Tích cực gỡ vướng, trả “nợ” đất dịch vụ cho dân

(HNM) – Trong khi hàng loạt dự án (DA) xây dựng khu đô thị, cụm công nghiệp tại huyện Hoài Đức mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư, thì hàng nghìn hộ dân bị thu hồi đất ở đây vẫn chưa được nhận đất dịch vụ (ĐDV). Quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều DA kéo dài, chính sách bồi thường, hỗ trợ thay đổi qua các thời kỳ… khiến nhiều phức tạp nảy sinh. Trước thực tế này, các sở, ngành của thành phố đã vào cuộc, nhiều khó khăn đang từng bước được tháo gỡ nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất…

Hạ tầng đất dịch vụ ở xã Lại Yên đã được xây dựng xong nhưng vẫn chưa triển khai được việc giao đất dịch vụ cho người dân.


Mong mỏi của người dân

Đã nhiều năm nay, câu chuyện trở đi trở lại quanh giếng làng, quán nước, sân đình ở nhiều làng quê của huyện Hoài Đức là câu hỏi “bao giờ người dân được nhận ĐDV?”. Câu chuyện tuy cũ nhưng có “sức bền” cả chục năm và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Vinh, thôn An Thọ, xã An Khánh cho biết: Gia đình tôi có 6 khẩu được chia ruộng theo Nghị định 64/CP do bố tôi đại diện là chủ hộ. Khi anh em tôi xây dựng gia đình, đã được bố mẹ tách trả ruộng, chúng tôi canh tác độc lập, nộp thuế, sản phẩm riêng cho phần ruộng của mình. Vì không làm thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi bị thu hồi đất (3.100m2), gia đình tôi chỉ được 1 suất ĐDV, diện tích 150m2. Khi tôi thắc mắc thì được trả lời, Quyết định 1098/QĐ-UBND ngày 28-6-2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quy định hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi được hưởng chính sách ĐDV 10% nhưng không quá 150m2/hộ.

Tương tự, gia đình các ông: Vũ Tiến Hành, Nguyễn Quốc Bảo (thôn 1), Nguyễn Văn Huệ (thôn 2)… xã Lại Yên cũng là hộ đông nhân khẩu, đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều (từ 1.770m2 đến 2.935m2) nhưng cũng chỉ được 150m2 ĐDV. Cho rằng quy định này gây thiệt thòi cho người bị thu hồi đất nên không được các hộ dân đồng thuận, vì thế khi thực hiện quyết định thu hồi đất, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cấp ĐDV tại huyện Hoài Đức “chậm như rùa”.

Quyết định 1098/QĐ-UBND ngày 28-6-2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quy định hạn mức giao đất dịch vụ làm mặt bằng sản xuất kinh doanh hoặc đất ở được tính bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho mỗi hộ gia đình, cá nhân nhưng tối đa không quá 150m2/hộ. Quy định này không được người dân hưởng ứng vì khi giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP là giao theo nhân khẩu, nhưng khi tính hỗ trợ chuyển đổi việc làm lại chỉ tính theo hộ gia đình? Trên thực tế nhiều hộ có đến 10 khẩu, bị thu hồi 2.000 – 3.000m2 nhưng cũng chỉ được 150m2 ĐDV. Trong khi đó, hộ ít nhân khẩu, bị thu hồi 1.500m2 cũng được 150m2 ĐDV. Con số này cho thấy sự chênh lệch và thiếu công bằng…

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Văn Thịnh, cán bộ địa chính xã Lại Yên cho biết: Từ năm 2001 đến 2007, trên địa bàn xã Lại Yên triển khai hàng loạt DA và đã có 1.397 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Để trả ĐDV cho các hộ dân, xã Lại Yên đã tính đủ ĐDV trên địa bàn toàn xã là 17,05ha. Tuy nhiên, do quy hoạch phân khu đô thị S2 của thành phố chồng lấn vào quỹ ĐDV hơn 4ha nên việc triển khai giao ĐDV bị chậm lại… Bên cạnh đó, 195 hộ dân bị thu hồi đất cho DA Cụm công nghiệp An Ninh từ năm 2001 cũng không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ. Lý do các hộ không đồng tình là bởi giá bồi thường quá thấp (khoảng 23 triệu đồng/sào) không sát thực tế và các hộ không được nhận ĐDV vì thời điểm năm 2001, Nghị định 17/NĐ-CP ngày 17-1-2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chưa được ban hành. Song, do việc GPMB kéo dài đến tận năm 2007 và một số DA liền kề, ở các xã giáp ranh cùng thời điểm thu hồi (từ năm 2004 đến 2007) đều được ĐDV đã gây bức xúc cho các hộ dân.

Tương tự, DA Cụm công nghiệp An Khánh (xã An Khánh) cũng thu hồi đất của 824 hộ và người bị thu hồi đất không được hỗ trợ bằng ĐDV. Trong khi đó, một số DA khác quy hoạch chồng vào DA Cụm công nghiệp An Khánh lại được ĐDV… Sự bất nhất này khiến các hộ dân bị thu hồi đất ở DA Cụm Công nghiệp An Ninh và Cụm công nghiệp An Khánh đồng loạt gửi đơn đến các cấp, đề nghị được hỗ trợ, chuyển đổi nghề, tạo việc làm bằng giao ĐDV. Đề nghị này cũng đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hoài Đức nhất trí với đề xuất của xã Lại Yên, An Khánh và 2 địa phương này cũng đã bố trí đủ quỹ đất cho hơn 1.000 hộ nói trên…

Tháo gỡ từng “mắt xích”

Đầu những năm 2000, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã triển khai 66 DA và 13.610 hộ dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn đã bị thu hồi đất nông nghiệp. Khi thu hồi đất, các địa phương đã căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tách ruộng, biên lai nộp sản phẩm và các giấy tờ liên quan để xét danh sách các hộ đủ điều kiện giao ĐDV. Đồng thời, các thôn, xóm đều họp công khai để người dân đồng thuận. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đều bố trí đủ quỹ ĐDV cho cả phần diện tích của các hộ bị thu hồi lớn hơn 1.500m2. Theo đó, quỹ ĐDV tương ứng khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân trên toàn huyện là 107,7ha. Năm 2010, khi triển khai quy hoạch phân khu đô thị của thành phố, khoảng 27,9ha ĐDV của huyện Hoài Đức đã bị chồng lấn quy hoạch. Sau một thời gian rà soát cụ thể quỹ ĐDV từng xã, đến nay các địa phương đã cơ bản làm xong thủ tục điều chỉnh quy hoạch và đang thực hiện tiếp việc xây dựng hạ tầng.

Một vướng mắc nữa phải kể đến, đó là những hộ đã được hỗ trợ bằng ĐDV trước đây nhưng chưa đủ hạn mức 150m2/hộ thì nay sẽ chỉ được nhận hỗ trợ bằng mức tiền 3,5 lần giá đất nông nghiệp tại địa phương; còn những hộ chưa được nhận ĐDV được hưởng mức 5 lần giá đất nông nghiệp. Điều này cũng bị người dân phản đối, vì hầu hết các hộ bị thu hồi đất hiện nay diện tích còn lại rất ít, giá đất nông nghiệp lại thấp, không sát giá chuyển nhượng trên thị trường. Trước thực tế này, UBND các xã và UBND huyện Hoài Đức đều kiến nghị UBND thành phố cho áp dụng mức hỗ trợ, chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng 5 lần đối với các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp…

Những vướng mắc, đề xuất nêu trên đã được “mổ xẻ”, họp bàn từ rất lâu, nhưng để bảo đảm mặt bằng chung trong GPMB cần sự vào cuộc rà soát của rất nhiều các sở, ngành của thành phố. Ông Khuất Trọng Kiên, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Hoài Đức cho biết: Những năm gần đây, các sở, ngành của thành phố rất tích cực chỉ đạo, xem xét tháo gỡ vướng mắc trong công tác giao ĐDV cho các hộ dân ở huyện Hoài Đức. Đến nay, những vướng mắc cơ bản đã được Đoàn công tác liên ngành thành phố xác định, thống nhất cách xử lý. Gần đây nhất, tại cuộc họp ngày 25-8-2016, liên ngành đã thống nhất đề nghị UBND thành phố cho áp dụng đặc thù chính sách ĐDV cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi vào 2 dự án Cụm công nghiệp An Ninh, Cụm công nghiệp An Khánh và xét giao đủ ĐDV 10% cho các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp vượt quá 1.500m2.

Với những cố gắng, nỗ lực, đến nay huyện Hoài Đức đã có 3/12 xã, thị trấn giao được ĐDV với diện tích 3,8ha, tương đương 716 hộ. 9 xã còn lại đã xây dựng phương án giao đất, quy chế bốc thăm. Trong khi chờ ý kiến của UBND thành phố về xét chính sách đặc thù ĐDV, UBND huyện Hoài Đức vẫn tiếp tục triển khai các kế hoạch liên quan đến việc xét, giao ĐDV, phấn đấu để các hộ bốc thăm, tiến tới giao được đất cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất…