Tiếng ồn và vấn đề kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn tại tỉnh – Sở tài nguyên và môi trường phú thọ

Thứ sáu – 11/11/2011 00:36

Có thể một âm thanh hay đối với người này nhưng lại trở thành tiếng ồn khó chịu đối với người khác. Thậm chí, cùng một âm thanh như một bản nhạc và cùng một người nghe nhưng khi thì cảm thấy khó chịu và khi thì cảm thấy thích thú. Nói cách khác, tiếng ồn có tính tương đối và thật khó đánh giá nguồn tiếng ồn nào gây ảnh hưởng xấu hơn. Đặc tính vật lý chủ yếu của âm thanh là một loại sóng cơ lan truyền trong môi trường đàn hồi như là không khí, các vật liệu rắn, môi trường nước. Các đại lượng đặc trưng của âm thanh là tần số âm thanh chính là số dao động của âm thanh trong một đơn vị thời gian, kí hiệu là f, đơn vị đo trong hệ SI là Héc (Hz). Âm thanh mà tai người nghe được nằm trong phạm vi tần số từ 16Hz đến 20000Hz. Những âm thanh có tần số <16 Hz gọi là hạ âm. Tần số >20000 Hz gọi là siêu âm. Trong dải tần số âm thanh mà tai người nghe được, người ta còn chia ra: Những âm thanh có tần số <300 Hz gọi là âm hạ tần. Tần số trong khoảng 300 :1000 Hz gọi là âm trung tần. Tần số >1000 Hz gọi là âm cao tần. Tiếng nói bình thường của con người có dải tần từ 300Hz đến 2000Hz. Nghe rõ nhất là các âm có tần số xấp xỉ 1000Hz. Thính giác của con người có đặc tính là cảm thụ cường độ âm thanh theo hàm logarit như cường độ âm thanh tăng 100 lần nhưng ta chỉ cảm thấy to hơn 2 lần, hay khi cường độ âm thanh tăng 1000 lần nhưng ta chỉ nghe to gấp 3 lần. Vì vậy, có thể dùng nhiều hệ thống đơn vị vật lý khác nhau để đo mức cường độ âm thanh, nhưng được dùng phổ biến nhất là đơn vị đexiben. Đó là hệ thống thước đo được chia độ theo hàm số logarit, do ông Alffred Bell thiết lập nên. Bội số a10 của đêxiben là (dB) là Bel. Tương ứng với cường độ âm thanh yếu nhất mà tai con người nghe được là 1dB. Tai con người có thể cảm thụ một khoảng mức cường độ âm thanh rất rộng 0 – 180dB, gọi âm thanh 0 dB là ngưỡng bắt đầu nghe thấy, còn mức cao nhất mà tai có thể chịu được gọi là ngưỡng chói tai, thông thường ngưỡng này là 140 dB. Tuy vậy, có người đã cảm thấy chói tai khi nghe âm thanh chỉ mới ở mức 85 dB, một số người cảm thấy khó chịu khi âm thanh ở mức 115 dB. Tiếng nói chuyện thông thường hay tranh luận với nhau có mức âm biến thiên theo các tần số là 30 – 60 dB. Tác dụng của tiếng ồn đối với con người phụ thuộc vào tần số hay các xung âm thanh. Mức âm thanh gây ra do âm thanh tần số cao mạnh hơn âm tần số thấp. Đối với tiếng ồn không ổn định, đặc biệt là tiếng ồn giao thông, tiếng ồn từ các công trình xây dựng, …có thể thay đổi trong một phạm vi rất rộng, vì vậy mức ồn tức thời không có ý nghĩa, không đại diện được cho đặc trưng của loại tiếng ồn này. Người ta đưa ra một loại mức ồn chung, đặc trưng cho tất cả các loại tiếng ồn trong một khoảng thời gian nào đó, gọi là mức ồn tương đương. Thực chất mức ồn tương đương của các tiếng ồn không ổn định trong một khoảng thời gian nào đó là mức ồn ổn định, cùng gây ảnh hưởng tới con người như các tiếng ồn ổn định. Cần phải phân biệt rõ tiếng ồn giao thông do một xe gây ra và tiếng ồn do một luồng xe gây ra. Tiếng ồn của từng xe có thể tổng hợp từ động cơ và do sự rung động của các bộ phận của xe. Nó phụ thuộc trình độ thiết kế và công nghệ tiên tiến sản xuất xe. Động cơ càng chính xác, bộ giảm xóc của xe càng tốt thì tiếng ồn truyền đến vỏ xe và sau đó truyền ra ngoài càng nhỏ. Trình độ thiết kế và công nghệ sản xuất hiện nay đã đảm bảo có loại xe phát ra tiếng ồn nhỏ. Tiếng ồn của ống xả khói tức là giảm tiếng ồn từ ống xả khói phát ra là một vấn đề âm học đơn giản, nó đã được giải quyết một cách hoàn thiện. Tất nhiên, hệ thống tiêu âm càng tốt thì giá thành càng cao và đòi hỏi chi phí năng lượng nhiều hơn. Vì vậy trong thực tế, đáng tiếc rằng có một số người đã lắp ống xả khói không có tiêu âm để tiết kiệm năng lượng và để đỡ hại máy nên gây ra tiếng ồn rất lớn trên đường phố. Trường hợp đặc biệt là loại xe thể thao người ta vẫn để tiếng ồn qua ống xả khói tương đối to trong điều kiện có thể được, bởi vì giảm tiếng ồn, xả khói đòi hỏi tiêu hao năng lượng chạy xe nhiều hơn. Để giảm nhỏ tiếng ồn giao thông một cách tổng thể, thì trước hết là giảm tiếng ồn do từng xe gây ra. Đồng thời quy hoạch đường cũng có thể hỗ trợ cho việc giảm tiếng ồn giao thông. Đã phát hiện xe phát sinh ra tiếng ồn lớn nhất khi chạy ở số thấp, như vậy phải giảm bớt số lần xe dừng lại và khởi động thì sẽ làm giảm tiếng ồn giao thông. Các đường vòng, các tuyến đường xuyên trong thành phố phải có biện pháp giảm tiếng ồn. Đối với các loại đường ở trên thường xây tường che chắn nhân tạo và trồng các dãy cây xanh dày đặc ở hai bên đường để giảm tiếng ồn.

Theo báo cáo kết quả dự án mạng lưới điểm quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ Môi trường so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn khu vực thông thường mức ồn tối đa cho phép từ 6 giờ đến 21 giờ cho thấy: Khu vực phường Dữu Lâu, Bạch Hạc, Nông Trang, Thọ Sơn, Thanh Miếu, khu công nghiệp Thụy Vân thành phố Việt Trì tiềng ồn trung bình giao động ở mức 79,5 dB đến 83,8 dB vượt từ 1,14 đến 1,2 lần giới hạn cho phép. Đặc biệt là tiếng ồn ở khu công nghiệp Thụy Vân và khu nam Việt Trì luôn giao động ở mức cao trên 82dB trong vòng 6 tháng đầu năm 2011. Còn các khu vực khác trong địa bàn tỉnh như huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Ba, Hà Hoà,…mức ồn trung bình giao động ở mức 63 dB đến 70 dB nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, tại một số điểm quan trắc tại đường quốc lộ chính, các điểm nút giao thông, gần các cơ sở   công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ,… có thời điểm mức ồn giao động ở mức cao hơn từ 72,4 dB đến 76,8 dB vượt từ 1,03 đến 1,1 lần như huyện Phù Ninh và một số điểm quan trắc khác.

Có thể nói rằng tiếng ồn là ô nhiễm dễ kiểm soát nhất trong mọi vấn đề của ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, chỉ có giáo dục cho mọi người hiểu biết về sự cần thiết phải kiểm soát giảm nhỏ tiếng ồn và cơ quan Nhà nước có các biện pháp quản lý thích đáng mới phòng chống được ô nhiễm tiếng ồn. Một số biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn như sau: Đầu tiên là áp dụng các biện pháp có thể được để giảm tiếng ồn tại nguồn ồn, như là thiết kế và chế tạo các bộ phận giảm âm và ứng dụng chúng trong động cơ như: xe vận tải, máy móc cơ khí công nghiệp và các trang thiết bị cơ điện ở trong nhà, đó là biện pháp có hiệu quả nhất. Trường hợp đặc biệt không thể giảm nguồn ồn thì bảo vệ người làm việc ở môi trường ồn bằng cách sử dụng các dụng cụ chống ồn cá nhân như là nút tai và bao tai. Cải tiến thiết kế máy và quy trình vận hành máy, kiểm soát chấn động, tăng cường bọc nguồn âm bằng các vật liệu hút âm. Hạn chế tiếng ồn do xe vận chuyển gây ra bằng cách quy hoạch tổ chức các đường giao thông hợp lý. Thiết lập phân khu công nghiệp, tăng cường vành đai ngăn tiếng ồn ở xung quanh khu ở, trường học và bệnh viện. Thiết kế cách âm để làm cho tiếng ồn không xuyên qua kết cấu bao che vào phòng. Giảm cường độ giao thông trong vùng cần yên tĩnh. Thiết lập các vành đai cây xanh trong thành phố và khu vực công nghiệp. Phát triển trồng cây xanh hai bên đường, dải phân cách, chú ý chọn các cây có khả năng hút âm tốt. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát tiếng ồn trong nhà riêng như bố trí công trình ở xa nguồn ồn trong điều kiện có thể; bố trí cây xanh xung quanh khu vực gây ồn để hút âm; bố trí các phòng phụ như hành lang, phòng phục vụ,… ở phía gần nguồn ồn, các phòng ngủ, phòng làm việc ở phía yên tĩnh nên tập trung vào một phía và tăng cường cách âm; Nhà nước ban hành “Luật kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn”, thiết lập cơ quan quản lý và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố và các khu cụm, công nghiệp. Giáo dục người dân bằng truyền thanh, truyền hình về chống ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là ban đêm.