Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là bệnh lý thường gặp, gây ra bởi nhiều nguyên nhân như tác dụng phụ với thuốc, dị ứng với thức ăn, nhiễm trùng, nhiễm virus,… 

Khi mắc bệnh, trẻ thường sẽ ăn ít hơn, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng thấp. Do đó, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng và mất nước nghiêm trọng.. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

nguyên nhân triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tiêu chảy cấp ở trẻ là gì?

Tiêu chảy cấp ở trẻ tình trạng bé đi tiêu nhiều lần hơn bình thường, ≥ 3 lần/ngày, lượng dịch trong phân của bé thay đổi khiến phân lỏng như nước hoặc giống đàm máu. Tình trạng này kéo dài không quá 14 ngày. 

Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh đang còn được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, bé thường sẽ đi tiêu sau bữa bú, không sốt, bú nhiều và chơi đùa vui vẻ thì bé vẫn đang hoàn toàn bình thường, không bị tiêu chảy cấp. Nếu bé đi tiêu 5-7 lần/ngày, phân sệt, có mùi chua, hơi xanh nghĩa là đường tiêu hóa của bé có vấn đề: trẻ có thể bị tiêu chảy cấp.

Khi trẻ bị tiêu chảy, bé cần được kiểm tra nguyên nhân, chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng cách vì đây có thể là bệnh nhưng cũng có thể là triệu chứng của cách vấn đề về tiêu hóa. 

trẻ bị tiêu chảy cấp có tần suất đi vệ sinh nhiều

Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tiêu chảy cấp ở trẻ em được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do siêu vi. Dưới đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ:

  • Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm trùng đường ruột, được gây ra bởi các tác nhân gây bệnh, bao gồm:
    • Virus:

      Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến và nguy hiểm nhất – thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ nếu chưa được phòng ngừa bằng vaccine. Ngoài ra còn có Astroviruses, Adenoviruses,

      Norwalk Virus,

      Parvoviruses, Noroviruses, Caliciviruses;

    • Vi khuẩn gây nhiễm trùng: Bacillus, Campylobacter jejuni, lỵ trực khuẩn, thương hàn, Clostridium botulinum, E. coli, Listeria monocytogenes, Salmonella spp, Shigella spp, Staphylococcus aureus, Vibrio cholerae, Yersinia enterocolitica…;

    • Ký sinh trùng: Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Toxoplasma gondii, …;

  • Trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm trùng ngoài ruột: nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não , tay chân miệng, sởi,…;

  • Một số nguyên nhân khác: dị ứng thức ăn (thường là sữa bò, lạc, hải sản, trứng,…), tác dụng phụ của thuốc (thường là các loại thuốc kháng sinh, nhuận tràng hay thuốc kháng virus), hóa trị, xạ trị, rối loạn khả năng tiêu hóa và hấp thu, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin hoặc một số bệnh lý ngoại khoa khác…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiêu chảy cấp ở trẻ: 

  • Trẻ từ 6-11 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm;

  • Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ trong khoảng 4-6 tháng đầu tiên, cai sữa sớm;

  • Nguồn thức ăn và nước uống không đảm bảo vệ sinh;

  • Trẻ suy dinh dưỡng, ốm yếu, suy giảm miễn dịch do HIV hoặc sau khi hết bệnh sởi;

  • Không đảm bảo vệ sinh trước khi chuẩn bị thức ăn cho bé, cho bé ăn và sau khi dọn phân cho bé;

  • Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển: mùa đông, virus Rota phát triển và lây lan nhanh chóng, gây tiêu chảy cho bé, còn mùa hè trẻ dễ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn;

rotavirus gây tiêu chảy cấp ở trẻ em

Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em

Triệu chứng điển hình nhất của tiêu chảy cấp tính là trẻ đi tiêu phân lỏng với tần suất nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, tần suất đi tiêu và tính chất phân của trẻ cần được đánh giá dựa trên độ tuổi, loại thức ăn của bé.

  • Đối với trẻ sơ sinh, dưới 6 tháng tuổi, tần suất đi tiêu bình thường của bé dao động trong khoảng 3-10 lần/ngày. Phân của bé mềm, có màu xanh lá, vàng hoặc nâu, có thể có hạt nhỏ màu trắng lộm cộm trong phân;

  • Phân của bé bú sữa mẹ sẽ lỏng hơn, bé đi tiêu nhiều hơn so với bé uống sữa công thức;

  • Trẻ trên 1 tuổi thường sẽ đi tiêu 1-2 lần/ ngày. Phân của bé mềm, thành khuôn.

Bên cạnh đó, khi trẻ bị tiêu chảy cấp, phân của bé lỏng, nhiều nước, có mùi hôi, tanh khó chịu. Đồng thời, bé cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc, sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn. 

Điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

Trẻ có các biểu hiện tiêu chảy cấp cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt, tránh kéo dài khiến trẻ bị rối loạn điện giải, mất nước nghiêm trọng và gây nguy hiểm đến sức khỏe và mạng sống của bé. 

Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ cung cấp thông tin về các triệu chứng mà bé đã có như: 

  • Thời điểm bé bắt đầu đi ngoài phân lỏng;

  • Tần suất đi tiêu của bé;

  • Sự thay đổi về màu sắc, độ đặc của phân;

  • Bé có nôn không, số lần nôn của bé, thời điểm bé nôn;

  • Bé đã tiêm vacxin chưa;

  • Bé có đang sử dụng thuốc gì không;

  • Chế độ dinh dưỡng của bé như thế nào;

  • Bé có sốt, khóc nhiều, khát nước, chảy mủ tai, sổ mũi hay phát ban không,….

Sau khi đã nắm bắt được tình hình và biểu hiện bệnh của bé, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp để kiểm tra chính xác mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh của trẻ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp:

  • Xét nghiệm điện giải đồ nhằm đánh giá mức độ mất nước của trẻ;

  • Xét nghiệm CTM, CRP được thực hiện khi trẻ sốt và nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn, có dấu hiệu mất nước;

  • Soi, cấy phân được thực hiện khi nghi ngờ bé bị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn;

  • Soi tươi phân để tìm ký sinh trùng;

  • Siêu âm bụng khi trẻ bị đau bụng, phân lẫn máu, nôn nhiều;

  • chụp X-quang bụng nếu bé bị chướng bụng, X-quang phổi khi nghi ngờ bé bị viêm phổi…

Sau khi đã biết được nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tiêu chảy cấp cho bé. Các phương pháp điều trị này đều dựa trên nguyên tắc bù nước và điện giải.

  • Đối với trẻ bị tiêu chảy cấp ở mức độ nhẹ, không bị mất nước: Trẻ nên duy trì chế độ dinh dưỡng bình thường;

  • Đối với trẻ bị mất nước, bé cần được bù lại lượng nước đã mất. Sau khi đã được bù đủ nước, bé có thể tiếp tục với đề độ dinh dưỡng hằng ngày. Một số cách để bù nước, giảm nhẹ các triệu chứng tiêu chảy cấp của trẻ:

  • Liệu pháp bù nước qua đường uống (ORT): Đây là phương pháp bù nước dễ thực hiện, an toàn và tiết kiệm, được dùng để thay thế cho truyền dịch tĩnh mạch. Trong thành phần của dung dịch bù nước (ORS) có chứa glucose và một số chất điện giải bao gồm natri, kali, clorua với tỷ lệ phù hợp nhằm thay thế lượng nước và chất điện giải bị mất đi do các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy gây ra. 

  • Nếu trẻ không đáp ứng với liệu pháp bù nước qua đường uống, thậm chí là rơi vào trạng thái hôn mê, bác sĩ có thể chỉ định bù đường bằng phương pháp truyền dịch qua đường tĩnh mạch;

  • Sử dụng thuốc hỗ trợ: thuốc chống nôn, thuốc chống tiêu chảy

    ,

    thuốc hỗ trợ hệ tiêu hóa, Probiotic…

trẻ bị tiêu chảy cần được điều trị sớm

Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp

Trong một số trường hợp, sau khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, và có sự đồng ý của bác sĩ về việc chăm sóc bé tại nhà, mẹ có thể thực hiện những cách sau để điều trị tiêu chảy cấp cho bé:

  • Cho bé uống đủ nước. Mẹ có thể cho bé uống dung dịch bù nước (ORS) theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, mẹ có thể cho bé uống thêm nước trái cây để cung cấp vitamin và bổ sung nước cho cơ thể. Trung bình một ngày bé cần uống 8-12 cốc nước, tương đương với 2-3 lít nước để bù lại lượng nước và điện giải đã mất đi;

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng bình thường, đầy đủ và khoa học cho bé. Mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn đẻ bé dễ tiêu hóa. 

    • Đa số, trẻ bị tiêu chảy cấp (không dị ứng với sữa bò) đều có thể tiêu hóa các sản phẩm sữa bò nguyên chất nên mẹ không cần pha loãng sữa;

    • Mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, kết hợp các thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp (gạo, lúa mì, khoai tây,…), thịt nạc, trái cây, rau xanh,… tránh chế độ ăn BRAT (viết tắt của chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng – Bananas, Rice, Applesauce and Toast), chỉ cho uống chất lỏng khiến bé thiếu chất, suy dinh dưỡng;

    • Tránh cho trẻ dùng các thực phẩm chứa các chất béo khó hấp thụ, các thức uống thể thao chứa nồng độ glucose và điện giải không phù hợp;

    • Bổ sung men vi sinh nhằm cung cấp lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa.

Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

Để ngăn ngừa và hạn chế sự lây lan bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ, bố mẹ nên lưu ý:

  • Trước và sau khi chăm sóc cho bé, mẹ cần rửa tay và khử khuẩn cẩn thận. Trẻ mắc bệnh và trong thời gian điều trị tiêu chảy cấp cần được chữa khỏi hoàn toàn trước khi đến trước hoặc nhà trẻ;

  • Khi xử lý phân của trẻ, tã và giấy lau cần được xử lý cẩn thận, quần áo, khăn, nệm dính phân cầm được giặt sạch;

  • Thức ăn cho bé cần có nguồn gốc rõ ràng, hợp vệ sinh, được nấu chín kỹ;

  • Không cho bé ăn lại thức ăn đã cũ.

Những lưu ý cho mẹ khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp ở trẻ em cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý mẹ cần biết khi trẻ bị tiêu chảy cấp. 

1. Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện

Mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị ngay khi bé có một trong các triệu chứng sau:

  • Phân lẫn máu;

  • Trẻ có các dấu hiệu mất nước: rất khát, môi, da khô, khóc không có nước mắt…

  • Bỏ ăn, uống;

  • Đau bụng dữ dội, dai dẳng, xuất hiện theo từng cơn;

  • Nôn ói nhiều lần;

  • Đi tiêu trên 8 lần trong 6 giờ;

  • Trẻ yếu, mệt mỏi, thờ ơ;

  • Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức;

  • Thóp của trẻ sơ sinh bị lõm;

  • Dịch nôn có màu xanh;

  • Tình trạng tiêu chảy không giảm sau 7 ngày…

2. Khi nào trẻ có thể xuất viện

Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, bé có thể xem xét xuất viện khi:

  • Bé không còn dấu hiệu mất nước;

  • Tình trạng rối loạn điện giải, kiềm toan, suy thận được kiểm soát;

  • Có thể bổ sung nước và điện giải bằng dung dịch bù nước;

  • Trẻ không mắc các bệnh đi kèm khác…

Để biết thêm thông tin về sự phát triển và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là một bệnh lý không gây nguy hiểm cho bé nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện uy tín để được kiểm tra và điều trị sớm. Lưu ý, việc sử dụng thuốc và các liệu pháp bù nước, bù điện giải để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ cần có chỉ định của bác sĩ. 

Giản Đơn