” và bổ sung thêm cụm: “theo quy định thì bị áp dụng hình
thức xử phạt cảnh cáo”. Có thấy ở quy định mới có sự phát triển
hơn, luật không giới hạn ở số lượng, nghĩa là chỉ xử phạt cảnh cáo
đổi với vi phạm lần đầu mà chỉ giới hạn về tính chất, mức độ vi
phạm “không nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, luật còn bổ sung thêm hành vi
vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt cảnh cáo nếu hành vi đó được quy
định là có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.  Sự thay
đổi này đã khắc phục tính cứng nhắc của quy định cũ, đồng thời
làm chặt chẽ hơn luật mới. Chỉ những hành vi có quy định áp dụng
hình thức xử phạt cảnh cảo mới được phạt cảnh cáo, những hành vi
không có  quy định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo thì không
được phép phạt cảnh cáo. Quy định này khẳng định nguyên tắc pháp
chế trong quản lí hành chính nhà nước, góp phần tạo nên sự thống
nhất trong hệ thống pháp luật. 

2. Phạt tiền

2.1. Quy định của pháp luật hiện hành

Phạt
tiền là hình thức xử phạt chính được quy định tại Điều 23 Luật xử
lý vi phạm hành chính năm 2012. Khoản 1 Điều 23 quy định:

“Mức
phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000
đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với
tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật
này. 

Đối
với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức
phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung
áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông
đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.” 

Bên
cạnh việc quy định chung về mức phạt tiền tại khoản 1 Điều 23, Luật
xử lí vi phạm hành chính còn quy định về mức phạt tối đa trong các
lĩnh vực quản lí nhà nước căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm.
Ví dụ như:

• Phạt tiền đến 30.000.000 đồng nếu vi phạm hành
chính trong các lĩnh vực: hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; bạo
lực gia đình; lưu trữ; tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư
pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê.

• Phạt tiền đến 40.000.000 đồng được áp dụng đối
với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: an ninh trật tự,
an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá
sản doanh nghiệp; hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử;
bưu chính.

• Phạt tiền đến 75.000.000 đồng được áp dụng đối
với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: quốc phòng, an
ninh quốc gia; lao động; dạy nghề; giao thông đường sắt; giao thông
đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội.

• Phạt tiền đến 150.000.000 đồng áp dụng cho hành vi
vi phạm hành chính trong lĩnh vực: quản lí giá, kinh doanh bất động
sản; khai thác; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công
trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu
thầu; đầu tư.

• Phạt tiền đến 200.00.000 đồng khi vi phạm hành
chính trong lĩnh vực: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả. 

Việc
lựa chọn, áp dụng mức tiền phạt đối với người vi phạm phải trong
khung phạt cụ thể được văn bản pháp luật quy định cho loại vi phạm
đã thực hiện theo hai cách: Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối
với một hành vi  vi phạm hành chính là mức trung bình của khung
tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm
nhẹ thì mức phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức
tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức
tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của
khung tiền phạt. 

Ngoài
ra pháp luật cũng quy định về việc lựa chọn, áp dụng mức tiền phạt
đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính có những nét đặc
thù riêng biệt. Cụ thể: Người từ đủ 14 tuổi đến dươics 16 tuổi vi
phạm hành chính chỉ bị phạt cảnh cáo, không bị phạt tiền; Người từ
đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì có thể áp dụng
hình thức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 22 Luật
xử phạt vi phạm hành chính. 

2.2. Sự kế thừa và phát triển

So
với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung
năm 2001, 2008) ta có thể thấy điểm tiến bộ rõ rệt của chế định
phạt tiền trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. 

Điểm
đầu tiên có thể nhận thấy là ở số lượng điều luật. Nếu như trong
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 chế định phạt tiền chỉ
được quy định trong 1 điều luật (Điều 14) bao gồm cả quy định chung về
mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lí
nhà nước thì đến Luật xử lý vi phạm hành chính chế định này được
tách ra làm 2 điều luật riêng biệt (Điều 23, Điều 24). Điều 23 quy
định về chung về mức phạt tiền, Điều 24 quy định về mức phạt tiền
tối đa trong các lĩnh vực quản lí nhà nước.

Điểm
tiến bộ rõ rệt nhất là nội dung của các điều luật. Ở Pháp lệnh
xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi, bổi sung năm 2007, 2008) phần
quy định chung về mức phạt tiền chỉ quy định: “Mức phạt tiền trong
xử phạt vi phạm hành chính là từ 10.000 đồng đến 500.000.000 đồng”;
còn Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 không chỉ quy định mức phạt
tiền chung mà còn cụ thể hơn là chia ra mức phạt tiền trong xử phạt
hành chính đối với cá nhân và đối với tổ chức. Đối với cá nhân là
từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; đối với tổ chức là từ 100.000
đồng đến 2.000.000.000 đồng. Không chỉ quy định mức phạt riêng cho cá
nhân và tổ chức mà mức độ phạt tiền cũng lớn hơn rất nhiều so với
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002. Bên cạnh đó, Luật xử lý vi
phạm hành chính năm 2012 còn quy định thêm việc tăng mức xử phạt đối
với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương (Đoạn

Khoản
1 Điều 23) cùng với đó là việc quy định cụ thể về thẩm quyền của
Chính phủ trong việc quy định khung tiền phạt, mức tiền phạt đối với
hành vi vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 23); thẩm quyền của Hội
đồng nhân dân trong việc quyết định khung tiền phạt, mức tiền phạt đối
với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1
điều 23. 

Ta
cũng có thể nhận thấy có sự thay đổi trong quy định mức phạt tối đa
cho hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lí nhà nước.
Nhìn chung, mức tiền phạt tối đa cho các hành vi vi phạm đều tăng, ví
dụ như hành vi  vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật
tự, an toàn xã hội theo Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002
(sửa đổi, bổ sung năm 2008) bị phạt tối đa đến 30.000.000 đồng thì
theo Luật xử lí vi phạm hành chính, hành vi này sẽ bị phạt tối đa
đến 40.000.000 đồng; tương tự, vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng
cháy, chữa cháy theo Pháp lệnh  năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm
2007, 2008) bị phạt tối đa đến 30.000.000 đồng, còn theo Luật xử lí vi
phạm hành chính sẽ bị phạt tối đa lên đến 50.000.000 đồng. Mặt khác,
Luật xử lí vi phạm hành chính còn bổ sung thêm mức phạt tối đa cho hành
vi vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực khác mà Pháp lệnh xử lý
vi phạm hành chính năm 2002 sửa đổi, bổ sung chưa quy định, như: sản
xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý các vùng biển, đảo và
thềm lục địa của nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam; quản lú hạt nhân và
chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử,…

Còn
nhiều điểm tiến bộ và phát triển của Luật xử lí vi phạm hành
chính năm 2012 so với Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002
(sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) nhưng trong giới hạn dung lượng, phạm
vi bài tập, em chỉ xin nêu ra một số những điểm tiến bộ cơ bản
trên. 

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành
nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn

3.1. Quy định của pháp luật hiện hành

Theo
khoản 1 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: “Tước quyền sử
dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử
phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các
hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời
gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân,
tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép,
chứng chỉ hành nghề.” 

Tước
quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề do những người có
thẩm quyền được pháp luật quy định áp dụng đối với cá nhân, tổ
chức vi phạm. Pháp luật quy định rõ ai có thẩm quyền được tước
quyền sử dụng những loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề nào. Trong
trường hợp xử lí vụ việc vi phạm hành chính nếu phát hiện giấy
phép, chứng chỉ hành nghề cấp không đúng thẩm quyền hoặc giấy phép
có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải
tiến hành thu hồi ngay đồng thời báo cho cơ quan nhà nước có thẩm
quyền biết. 

3.2. Sự kế thừa và phát triển

Tại
quy định về Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có
thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, Luật xử lí vi phạm
hành chính có quy định thêm về nội dung đình chỉ hoạt động có thời
hạn (đây là nội dung mà Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002
sửa đổi, bổ sung chưa đề cập tới). Song song với việc bổ sung nội
dung này, Luật còn quy định cụ thể trường hợp nào thì cá nhân, cơ
quan có thẩm quyền được phép đình chỉ hoạt động có thời hạn (Ví dụ
như tại điểm a khoản 2 Điều 25: “Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu
quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng
đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có
giấy phép.”)

Luật
cũng đã khắc phục được điểm hạn chế của Pháp lệnh xử lí vi phạm
hành chính ở việc quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép,
chứng chỉ hành nghề. Cụ thể: tại khoản 3 điều 25 quy định thời hạn
tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình
chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử
phạt có hiệu lực thi hành. 

4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

4.1. Quy định của pháp luật hiện hành

Điều
26 Luật xử lí vi phạm hành chính quy định: “Tịch thu tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật,
tiền, hàng hóa, phương tiên có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành
chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiệm trong do lỗi
cố ý của cá nhân, tổ chức.” 

Như
vậy, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành
chính là việc người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng biện
pháp tịch thu để sung vào công quỹ nhà nước các tài sản, vật dụng,
hàng hóa, tiền bạc… dùng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính
hoặc vi phạm hành chính mà có. Thẩm quyền, thủ tục tịch thu tang
vật, phương tiện vi phạm hành chính được pháp luật quy định cụ thể.

4.2. Sự kế thừa và phát triển

Có
thể thấy sự phát triển của chế định này trong Luật xử lí vi phạm
hành chính năm 2012 là ở chỗ: Luật quy định tịch thu tang vật, phương
tiện có liên quan đến vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với vi
phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Đây
là nội dung mà Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính chưa đề câp tới.
Mặt khác, Luật còn dành ra riêng một điều luật (Điều 82) để quy định
về việc xử lí tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu,
như quy định về việc xử lí đối với từng loại tang vật, phương tiện
vi phạm bị tịch thu (tang vật vi phạm là tiền Việt Nam, ngoại tệ xử
lí khác so với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan đến tang vật,
phương tiện vi phạm.); quy định về thủ tục xử lý, thời hạn xử lí,
chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi
phạm, phí bán đấu giá…

5. Trục xuất

Điều
27 Luật xử lí vi phạm hành chính quy định: 

“1.
Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi
phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.
Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng hình thức xử phạt trục
xuất.”

Trục
xuất là việc buộc người nước ngoài vi phạm hành chính trên lãnh thổ
Việt Nam phải rời khỏi Việt Nam. Trục xuất vừa là hình phạt chính
vừa là hình thức phạt bổ sung. Trục xuất là hình thức phạt chính
khi được áp dụng độc lập hoặc áp dụng cùng với hình thức phạt bổ
sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Hình thức này là hình thức
phạt bổ sung khi được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính
khác. 

KẾT LUẬN

Vi
phạm hành chính là một vi phạm pháp luật mang tính nguy hiểm cho xã
hội, đặc biệt trong giai đoạn nước ta đang trong quá trình đổi mới
thì việc áp dụng đúng pháp luật nói chung và pháp luật về xử phạt
hành chính nói riêng sẽ góp phần tích cực vào quá trình đổi mới
đất nước, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, tăng cường hiệu
quả của quản lý nhà nước. Việc quy định cụ thể, chi tiết về các
hình thức xử lý vi phạm hành chính góp phần quan trọng trong quá
trình hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các hình
thức xử lý vi phạm hành chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ
quan có thẩm quyền trong quản lí hành chính nhà nước. Việc tuyên
truyền về pháp luật nói chung và pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính nói riêng cho người dân là một việc làm cần thiết. Nó không
chỉ nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật mà còn giáo dục
người dân biết những điều cấm của pháp luật để không phạm vào những
điều cấm đó. 

DANH MỤC TÀI LIỆU
THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Trường Đại
học Luật Hà Nội, Nxb Công An nhân dân.

2. Luật xử lí vi phạm hành chính năm 2012

3. Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002.

4. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp
lệnh xử lý vi phạm hành chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội số
04/2008/UBTVQH12 ngày 2 tháng 4 năm 2008.

5. Luận văn tốt nghiệp: Hoàn thiện pháp luật về các
hình thức xử phạt vi phạm hành chính, Ngô Thị Minh Hà, 2011.