Tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam – FPT Digital

Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, từ 6,5 -7 % hằng năm, kéo theo nhu cầu năng lượng dự báo tăng trung bình 11%/năm. Bối cảnh này tạo ra nhiều cơ hội mới trong ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, Việt Nam cần đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 15-20% vào 2030 và 20-30% vào 2045 (1). Hiện tại ở Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện là hai nguồn cung cấp năng lượng chính vì cho ra nguồn điện ổn định và giá thành phù hợp.

Nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao; trong khi giới hạn về trữ lượng và khả năng khai thác các nguồn năng lượng nội địa như than, dầu, khí đốt; dẫn tới việc chúng ta vẫn phải nhập khẩu than, khí đốt và các sản phẩm dầu, điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ không đảm bảo an ninh năng lượng bền vững trong tương lai vì nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt dần. Đồng thời, môi trường và sức khỏe của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình khai thác và sử dụng những nguồn khoáng sản này.

Vì vậy, việc chuyển dịch sang đầu tư vào năng lượng tái tạo, dựa trên nhiều lợi thế về địa lý và thiên nhiên, sẽ giúp cho Việt Nam chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế.

Tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Ngành năng lượng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển tích cực với các nguồn “năng lượng xanh”. Việt Nam cũng thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện song biển và khí sinh học Biogas bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas), thủy điện và điện than.

Các nguồn năng lượng tái tạo mới

  • Vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s (2). Các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung bộ có bức xạ mặt trời cao trung bình 1.387-1.534 Kwh/KWp/năm. Đây là lợi thế tự nhiên tạo ra sức hút lớn về đầu tư vào điện gió và điện mặt trời ở các tỉnh này. Bên cạnh lợi thế về gió, bức xạ mặt trời thì với diện tích rừng lớn, chỉ riêng tại Cà Mau, lượng khai thác và các chế phẩm từ gỗ đạt khoảng 225.000-300.000 tấn/năm cũng là tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối (3).
  • Lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm. Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Dự tính đến 2030, Việt Nam sẽ cần 12 tỷ USD để đầu tư nguồn điện mới. Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (4). Đồng thời, cùng với chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo, trong 3 năm vừa qua, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Tổng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện là trên 5,1 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 4 lần so với năm trước đó (5).

 

Vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tại tăng trong 2 năm gần đây

  • Chi phí xây dựng lắp đặt ngày càng giảm. Chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) đối với điện mặt trời tại Việt Nam đã giảm 106% trong vòng bốn năm trở lại đây. Dự kiến đến năm 2022, đầu tư vào điện gió trên đất liền sẽ rẻ hơn đầu tư vào nhà máy nhiệt điện than mới (6). Ngoài ra, Việt Nam cũng có thế mạnh về sản xuất và đã có những nhà máy chuyên sản xuất tấm quang năng. Đồng thời, sở hữu cơ sở hạ tầng và mạng lưới truyền tải vững chắc.

Hướng đến một hệ thống năng lượng đa dạng hơn

Tận dụng các tiềm năng đang có, một hệ thống năng lượng đa dạng với các công nghệ sản xuất năng lượng và pin dự trữ sẽ là phương án lựa chọn với chi phí tối ưu, phù hợp cho Việt Nam và mang lại nhiều lợi ích như:

  • Giảm sự lệ thuộc vào các nguồn nhiên liệu than, dầu và khí đốt. Giúp chủ động hơn trong điều phối giá và giảm thiểu rủi ro từ tác động của thị trường bên ngoài.
  • Khai thác được tiềm năng của nhiều tỉnh trải khắp Việt Nam, đặc biệt vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với nắng gió lên đến 300 ngày/năm. Hiện nay chúng ta đã có các dự án đang triển khai giai đoạn đầu và thu lại được kết quả khả quan là điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, cùng với các dự án điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ.

Mô hình năng lượng tái tạo

  • Đóng góp cho sự phát triển kinh tế của những tỉnh có đầu tư cho nguồn năng lượng mới này. Đó là khi đầu tư mới sẽ tác động phát triển công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ và thị trường bất động sản, khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang, khô và góp phần vào phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn. Ngoài ra, ngành năng lượng tái tạo sẽ tạo ra được nhiều việc làm mới với thu nhập trên mức trung bình. Riêng tại tỉnh Ninh Thuận, đã có hơn 17.380 công việc mới tạo ra (7).
  • Giảm thiểu tác động đến môi trường. Sản xuất năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm 32% lượng khí thải nhà kính (8), giảm ô nhiễm không khí và các chi phí liên quan. Việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng sạch sẽ giúp giảm tải áp lực của ngành nhiệt điện về vấn đề môi trường trong quá trình xử lý than làm ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước, ảnh hưởng đến đặc điểm của địa chất thủy văn vùng khai thác.

Bài đọc nhiều nhất

Doanh nghiệp sản xuất nên đầu tư ERP hay MES?

Digital Strategy 03/04/2023

Tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu hướng chủ đạo và nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Việc phát triển năng lượng tái tạo là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế ở các tỉnh, bảo vệ môi trường, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì Việt Nam sẽ cần những chính sách để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Với sự hỗ trợ từ những chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có nhiều cơ sở để phát triển và thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Bộ Công Thương. 2020. Kiến nghị giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo
(2) Globalwindatlas. Info area Vietnam
(3) Bộ KH&ĐT. 2021. Thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long
(4) EY. 2019. Renewable Energy Country Attractiveness Index (RECAI)
(5) Bộ KH&ĐT. 2020. Thu hút FDI năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD
(6) Carbon tracker. 2018. Economic and financial risks of coal power in Indonesia, Vietnam and the Philippines
(7) VGP news. 2021. Xây dựng Ninh Thuận thành vùng lõi về phát triển năng lượng tái tạo
(8) VBF. 2019. Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam