Tiêu chuẩn 10 bước kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền cho KCS

22.03.2021
8963
hongthuy95

Tương tự như mục đích kiểm tra chất lượng giày thành phẩm, các mặt hàng may mặc hoàn chỉnh cũng cần đảm bảo chất lượng như mẫu đối và yêu cầu của đơn hàng để xuất xưởng. Do đó, khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm trên chuyền là vô cùng quan trọng và cần thiết.

tiêu chuẩn các bước kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền
Nhân viên KCS sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền

Tại sao phải kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền?

Rõ ràng, việc kiểm tra để đảm bảo chất lượng hàng đạt yêu cầu theo hợp đồng để thuận lợi gói hàng và xuất xưởng, tránh trường hợp bị lẫn hàng kém chất lượng, chưa đạt, bị hư, hỏng, rách, nhăn ảnh hưởng đến chất lượng hàng nhận cũng như uy tín của doanh nghiệp, dễ dẫn đến đền hợp đồng, mất khách… Ngoài ra, việc dành thời gian để phát hiện và chỉ ra lỗi sai rồi trả ngược về sửa chữa làm tốn thời gian, chậm hiệu suất trên chuyền, sản xuất chậm trễ.

Ai là người kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền?

Chính là KCS chuyền/ nhân viên KCS may mặc hay QC. Tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức nhân sự tại mỗi xưởng, xí nghiệp, nhà máy sẽ quy định nhiệm vụ kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền cho vị trí/ tên gọi nào. Nhiệm vụ chính của vị trí này là kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, ngăn ngừa những sai hỏng không mong muốn của sản phẩm xảy ra trong quá trình sản xuất.

Nội dung kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền và tiêu chuẩn cụ thể

Dựa vào quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu đối, bảng phối màu, bảng hướng dẫn sử dụng nguyên phụ liệu và một số tài liệu liên quan khác để tiến hành kiểm tra, đối chiếu sản phẩm may hoàn tất với mẫu đối và hợp đồng đơn hàng.

– Kiểm tra chất lượng bán thành phẩm

Dựa vào tiêu chuẩn kỹ thuật được yêu cầu – kiểm tra chất lượng bán thành phẩm xem có bị lỗi sợi, sùi chỉ, cắt sai/ lệch, bám bẩn không… trước khi cho lên chuyền

– Kiểm tra nguyên phụ liệu

Kiểm tra, đối chiếu số lượng nguyên phụ liệu nhập về có khớp với kế hoạch sản xuất trên chuyền không. Kiểm tra trước khi sản xuất và được kiểm tra lại sau khi đã may thành sản phẩm để đánh giá xem có đạt yêu cầu hay không, về quy cách, màu sắc, chất liệu, phẩm chất…

– Kỹ thuật lắp ráp

Kiểm tra xem các bước lắp ráp có đúng với quy trình công nghệ không; chú ý vị trí các chi tiết lắp ráp, đường may diễu, điểm đối xứng…

tiêu chuẩn các bước kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền
Kiểm tra để phát hiện lỗi, phân loại để đóng gói hoặc chỉnh sửa

– Đường kim mũi chỉ

Dựa vào hàng mẫu, cách sử dụng kim, quy cách mật độ mũi chỉ – kiểm tra các đường may, đường diễu có đúng yêu cầu không. Yêu cầu đường may phải thẳng, không vặn, nhăn, lỏng, bung sút; cự ly đường may, mật độ chỉ đúng quy định

– Thông số kích thước

Kiểm tra xem hàng may có khớp với thông số kích thước theo yêu cầu, các chi tiết đối xứng có khớp không bằng cách đo bằng thước. Lưu ý: khi đo cần để sản phẩm lên mặt phẳng, trải và vuốt êm tối đa rồi mới đặt thước đúng theo vị trí may để đo cho chính xác. Kiểm tra từng công đoạn may và kiểm tra lại sau khi may thành sản phẩm hoàn chỉnh.

– Sự đồng màu

Kiểm tra xem các chi tiết trên sản phẩm có đồng màu không, trường hợp sản phẩm mẫu có nhiều màu thì kiểm tra xem vị trí màu và phối màu có khớp không

– In, thêu

Trường hợp sản phẩm có in, thuê họa tiết, chi tiết cần kiểm tra xem có khớp với mẫu đối không, về: vị trí, hình dáng, màu, kỹ thuật…

– Vệ sinh công nghiệp

Kiểm tra để chắc chắn rằng trên sản phẩm hoàn tất không còn các chi tiết thừa, như: đinh kẹp, kim gút, kim may, đốm bảng, biến màu, vết xước, vết bẩn, giấy, chỉ thừa…

– Gấp, ủi

Sản phẩm sau khi kiểm tra và kết luận đạt phải được ủi phẳng toàn bộ, không bị xếp nếp, ố vàng, bẩn và được gấp đúng kỹ thuật, cân xứng các chi tiết.

– Đóng gói

Kiểm tra để chắc chắn các thông tin in trên bao bì là đầy đủ và chính xác; kiểm tra quy cách in thùng, chất lượng thùng, keo dán thùng, nẹp đai thùng… đạt chuẩn

tiêu chuẩn các bước kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền
Sản phẩm đạt sẽ được chuyển đóng gói, đóng kiện để xuất xưởng

Nguyên tắc kiểm tra chất lượng hàng may trên chuyền

– Nhân viên KCS/ QC cần nắm vững tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, quy chế sản xuất, mẫu chuẩn, yêu cầu của khách hàng theo hợp đồng để kiểm tra, đối chiếu tại chỗ hiệu quả, kịp thời phát hiện lỗi sai để sửa chữa, khắc phục nếu có.

– Thông thường, mỗi người sẽ phải tự kiểm tra công đoạn may của mình, người làm sau kiểm tra chất lượng may của người làm trước và KCS/ QC kiểm tra tổng quát lại 100%, đảm bảo sản phẩm ở bước kiểm tra cuối không bị lỗi hoặc lỗi ít nhất

– Giữ nguyên hiện trạng ban đầu của sản phẩm kiểm, tránh tác động làm thay đổi chất lượng như tháo rút đường chỉ, tháo gỡ đường may, tẩy xóa vết bẩn…

– Cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác trong suốt quá trình thực hiện, đảm bảo không sót lỗi ảnh hưởng đến chất lượng đơn hàng

– Ghi chép sai hỏng chi tiết (nếu có) vào từng phiếu cho từng sản phẩm kiểm tra, tránh xáo trộn, sai lệch…

Ms. Công nhân

(tổng hợp)