Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa [Cập nhật 2022]
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là chuẩn mực được đặt ra với mục đích sử dụng để đánh giá hoặc kiểm định quy mô của doanh nghiệp có phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa không. Vậy những tiêu chí này được pháp luật hiện hành quy định như thế nào, hãy cùng Luật Nam Sơn tìm hiểu trong bài viết dưới đây:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì ?
Hiện nay, trên thế giới chưa có khái niệm chung thống nhất về doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, tùy điều kiện, quy mô nền kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia mà định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được tiếp cận theo các góc độ và tiêu chí khác nhau.
Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ.
Tại Việt Nam, thời điểm năm 2001, do nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải có khái niệm để thuận tiện cho việc quản lý và định hướng phát triển, Nghị định số 90/2001/NĐ-CP lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người.”
Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên).”
Tuy nhiên, những định nghĩa này chỉ mang tính chất tương đối, phù hợp với thực tiễn tại thời điểm đó. Trải qua quá trình áp dụng, do tồn tại nhiều hạn chế và không còn khả năng bao quát nên định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị xóa bỏ. Thay vào đó, các nhà làm luật chỉ nêu ra các tiêu chí để xác định quy mô doanh nghiệp. Đây được xem những quy định hoàn chỉnh để “định nghĩa” doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định các tiêu chí dùng để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được dựa trên số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tổng vốn hoặc tổng doanh thu năm trước liên kề. Cụ thể, Điều 5 nghị định này quy định như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ
* Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:
- Quy mô lao động: Số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người;
- Tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
* Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
- Quy mô lao động: Số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người;
- Tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ
* Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:
- Quy mô lao động: Số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người;
- Tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.
* Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
- Quy mô lao động: Số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người;
- Tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.
Doanh nghiệp vừa
* Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:
- Quy mô lao động: Số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người;
- Tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định.
* Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
- Quy mô lao động: Số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người;
- Tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định.
Như vậy, Luật Nam Sơn đã giải đáp thắc mắc của các bạn về TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NĂM 2022. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Luật Nam Sơn để được hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư giàu kinh nghiệp khác.
Điện thoại: 1900.633.246
Gmail: [email protected]