Tiền thưởng là gì? Quy định về tiền thưởng cho người lao động

Tiền thưởng là gì? Tiền thưởng cho lao động trong công ty có phần vốn góp của nhà nước?

    Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

    1. Tiền thưởng là gì?

    Tiền thưởng được hiểu là khoản thù lao bổ sung cho tiền lương để trả cho những yếu tố mới phát sinh trong quá trình lao động ( tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, sáng kiến…) chưa tính đến trong mức lương theo chức danh hoặc theo công việc. Điều 103 Bộ luật lao động có quy định về tiền thưởng như sau:

    Điều 103. Tiền thưởng

    1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

    2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

    Theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động, việc thưởng cho người lao động hay không là quyền của người sử dụng lao động. Căn cứ chung để xác định tiền thưởng cho người lao động là kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của người sử dụng lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Những vấn đề cụ thể như nguyên tắc, các trường hợp, tiêu chuẩn, thời gian, mức, cách thức, nguồn kinh phí thực hiện…thưởng sẽ được quy định trong quy chế của doanh nghiệp. Cũng có những trường hợp, tiền thưởng của người lao động sẽ được thỏa thuận ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động của hai bên.

    Riêng vấn đề tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ nhằm một mặt bảo toàn và phát triển vốn nhà nước , mặt khác tranh tình trạng lợi dụng để tham nhũng, lãng phí, chi tiêu tài chính không hợp lý.

    Tiền thường có tác dụng kích thích mạnh mẽ người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động, bảo đảm sự công bằng trong lĩnh vực trả lương…Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao dộng giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị , tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

    Xem thêm: Mức tiền thưởng danh hiệu thi đua, Bằng khen, Giấy khen mới nhất

    2. Tiền thưởng cho lao động trong công ty có phần vốn góp của nhà nước:

    Ngày 13 tháng 6 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2016/NĐ-CP nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị định số 51/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định số 50/2013/NĐ-CP Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nghị định số 51/2016/NĐ-CP đã có những quy định mới so với nghị định 50/2013/NĐ-CP. Trong đó, có hai vấn đề quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động như sau:

    1. Đối tượng điều chỉnh

    Nghị định số 51/2016/NĐ-CP quy định cụ thể hơn Nghị định số 50/2013/NĐ-CP về đối tượng điều chỉnh. Nghị định số 51/2016/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với những công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước năm giữ 100% vốn Điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ. Do đó, những công ty trách nhiệm nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ nằm trong nhóm công ty hoặc tập đoàn kinh tế nhưng không phải là công ty mẹ thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP.

    2. Quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương

    Quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong  Nghị định số 51/2016/NĐ-CP được xây dựng và ban hành dựa theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bản lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động. Trong đó, bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%. 

    Tiếp theo, mức lương khởi điểm của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, cụ thể:

    – Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

    – Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

    – Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

    Trong quá trình xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương, công ty cần phải bảo đảm sự bình đẳng và không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn đối với người lao động, đồng thời phải xây dựng tiêu chuẩn để xếp lương, điều kiện nâng bậc lương.

    Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, công ty cần đảm bảo thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động và bảo đảm các quy định của pháp luật lao động.

    Đặc biệt, khi công ty xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ – Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt đồng thời gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.